Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đề cập đến gánh nặng bệnh ho gà với tần suất mắc cao nhất được ghi nhận ở nhóm trẻ chưa đủ tuổi hoàn tất lịch tiêm chủng cơ bản.
Theo PGS.TS Phạm Quang Thái - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) có hơn 50% trẻ mắc bệnh nặng có nguồn lây từ mẹ và nhiễm bệnh trong giai đoạn khoảng trống miễn dịch trong ba tháng đầu đời.
Đáng chú ý, có tới 93% các trường hợp phải nhập viện và theo dõi biến chứng như viêm phổi, co giật hay tổn thương não, hơn 73% các ca tử vong có liên quan đến ho gà xảy ra ở nhóm tuổi trẻ dưới ba tháng tuổi. Sớm nhận thấy sự cần thiết phải chủng ngừa để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ này, Tổ chức Y tế thế giới và hơn 40 quốc gia bao gồm Anh, Mỹ, Brazil, Úc...đã ban hành khuyến cáo chủng ngừa cho phụ nữ mang thai nhằm giúp bảo vệ mẹ và trẻ sơ sinh phòng bệnh ho gà trong giai đoạn “Khoảng trống miễn dịch”.
Vừa qua, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng vaccine Tdap của GSK trong thai kỳ và Bộ Y tế Việt Nam cũng đã phê duyệt vaccine này để tiêm phòng cho phụ nữ mang thai nhằm truyền kháng thể phòng bệnh ho gà, uốn ván và bạch hầu cho trẻ sơ sinh ngay từ trong thai kỳ.