Vì sao ngân hàng đề xuất nới room tăng trưởng?

Anh Khoa| 14/07/2021 08:00

Dù việc cho vay đã chậm lại do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, ngành ngân hàng giảm kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm nay, nhưng khá nhiều ngân hàng vẫn đề xuất được nới room tăng trưởng dư nợ trong nửa cuối năm. Vì sao lại như vậy?

Room tín dụng sắp được nới

Định kỳ cứ mỗi cuối quý II, đầu quý III hằng năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thường xem xét và có quyết định nới rộng hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Năm nay cũng không ngoại lệ, khi ngay từ tháng 5, nhiều nhà băng đã sớm đề xuất được tăng hạn mức tăng trưởng dư nợ trong nửa cuối năm.

Một số ý kiến gần đây cho rằng, chính sách phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng từng năm cho các ngân hàng nên được bãi bỏ, vì không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, NHNN chỉ nên quản lý theo hệ số an toàn vốn (CAR) và những tỷ lệ an toàn khác. Về phần mình, NHNN vẫn cho rằng đây là một công cụ quản lý cần thiết, khi có thể căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng tổ chức tín dụng để xếp hạng A, B, C... và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng linh hoạt.

Một số nguồn tin mới đây cho biết, NHNN sẽ nới room tín dụng cho một số ngân hàng trong quý III, trong đó các ngân hàng trong “nhóm lớn” sẽ được nới room từ 10-12%, các ngân hàng thương mại cổ phần có thể được nới room lên đến 20-25%. Điều này có vẻ khá mâu thuẫn khi trước đây không lâu, NHNN từng chia sẻ ba tình huống tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh, trong đó tình huống tiêu cực là Covid-19 sẽ kéo dài đến hết năm nay, theo đó tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể chỉ đạt khoảng 7-8%.

Tăng trưởng tín dụng cũng đã chậm lại đáng kể trong giai đoạn gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh bùng phát trở lại. Tính đến ngày 21/6/2021, tăng trưởng tín dụng đạt 5,47% so với đầu năm, dù cao hơn so với mức tăng 2,45% cùng kỳ năm trước, nhưng nếu so với mức tăng 4,14% đã đạt được vào cuối tháng 4, có thể thấy việc cho vay đã chậm lại đáng kể trong tháng 5 và tháng 6. Trong bối cảnh này, việc hàng loạt ngân hàng tiếp tục đề xuất nới room tín dụng gây không ít ngạc nhiên.

TNB-45312-3963-1626144212.jpg

Dư địa tăng trưởng vẫn cao

Cũng cần biết rằng, dù tăng trưởng tín dụng toàn ngành chậm lại, nhưng việc một số ngân hàng đã sớm chạm hạn mức tăng trưởng cho năm nay là có thật, do đó việc nới room cho nhóm này có lẽ là tất yếu. Như tại Vietcombank, tín dụng trong 6 tháng đầu năm đã đạt gần 9%, chủ yếu tăng mạnh do khoản tín dụng hơn 27.000 tỷ đồng cấp cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Hay như TPBank đã đạt mức tăng trưởng tín dụng 11% trong nửa đầu năm, gần chạm mức trần được NHNN cho phép. Tại Techcombank, tín dụng 6 tháng đầu năm cũng đã tăng khoảng 10-11%, gần như hết room được giao trong nửa đầu năm và đang chờ NHNN phê duyệt room mới. Còn MBBank đến cuối tháng 5 đã sớm vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được cấp là 10,5%. Tại ACB cũng đã sắp sử dụng hết hạn mức tăng trưởng 9,5% cho cả năm, còn VPBank đã đạt 12%. Cả MBBank và ACB đều đã đề xuất xin nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 15%. 

Dù Covid-19 sẽ còn tác động mạnh tới tín dụng trong những tháng cuối năm, ảnh hưởng lên sản xuất, kinh doanh, nhưng nếu đi vào những phân khúc “ngách” như vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp nhỏ lẻ hay cho vay tiểu thương, trái phiếu doanh nghiệp, cho vay mua nhà, nhu cầu vay vẫn còn tăng trưởng tốt. Quá khứ cũng cho thấy những tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng thường đột biến, do đó các ngân hàng sớm đề xuất được nới room để đảm bảo có thêm dư địa phát triển cũng là điều dễ hiểu. 

Mới đây, các ngân hàng bất ngờ giảm kỳ vọng về tăng trưởng tín dụng. Cụ thể theo kết quả khảo sát vừa được NHNN công bố, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tín dụng năm nay tăng 13,1%, giảm so với kỳ vọng 14,7% tại kỳ điều tra trước. Dù vậy, con số tăng trưởng 13,1% này vẫn cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 12,17% của năm 2020.

Thông tư 03/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ giữa tháng 5 đã cho phép các tổ chức tín dụng được gia hạn thời gian cơ cấu nợ cho những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, do đó khả năng các nhà băng sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nợ cho khách hàng đủ điều kiện, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, nhập lãi vào vốn gốc với số lượng lớn, theo đó cũng có thể ảnh hưởng lên con số tăng trưởng tín dụng trong thời gian còn lại của năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao ngân hàng đề xuất nới room tăng trưởng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO