USD biến động, ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam?
Từ khi chiến sự Israel - Hamas bùng phát, giá USD trên thế giới tăng nhưng không nhiều. Vậy từ giờ đến cuối năm, giá USD sẽ biến động thế nào, ảnh hưởng tới doanh nghiệp Việt ra sao? Để tìm hiểu về vấn đề này, Doanh Nhân Sài Gòn đã phỏng vấn ThS. Lưu Văn Vinh - chuyên gia về an ninh tiền tệ và quan hệ quốc tế.
* Từ khi cuộc chiến Israel - Hamas nổ ra ngày 7/10 tới nay, tỷ giá USD/VND không thay đổi bao nhiêu. Ông có thể giải thích về điều này?
- Có thể do một số nguyên nhân: Thứ nhất, cuộc chiến chưa rơi vào tình trạng mất kiểm soát, chưa lan rộng ra khu vực Trung Đông và chưa tác động đến nguồn cung dầu của thế giới. Thứ hai, chỉ số DXY hay còn gọi là USD Index (chỉ số đo lường giá trị của đồng USD so với tiền tệ khác) dường như đã đạt đỉnh. DXY có thể đi ngang trong thời gian tới. Thứ ba, giá dầu mỏ gần đây chững lại, dẫn đến chi phí nhập xăng dầu của Việt Nam ở mức chấp nhận được. Thứ tư, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam thời gian qua ở mức an toàn (tương đương ba tháng nhập khẩu). Thứ năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tuy giảm so với năm 2022 nhưng vẫn thặng dư khoảng 12,5 tỷ USD từ đầu năm 2023. Các nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ về, tạo ra lượng ngoại tệ lớn hỗ trợ việc kiểm soát tỷ giá USD/VND. Thứ sáu, Ngân hàng Nhà nước triển khai nghiệp vụ tín phiếu nhằm thu hút tiền về, không để VND mất giá thêm.
* Theo ông, cuộc chiến hiện nay tại Trung Đông ảnh hưởng thế nào đến giá trị đồng USD?
- Trung Đông liên tục trải qua nhiều biến động. Có cuộc chiến chỉ liên quan đến hai nước như Iran - Iraq thập niên 1980. Có cuộc chiến liên quan đến nhiều quốc gia như Israel - Ả Rập 1948, chiến tranh 6 ngày 1967, hay chiến tranh Ả Rập-Israel 1973 (Yom Kippur). Hiện nay là Israel - Hamas.
Theo dõi các diễn biến trên, dễ nhận thấy vai trò và sự can dự của Mỹ ngày càng tăng. Xung đột cũng tác động mạnh đến đồng USD. Vì vậy, từ thập niên 1980, Mỹ xác định Trung Đông là “lợi ích quốc gia”.
Cuộc chiến Israel - Hamas hiện nay không nằm ngoài xu thế đó. Tuy nhiên, xung đột này có thể mang lại cho đồng USD nhiều lợi ích hơn so với những cuộc chiến trước. Nhận định trên dựa trên một số phân tích. Một là, trong bối cảnh ảm đạm của kinh tế thế giới năm 2023 (dự báo GDP toàn cầu chỉ tăng 2%) thì kinh tế Mỹ có vẻ tích cực hơn. GDP quí III/2023 của xứ cờ hoa đạt 4,9%, cao hơn nhiều so với dự báo. Hai là, cuộc chiến tại Ukraine tạo cơ hội cho Mỹ trong việc bán vũ khí, bán dầu mỏ, khí đốt sang châu Âu với giá cao. Ba là, cuộc chiến Israel - Hamas hiện nay nếu không kiểm soát được sẽ đẩy kinh tế toàn cầu vào rủi ro. Đồng USD (hiện đang mạnh hơn nhiều ngoại tệ khác) sẽ là nơi “trú ẩn” cho các nhà đầu tư. Điều này đã được kiểm nghiệm qua nhiều biến động địa - chính trị trong lịch sử. Không những vậy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ lãi suất cao để chống lạm phát, cũng khiến đồng USD mạnh.
* Từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, nhiều quốc gia buôn bán với Nga đã chuyển sang dùng đồng rúp và nhân dân tệ. Theo ông điều này ảnh hưởng thế nào đến vị thế đồng USD?
- Khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, phương Tây cấm vận Nga trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, quân sự đến ngoại giao. Về kinh tế, phương Tây ngắt các ngân hàng Nga ra khỏi Hệ thống Thanh toán toàn cầu (SWIFT). Điều này khiến kinh tế - tài chính - ngân hàng Nga rung chuyển. Hậu quả là xuất nhập khẩu của Nga bị thu hẹp rất mạnh. Về quan hệ Nga - Trung, hai bên thống nhất đẩy mạnh dùng đồng rúp và nhân dân tệ trong giao thương là phù hợp vì đây là hai thị trường lớn, tiếp giáp biên giới và có thể bổ sung cho nhau (Nga cần hàng tiêu dùng và hàng công nghệ cao, Trung Quốc cần dầu mỏ và khí đốt). Do đó, không nhất thiết phải dùng tiền của quốc gia thứ ba. Hai nước đang dẫn đầu tiến trình giảm phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, sự thay đổi phương thức thanh toán trên không ảnh hưởng nhiều đến vị thế đồng USD trên toàn cầu vì nhiều nguyên nhân. Đó là kim ngạch xuất nhập khẩu Nga - Trung không lớn (năm 2023 phấn đấu đạt 200 tỷ USD); một số quốc gia sử dụng nhân dân tệ trong giao thương với Nga ở qui mô nhỏ, chưa thành trào lưu trong thương mại quốc tế; đồng nhân dân tệ chưa là tiền tự do chuyển đổi như USD, nên nếu có nhu cầu dự trữ cũng ở giới hạn nhất định, chưa kể hiện nay nhân dân tệ mới ở mức 2,5% trong giao thương toàn cầu, kém xa 40% của USD.
* Theo ông, từ giờ đến cuối năm, những yếu tố nào tác động đến tỷ giá USD trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng?
- Ở góc độ toàn cầu, các yếu tác động lên tỷ giá USD gồm căng thẳng địa - chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ, cách chống lạm phát và điều hành lãi suất của FED. Với Việt Nam, ngoài các yếu tố nêu trên, tỷ giá VND/USD còn phụ thuộc vào một số điều kiện: Cuộc chiến Israel - Hamas có lan rộng hay không, lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế (hiện nay tỷ trọng ở mức cao 125% GDP), kim ngạch xuất khẩu sụt giảm hoặc tiến độ giải ngân vốn FDI bị chậm, cộng với chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
* Vậy, doanh nghiệp Việt cần làm gì để ứng phó với những tình huống biến động, thưa ông?
- Biến động tỷ giá, lãi suất là một phần của biến động kinh tế mà mọi doanh nghiệp phải trải qua, đặc biệt liên quan tới xuất nhập khẩu. Nếu tỷ giá VND/USD cao, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông sản có lợi. Doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu không lợi nhiều vì phải nhập khẩu vật tư và nguyên liệu, doanh nghiệp nhập khẩu không có lợi vì giá từ nước ngoài về sẽ đắt hơn, khiến việc tiêu thụ hàng gặp khó khăn. Nếu tỷ giá VND/USD thấp, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa không có lợi vì tiền qui đổi ra VND ít, doanh nghiệp nhập khẩu có lợi vì chi phí ngoại tệ không nhiều.
Nếu không có biến động lớn, từ giờ đến cuối năm tỷ giá USD/VND có lẽ sẽ ổn định. Do đó, không tác động nhiều đến tình hình làm ăn của doanh nghiệp.
* Xin chân thành cảm ơn ông!