Thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm. Nguồn Ảnh Báo Lâm Đồng |
Theo UBND huyện Bảo Lâm, thời gian gần đây, một số cơ quan báo chí liên tục đưa tin về các công trình, dự án bất động sản tại địa phương và công tác quản lý đất đai của chính quyền. Sau khi rà soát nội dung có liên quan, UBND huyện Bảo Lâm xin thông tin đến các cơ quan báo chí một số nội dung liên quan, như sau:
Chỉ giải quyết thủ tục về đất đai, xây dựng cho hộ gia đình, cá nhân
Trong thời gian qua UBND huyện chỉ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng của các hộ gia đình, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và chưa có doanh nghiệp nào đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn.
Việc hiến đất của người dân chủ yếu là để mở đường, nhằm thuận tiện trong việc vận chuyển, đi lại. Các tuyến đường mới mở đều đấu nối với đường giao thông nông thôn tại khu vực.
Sau khi hiến đất làm đường giao thông, các trường hợp phù hợp quy hoạch sử dụng đất (quy hoạch đất ở) và có kế hoạch sử dụng đất hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì người dân đã lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và lập thủ tục tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất, được cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Quy trình thực hiện: Khi người dân có đơn xin hiến đất, tự nguyện trả lại đất làm đường giao thông, UBND huyện giao cơ quan chuyên môn phối hợp cùng chính quyền địa phương kiểm tra, tham mưu UBND huyện giải quyết.
Thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của UBND huyện khi có đủ điều kiện quy hoạch là đất ở và nằm trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc tách thửa đất thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Trong thời gian qua trên địa bàn huyện Bảo Lâm, chủ yếu tại địa bàn các xã Lộc Tân, Lộc Quảng, Lộc An, Lộc Đức, Lộc Ngãi có một số hộ gia đình, cá nhân tại địa phương cũng như ngoài địa phương về mua đất để nghỉ dưỡng và đầu tư, sinh lợi.
Đối với khu vực các cơ quan báo chí phản ánh tại xã Lộc Quảng, với khu đất 41 ha hiện đang được công ty Khải Hưng rao bán: Qua rà soát khu vực này được quy hoạch là đất ở nông thôn và được UBND huyện Bảo Lâm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 11 hộ gia đình, cá nhân, với diện tích khoảng 25 ha, từ năm 2000 đến nay, cụ thể: Năm 2000 có 1 hộ với 3 ha; năm 2018 có 2 hộ với 5 ha, năm 2019 có 3 hộ với 7 ha, năm 2020 là 5 hộ với 9,5 ha … Các hộ gia đình đã thực hiện các thủ tục hiến đất làm đường, chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa theo quy định.
Sau khi đối chiếu hồ sơ, thì các khu đất được đặt tên theo tiếng nước ngoài do các hộ gia đình, cá nhân đứng tên, ủy quyền cho các đơn vị bán hàng, các đơn vị này tự đặt tên cho khu đất bằng tên nước ngoài và triển khai chào bán trên mạng xã hội. Khải Hưng là đơn vị được ủy quyền bán hàng.
Định hướng phát triển ưu tiên ngành dịch vụ, du lịch
Do đặc điểm huyện Bảo Lâm có diện tích đất tự nhiên lớn với 146.342 ha, có 58.000 ha đất nông nghiệp, diện tích đất ở 1.008 ha chiếm 0,7% tổng diện tích tự nhiên và chiếm 1,7% diện tích đất nông nghiệp của huyện, dân số hơn 120.000 người (mật độ dân cư thấp).
Bảo Lâm có điều kiện khí hậu mát mẻ, ôn hòa, có nhiều cảnh quan, ao, hồ, sông, suối, diện tích rừng lớn, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; đường cao tốc Tân Phú - Đà Lạt sẽ khởi công năm 2022 sẽ thu hút khách du lịch từ các tỉnh đến địa phương, trong khi đó, tỷ trọng khu vực dịch vụ trên địa bàn huyện mới chiếm tỷ lệ 15,5%, thấp so với các khu vực khác, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm trên 35% trong cơ cấu nền kinh tế.
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, huyện Bảo Lâm có định hướng ưu tiên tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, du lịch và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện. Do vậy để thu hút các nhà đầu tư vào Bảo Lâm thì việc tăng diện tích đất ở, các điểm dân cư trên địa bàn huyện là phù hợp, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.