Từ lúc khởi nghiệp cho đến nay, Alibaba vẫn tuân theo nguyên tắc "Không cướp nhân tài từ tay đối thủ cạnh tranh".
Trong chương trình truyền hình "Thắng tại Trung Quốc", Jack Ma từng nhận xét một một thí sinh như sau:
"Tôi có một lời khuyên đối với bạn về cạnh tranh giữa các lĩnh vực, nhân viên của bạn rời khỏi công ty, cách tốt nhất căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, quan trọng nhất nên nghiêm túc tiến hành huấn luyện đạo đức nghề nghiệp đối với nhân viên và quản lý của công ty bạn, khiến họ thật sự hiểu được tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp.
Hiện nay số lượng doanh nghiệp ngày càng nhiều, thế nên rất nhiều người đều có xu thế nhảy sang làm việc cho đối thủ cạnh tranh với công ty cũ của mình, tôi không muốn tuyển dụng một người thường xuyên nhảy việc hoặc là đến từ đối thủ cạnh tranh của mình".
"Chúng tôi không bao giờ cướp nhân tài từ tay đối thủ cạnh tranh, tôi cũng không hy vọng nhân tài được tuyển dụng từ tay người khác trở thành một người bất trung, bất nghĩa, bất hiếu. Nếu người từ đối thủ cạnh tranh về đầu quân cho chúng tôi tiết lộ các bí mật kinh doanh của công ty cũ, đó chính là bất trung; nếu không tiết lộ, đó chính là bất hiếu đối với công ty mới; cho dù không bắt anh ta nói thì trong quá trình làm việc cũng sẽ vô ý nói ra, đó chính là bất nghĩa."
Jack Ma rất ghét "cướp nhân tài từ tay đối thủ cạnh tranh" là có nguyên do. Năm 2005, ngay sau khi sáp nhập Yahoo Trung Quốc vào Alibaba, Jack Ma vẫn còn chưa kịp hết mừng vui thì hết lần này đến lượt khác các công ty săn đầu người gọi điện đến cho nhân viên của Yahoo Trung Quốc khiến Jack Ma hết sức đau đầu.
Jack Ma nhớ lại tình cảnh lúc đó và nói: "Hình như các công ty săn đầu người trên toàn thế giới mấy ngày đó cứ quanh quần lượn lờ trước mặt chúng tôi". Lúc đó, Jack Ma phải đối mặt với thời kỳ khó khăn nhất trong những lần mua bán và sáp nhập. Ông cảm thấy sự việc vô cùng nghiêm trọng và ngay lập tức đưa ra phương án giải quyết.
Jack Ma quyết định tự mình trấn thủ và hầu như ngày nào cũng gặp gỡ nhân viên và đội ngũ quản lý của Yahoo Trung Quốc, ông nhiệt tình và chân thành chỉ cho họ thấy một viễn cảnh tươi sáng cho Yahoo Trung Quốc.
Cuối cùng, nhờ sức thu hút của Jack Ma và giá trị quan của Alibaba mà chỉ có 4% số nhân viên lựa chọn xin nghỉ việc và ông đã ổn định được đội ngũ nhân viên của mình. Cũng có thể từ đó mà ông có thái độ kịch liệt phản đối với việc "cướp nhân tài từ đối thủ cạnh tranh" và "bị cướp nhân tài bởi đối thủ cạnh tranh".
Cũng bởi Jack Ma đã trải qua nỗi đau ngước mắt nhìn "nhân tài bị cướp khỏi tay mình" nên ông có ác cảm và kiên quyết nói không với "nẫng" người tài từ tay đối thủ cạnh tranh. Jack Ma từng nói: "General Electric của Mỹ và Siemen của Đức cạnh tranh rất khốc liệt. Tuy nhiên nhân viên nghỉ việc tại General Electric lại có suy nghĩ "cho dù mình có đói rách đến đâu cũng không thèm làm việc tại Siemen", hay ngược lại nhân viên nghỉ việc tại Siemen cũng như vậy.
Đó chính là vì nếu nhân viên nghỉ việc tại General Electric đến làm việc tại Siemen, khi Siemen hỏi anh ta về tình hình kinh doanh nội bộ của General Electric, nếu anh ta nói thì lại cảm thấy có lỗi với General Electric, các đồng nghiệp và đội ngũ quản lý đã cùng sát cánh với anh ta, còn nếu không nói, anh ta lại cảm thấy có lỗi với đồng nghiệp mới. Vì vậy, họ kiên quyết không đi đầu quân cho đối thủ cạnh tranh với công ty cũ của mình. Họ luôn luôn chú trọng đến đạo đức nghề nghiệp, đó chình là điều mà tôi cần nói".
Trong một đợt tuyển dụng của Alibaba, Jack Ma đã phỏng vấn một ứng viên và nói chuyện với anh ta hết sức nhiệt tình sôi nổi như hai người bạn đã quen từ lâu. Tuy nhiên cuối cùng Jack Ma lại không tuyển dụng người này, chỉ bởi vì một câu nói của ứng viên. Jack Ma nói: "Tôi nghĩ rằng ứng viên này rất thông minh, rất có năng lực, chúng tôi đều quyết định sẽ tuyển dụng anh ta. Kết quả là khi rời khỏi bàn phỏng vấn anh ta nói một câu: "Tôi rất thích đến làm việc tại công ty ông, tôi bảo đảm sẽ dành hết số khách hàng tôi hiện có trong tay sang công ty ông".
Tôi nói xin lỗi, chúng tôi cần con người anh chứ không phải là khách hàng của anh, người còn có thể thiết lập mối quan hệ và khách hàng mới. Nếu anh kéo toàn bộ khách hàng sang bên chúng tôi thì thật là không chuyên nghiệp, không có đạo đức nghề nghiệp. Tôi không bao giờ cần người như vậy".
Cuối năm 2005, để gia nhập thị trường tìm kiếm, Yahoo Trung Quốc đã tiến hành tuyển dụng nhân tài với quy mô lớn tại các trường đại học. Lúc đó, Baidu và Google cũng tổ chức các hoạt động tuyển dụng nhằm chiêu mộ người tài, Google thậm chí còn đưa ra đợt tuyển dụng 50 "đệ tử truyền ngôi" của Lý Quang Thục, cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Lúc đó phóng viên đã hỏi Jack Ma: "Nếu sinh viên đã ký hợp đồng tuyển dụng với Google muốn nhảy sang Yahoo Trung Quốc làm việc, Alibaba sẽ hỗ trợ họ tiền nộp phạt hủy hợp đồng tuyển dụng không?". Jack Ma trả lời hết sức dứt khoát: "50 đệ tử truyền ngôi của Lý Quang Thục, mỗi người bị phạt 50.000 nhân dân tệ tiền hủy hợp đồng tuyển dụng. Cho dù chúng tôi tuyển hết thì cái giá phải trả cũng hết sức rẻ chỉ có 2,3 triệu nhân dân tệ, tuy nhiên chúng tôi không bao giờ làm như vậy".
Jack Ma cho rằng người nhảy việc liên tục cũng giống như một người kết hôn rồi lại ly hôn, ly hôn rồi lại kết hôn, kết hôn rồi lại ly hôn, người như thế này không đáng tin cậy. Ông không thích người thích nhảy việc, đặc biệt là nhân viên thay đổi nhiều công việc, người như vậy ông không mấy tin tưởng. Nếu một người gửi cho ông một bản sơ yếu lý lịch mà trong đó ghi 5 năm thay đổi 7 lần công việc, những nhân viên như vậy ông không bao giờ cần tuyển dụng.
(Theo Tri Thức Trẻ)