Vi phạm bản quyền âm nhạc: Xu hướng ngày càng tăng?

Phúc Như Thủy| 16/09/2019 06:00

Những vụ kiện về vi phạm bản quyền âm nhạc gần đây, liên quan đến các ngôi sao bao gồm Katy Perry, Led Zeppelin và Ed Sheeran… cho thấy xu hướng này ngày càng gia tăng.

Vi phạm bản quyền âm nhạc: Xu hướng ngày càng tăng?

Trong hai năm nay, Katy Perry chưa ra mắt một album mới nào nhưng tên của ngôi sao nhạc pop này vẫn tràn ngập khắp các mặt báo vì cáo buộc liên quan đến đạo nhạc. Dark Horse (2013) - ca khúc nằm trong album đã bán được hơn 13 triệu bản, được trình diễn trong chương trình giữa giờ của giải Super Bowl và nhận được một đề cử Grammy - của Katy Perry bắt đầu bị lên án từ năm 2014 khi rapper Flame (tên thật Marcus Gray) cáo buộc Katy đã ăn cắp nhịp phách từ ca khúc Joyful Noise (2009) của anh.

Ngày 1/8/2019 vừa qua Bồi thẩm đoàn Liên bang Mỹ đưa ra phán quyết, Katy và hãng đĩa chủ quản Capitol Records phải bồi thường cho Flame 2,78 triệu USD. Luật sư của Katy - Christine Lepera cho rằng, họ đang cố sở hữu những chất liệu cơ bản của âm nhạc mà mọi người đều được sử dụng. Số khác cảnh báo phiên tòa này sẽ tạo ra các tiền lệ nguy hiểm cho những vụ kiện cáo trong tương lai.

Theo nhiều nhà quan sát, thiệt hại thật sự đã xảy ra từ nhiều năm trước. Một loạt phán quyết của tòa trong 20 năm trở lại đây - từ vụ kiện Michael Bolton thành công của nhóm The Isley Brothers vào năm 2000 đến khoản bồi thường hàng triệu USD mà Robin Thicke và Pharrell Williams phải trả vào năm 2015 - đã nới lỏng các tiêu chuẩn xác định đạo nhạc và mở rộng phạm vi những thứ có thể được bảo vệ bởi luật bản quyền.

Christopher Buccafusco - Giáo sư luật chuyên về bản quyền âm nhạc, đang điều hành chương trình sở hữu trí tuệ của trường luật Cardozo, cho biết: “Vào 5 năm về trước, nhiều người trong chúng ta sẽ thấy bất ngờ về phán quyết của vụ kiện liên quan đến Katy, bởi ý thức về việc chứng minh ăn cắp bản quyền lúc đó khác bây giờ”.

Trong suốt gần một thập kỷ trước, các luật sư về bản quyền và những nhà sáng tạo âm nhạc luôn mặc định rằng: cáo buộc ăn cắp chỉ được áp dụng cho lời và giai điệu, chứ không phải những chi tiết mơ hồ như nhịp điệu, nhịp phách và cảm giác. Vụ kiện Blurred Lines đã thay đổi mãi mãi suy nghĩ này khi tòa phán quyết các tác giả của bài hát phải trả hơn 5 triệu USD cho gia đình cố nghệ sĩ Marvin Gaye vì nó “mang cảm giác” quá giống bài “hit” Got to Give It Up (1977) của ông. Thời điểm đó, Thicke - Pharrell và nghệ sĩ hợp tác T.I. cùng tuyên bố rằng: “Chúng tôi vô cùng thất vọng với phán quyết được đưa ra, bởi sẽ tạo ra tiền lệ khủng khiếp cho âm nhạc và sự sáng tạo trong tương lai”.

Sau đó các vụ kiện liên quan đến sao chép xuất hiện nhiều hơn. Năm ngoái, Sandy Wilbur - Nhà nghiên cứu âm nhạc lâu năm, đóng vai trò nhân chứng chuyên môn trong vụ kiện Blurred Lines, chia sẻ rằng “hai năm qua là những năm bận rộn nhất trong đời tôi”. Kenneth Freundlich - một luật sư giải trí tại Los Angeles cho hay kể từ vụ Blurred Lines ngày càng có nhiều cuộc gọi tới các văn phòng luật với câu hỏi: “Bài này nghe hơi giống bài kia đấy. Luật sư thấy sao?”.

Tìm ra nguyên đơn cho các vụ kiện cáo về vài điểm giống nhau giữa các bài hát đã “trở nên rất dễ dàng”- Christopher Buccafusco cho biết. Nghệ sĩ thời nay cũng được tiếp cận dễ dàng hơn với “đội thám tử khắp thế giới” - những người hâm mộ cuồng nhiệt có khả năng kích động một vụ kiện vi phạm bản quyền.

Ngoài ra, một yếu tố làm gia tăng các vụ kiện là rất nhiều nguyên đơn giờ đây không phải là các nghệ sĩ: họ là con cháu hay người thừa kế và thành viên gia đình của những nghệ sĩ đã qua đời hoặc nghỉ hưu, với rất nhiều lợi ích thu được và không có gì để mất. Christopher nói thêm: “Thế giới sáng tác âm nhạc không rộng đến thế, nếu đi sâu vào những thứ như dòng bass. Hầu hết nhạc sĩ đang làm việc trong môi trường sáng tạo hạn chế. Không có nhiều bài hát có thể làm thỏa mãn người nghe nói chung và không có quá nhiều cách để nói “tình yêu là một điều kỳ diệu”? Việc các nhạc sĩ sáng tác ngày càng nhiều bài mới hơn - như Spotify cho biết có gần 40.000 bài được đăng tải lên nền tảng phát trực tuyến này mỗi ngày - là dấu hiệu của sự khủng hoảng.

Vụ kiện của Katy và Flame diễn ra chỉ vài tuần, sau khi thẩm phán tạm dừng xét xử vụ kiện nhắm đến bài “hit” Thinking Out Loud của Ed Sheeran, để đợi vụ kiện khác tương tự đối với cáo buộc sao chép bài Taurus cho phần guitar mở đầu bài Stairway to Heaven của Led Zeppelin được phán quyết. Mọi sự chú ý đều hướng đến vụ Zeppelin, bởi nó có vẻ đang trên đường đến Tòa án tối cao, và nếu có, sẽ đánh dấu lần đầu tiên Tòa án tối cao tại Mỹ xử về đạo nhạc. Còn ngành công nghiệp âm nhạc sẽ nhận được đáp án xác tín cho những giới hạn mơ hồ bấy nay.

(Theo Rollingstone.com)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vi phạm bản quyền âm nhạc: Xu hướng ngày càng tăng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO