"Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về bên kia sông Đuống"
Đọc E-paper
Không hiểu sao cứ mỗi lần nhắc tới mảnh đất Kinh Bắc (gồm địa giới hành chính 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang hiện nay), hoặc muốn rủ ai đó về chơi chốn này, tôi đều nhớ tới hai câu thơ trên của nhà thơ Hoàng Cầm.
Bên kia Sông Đuống - Kinh Bắc chính là cái nôi văn hóa của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Nơi đây hiện có hai di sản của thế giới và hàng trăm di tích, làng nghề truyền thống. Với những thế mạnh độc đáo, Kinh Bắc đang dần trở thành một trung tâm du lịch, điểm đến hấp dẫn của du khách.
Quan họ đi bốn phương
Ngôi làng Diềm, xã Hòa Long, TP. Bắc Ninh được xem là cái nôi của quan họ. Từ đây quan họ đã lan ra hàng trăm ngôi làng ở miền Kinh Bắc, dần dần được biết tới trên mọi miền tổ quốc. Với những làn điệu trữ tình trong lối hát giao duyên cũng như thể hiện đời sống lao động, sinh hoạt của cư dân, quan họ như một thứ men say - say người hát, say người nghe.
Trước đây những tour du lịch về miền quan họ để nghe hát đã được manh nha. Từ ngày 30/9/2009, 49 làng quan họ miền Kinh Bắc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, du khách nước ngoài tìm đến thưởng thức quan họ ngày một đông.
Tiến sĩ Bùi Quang Thanh ở Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam là người đã đi điền dã hết 49 làng quan họ trong danh sách được UNESCO công nhận, kể cho tôi nghe ông đã gặp nhiều vị khách ngoại quốc đam mê làn điệu quan họ không thua gì các liền anh liền chị.
Họ không chỉ đến xem hát ở sân đình, sân chùa, ở lễ hội mà còn vào tận nhà các nghệ nhân để ghi âm, quay phim. Thậm chí có nhiều bạn trẻ người nước ngoài đã ở lại Việt Nam để học hát quan họ.
Ông Nguyễn Đức Thìn là người nhiều năm làm thủ từ ở Đền Đô cho biết: "Từ khi Thủy Đình của Đền Đô được khánh thành thì đội quan họ bắt đầu biểu diễn phục vụ các tour du lịch trong và ngoài nước. Ngoài nghệ thuật kiến trúc thờ tự các vị vua Triều Lý thì quan họ là thứ mà khách nước ngoài thường tìm hiểu và thích thú nhất".
Tôi có nhiều dịp đi dọc triền đê sông Đuống và sông Cầu - nơi có nhiều làng quan họ nhất Bắc Ninh, Bắc Giang, tới đâu cũng gặp bạn đồng hành, gặp người cùng sở thích nghe quan họ. Nhiều người tìm về với quan họ không chỉ để hoàn thành luận văn, không chỉ nghe hát giao duyên mà còn tìm về những nghệ nhân già - những người gìn giữ làn điệu quan họ cổ để tri ân, để tìm hiểu truyền thống của những gia đình quan họ vùng Kinh Bắc xưa...Biểu diễn quan họ tại một lễ hội
Không chỉ người Kinh Bắc mà bất cứ ai yêu quan họ chắc đều có mong muốn những làn điệu dân ca mượt mà này sẽ được các thế hệ trẻ gìn giữ mãi mãi. Chúng tôi cũng mong sẽ không còn những biến tướng như liền anh liền chị ngả nón xin tiền, quan họ "chế” nhố nhăng trong tiệc tùng, cưới hỏi...
Một miền di sản
Vào một ngày mùa thu 10 năm trước, trong một lần về chùa Vĩnh Nghiêm (tên dân gian là Đức La) ở xã Trí Yên, Yên Dũng, Bắc Giang, tôi đã được sư trụ trì Thích Thành Vinh đưa đi xem bộ Kinh phật cổ khắc trên gỗ. Khi đó chẳng ai trong chúng tôi nghĩ kho mộc bản kinh Phật mốc meo, quên lãng ở đó lại có một ngày được UNESCO vinh danh.
Người ta biết nhiều đến Phật hoàng Trần Nhân Tông, Thiền phái Trúc Lâm, nhưng phải đến tháng 5/2012, khi kho mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là Di sản Ký ức thế giới thì những tinh hoa của Thiền phái Trúc Lâm mới thực sự lan tỏa ra thế giới. Kho mộc bản chính là di sản đặc biệt và độc đáo nhất của Việt Nam được khắc trên gỗ còn tồn tại khá nguyên vẹn đến ngày nay.
Bên kia sông Đuống của cố nhà thơ Hoàng Cấm ngày xưa là tang thương bởi chiến tranh. Còn bên kia sông Đuống của hôm nay là đủ đầy và bình yên để những chàng trai Kinh Bắc nếu có yêu ai đó ở xa sẽ có nơi tự hào để đưa bạn gái về. Bên kia sông Đuống hôm nay cũng là nơi người Bắc Giang, Bắc Ninh hôm nay tự hào mời gọi du khách về tham quan. Ngoài 2 di sản là quan họ và mộc bản đã được thế giới công nhận, du khách sẽ có vô vàn những lựa chọn thăm thú khi tới nơi này.
Tuy không còn làng tranh Đông Hồ truyền thống như xưa, nhưng hình bóng gà lợn nét tươi trong vẫn bừng lên trên nền giấy điệp được một số nghệ nhân gìn giữ. Chả phải khách Tây, khách ta mà ngay những sinh viên, học sinh về Đông Hồ hôm nay cũng thích vào nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế để được tận hưởng đầy đủ những gì được coi là hồn cốt nhất của dòng tranh dân gian Đông Hồ ở nhà cụ.
Tranh Đông Hồ vẫn được trân trọng gìn giữ |
Nếu bạn muốn lang thang trên những con đường làng đậm hồn quê Bắc Bộ, rồi thích thú tạt vào một xưởng gốm vẫn ngày ngày đỏ lửa thì hãy ghé qua Phù Lãng, huyện Quế Võ, Bắc Ninh.
Trên những bức tường nhà, bờ rào là muôn vàn đồ sành sứ xếp chồng lên nhau mang hình thù kỳ dị, như minh chứng cho một làng gốm đã có lịch sử hàng nghìn năm. Đó là làng gốm cổ Thổ Hà. Nghề gốm ở Thổ Hà đã ăn sâu vào tâm thức và nghệ thuật kiến trúc độc đáo của con người nơi đây từ xa xưa.
Còn ai muốn tâm hồn tĩnh lặng thì hãy về chùa Dâu để được nghe tiếng chuông chiều như từ thinh không vọng về. Chùa Dâu có thể được xem là nơi đầu tiên tiếp nhận Phật giáo khi vào Việt Nam. Cũng nằm ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh như chùa Dâu còn có một ngôi chùa với sự độc đáo, tinh xảo trong nghệ thuật kiến trúc, đó là chùa Bút Tháp.
Tôi đã bắt gặp rất nhiều những ánh mắt thích thú, hiếu kỳ của du khách phương xa khi nhìn thấy ngọn tháp bằng đá xanh đồ sộ vút lên trơi cao ở chùa Bút Tháp. Ở miền Kinh Bắc còn có một linh địa Phật giáo Việt Nam, đó là chùa Bổ Đà với vườn tháp bao la - nơi an nghỉ của trên 1.200 nhà sư dòng Lâm Tế.
Gắn liền với những di sản văn hóa, lịch sử miền Kinh Bắc là cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ. Tây Yên Tử nằm trên địa phận huyện Sơn Động và Lục Nam chính là một điểm đến lý thú với suối thác, rừng nguyên sinh vô cùng hấp dẫn. Tây Yên Tử được xem là tiềm năng du lịch sinh thái lớn nhất của tỉnh Bắc Giang.
Ẩm thực vùng Kinh Bắc cũng hết sức đa dạng. Những vườn vải thiều bao la ở Lục Ngạn khi hè về luôn đông du khách. Ai qua đây cũng mang về làm quà vài cặp bánh Phu Thê làng Đình Bảng hay đôi sập bánh đa Kế. Bánh đa Kế đã từng đi vào bản nhạc Về quê ("Quê hương ta bánh đa, bánh đúc - phiên chợ nghèo lều tranh mái xiêu...") của nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Đặc sản ấy chẳng thể lẫn vào đâu được bởi mùi vị đặc trưng khi nhâm nhi với rượu quê. Bánh Phu Thê không chỉ là thứ đặc sản trong ẩm thực của người Kinh Bắc, nó còn có ý nghĩa sắt son lứa đôi nên không thể thiếu trong lễ cưới hỏi không chỉ ở mảnh đất này.
>Về R
>Nỗi lo mai một nghề tơ lụa truyền thống