Năm học 2013-2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành quy chế mới về việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Thí sinh có hai môn thi bắt buộc là toán, văn, hai môn tự chọn (lý, hóa, sinh, lịch sử, địa lý) và tiếng Anh là môn thi khuyến khích để thí sinh được cộng điểm. Quy chế này đã tạo ra nhiều luồng dư luận trong xã hội.
Đọc E-paper
Theo Bộ GD-ĐT, quy định mới này là một bước cải cách trong giảng dạy và học tập. Học sinh chỉ còn thi bốn môn (so với sáu môn trước kia) là một sự giảm tải đáng kể và sẽ tập trung nhiều hơn vào ba môn thi đại học. Từ đó, sẽ tiết kiệm được cả về kinh phí, thời gian cũng như nhân lực cho xã hội và kỳ thi đại học sẽ đảm bảo chất lượng hơn.
Tuy nhiên, một khía cạnh khác mà nhiều giáo viên lo lắng là tình trạng học lệch của học sinh và đặc biệt hơn là nỗi lo về tương lai của hai môn lịch sử và địa lý.
Các năm vừa qua, thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy số lượng thí sinh đăng ký các ngành khoa học xã hội ít hơn các ngành khoa học tự nhiên. Cụ thể hơn là khối C, khối duy nhất có cả hai môn lịch sử và địa lý, số lượng thí sinh đăng ký là rất thấp. Học sinh đã có tâm lý ngại học lịch sử và địa lý do khối lượng bài vở nhiều, nặng lý thuyết và có ít ngành tuyển sinh, nay Bộ GD-ĐT lại không chọn để thi tốt nghiệp nữa, có lẽ việc hai môn học rất ý nghĩa này bị “khai tử” chỉ là vấn đề thời gian.
Cô Cao Thu Hồng – nguyên giáo viên môn địa lý Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong TP. Hồ Chí Minh nói: “Tôi có cảm giác phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ GD-ĐT, nếu đúng như dự đoán, là chưa sát với thực tế giáo dục nước nhà. Thoạt nghe thì việc giảm từ sáu môn thi xuống còn bốn môn có vẻ hay, sẽ giảm bớt áp lực cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, điều không ổn ở đây là nếu cho học sinh tự chọn hai môn, chắc chắn các em sẽ chọn môn thi tốt nghiệp trùng với môn thi thuộc khối thi đại học. Điều này đồng nghĩa với việc “khai tử” các môn khoa học xã hội như lịch sử, địa lý. Bởi hiện nay rất ít thí sinh chọn thi khối C. Rồi đây ngay chính ban giám hiệu các trường cũng sẽ ít quan tâm, ít đầu tư cho lịch sử, địa lý… Nếu Bộ GD-ĐT cho thí sinh tự chọn hai môn nhưng phải quy định thêm: trong đó phải có một môn thuộc khoa học tự nhiên, một môn khoa học xã hội thì ổn hơn”.
Bác Hồ đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, nhưng có một thực tế là đa số bạn trẻ hiện nay đang dần quên đi bề dày lịch sử vẻ vang của dân tộc. Họ không thể phân biệt được chủ tịch và thủ tướng, lẫn lộn các sự kiện, nhân vật lịch sử với nhau. Thậm chí, nhiều người còn thuộc lịch sử nước khác thông qua các phim cổ trang, kiếm hiệp đầy rẫy trên truyền hình, hơn là biết về lịch sử nước nhà. Vậy nên mới có câu cải biên từ ý “Dân ta phải biết sử ta” là “Cái gì không biết ta tra Google”!
Đứng dưới góc độ của bộ phận giáo viên giảng dạy môn lịch sử, địa lý, nỗi niềm mà họ đang lo lắng là hoàn toàn có căn cứ xác đáng. Và không chỉ giáo viên phổ thông mà chính các bộ môn đại cương của bậc đại học như Tư tưởng Hồ Chí Minh, Chính trị học, Đường lối Cách mạng Việt Nam… cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Cải cách, đổi mới là điều nên làm, như việc đổi mới quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay. Tuy nhiên, việc đổi mới ấy phải làm sao để không tạo ra những bất cập mới. Hy vọng trong tương lai, một quy chế thi tốt nghiệp mới sẽ ra đời hợp lý và nâng cao chất lượng giáo dục hơn.