Bài viết đánh giá vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ đó, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn quận 7, TP.HCM.
Doanh nhân là lực lượng chủ yếu huy động các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã xác định “xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân”. Từ thực tiễn phát triển kinh tế qua 35 năm đổi mới cho thấy đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã tạo nên “một làn gió mới” cho sự phát triển của TP.HCM.
Vai trò của đội ngũ doanh nhân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định doanh nhân là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và “Công - Thương cứu quốc đoàn” là một thành viên của Mặt trận Việt Minh. Trong suốt tiến trình cách mạng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, phát triển, đã và đang trở thành lực lượng xung kích trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Công cuộc đổi mới ở nước ta đang bước vào giai đoạn mới trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mang lại nhiều cơ hội, thuận lợi, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho phát triển nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam.
Đội ngũ doanh nhân là đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển đội ngũ doanh nhân là bước đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, nâng cao vị thế của Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”.
TP.HCM là trung tâm kinh tế; chính trị, văn hóa và giáo dục; là thị trường tiêu thụ rộng lớn, thu hút tỷ trọng lớn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đây là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư và phát triển tại thành phố. Đội ngũ doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực tạo ra sản phẩm và dịch vụ cho xã hội, góp phần thực hiện chiến lược toàn diện về tăng trưởng, xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của đất nước.
Thứ nhất, doanh nhân là lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Ðảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Doanh nhân là lực lượng chủ yếu huy động các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thông qua tổ chức và điều hành sản xuất - kinh doanh, doanh nhân, doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Khu vực doanh nghiệp với nhiều loại hình khác nhau đang đóng góp hơn 60% GDP, khoảng 70% thu ngân sách nhà nước, tạo ra hàng chục triệu việc làm và giữ vai trò động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế quốc gia, đóng góp to lớn vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Thứ hai, doanh nhân đã góp phần quan trọng vào hình thành cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội mới, hệ giá trị và lối sống phù hợp với thời đại mới. Đội ngũ doanh nhân góp phần hình thành lối sống sáng tạo, tự lập, tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận rủi ro, có chí làm giàu, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Doanh nhân giàu có, thành đạt trở thành mục tiêu, khát vọng phấn đấu của nhiều người, nhất là giới trẻ.
Thứ ba, đội ngũ doanh nhân đã góp phần quan trọng trong tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các hoạt động xã hội như đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, đóng góp các quỹ nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng các công trình phúc lợi góp phần bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM đã có đóng góp tích cực cho hoạt động phòng, chống dịch, đã ủng hộ, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho quỹ Covid-19, quỹ vaccine, xe cứu thương, trang thiết bị vật tư y tế. Trong quá trình phòng chống dịch bệnh rất khó khăn, doanh nghiệp đã cố gắng thực hiện sản xuất bảo đảm quy định phòng, chống dịch. Ngay khi tình hình dịch được cải thiện, các doanh nghiệp đã nhanh chóng trở lại sản xuất kinh doanh, có 83% doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp sản xuất trở lại, tỷ lệ phục hồi sản xuất đạt 60%.
Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trên địa bàn quận 7, TP.HCM
Quận 7 là một trong 5 quận mới của TP.HCM, được chính thức thành lập ngày 1/4/1997 theo Nghị định số 03/CP ngày 6/1/1997 của Chính phủ. Nằm ở vùng ven phía Đông - Nam thành phố, quận 7 hiện tại gồm 10 phường: Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Tân Kiểng, Tân Hưng, Tân Quy, Tân Phong, Tân Phú, Bình Thuận, Phú Thuận, Phú Mỹ. Quận 7 với sự phát triển của khu chế xuất Tân Thuận, khu đô thị Nam Sài Gòn và các công trình cơ sở hạ tầng mang tính huyết mạch được đưa vào hoạt động (cầu và đường nối cầu Phú Mỹ, cầu Tân Thuận 2, khu công nghiệp và cụm cảng Hiệp Phước) là điều kiện hết sức thuận lợi thúc đẩy kinh tế phát triển, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh doanh thương mại - dịch vụ.
Trên địa bàn quận 7 có 12.894 doanh nghiệp đang hoạt động, tổng vốn đăng ký 75.893.141 triệu đồng, phần lớn doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Tổng số hộ kinh doanh quận đang quản lý là 14.790 hộ, với tổng vốn đăng ký kinh doanh là 6.917.000 triệu đồng. Quận 7 có trên 12.000 doanh nhân, trong đó 63 doanh nhân tham gia vào Hội Doanh nghiệp quận 7.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế và chương trình hành động số 29-CTrHĐ/TU ngày 21/12/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn quận 7 đã từng bước phát triển và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển địa phương.
Trong 10 năm qua, Quận ủy, UBND quận 7 đã quan tâm ban hành nhiều kế hoạch, chính sách, cơ chế thuận lợi: chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư... góp phần giảm thời gian đăng ký kinh doanh; thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở tất cả phòng, ban liên quan đến doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị, hội thảo đầu tư, thu hút đầu tư; ứng dụng công nghệ thông tin, trang thông tin điện tử; thực hiện công khai minh bạch các chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm minh bạch giữa cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức với doanh nghiệp, doanh nhân; quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của doanh nhân, doanh nghiệp về cơ chế chính sách; hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng quỹ hỗ trợ khởi nghiệp...
Hằng năm, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới bình quân tăng từ 14% trở lên, đến ngày 31/2/2021 thành lập mới 9.830 doanh nghiệp (tăng 69,1% so với giai đoạn 2010-2015 là 5.813 doanh nghiệp), trong đó phát triển mạnh các loại hình dịch vụ cho thuê văn phòng, kho bài, trung tâm thương mại, siêu thị...
UBND quận 7 còn tổ chức các đoàn đi thăm các doanh nghiệp trên địa bàn. Qua đó, tuyên truyền, vận động tạo mối quan hệ gắn bó giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận giữa chủ doanh nghiệp với chính quyền và có tác dụng tích cực động viên công nhân và chủ doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh. Quận 7 đã triển khai thực hiện Thông tư số 16/2013/TT-BTC ngày 8/2/2013 hướng dẫn thực hiện việc gia hạn, giảm một số khoản thu ngân sách nhà nước; đã gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp cho 4.999 doanh nghiệp với tổng số tiền 112.587 triệu đồng; gia hạn thuế giá trị gia tăng cho 1.991 doanh nghiệp với tổng số tiền 80.653 triệu đồng; miễn thuế thu nhập cá nhân cho 2.314 hộ với tổng số tiền 1.750 triệu đồng; điều chỉnh giảm thuế cho 2.802 hộ kinh doanh nhà trọ cho sinh viện, công nhân thuê, các cơ sở chăm sóc, giữ trẻ cam kết không tăng giá với tổng số tiền 2.287 triệu đồng; giảm 50% tiền thuê đất cho 26 doanh nghiệp với tổng số tiền 121.898 triệu đồng.
Trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, quận 7 đã triển khai các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp. Thực hiện giải quyết gia hạn nộp thuế có 1.369 doanh nghiệp đăng ký với số thuế ghi bộ là 208,43 tỷ đồng; hỗ trợ 77 doanh nghiệp vay vốn, số vốn được cơ cấu giảm lãi vay 913.210 triệu đồng, số lãi được giảm 164 triệu đồng; gia hạn nộp tiền thuê đất có 99 doanh nghiệp đăng ký với số thuế ghi bộ là 129,27 tỷ đồng. Qua đó Chi cục Thuế khu vực quận 7 - huyện Nhà Bè đã giải quyết gia hạn cho 47 doanh nghiệp với số thuế là 106,81 tỷ đồng. Đối với hộ kinh doanh, đã giải quyết gia hạn nộp thuế cho 2.414 hộ với số thuế ghi bộ là 28,58 tỷ đồng. Hỗ trợ 64 hộ kinh doanh vay vốn, số vốn được cơ cấu giảm lãi vay 144.638 triệu đồng, số lãi được giảm 2.700 triệu đồng. Hỗ trợ 23 hộ kinh doanh đủ điều kiện do ảnh hưởng dịch Covid-19 với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng.
UBND quận 7 đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM hướng dẫn các doanh nghiệp tham dự buổi hội thảo giữa các doanh nghiệp với lãnh đạo các sở, ngành thành phố để giải đáp các thắc mắc cho doanh nghiệp về các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, môi trường… UBND quận 7 cũng tổ chức hai đoàn lãnh đạo trực tiếp thăm, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức 3 hội nghị, 20 buổi đối thoại; hỗ trợ doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý sau thành lập cho 6.960 doanh nghiệp. UBND quận 7 phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tổ chức hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi với tổng số tiền là 3.084,46 tỷ đồng.
Hội Doanh nghiệp quận 7 thường xuyên được củng cố và duy trì hoạt động, đến nay, đã phát triển tổng số 63 hội viên. Thời gian qua, Hội Doanh nghiệp quận 7 đã quan tâm phát huy vai trò “cầu nối” giữa doanh nghiệp với chính quyền quận. Thực hiện tốt chức năng đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, nắm bắt, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn quận để kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ, phát huy được các doanh nghiệp tham gia các tổ chức hoạt động liên quan đến doanh nghiệp như: các buổi họp mặt nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, tham gia các cuộc đối thoại với doanh nghiệp do UBND quận 7 tổ chức...
Ngoài ra, Hội Doanh nghiệp quận 7 tuyên truyền, vận động các doanh nhân tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động từ thiện, hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn. Duy trì hoạt động Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp quận 7 với 56 thành viên, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh trong nữ doanh nhân và vận động 10/15 chị tham gia làm thành viên CLB HAWE. Với tinh thần “tương thân, tương ái” trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp quận 7 đã đóng góp, hỗ trợ 100 phần quà cho hội viên, nữ công nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền hơn 30 triệu đồng. Đồng thời, vận động 1 doanh nghiệp nữ hỗ trợ 19 suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai với số tiền 51 triệu và hỗ trợ 280 phần thịt kho trứng cho công nhân không về quê ăn Tết trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Chính những nỗ lực vượt qua khó khăn, chủ động, tích cực phát triển sản xuất, kinh doanh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong những kết quả nêu trên. Với nhiều loại hình doanh nghiệp mới được thành lập, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng quy trình quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hướng đến sự phát triển bền vững trong sản xuất, khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương trong sản xuất các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Những điểm tích cực này đã giúp cho doanh nghiệp, doanh nhân quận 7 tăng về số lượng, vốn đăng ký, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời góp phần trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã hội, tăng ngân sách cho địa phương và ngày càng khẳng định vai trò là lực lượng chủ lực trên lĩnh vực kinh tế địa phương.
Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp cũng đã tích cực tham gia và thực hiện tốt các hoạt động vì cộng đồng, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của địa phương, nhất là vấn đề an sinh xã hội, các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn trên địa bàn được thụ hưởng nhiều công trình do các doanh nghiệp tài trợ và giúp đỡ. Mặc dù tình hình dịch (Covid -19) còn nhiều diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp chủ động thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19; phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong công tác bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng, góp phần vào kết quả chung trong công tác phòng, chống dịch Covid - 19 của thành phố trong thời gian qua. Doanh nghiệp trên địa bàn quận ủng hộ phòng chống dịch số tổng số tiền là 776.000.000 đồng. Ngoài ra còn ủng hộ hiện vật tại các khu cách ly tập trung của TP.HCM, Sở Y tế tỉnh Tây Ninh như 5.260 chai sát khuẩn tay nhanh (4.760 chai gel 70ml và 500 chai gel 500ml).
Bên cạnh việc chấp hành đóng góp các quỹ theo quy định như quỹ phòng chống lụt bão, quỹ bảo trợ xã hội, an ninh quốc phòng, các chủ doanh nghiệp là đảng viên, các chủ doanh nghiệp luôn có ý thức trách nhiệm và tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện như chăm lo Tết cho gia đình chính sách, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, tài trợ cho chiến dịch, “Kỳ nghỉ hồng” kỷ niệm Ngày Thành đoàn 26/3 của Đoàn Thanh niên, đóng góp ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Khuyến học, Quỹ vì Trường Sa thân yêu - vì tuyến đầu Tổ quốc, đóng góp chăm lo học bổng, tập vở cho học sinh nghèo, xây cầu nông thôn mới, xây nhà tình thương, chăm lo mẹ Việt Nam anh hùng với số tiền trên 3 tỷ đồng; chăm lo thương binh Lê Đình Dực ở phường Phú Thuận số tiền 68 triệu đồng.
Lực lượng nữ doanh nhân đã có nhiều chuyển biến qua nhận thức về vai trò, vị trí phụ nữ trong tình hình mới, tích cực tham gia các phong trào phụ nữ, hoạt động hội và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”… Đặc biệt với 388 thành viên của 16 Câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ trên địa bàn 10 phường trong 10 năm qua đã có các hoạt động chăm lo thiết thực nhất là đối với công nhân, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong các dịp lễ, Tết và dịch Covid -19 như không tăng giá phòng trọ, thu tiền điện, nước sinh hoạt đúng quy định, giảm giá phòng trọ cho công nhân gặp khó khăn vì dịch bệnh, có 132 nữ chủ nhà trọ trong nhiều năm liền vẫn giữ mức thuê phòng trọ từ 1,5-1,7 triệu đồng/tháng, chăm lo hàng ngàn phần quà cho công nhân, lao động với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng.
Hội đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp như vận động nữ doanh nghiệp tham gia các hoạt động Ngày hội phụ nữ khỏe, đẹp, tự tin; Ngày hội nữ doanh nhân; duy trì tổ chức sinh hoạt, nâng chất hoạt động Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp quận 7; kết nối giới thiệu sản phẩm và tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho 126.724 lượt hội viên, phụ nữ; hỗ trợ vay vốn, kết nối thị trường, giới thiệu sản phẩm cho 67 phụ nữ có nhu cầu khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh với số tiền 2.121.000.000 đồng. Đồng thời khảo sát và phát vay cho 43 thành viên Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp quận 7 với tổng số vốn 1.810.000.000 đồng.
Một số giải pháp nâng cao vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trên địa bàn quận 7, TP.HCM
Trải qua 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân xuất hiện và ngày càng phát triển, đang trở thành một lực lượng quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước. Doanh nhân luôn tham gia tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước, từ đó hình thành một đội ngũ doanh nhân là những “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế” - những “chiến sĩ thời bình”. Doanh nhân là lực lượng chủ yếu huy động các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thông qua tổ chức và điều hành sản xuất - kinh doanh, doanh nhân, doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là lực lượng chủ lực thực hiện liên doanh, hợp tác kinh tế, tranh thủ vốn đầu tư nước ngoài, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; quảng bá các sản phẩm, hàng hóa, hình ảnh và giá trị văn hóa Việt Nam. Họ là mắt xích không thể thiếu trong các liên kết, hợp tác kinh tế - xã hội, trong đó có liên kết “5 nhà” (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà băng và nhà nông).
Ngoài ra, đội ngũ doanh nhân còn góp phần hình thành lối sống sáng tạo, tự lập, tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận rủi ro, có chí làm giàu, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Doanh nhân giàu có, thành đạt trở thành mục tiêu, khát vọng phấn đấu của nhiều người, nhất là giới trẻ. Để tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trên địa bàn quận 7, TP.HCM, cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, chủ động xây dựng các phương án phòng, chống dịch bệnh, sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Thứ hai, tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo về “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiên cứu các nhiệm vụ giải pháp, chương trình hành động; tạo sự chuyển biến trong việc nâng cao vai trò doanh nghiệp, doanh nhân trong toàn quận, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ ba, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nhân kinh doanh, trong đó chú trọng môi trường an ninh trật tự xã hội, hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển, tuân thủ pháp luật, làm cầu nối gắn kết doanh nhân với các tổ chức tài chính - ngân hàng, các sở, ngành và Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đầu tư TP.HCM để các doanh nhân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay, mở rộng thị trường; nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật nhà nước; luật quốc tế; giúp các doanh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Thứ tư, củng cố, kiện toàn cơ cấu, tổ chức của Hội Doanh nghiệp quận 7. Phát huy vai trò của Hội Doanh nghiệp quận 7 trong việc xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân đối với cộng đồng, xã hội song song với việc tập hợp các ý kiến, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc chính đáng của các doanh nhân. Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hợp nhất, sáp nhập hình thành các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, có khả năng dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, khẳng định vị trí trên thị trường.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của doanh nhân, doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của quận 7.
(*) ThS. Từ Minh Thuận - Giảng viên Khoa Quản lý Hành chính,
ThS. Phạm Công Danh - Chuyên viên Phòng Quản lý Đào tạo,
ThS. Trần Thị Ngọc Hân - Chuyên viên phòng Quản lý Đào tạo,
Học viện Cán bộ TP.HCM