Vì sao giá vận tải và hàng hóa chưa giảm theo giá xăng dầu

Hồng Nga| 04/08/2022 06:34

Mặc dù giá xăng đã liên tiếp giảm 4 lần nhưng giá hàng hóa vẫn “neo” ở mức cao và doanh nghiệp (DN) cho biết vẫn đang… nghe ngóng và việc giảm giá cần độ trễ nhất định.

Vì sao giá vận tải và hàng hóa chưa giảm theo giá xăng dầu

Vận tải còn "nghe ngóng"

Trong nửa đầu năm nay, cùng với giá xăng dầu, giá hàng hóa đã tăng khá cao và đã tạo lập một mặt bằng giá mới, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Với sự can thiệp của Chính phủ, các bộ ngành, từ tháng 7 đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh 4 lần liên tiếp với mức giảm gần 7.000 đồng/lít.

Giá xăng dầu giảm tác động trực tiếp đến các DN vận tải, logistics nhưng các DN hoạt động trong lĩnh vực này vẫn đang trong tình trạng… nghe ngóng. Hầu hết các DN đều cho rằng, giá xăng giảm nhưng không biết có bền vững hay chỉ mang tính thời điểm. Vì giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới, mà thế giới vẫn có nhiều biến động.

Thông tin từ Hiệp hội vận tải hành khách TP.HCM, một số hãng taxi trên địa bàn thành phố đang theo dõi diễn biến giá xăng dầu để điều chỉnh giá cước cho phù hợp. Cái khó đối với các hãng là mỗi lần điều chỉnh sẽ phải thực hiện nhiều thủ tục, và phải đưa tất cả xe lập trình lại đồng hồ…khiến chi phí hoạt động tăng thêm. 

Trong khi đó, giá cước vận tải hành khách các tuyến từ TP.HCM đến các địa phương vẫn đang giữ nguyên. Đại diện các nhà xe cho biết, dù xăng dầu đã giảm 4 kỳ liên tiếp nhưng nhưng vẫn còn ở mức cao so với năm trước. Vì vậy, DN cần chờ thêm thời gian, chờ thị trường xăng dầu ổn định rồi mới tính đến việc điều chỉnh giá cước. Bởi mỗi lần điều chỉnh giá cước, DN phải xin phép, niêm yết, chỉnh sửa, gây tốn kém, chưa kể khi đã giảm giá rất khó tăng trở lại. Giá vé mà cứ tháng này giảm, tháng sau tăng thì khách sẽ phản ứng.

-2081-1659599461.jpg

Các doanh nghiệp vận tải hành khách cần sự ổn định của giá xăng dầu

“Sau giai đoạn dịch bệnh, một quãng thời gian dài chúng tôi phải vừa chạy vừa bù lỗ để giữ khách. Nay giá xăng dầu giảm mạnh, chúng tôi rất vui vì đã nhẹ phần nào chi phí nhưng giảm giá cước thì phải theo dõi thêm một thời gian nữa”, ông Trần Văn Tấn - Chủ hãng xe khách liên tỉnh tuyến Bình Thuận - TP.HCM ngần ngại nói. 

Hàng hóa cần độ trễ

Trong khi DN vận tải còn thận trọng, chờ đợi, các DN ngành thực phẩm cho rằng việc kéo giảm giá hàng hóa cần độ trễ nhất định. Ông Trương Tiến Dũng - Phó chủ tịch thường trực Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) cho biết, thời gian qua, nhiều DN FFA tham gia chương trình bình ổn của TP.HCM nên việc điều chỉnh tăng giá bán của các DN cũng không dễ dàng. Một số DN không tham gia bình ổn thị trường thì khi tăng giá bán cũng là đã “hết sức chịu đựng”. 

Cũng theo ông Dũng, giá cả hàng hóa “leo thang” thời gian qua không chỉ bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu, mà còn do giá nguyên liệu sản xuất và chi phí nhân công tăng. Nhiều tháng qua, tiền nhân công, điện nước, vật tư, bao bì, chi phí vận chuyển logistics... vẫn luôn đứng ở mức cao. Giờ giá xăng dầu giảm sẽ giúp chặn đà tăng của giá hàng hóa, tuy nhiên muốn giảm giá thì cần có độ trễ. 

“Tôi kỳ vọng từ nay đến cuối năm, hàng hóa trong lĩnh vực tiêu dùng được kiểm soát, một số mặt hàng vòng đời ngắn như con giống, vật nuôi khi đưa ra thị trường giá sẽ ổn định. Còn nếu điều chỉnh giảm giá hàng hóa trong giai đoạn hiện nay thì cần có nhiều giải pháp và chính sách đồng bộ, quyết liệt hơn nữa”, ông Dũng nói.

-3816-1659599461.jpg

Giá heo hơi giảm nhưng doanh nghiệp vẫn chưa có lãi

Cùng quan điểm này, ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt lý giải thêm: Giá thịt, trứng neo cao chủ yếu do giá thức ăn chăn nuôi đã tăng đến 50% so với hơn một năm trước. Do đó, để ổn định giá bán trứng, thịt, Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ như miễn, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, đa dạng nguồn cung nguyên liệu, giảm giá cước vận tải. 

Ông Thiện còn đề nghị: "Xăng dầu tác động trực tiếp tới vận chuyển nên đây là khâu cần phải giảm giá ngay. Nếu giá cước giảm sẽ tác động tích cực tới DN sản xuất, từ đó họ sẽ có giá bán hàng hóa tốt hơn".

Đại diện Công ty Vissan cũng cho biết chưa thể điều chỉnh giá bán dù xăng “hạ nhiệt” và giá heo hơi cũng đã giảm mạnh, với lý do giá heo hơi thời gian qua tăng nóng khiến các DN tham gia chương trình bình ổn giá của TP.HCM xin được điều chỉnh giá bán và đến nay DN vẫn chưa có lãi. 

Ở góc độ nhà phân phối, bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho hay, đơn vị đang thương lượng với nhà cung cấp để điều chỉnh giá bán một số mặt hàng, còn hiện tại, đơn vị chỉ có thể cắt giảm lợi nhuận để thực hiện các chương trình giảm giá, ưu đãi để kích sức mua. 

-9827-1659599461.jpg

Doanh nghiệp phân phối cắt lời để kích sức mua

Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành địa phương kiểm soát chặt giá hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh, tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics...

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các DN, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao giá vận tải và hàng hóa chưa giảm theo giá xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO