Tạo bình đẳng trong kinh doanh vàng

ĐINH NHO BẢNG*| 28/12/2017 06:06

Thị trường vàng Việt Nam đã cơ bản ổn định sau 5 năm triển khai Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, một số quy định tại nghị định này không còn phù hợp với tình hình hiện nay.

Tạo bình đẳng trong kinh doanh vàng

Việc ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 24 là hoàn toàn cần thiết. Thế nhưng, nếu chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nêu trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 thì chưa thể khắc phục hết những tồn tại, bất cập.

Nhằm lựa chọn các đơn vị đáp ứng đủ tiêu chuẩn tham gia thị trường, việc kinh doanh vàng miếng phải được NHNN cấp phép. Tuy nhiên, việc cấp giấy phép đi kèm với các quy định cấp phép cho các điểm kinh doanh vàng miếng của doanh nghiệp đủ điều kiện theo Nghị định 24 lại tạo cơ chế xin - cho, đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về loại bỏ những giấy phép con không cần thiết.

Trong 5 năm vừa qua, điều kiện cấp phép kinh doanh vàng miếng đã loại bỏ hầu hết doanh nghiệp kinh doanh vàng ra khỏi thị trường vàng miếng.

Tại nhiều tỉnh, thành, các ngân hàng thương mại được cấp giấy phép mua, bán vàng miếng thực tế không có khả năng triển khai do thiếu cả nghiệp vụ lẫn kinh nghiệm, buộc người dân phải mua vàng tại các điểm không được cấp phép nên gặp rủi ro pháp lý và rất dễ bị hình sự hóa việc mua bán. Trong khi đó, doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vàng miếng gần như không thể mở thêm các điểm mua bán trực thuộc.

Do đó, trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 quy định doanh nghiệp được phép mua bán vàng miếng có trách nhiệm thông báo với NHNN khi thay đổi hoặc mở thêm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng. Đồng thời để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng (ở các tỉnh và thành trực thuộc tỉnh) có đủ điều kiện được xem xét cấp giấy phép mua bán vàng miếng thì chỉ cần điều kiện có vốn đăng ký 10 tỷ đồng và mức thuế đã nộp trước năm liền kề là 200 triệu đồng.

Nghị định 24 chưa đề cập tới xuất khẩu vàng miếng và trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 cũng chưa có quy định về điều nay. Trên thực tế, khi giá vàng miếng SJC thấp hơn giá vàng thế giới từ 500.000/lượng trở lên thì đã xảy ra tình trạng xuất lậu vàng miếng SJC qua biên giới, khiến Nhà nước bị thất thu ngoại tệ và thuế. Vì vậy, việc quy định cho phép doanh nghiệp xuất khẩu vàng miếng vào Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 là phù hợp, góp phần huy động nguồn lực vàng trong dân, tăng thu ngoại tệ và ngăn chặn được tình trạng xuất lậu vàng miếng.

Tờ trình Chính phủ về Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 có nêu: "Nhà nước độc quyền kinh doanh tài khoản". NHNN cần làm rõ nội dung này để đảm bảo khả năng thực thi chính sách được thuận lợi và phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng tài khoản thì NHNN sẽ giao dịch với đối tượng nào, là các tổ chức quốc tế hay tổ chức trong nước?

Việc quy định Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng tài khoản là phù hợp với Luật Thương mại năm 2005, nhưng lại trái với quy định tại Điều 33 của Hiến pháp năm 2013: "Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm". Mặc dù Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 không chỉ rõ, nhưng nếu quy định Nhà nước độc quyền huy động vàng và kinh doanh vàng tài khoản lại trái với quy định của Luật Đầu tư.

Chức năng của các ngân hàng trung ương trên thế giới không trực tiếp kinh doanh mà chỉ quản lý, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp, tổ chức. Do vậy, quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng như trong Nghị định 24 là không phù hợp với thông lệ quốc tế, đi ngược lại tiến trình phát triển của kinh tế thị trường là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước là kiến tạo chính sách.

Hơn nữa, nếu NHNN sản xuất vàng miếng có nghĩa là đã sử dụng vàng tiêu chuẩn quốc tế chế tác thành vàng thương hiệu quốc gia vừa tốn kém chi phí, đồng thời lại biến vàng tiêu chuẩn quốc tế có khả năng thanh khoản cao trở thành vàng nguyên liệu khi xuất khẩu ra thế giới. Do đó, NHNN cần cân nhắc kỹ để vừa bảo đảm được yêu cầu can thiệp thị trường, vừa tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nghị định 24 đã có ba thông tư hướng dẫn thi hành (Thông tư 16, 38, 03), nếu Nghị định Sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 được ban hành mà không thật sát thực và chi tiết thì lại có thêm thông tư hướng dẫn nữa. Điều này sẽ tạo ra sự chồng chéo, phức tạp, khiến doanh nghiệp khó thực hiện đúng quy định của pháp luật về kinh doanh vàng.

SONG ANH ghi
*Tác giả là Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tạo bình đẳng trong kinh doanh vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO