Trong nước

Việt Nam dẫn đầu ASEAN về điện mặt trời và vẫn còn tiềm năng lớn

K Hưng 13/05/2024 18:43

Là nhận định của đại diện Trina Solar trong một hội thảo mới đây. Các chuyên gia cũng cho rằng, kết quả này nhờ vào việc Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế.

Đại diện Trina Solar cho biết: "Tính đến năm 2023, Việt Nam ghi nhận 17 GW công suất điện mặt trời lắp đặt. Việt Nam dẫn đầu các quốc gia ASEAN về công suất lắp đặt điện mặt trời, thậm chí, còn gần gấp đôi tổng công suất của các quốc gia trong khu vực ASEAN cộng lại"

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, trong bối cảnh nhu cầu điện của cả nước tiếp tục tăng do tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, dự kiến từ 5 - 7% mỗi năm trong những năm tới.

Bà Elva Wang - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Trina Solar cho rằng, tăng trưởng kinh tế một phần nhờ vào sản xuất đang thúc đẩy nhu cầu năng lượng ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng cao kết hợp với thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán và mực nước thuỷ điện thấp đang gây ra các đợt mất điện, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt.

Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đang hướng tới loại bỏ dần sản xuất điện than vào năm 2050 và tăng công suất lắp đặt điện mặt trời lên 34%, tăng từ 23% vào năm 2022. Quy hoạch điện cũng dự báo mức lưu trữ năng lượng sẽ tăng lên 300 MWh vào năm 2030và 26 GWh vào năm 2050.

“Trong năm 2023, tổng công suất sản xuất năng lượng tái tạo của Việt Nam đạt 21,6 GW và tiềm năng vẫn còn rất lớn vì nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm gần một nửa sản lượng điện sản xuất”, bà Elva Wang thông nói thêm.

anh-man-hinh-2024-05-13-luc-14.24.29.png
Sản lượng điện sản xuất trong Quý 1/2024 của Việt Nam. Nguồn: EVN

Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA), trong năm 2023, năng lượng mặt trời chiếm hơn một phần ba tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo lắp đặt tại Việt Nam. Nhiều “ông lớn” trong ngành năng lượng cũng đã nhắm đến thị trường này. Trong đó phải kể tới hai nhà máy tại Thái Nguyên của Trina Solar với tổng số vốn đăng ký đầu tư 478 triệu USD, gồm: Dự án sản xuất tấm tế bào quang điện (pin năng lượng mặt trời), tấm module năng lượng mặt trời với vốn đầu tư 203 triệu USD; Dự án sản xuất thanh silic và tấm silic đơn tinh thể đơn tinh thể 210mm có chất lượng đầu ngành với vốn đầu tư 275 triệu USD.

Hiện tại, nhà máy đang tăng tốc ổn định để đạt công suất sản xuất tối đa: 6,5GW tấm bán dẫn, 4GW tế bào quang điện và 5GW mô-đun.
Liên quan đến thông tin Trina Solar sắp rót tiếp 454 triệu USD đầu tư dự án thứ ba tại Thái Nguyên, đại diện không phủ nhận cũng không khẳng định.

Bà Elva Wang chia sẻ rằng, Việt Nam đang là nơi đặt nhà máy lớn nhất của công ty bên ngoài Trung Quốc với quy trình sản xuất tiên tiến, có giá trị cao như chuyển đổi các tấm bán dẫn thành tế bào quang điện cũng như lắp ráp mô-đun. Trong đó, các mô-đun Vertex hiệu suất cao của Trina Solar sản xuất tại Việt Nam đang được bán tại thị trường nội địa, khu vực Châu Á và trên toàn thế giới.

Một số dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn và dự án ở phân khúc thương mại và công nghiệp (C&I) lớn nhất của Việt Nam đang sử dụng các mô-đun của Trina Solar. Các dự án điện mặt trời quy mô lớn sử dụng mô-đun Vertex do Trina Solar cung cấp có thể kể đến như nhà máy điện mặt trời nổi Đầm Trà Ổ công suất 51MW ở tỉnh Bình Định, và nhà máy điện mặt trời trên mặt đất Vĩnh Long công suất 49MW gần mũi phía nam của Việt Nam.

Bà Elva Wang cho biết thêm: “Nhà máy tại Việt Nam là nhà máy lớn nhất của chúng tôi bên ngoài Trung Quốc với quy trình sản xuất tiên tiến, có giá trị cao như chuyển đổi các tấm bán dẫn thành tế bào quang điện cũng như lắp ráp mô-đun. Các mô-đun của Trina Solar sử dụng công nghệ hai mặt kính, phù hợp với các môi trường khắc nghiệt như ở gần biển với độ ẩm cao và mang hơi muối”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam dẫn đầu ASEAN về điện mặt trời và vẫn còn tiềm năng lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO