Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi quảng cáo sai sự thật

25/08/2016 06:33

Doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm sai sự thật có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý ở nhiều lĩnh vực và có nguy cơ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi quảng cáo có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định.

Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi quảng cáo sai sự thật

Doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm sai sự thật có thể chịu trách nhiệm pháp lý tùy theo từng lĩnh vực và có nguy cơ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi quảng cáo có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định.

Xử phạt hành chính

Xử phạt vi phạm hành chính là chế tài được áp dụng phổ biến nhất dành cho các hành vi quảng cáo vi phạm pháp luật.

Tùy vào hình thức vi phạm và loại sản phẩm cụ thể được quảng cáo mà doanh nghiệp có hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử lý bằng hình thức phạt tiền với giá trị khác nhau từ 10 - 70 triệu đồng.

Đặc biệt, đối với các sản phẩm sữa, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng..., doanh nghiệp còn có thể chịu thêm mức phạt từ 5 - 15 triệu đồng cho hành vi quảng cáo sản phẩm không đúng với các tài liệu về an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc công bố hợp quy.

Ngoài hình thức phạt tiền, doanh nghiệp có quảng cáo vi phạm còn phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như cải chính thông tin, tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.

Xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Hiện nay, hành vi quảng cáo sai sự thật chiếm tỷ trọng khá cao trong các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, bao gồm những quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về giá, số lượng, chất lượng, công dụng... hoặc bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Doanh nghiệp vi phạm có thể chịu mức phạt từ 60 - 140 triệu đồng và chịu một hoặc một số mức hình phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ quảng cáo vi phạm hoặc buộc phải cải chính công khai.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Đối tượng bị xâm hại bởi quảng cáo sai sự thật bao gồm người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm cạnh tranh với sản phẩm được quảng cáo. Tại Việt Nam, doanh nghiệp có hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do những tác động xấu của quảng cáo đối với người tiêu dùng và các doanh nghiệp khác.

Do yêu cầu bồi thường thiệt hại là một quyền được pháp luật thừa nhận nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các chủ thể kinh doanh cũng như người tiêu dùng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được áp dụng đồng thời với các chế tài khác.

Trách nhiệm hình sự

Trong trường hợp quảng cáo sai sự thật có đầy đủ dấu hiệu của hành vi “quảng cáo gian dối” theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm mà áp dụng chế tài hình sự thích hợp.

Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng, bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Công ty Luật PLF

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi quảng cáo sai sự thật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO