Văn hóa trung thực, nghĩa hiệp đi về đâu?

15/04/2011 06:39

Có thể khẳng định, hành động của kỹ sư Lê Văn Tạch gửi đơn và tài liệu đến cục Đăng Kiểm công bố những lỗi kỹ thuật trong những xe hơi của công ty TOYOTA Việt Nam đã bán ra thị trường trong 5 năm gần đây là hành động của trung thực và nghĩa hiệp.

Văn hóa trung thực, nghĩa hiệp đi về đâu?

Có thể khẳng định, hành động của kỹ sư Lê Văn Tạch gửi đơn và tài liệu đến cục Đăng Kiểm công bố những lỗi kỹ thuật trong những xe hơi của công ty TOYOTA Việt Nam đã bán ra thị trường trong 5 năm gần đây là hành động của trung thực và nghĩa hiệp.

Kỹ sư Lê Văn Tạch chỉ phần lỗi kỹ thuật của xe Innova - Ảnh: Tuấn Phùng

Trung thực vì kỹ sư Tạch đã nói lên một sự thật. Sự thật này đã được lãnh đạo công ty TOYOTA thừa nhận và xúc tiến việc thu hồi những xe bị lỗi. Sự khác biệt về con số xe bị lỗi giữa công ty thừa nhận và anh Tạch cho biết chỉ có ý nghĩa về lượng.

Một trong những động cơ quan trọng khiến anh Tạch quyết định làm việc này là nghĩ đến sự an toàn của ít nhất gần 10.000 khách hàng đã mua xe bị lỗi. Đó là hành động nghĩa hiệp. Sự nghĩa hiệp càng lớn lao hơn khi biết rằng anh có thể bị mất việc, có thể bị những người quản lý, đồng nghiệp người Việt dè bỉu, tẩy chay, thậm chí kể cả những hành động trả đũa.

Trong cân nhắc giữa mất mát thu nhập của vài ngàn đồng nghiệp với khả năng mất đi tính mạng của một vạn khách hàng, anh Tạch chọn phần thiệt ít hơn cho xã hội, cho những người khách hàng luôn được tôn vinh là thượng đế.

Hành động của anh Tạch cho thấy tinh thần nghĩa hiệp cũng có trong người Việt dù biết rằng tinh thần ấy vẫn còn bị coi là khác người trong bối cảnh xã hội hiện nay. Trong trận động đất sóng thần vừa qua ở nước Nhật, người ta ca ngợi nhiều về tinh thần nghĩa hiệp của đại đa số người Nhật, từ em bé 9 tuổi đến cụ già 80 tuổi.

Người Việt mượn những chuyện này để có ý nhắc khéo về tính trung thực, và tinh thần nghĩa hiệp của người Việt. Và cao hơn, sự nhắc khéo ấy phần nào cũng thể hiện một mong muốn, một khao khát về những chân giá trị của cuộc sống: sống trung thực và nghĩa hiệp.

Câu chuyện của anh Tạch dường như nhen nhóm lên ngọn lửa ấm áp, một hạt mầm cần được dung dưỡng để phát triển mạnh mẽ hơn về lòng trung thực và nghĩa hiệp ở Việt Nam. Chính vì thế, sẽ có người tiếp tục quan tâm đến câu chuyện anh Tạch để xem văn hóa trung thực, nghĩa hiệp sẽ đi về đâu trong bối cạnh hiện nay.

Người ta chờ đợi một công ty Nhật ở Việt Nam có hành xử theo đúng tinh thần nghĩa hiệp được xem là đặc trưng văn hóa của nước Nhật với một công dân Việt Nam đã dám hành động cùng hệ giá trị với mình.

Người ta chờ đợi những người nhà quản lý người Việt, những bạn đồng nghiệp người Việt của anh Tạch có thể vượt qua được những mất mát thu nhập của bản thân để thừa nhận hành động trung thực, nghĩa hiệp của một bạn đồng nghiệp.

Người ta cũng chờ đợi anh Tạch sẽ tiếp tục ứng xử như thế nào với những “hậu quả” có khả năng xảy ra với anh trong thời gian sắp tới: mất việc làm vì công ty sa thải, bạn bè đồng nghiệp ở công ty tẩy chay, không tìm được việc làm mới vì không tổ chức, doanh nghiệp nào muốn dính líu đến những người “khác người” như anh Tạch?

Ở góc độ vĩ mô, người ta chờ đợi các cơ quan có trách nhiệm sẽ làm gì để những người nghĩa hiệp sẽ không trở thành người thua thiệt vì hành động khác người.

Cuối cùng, người ta cũng mong đợi các phương tiện thông tin đại chúng sẽ khai thác câu chuyện này không chỉ để phản ánh hay phán xét mà quan trọng hơn là nhân bản những câu chuyện như anh Tạch để trung thực và nghĩa hiệp được lan tỏa và trở thành những giá trị sống đích thực của nhiều người dân Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Th.s TRẦN MINH TRỌNG
Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực HD-LEADMAN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Văn hóa trung thực, nghĩa hiệp đi về đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO