Trong khi đó, người mua vàng cầu may chỉ mua nhỏ lẻ vàng nhẫn, các miếng vàng tài lộc, nữ trang. So với cuối ngày hôm qua, giá vàng niêm yết tại các cơ sở kinh doanh vàng tăng 180.000 - 250.000đ/lượng tùy theo từng sản phẩm, trong bối cảnh giá vàng trên thế giới có phiên tăng thứ ba liên tiếp.
Khách đến mua vàng tại tiệm vàng Mi Hồng vắng hơn mọi năm. Ảnh: Ngọc Phượng |
Ghi nhận lúc 9g30, Công ty Vàng bạc đá quý SJC niêm yết giá vàng miếng tại 61,7-62,7 triệu đồng/lượng, tăng 200.000đ cả hai chiều so với cuối ngày hôm qua. Chênh lệch mua bán lên tới 1 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI giữ nguyên giá mua ở mức 61,1 triệu đồng và tăng giá bán ra 200.000đ lên 62,7 triệu đồng. Do đó chênh lệch giữa giá bán ra và mua vào được nới rộng lên tới mức 1,6 triệu đồng - mức cao nhất vài tháng qua.
Thông thường, những lúc giá biến động mạnh hoặc giao dịch đột biến, các doanh nghiệp vàng sẽ nới rộng biên độ mua bán để giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, ngày vía Thần Tài năm nay rơi vào giữa tuần và diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh, nên không khí giao dịch ghi nhận tại cả Hà Nội lẫn TP.HCM đều kém sôi động hơn.
Tại Hà Nội, khác với ngày vía Thần Tài những năm trước, đầu phiên giao dịch hôm nay, tại nhiều cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông, khách đến mua không phải xếp hàng dài chờ mua, thanh toán do lượng khách đến giao dịch không đông. Theo một số chủ cửa hàng, nhiều khách hàng đã quen với việc đặt mua online thay vì đến tận cửa hàng giao dịch để tránh nguy cơ lây lan Covid-19.
Theo bà Nguyễn Luyến - Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Bảo Tín Minh Châu, lượng khách mua vàng online tăng 20-30% so với năm ngoái. Khách đặt mua online từ ngày 6/2/2022. Vào đúng ngày vía Thần Tài, khách sẽ đến nhận trực tiếp vàng tại cửa hàng hoặc cửa hàng sẽ giao tận nơi cho khách. Sản phẩm khách mua chủ yếu có trọng lượng nhỏ nhẹ từ 1-2 chỉ, thậm chí 0,5 chỉ.
Khách mua vàng tại Công ty PNJ sáng nay, đa phần chọn nữ trang và vàng tài lộc. Ảnh: Ngọc Phượng |
Tại TP.HCM, lượng người đến các cửa hàng vàng mua vàng ngày Thần Tài cũng giảm so với mọi năm do nhiều nguyên nhân như dịch bệnh, chuyển sang mua online và do giá vàng cao. Tiệm vàng Mi Hồng (chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh) từ 7g00 đón khoảng 50-60 khách hàng ghé mua vàng từ sớm. Khu vực để xe bên ngoài gần như kín chỗ.
So với các năm trước, số lượng người đến mua vàng đã giảm đáng kể. Những năm trước, trong ngày này cửa hàng luôn phải mở thêm cửa trong vì không còn chỗ để xe, trong cửa hàng cũng không còn chỗ chen chân, còn năm nay dù vào giờ cao điểm vẫn khá vắng. Các loại vàng miếng và trang sức thu hút khách hàng nhiều nhất. Trung bình mỗi người thường mua khoảng 1-2 chỉ vàng.
Tại SBJ Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q,3), khách hàng ghé đông từ khoảng 8g00 sáng. Đại diện đơn vị cho biết, các sản phẩm vàng chế tác và trang sức hút khách hơn hẳn. Để giảm thời gian chờ đợi, cửa hàng khuyến khích người mua thanh toán qua QR code.
Trong khi đó, tại SCJ Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), khoảng 8g30 có khá đông khách nhưng đại diện cho rằng vẫn ít hơn hàng năm. Khách mua nhiều vàng miếng, 1-2-5 chỉ và tượng thần tài, phù điêu cọp. Sáng nay, cửa hàng này hết sạch vàng 1 chỉ. Tượng cọp 5 chỉ cũng được mua hết ngay khi mở cửa.
Còn tại cửa hàng Công ty PNJ trên đường Hai Bà Trưng, Q.1, lượng người mua vàng có tăng so với hôm qua nhưng không đến mức phải chờ đợi.
SJC Nguyễn Thị Minh Khai khuyến khích khách thanh toán tiền mặt khi mua vàng ngày vía Thần Tài. Ảnh: Tất Đạt |
Theo các công ty vàng, một trong những yếu tố tác động đến sức mua ngày vía Thần Tài năm nay là dịch bệnh, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng và giá vàng đã bị đẩy lên khá cao trước ngày Thần Tài, nhất là vàng miếng. Do vậy các công ty chỉ chuẩn bị một lượng hàng vừa đủ theo dự báo sức mua chứ không tăng mạnh như những năm trước. Nếu so với mức 56 triệu đồng/lượng dịp Thần Tài năm ngoái, giá vàng miếng SJC đã tăng hơn 6 triệu đồng/lượng.