Bà Nguyễn Thị Cúc tại buổi Tọa đàm về Luật quản lý thuế sửa đổi của HUBA. |
Theo tôi, DN phải quan tâm thích đáng đến chính sách quản lý thuế. Bởi DN có thể sản xuất, kinh doanh tốt nhưng nếu lơ là về thuế thì bao nhiêu công lao có thể bị sụp đổ. Ví dụ khi DN lên phương án kinh doanh nhưng lại không nắm được các loại thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng không biết bộ chứng từ thế nào là đủ, đúng để được hoàn thuế thì sẽ rất lúng túng. Do vậy, có nhiều DN sản xuất hàng xuất khẩu mà không được hoàn thuế chỉ vì thiếu chứng từ thanh toán, hóa đơn hợp pháp. Thậm chí có những dự án được ưu đãi đầu tư, miễn, giảm thuế đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng lại không biết để làm thủ tục miễn giảm. Với những nội dung mới, tôi khẳng định Luật Quản lý thuế đã dành cho người nộp thuế rất nhiều quyền.
* Bà có thể nói rõ hơn về quyền của người nộp thuế?
- Người nộp thuế có nghĩa vụ và có quyền trong thực thi pháp luật về thuế. Họ được quyền yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích việc tính thuế, phương thức ấn định thuế, thời hạn hoàn thuế, tại sao không được hoàn thuế; quyền được bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế, được nhận văn bản kết luận kiểm tra thuế, thanh tra thuế, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý thuế; được hưởng các ưu đãi về thuế, hoàn thuế theo quy định của pháp luật. Ngay cả việc chậm ban hành quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn, cơ quan thuế còn phải trả tiền lãi 0,03%/ngày tính theo số ngày chậm hoàn trả cho người nộp thuế.
* Theo bà, quy định mới của Luật Quản lý thuế (sửa đổi) khắc phục được hạn chế nào trong lĩnh vực kiểm toán thuế của cơ quan Kiểm toán Nhà nước?
- Trước đây, cơ quan Kiểm toán Nhà nước chuyển kết quả kiểm toán sang cơ quan thuế để thu thuế. Cho nên có trường hợp DN không đồng ý thì chỉ biết kiến nghị cơ quan thuế, trong khi cơ quan thuế không có chức năng xử lý nên dù không đồng tình kết quả kiểm toán vẫn phải thu thuế. Quy định ở Luật Quản lý thuế (sửa đổi) thì không như vậy nữa, mà chỉ rõ: Kiểm toán Nhà nước trực tiếp kiểm toán DN, nếu phát hiện tăng thêm thuế phải nộp thì gửi báo cáo kiểm toán cho DN đồng thời kiến nghị hoặc có quyền khiếu nại lên Kiểm toán Nhà nước để xử lý cụ thể chứ không phải chuyển sang cơ quan thuế. Trường hợp cơ quan kiểm toán thanh tra không đến trực tiếp DN mà kiểm tra qua hồ sơ từ cơ quan thuế, nếu phát hiện sai phạm (phải nộp thêm hoặc truy thu thuế) thì kiểm toán phải gửi bản trích sao có kiến nghị liên quan nghĩa vụ nộp thuế cho DN, có văn bản đề nghị cơ quan thuế phối hợp Kiểm toán Nhà nước để xác định chính xác số thuế phải nộp và phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật trong trường kiểm toán sai phạm.
* Với vai trò là Chủ tịch VTCA, bà đánh giá thế nào về sự phát triển của Hội trong 11 năm qua và những đóng góp mà Hội đã làm được cho cộng đồng DN?
- Tính đến nay, VTCA có gần 800 hội viên. Chúng tôi thường tổ chức cập nhật, hướng dẫn chính sách thuế. Riêng trong năm 2018, VTCA nhận được 2.159 e-mail từ hội viên và các tổ chức khác, đã trả lời 386 e-mail về chính sách thuế cho hội viên và học viên các lớp cập nhật kiến thức mới về thuế. VTCA hỗ trợ hội viên trong việc phản ánh, kiến nghị với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế hướng dẫn giải quyết về thuế và các thủ tục hành chính thuế. Tích cực tham gia phản biện các cơ chế, chính sách trong quá trình xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đồng thời qua các diễn đàn, lãnh đạo Hội đã đóng góp nhiều ý kiến thúc đẩy hoàn thiện khung pháp lý về hành nghề đại lý thuế. Hội cũng tham gia đối thoại tại nhiều diễn đàn kinh tế, tài chính, diễn đàn DN về thuế, hải quan. VTCA đã xuất bản 36 đầu sách nghiệp vụ thuế được cơ quan thuế, người nộp thuế đón nhận, coi đó là cẩm nang trong quá trình thực thi chính sách thuế. VTCA cũng mở rộng hợp tác song phương, đa phương với Hiệp hội Tư vấn thuế Châu Á - Châu Đại Dương (AOTCA); Hiệp hội Kế toán thuế công Nhật Bản (JFCPTAA), Hiệp hội Đại lý thuế nữ Nhật Bản, Hội Tư vấn thuế Mông cổ, Hiệp hội Xúc tiến phổ cập kế toán ghi sổ kép Nhật Bản tại Việt Nam (ABPV), Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) nhằm học hỏi kinh nghiệm quản lý, tư vấn thuế, đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam trong tiến trình đổi mới, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT QUẢN LÝ THUẾ (SỬA ĐỔI) Được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có những điểm mới cơ bản như sau: Quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước. Xác định rõ người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế. Quyền của người nộp thuế. Cụ thể các trường hợp được xóa nợ thuế, quyền chậm nộp, quyền phạt và thẩm quyền quyết định xóa nợ thuế. Luật bổ sung quy định tạm hoãn xuất cảnh nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Bổ sung quy định khi người nộp thuế chưa đồng ý với quyết định nộp thuế thì phải làm văn bản gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra xem xét lại nghĩa vụ nộp thuế. Luật quy định cụ thể một số vấn đề nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đặc biệt là hóa đơn điện tử. Những quy định cụ thể về đại lý thuế. Thanh tra, kiểm tra thuế. Những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế như thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế. Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế. Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ. Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ. Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình. Bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn, sử dụng hóa đơn không phù hợp. Làm sai lệch, sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin về người nộp thuế. Luật Quản lý thuế (sửa đổi) nhằm hướng tới sự hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, minh bạch và công bằng trong quản lý thuế, giảm thiểu thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt, việc sử dụng hóa đơn điện tử được quy định bắt buộc thời điểm thực hiện vào ngày 1/7/2022. |