UBND TP.HCM đưa ra 4 nhóm giải pháp hỗ trợ DN vượt khó mùa dịch

Ngọc Thoại| 17/08/2021 06:00

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khắc phục những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 dựa trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) với 4 nhóm giải pháp cụ thể.

UBND TP.HCM đưa ra 4 nhóm giải pháp hỗ trợ DN vượt khó mùa dịch

Theo đó, văn bản 42/KH-UBND ban hành ngày 16/8 về “Kế hoạch hỗ trợ DN bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM” nhằm huy động hiệu quả mọi nguồn lực, hỗ trợ DN trong và ngoài nước duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh những nơi có nhu cầu, hoạt động hiệu quả và đảm bảo điều kiện an toàn theo tiêu chí của UBND TP.HCM; qua đó góp phần giữ ổn định tăng trưởng kinh tế, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh khi dịch được kiểm soát, đảm bảo thu ngân sách nhà nước và chi thường xuyên.

Ngoài ra, mục tiêu của  kế hoạch này còn nhằm duy trì hoạt động hỗ trợ vốn, giảm chi phí cho các DN đang sản xuất để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid- 19, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống cho người lao động; hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người lao động, người sử dụng lao động.

Với những mục tiêu trên, UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện tiếp tục theo dõi sát tình hình hoạt động, chủ động nắm bắt các khó khăn vướng mắc của DN để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa cho DN và người lao động.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành phụ trách các lĩnh vực phải chủ động cập nhật các chính sách hỗ trợ mới và đề xuất triển khai ngay với các hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, người lao động tiếp cận chính sách.

Về các nhóm giải pháp hỗ trợ, TP  đưa ra 4 nhóm giải pháp gồm: các giải pháp hỗ trợ về tín dụng; các giải pháp hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; các giải pháp hỗ trợ mở rộng thị trường; và các giải pháp hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực. 

Giải pháp hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh

UBND TP. HCM  giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu phân loại DN theo mức độ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và tác động đối với kinh tế - xã hội TP, gồm 3 nhóm DN: phá sản, tạm dừng, đang hoạt động (mô hình sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường 2 điểm đến”) . Trên cơ sở đó tổ chức rà soát, phân tích tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc từng nhóm, đề xuất chính sách phù hợp.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tham mưu đề xuất tiêu chí xác định DN cần được ưu tiên tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, đạt kết quả nhanh, ngay trong tháng 8, có danh sách thứ tự ưu tiên theo lĩnh vực ngành nghê. Đồng thời nghiên cứu, báo cáo UBND TP phương án trình HĐND TP về chính sách hỗ trợ chi phí cho DN hoạt động theo mô hình sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường 2 điểm đến” nếu đủ điều kiện và khả thi.

 UBND TP. HCM  giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan tham mưu đề xuất UBND TP ban hành quy chuẩn hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch để DN quay lại hoạt động với lộ trình cụ thể, có thể mở từng bước để kiểm tra tính an toàn, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình. Trước mắt thí điểm đối với một số khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoàn thành việc tiêm vắc xin mũi 2 để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và an toàn sản xuất…Sở Y tế tham mưu UBND TP.HCM đề xuất cơ chế cho phép DN chủ động đàm phán, mua vaccine từ các nguồn quốc tế cũng như trong nước; hướng dẫn quy trình xử lý F0, F1 tại nơi sản xuất, kinh doanh; xác định rõ trách nhiệm của chính quyền, cơ quan y tế địa phương và DN trong việc tổ chức xét nghiệm và truy vết; hỗ trợ DN xử lý các tình huống có thể xảy ra, tạo điều kiện giúp DN hoạt động trở lại nhanh nhất.

Giải pháp  hỗ trợ về tín dụng

 UBND TP.HCM giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thành việc thực hiện các chính sách hỗ trợ và trình UBND TP.HCM ban hành hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương để xác định chi phí tiền lương, chi phí nhân công của lao động trực tiếp sản xuất trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công trên địa bàn  TP .

Riêng Sở KH-ĐT tham mưu tổ chức Hội nghị trực tuyến gặp gỡ giữa Lãnh đạo  TP và các Hiệp hội DN nước ngoài, DN có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP.HCM về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trong tháng 8 năm 2021 để kịp thời lắng nghe khó khăn, nắm bắt thông tin, điều chỉnh bổ sung kịp thời các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Giải pháp hỗ trợ mở rộng thị trường

 Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư  TP (ITPC)  phối hợp với Sở CT, Sở Du lịch, Sở KH-ĐT và các cơ quan có liên quan hỗ trợ DN tham gia các Hội chợ, kênh thương mại trực tuyến do các tổ chức nước ngoài triển khai để hỗ trợ DN xuất khẩu, tìm kiếm các thị trường mới thay cho các thị trường truyền thống lâu nay; tổ chức gặp gỡ các Hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chia sẻ, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng ổn định trở lại.

ITPC cũng phải tổ chức chuỗi sự kiện Tuần lễ sản phẩm DN TP.HCM ngay tại TP   và các tỉnh thành trong nước; tổ chức triển lãm sản phẩm xuất khẩu tại phòng trưng bày xuất khẩu TP.HCM; hỗ trợ DN giới thiệu và quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm quốc tế gắn với kết nối DN (B2B), kết nối với người tiêu dùng (B2C) của nước sở tại..

Giao Sở Công thương đề xuất thành lập chuỗi phân phối sản phẩm trên địa bàn TP; hỗ trợ DN tiêu thụ hàng hóa nội địa, kết nối chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu, cung cấp các mặt hàng chất lượng cao cho các tỉnh thành và mở rộng thị trường, kênh phân phối nội địa; tham mưu UBND TP.HCM các giải pháp hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm cơ khí - tự động hóa, sản phẩm ngành chế biến thực phẩm và sản phẩm nhựa, cao su trong năm 2021; giải pháp hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của  TP năm 2021 theo danh mục đã được phê duyệt.

Đối với Sở Du lịch, cần tổ chức gian hàng và giới thiệu chương trình kích cầu du lịch TP.HCM tại Ngày hội Du lịch 2021; tham gia tháng khuyến mãi tiêu dùng TP.HCM; Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM năm 2021 (ITE HCMC 2021); 

Đối với Sở NN&PTNT, cần xây dựng định mức hỗ trợ từng loại dự án, hạng mục, công trình đối với DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tổ chức Chương trình xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp và sản phẩm OCOP năm 2021.

Giải pháp hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực

Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) cần phối hợp Hội Tin học TP.HCM triển khai kế hoạch, chương trình hỗ trợ DN đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất; từng bước chuyển khu vực kinh tế dịch vụ đơn thuần sang số hoá như: thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thúc đẩy phát triển các nền tảng trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục và y tế.

Xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo về chuyển đổi số cho DN và đề xuất xây dựng cơ chế minh bạch về nguồn dữ liệu mở thuộc khu vực công để các DN công nghệ có thể tiếp cận nguồn tài nguyên số để phát triển các sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo; Đề xuất thiết lập kênh tiếp nhận, giải đáp thông tin về Covid-19 cho người nước ngoài. Bổ sung nội dung thông tin bằng tiếng Anh trên Cổng thông tin Covid-19  TP.HCM.

Ngoài ra, các Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch TP. Thủ Đức, các quận, huyện phải thường xuyên, chủ động nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc của DN; khẩn trương xử lý ngay những nội dung thuộc chức năng, thẩm quyền trường hợp cần thiết thì nhanh chóng phối hợp Sở ngành, Quận huyện liên quan để tháo gỡ ngay cho DN, không để chậm trễ. Trường hợp vượt thẩm quyền thì mau chóng báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
UBND TP.HCM đưa ra 4 nhóm giải pháp hỗ trợ DN vượt khó mùa dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO