Sinh viên ĐH Công nghệ Thông tin hào hứng với “Hành trang lập nghiệp qua những trang sách”

Lê Hạnh| 21/04/2022 00:45

Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4, Ngày Sách và bản quyền Thế giới (23/4), chương trình “Hành trang lập nghiệp qua những trang sách” của tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn vừa diễn ra tại trường ĐH Công nghệ Thông tin – ĐHQG TP.HCM. Chương trình thu hút sự tham gia trực tiếp và online của các sinh viên, giảng viên trường.

Đẩy mạnh văn hóa đọc trong các trường

Phát biểu tại chương trình, ông Trần Hoàng- Tổng Biên tập tạp chí Doanh nhân Sài Gòn cho biết, chưa bao giờ Việt Nam phát triển văn hóa đọc sách mạnh mẽ như bây giờ. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm bản thân, ông chia sẻ việc đọc trên mạng, các nội dung, kiến thức sẽ tản mác, trong khi với sách, các tri thức được tổng hợp, sắp xếp logic, giúp người đọc tư duy tốt và vận dụng được vào trong công việc, học tập. Ông cũng mong muốn các trường khi giảng dạy cố gắng sử dụng hình ảnh doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam thay vì sách ngoại văn và doanh nhân nước ngoài. Như vậy, sinh viên sẽ dễ hiểu, dễ vận dụng hơn.

Tổng Biên tập tạp chí Doanh nhân Sài Gòn chia sẻ kinh nghiệm đọc sách với sinh viên UIT

Ông Trần Hoàng, Tổng Biên tập tạp chí Doanh nhân Sài Gòn chia sẻ kinh nghiệm đọc sách với sinh viên UIT

PGS.TS Vũ Đức Lung, Chủ tịch Hội đồng UIT nhìn nhận, dù thư viện trường đã đẩy mạnh phong trào đọc sách nhưng thống kê cho thấy, số sinh viên, giảng viên UIT tham gia đọc sách rất thấp, nhất là đọc trực tiếp tại thư viện. Do đó, thông qua những chương trình “Hành trang lập nghiệp qua những trang sách”, giúp sinh viên có những hoạt động bổ ích bên cạnh việc học để có thể sáng tạo, khởi nghiệp và phục vụ cộng đồng.

Không ai thành công mà không đọc sách

Chia sẻ với sinh viên UIT, TS. Trịnh Ngọc Minh -Giám đốc chiến lược Công nghệ Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPTgiới thiệu 3 cuốn sách ông tâm đắc, rất phù hợp với sinh viên UIT như Các siêu cường AI - Trung Quốc, Thung lũng Silicon, và trật tự thế giới mới; Năm 2062 - thời đại của trí thông minh nhân tạo; và Huyễn tưởng về trí tuệ nhân tạo. Qua đó, ông gửi đến các sinh viên dù tiếp cận vấn đề gì, ngay cả bài giảng của thầy cô cũng cần tư duy phản biện để có bước tiến mới, không theo phong trào. “Ba cuốn sách này đem lại cho tôi rất nhiều hữu ích và hy vọng đối với các bạn cũng vậy”, ông Minh cho biết.

TS. Trịnh Ngọc Minh giới thiệu những cuốn sách phù hợp với sinh viên UIT

TS. Trịnh Ngọc Minh giới thiệu những cuốn sách phù hợp với sinh viên UIT

Bà Lê Mỹ Nga- Founder & CEO Hermes Management, cố vấn và đầu tư Startup khẳng định: “Thói quen đọc sách cực kỳ quan trọng để tiến đến con đường sự nghiệp của mình. Tôi chưa thấy ai thành công mà không đọc sách”. Từng giữ nhiều vị trí quan trọng ở các tập đoàn nước ngoài mảng năng lượng và là thành viên Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, bà Lê Mỹ Nga khiến các sinh viên UIT ngạc nhiên khi tiết lộ mình vốn là một điều dưỡng, công tác trong ngành y chứ không học công nghệ. Và để có thể làm việc trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ, bà phải học thêm về Quản trị kinh doanh, Công nghệ dầu khí cùng rất nhiều chứng chỉ trong và ngoài nước.

Bà Lê Mỹ Nga mong muốn sau chương trình, các sinh viên UIT sẽ đọc sách ngay

Bà Lê Mỹ Nga mong muốn sau chương trình, các sinh viên UIT sẽ đọc sách ngay

Bí quyết của bà để học và làm việc tốt đó là đọc sách. “Trung bình mỗi tuần tôi đọc một cuốn sách. Có những cuốn sách tôi chỉ đọc 1 tiếng đồng hồ, nhưng có cuốn đọc 1 năm chưa hết. Đơn cử như cuốn Chuyển đổi số, đề cập rất nhiều việc ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp để giải quyết vấn đề mới, tăng tính cạnh tranh, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp để dẫn đầu như Facebook, Google hay Amazon. Khi đọc đến đoạn nào, không hiểu thì tôi tìm đọc các dẫn chứng, dữ liệu, nghiên cứu trong sách đề cập”.

Bà nhấn mạnh: “Sách là nguồn tài liệu quan trọng vì là tinh hoa, tinh túy của tác giả. Người thầy tốt nhất giúp mình nhiều nhất là sách”. Bà cũng mong muốn sau chương trình, các sinh viên UIT sẽ đọc sách liên quan đến ngành học của mình ngay để có thể thiết kế mô hình, dự án dựa trên công nghệ một cách hiệu quả.

Đọc sách để trả lời những câu hỏi trong cuộc sống

Tham gia chương trình, bà Nguyễn Lưu Thùy Ngân- Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Thông tin (UIT) tạo thú vị cho sinh viên khi chia sẻ câu chuyện bản thân. Bà cũng từng có lúc hoang mang khi không biết mình thật sự muốn gì, phù hợp gì. Nhờ sách "Đi tìm lẽ sống", bà hiểu bản thân mình hơn. Theo bà, đọc sách để hiểu bản thân, để học thêm kỹ năng mới, để tu dưỡng bản thân, trả lời những câu hỏi trong cuộc sống và đôi khi là… không vì lý do nào cả. Ngoài ra, bà cũng giới thiệu thêm những cuốn sách khác như 5 ngôn ngữ tình yêu hay Đàn ông sao Hoả, đàn bà sao Kim dù đây vốn không phải thể loại mình yêu thích. Bà bộc bạch: “Đọc những gì mình không thích sẽ dẫn đến những thú vị bất ngờ”.

IMG-4411-ok-8528-1650534787.jpg

Bà Nguyễn Lưu Thùy Ngân, Phó Hiệu trưởng UIT nhận định chương trình rất bổ ích, tạo động lực cho sinh viên đọc sách

Trả lời câu hỏi của sinh viên: “Đọc sách có hạn chế gì không?”, ông Ngô Vi Đồng, Phó chủ tịch Hội đồng sách Doanh nhân cho biết đọc sách không có hạn chế gì. Cái khó duy nhất là rất nhiều sách, biết đọc gì bây giờ. Do đó, cần đọc giới thiệu sách và tìm cuốn nào phù hợp để đọc. Trong khi đó, TS Trịnh Ngọc Minh bổ sung, đọc sách cũng cần phải có tinh thần phản biện nếu không, người đọc sẽ bị lái theo tinh thần của tác giả.

Với câu hỏi của sinh viên Nguyễn Trung Tuấn, sự khác nhau giữa một chuyên gia công nghệ và doanh nhân công nghệ, ông Trịnh Ngọc Minh cho rằng đó là 2 lĩnh vực rất khác nhau. Chuyên gia công nghệ không thể lãnh đạo doanh nghiệp được. Còn ông Ngô Vi Đồng khẳng định doanh nhân công nghệ phải biết cách dùng chuyên gia công nghệ và có quan hệ xã hội tốt để giải quyết các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, diễn giả Lê Mỹ Nga cho rằng không có gì là không thể nếu biết học từ sách và những người có kinh nghiệm xung quanh. Bà dẫn chứng trường hợp Bill Gates vốn là chuyên gia công nghệ thông tin nhưng ông đã trở thành một doanh nhân thành công. Và để đạt được điều đó, ông đã phải lao vào thư viện để bổ sung rất nhiều kiến thức về quản trị, luật pháp, thương mại…

Chương trình đã để lại nhiều ấn tượng cho các diễn giả và sinh viên UIT. Sinh viên Nguyễn Kiếm Bảo Thắng chia sẻ: “Em thấy chương trình rất hay. Em ấn tượng với phần chia sẻ của TS Trịnh Ngọc Minh vì liên quan đến ngành học. Nghe TS giới thiệu, em muốn tìm đọc cuốn Huyễn tưởng về trí tuệ nhân tạo vì khá thú vị, đi ngược lại xu hướng hiện tại. Em mong được tham gia thêm những chương trình như thế này”.

Đánh giá “Hành trang lập nghiệp qua những trang sách” của tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn là một chương trình bổ ích, bà Nga chia sẻ: “Khi đi giao lưu hay viết sách, tôi muốn truyền cảm hứng đến các bạn sinh viên nhưng chính tôi cũng học được từ các bạn rất nhiều, đó là năng lượng trẻ, sự dấn thân và cách mà các bạn đang muốn thay đổi thế giới. Tôi hy vọng những hoạt động bổ ích như thế này nên duy trì chứ không phải chỉ dừng lại ở phong trào nhất thời”.

Công ty CP Dịch vụ tin học HPT tặng sách cho thư viện UIT

Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT tặng “Top 100 quyển sách đáng có trong tủ sách doanh nghiệp” cho thư viện UIT

Dịp này, công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT cũng trao tặng “Top 100 quyển sách đáng có trong tủ sách doanh nghiệp” cho thư viện UIT. Chương trình giao lưu doanh nhân - sinh viên “Hành trang lập nghiệp qua những trang sách” của Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn được khởi động từ tháng 12/2021, đã diễn ra tại nhiều trường trên địa bàn TP.HCM như ĐH Hoa Sen, Kinh tế Tài chính, Văn Lang, ĐH Mở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sinh viên ĐH Công nghệ Thông tin hào hứng với “Hành trang lập nghiệp qua những trang sách”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO