Vì sao VinaCapital gom cổ phiếu KDC?

Dương Nguyễn| 05/08/2020 07:53

Một chuyên gia tài chính đánh giá, chiến lược phát triển dựa trên ngành hàng tiêu dùng nhanh trong dài hạn có thể là lý do hấp dẫn VinaCapital. Đây là ngành có nhu cầu cao và tăng trưởng liên tục, bất chấp đại dịch vừa qua.

Hai quỹ đầu tư thuộc Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital vừa công bố đã mua vào thêm gần 4 triệu cổ phiếu KDC của Tập đoàn Kido vào cuối tháng 7/2020. Hiện tại, VinaCapital đang nắm giữ gần 26 triệu cổ phiếu KDC, tương ứng khoảng 12,5%. Có thể thấy, trong hai tháng 6 và 7/2020, VinaCapital đã tăng gom mua cổ phiếu KDC. Bởi hồi đầu tháng 6, đơn vị này mới sở hữu hơn 12 triệu cổ phiếu KDC. Đến nay, con số đó đã tăng gấp đôi.

Hồi tháng 7, báo cáo của VinaCapital cho biết sẽ giảm đầu tư vào cổ phiếu niêm yết và tăng đầu tư vào các công ty tư nhân. Thực tế, trong 5 tháng đầu năm 2020, một quỹ con thuộc VinaCapital là Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) đã bán mạnh cổ phiếu niêm yết (78 triệu USD) để tăng mua vào cổ phần của các công ty tư nhân (47 triệu USD). Do đâu mà KDC trở thành ngoại lệ để VinaCapital mua vào và mua nhiều đến thế?

[Caption]Trong hai tháng 6 và 7/2020, VinaCapital đã tăng gom mua cổ phiếu KDC.

 VinaCapital đã tăng gom mua cổ phiếu KDC vào tháng 6 và tháng 7

Ngược trở lại đại hội cổ đông hồi tháng 6/2020 của KDC, có nhiều thông tin đáng chú ý. Đó là KDC sẽ bắt tay với Vinamilk để tiến sâu hơn vào ngành tiêu dùng, mở rộng sang ngành nước giải khát (không ga), sữa… với thương hiệu Vibev. Trong đó, tỷ lệ vốn góp của VNM là 51%, còn KDC là 49%. Đây là ngành được KDC nói là ấp ủ từ lâu. Dung lượng thị trường nước giải khát hiện ở mức hơn 123.000 tỷ đồng, dự kiến tăng hơn 6% cho giai đoạn 2020-2023, với quy mô dự đạt hơn 134.000 tỷ đồng.

Đồng thời, sau 5 năm bán mảng bánh kẹo cho đối tác nước ngoài, KDC ôm mộng trở lại ngành này và vươn lên vị trí thứ hai thị trường sau 2 năm nữa. KDC cho biết sẽ quay về mảng truyền thống bánh kẹo ngay trong quý III/2020 - đặc biệt cũng là thềm Tết Trung thu dưới thương hiệu Kingdom. Quy mô thị trường ngành snacking hiện nay khoảng 51.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với vài năm trước.

Một chuyên gia tài chính đánh giá, chiến lược phát triển dựa trên ngành hàng tiêu dùng nhanh trong dài hạn có thể là lý do hấp dẫn VinaCapital. Đây là ngành có nhu cầu cao và tăng trưởng liên tục, bất chấp đại dịch vừa qua. Ngoài ra, nhà đầu tư kỳ vọng KDC có thể đem về mức lợi nhuận lớn nhờ việc bắt tay với doanh nghiệp lớn là Vinamilk cũng như từ ngành snacking - cụ thể là bánh Trung thu.

[Caption]Vị chuyên gia này cũng lưu ý, dù thị trường quà biếu vẫn ổn định, nhưng nhu cầu về bánh trung thu đang giảm dần, không còn sôi nổi như hồi KDC còn thống trị.

 Nhu cầu về bánh Trung thu đang giảm dần, không còn sôi nổi như hồi KDC còn thống trị.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý, dù thị trường quà biếu vẫn ổn định nhưng nhu cầu về bánh Trung thu đang giảm dần, không còn sôi nổi như hồi KDC còn thống trị. Bởi vậy, dù giá cổ phiếu KDC tăng liên tục, vị này khuyến cáo nhà đầu tư nên cẩn trọng.

Từ đầu tháng 4/2020 đến nay, giá cổ phiếu KDC đã tăng mạnh từ mức đáy ngắn hạn là hơn 14.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá hiện tại là gần 32.000 đồng/cổ phiếu, giá KDC đã tăng hơn gấp đôi.

Một yếu tố khác củng cố sự tăng giá của cổ phiếu KDC những ngày qua là KDC kiếm được mức lợi nhuận khá tốt trong nửa đầu năm 2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, KDC đạt gần 3.700 tỷ doanh thu, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu là do tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dầu (chiếm 81% doanh thu toàn tập đoàn).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao VinaCapital gom cổ phiếu KDC?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO