Việt Nam cần hơn 700 tỷ USD để xử lý chuyển đổi xanh
Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, Việt Nam có thể cần thêm khoảng 701 tỷ USD để xử lý những thách thức liên quan biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh.
Theo WB, Việt Nam là một trong 10 quốc gia bị biến đổi khí hậu và thiên tai gây ảnh hưởng nhiều nhất trên toàn cầu. Hằng năm, bình quân khoảng 852 triệu USD giá trị hoạt động kinh tế và 316.000 việc làm trong các lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch và công nghiệp phải chịu rủi ro từ tình trạng lũ, lụt bờ sông và bờ biển.
Đây là vấn đề rất cấp thiết tại nhiều địa bàn động lực tăng trưởng của cả nước và các vùng liên quan như TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ - những địa phương tuyến đầu nhưng cũng phải hứng chịu các hậu quả liên quan tới thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu.
Lấy đơn cử Đà Nẵng, WB ước tính, thành phố có thể chịu tổn thất về tài sản ở mức khoảng 900 tỷ đồng - tương đương khoảng 4,5% chi tiêu hằng năm và 0,8% GRDP do các sự kiện thời tiết cực đoan gây ra trong giai đoạn 2021-2030. Hay tại vùng đồng bằng sông Cửu Long với hơn 17 triệu dân còn phải đối mặt với nguy cơ cao về nước biển dâng, xâm nhập mặn, sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển.
Thực trạng trên khiến cho đầu tư công và tài sản công của Việt Nam đối diện với rủi ro khí hậu và các sự kiện thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng.
Trong năm 2022, phí tổn do thiệt hại trực tiếp đối với công trình hạ tầng năng lượng và giao thông do bão và ngập lụt gây ra ước tính lên đến 475 triệu USD. Các doanh nghiệp ước tính phải chi đến 280 triệu USD do hạ tầng chưa đảm bảo tin cậy và có khả năng chống chịu. Dự báo, chi phí cải thiện khả năng chống chịu vùng duyên hải lên đến 4 tỷ USD vào năm 2035, trong đó riêng chi phí xây dựng và nâng cấp đê biển phải mất đến 2 tỷ USD.
Chất lượng công trình hạ tầng bị tác động cũng ảnh hưởng đến khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn.
Theo một khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tuy hạ tầng Việt Nam được nhận định là đã có cải thiện qua quá trình tăng đầu tư nhưng chất lượng công trình vẫn đứng sau các quốc gia trong khu vực, ở mức 77/141 nền kinh tế trên thế giới. Mức xếp hạng này thấp hơn so với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan - những quốc gia Việt Nam đang cạnh tranh để thu hút vốn FDI. Thiếu hụt đầu tư cho hạ tầng sẽ hạn chế khả năng để Việt Nam thu hút và giữ chân nhà đầu tư FDI.
WB cũng ước tính, tổng nhu cầu tài chính phát sinh thêm của Việt Nam để xử lý những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh có thể lên đến khoảng 701 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm. Đầu tư công - với vai trò quan trọng trong việc làm hình mẫu và chất xúc tác thu hút đầu tư tư nhân có thể chiếm hơn 1/3 nhu cầu tài chính, tương đương khoảng 2,4% GDP.
Trong đó, lộ trình nâng cao khả năng chống chịu đã có thể chiếm khoảng 2/3 nguồn tài chính trên vì cần huy động một lượng kinh phí lớn để phòng vệ cho tài sản và công trình hạ tầng của quốc gia cũng như những người dân có nguy cơ dễ tổn thương. Tuy nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu chưa được xem xét đầy đủ trong chiến lược tài khóa tổng thể cũng như trong việc xác định dự án ưu tiên cho đầu tư công ở Việt Nam.