Một số vấn đề pháp lý doanh nghiệp phải xử lý trong dịch Covid-19

LS. Lê Thu Phương| 14/05/2020 03:00

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi nêu ra một số vấn đề pháp lý nảy sinh từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, bao gồm thực hiện hợp đồng, quan hệ lao động, bảo mật thông tin, bảo hiểm...

Một số vấn đề pháp lý doanh nghiệp phải xử lý trong dịch Covid-19

Thực hiện hợp đồng

Dịch bệnh Covid-19 cũng như các biện pháp cách ly xã hội, hạn chế đi lại, đóng cửa cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu của Chính phủ đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động của doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN trong lĩnh vực dịch vụ vận chuyển, du lịch, khách sạn, nhà hàng...

Dễ dàng bắt gặp tình huống các bên trong hợp đồng, từ hợp đồng thuê mặt bằng cho đến hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ có thể viện dẫn “sự kiện bất khả kháng” trong Bộ Luật Dân sự khi yêu cầu dừng thanh toán hoặc ngưng thực hiện hợp đồng. Đối với câu hỏi: Liệu Covid-19 và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có cấu thành “sự kiện bất khả kháng”, từ đó cho phép các bên ngưng thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng hay không?, thì  câu trả lời sẽ là: Điều ấy còn tùy thuộc vào ngôn ngữ cụ thể của từng hợp đồng.

Bộ Luật Dân sự chỉ đưa ra các yếu tố cấu thành một “sự kiện bất khả kháng” bao gồm “khách quan”, “không thể lường trước được” và “không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết”. Bên muốn viện dẫn Covid-19 và các biện pháp phòng chống dịch bệnh là “sự kiện bất khả kháng” phải chứng minh được sự tồn tại của cả ba yếu tố trên. Tuy nhiên, điều này không đơn giản. Lấy ví dụ, bên không muốn thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng (thuê mặt bằng, trụ sở...) khó có thể chứng minh “đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết” mà vẫn “không thể khắc phục” được hậu quả dẫn đến không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Theo Bộ Luật Dân sự, các bên trong hợp đồng chỉ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra “sự kiện bất khả kháng” nếu các bên không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác. “Thỏa thuận khác” ở đây chính là bản hợp đồng giữa hai bên. Tương tự như vậy, Luật Thương mại quy định trường hợp miễn trách nhiệm do xảy ra sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, nguyên tắc của hoạt động thương mại là tự do và tự nguyện thỏa thuận. Do đó, vấn đề vẫn trở lại là vấn đề về ngôn ngữ cụ thể của từng hợp đồng cụ thể. Nếu lấy ví dụ, “sự kiện bất khả kháng” được định nghĩa tại hợp đồng bao gồm các thảm họa thiên nhiên và dịch bệnh, tuy nhiên hợp đồng lại không bao gồm điều khoản cho phép miễn nghĩa vụ thanh toán, bên vi phạm nghĩa vụ thanh toán vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự theo hợp đồng.

Link bài viết

Khác với “sự kiện bất khả kháng”, “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” ít được các bên quy định cụ thể trong hợp đồng. Bộ Luật Dân sự quy định 5 điều kiện để xác định khi nào hoàn cảnh thực hiện hợp đồng được cho là bị thay đổi cơ bản. Khi đó, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu đàm phán lại hợp đồng hoặc, nếu không đạt được thỏa thuận, có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố chấm dứt hoặc sửa đổi hợp đồng. Như vậy, nếu một bên hợp đồng cho rằng hoàn cảnh thực hiện hợp đồng bị thay đổi cơ bản do Covid-19 và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bên đó có quyền yêu cầu đàm phán lại hợp đồng hoặc đưa vụ việc ra tòa án, nhưng không được tự ý dừng thực hiện hợp đồng hoặc nghĩa vụ hợp đồng.

Quan hệ lao động

Bộ Luật Lao động cho phép DN đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động vì những lý do bất khả kháng như “địch họa”, “dịch bệnh” nếu DN đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc và đã tuân thủ các quy định về thời gian báo trước. DN cũng có thể cho người lao động ngừng việc vì nguyên nhân khách quan như “dịch bệnh nguy hiểm”. Tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Như vậy, quyền của DN cho nhân viên nghỉ việc hoặc ngừng việc hưởng một phần lương trong khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra được pháp luật lao động thừa nhận. DN có thể được vận dụng chế định tạm hoãn thực hiện hợp đồng quy định tại Bộ Luật Lao động khi cho nhân viên nghỉ việc không hưởng lương. Theo quy định này, DN và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong thời gian dịch bệnh Covid-19.

Tai nạn lao động

Để đối phó với Covid-19, một số DN sắp xếp cho nhân viên làm việc tại nhà. Đối với những doanh nghiệp này, vấn đề tai nạn lao động cần phải được lưu ý.

Theo Bộ Luật Lao động, tai nạn lao động là tai nạn “xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”, bao gồm tai nạn xảy ra “tại nơi làm việc và trong giờ làm việc” và “ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động”. Do đó, nếu yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà, DN phải thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát, phòng ngừa tai nạn lao động cũng như cơ chế xử lý khẩn cấp, báo cáo tai nạn lao động và mức bồi thường.

Bí mật kinh doanh và quyền sở hữu trí tuệ

Nếu trang bị thiết bị số để người lao động làm việc tại nhà, DN phải lưu ý bảo mật thông tin kinh doanh, quyền sở hữu trí tuệ. DN có thể thực hiện những công việc sau:

- Quy trình bảo mật về việc lưu trữ, sao chép hoặc bàn giao dữ liệu. Cài đặt các thiết bị hoặc phần mềm để ngăn ngừa sao chép hoặc sử dụng trái phép dữ liệu.

- Ban hành quy chế bồi thường trong trường hợp người lao động làm hư hỏng thiết bị số được cấp.

- Rà soát hợp đồng bảo hiểm liên quan hiện có, như bảo hiểm tài sản chung của DN, hoặc bảo hiểm rủi ro an ninh mạng, cập nhật cho các nhà bảo hiểm về việc DN cho nhân viên làm việc tại nhà, để bên bảo hiểm bổ sung danh sách thiết bị đã cấp cho người lao động vào danh sách tài sản bảo hiểm...

Ngược lại, nếu người lao động sử dụng thiết bị cá nhân để thực hiện công việc theo hợp đồng lao động, DN lưu ý có thể xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ đối với thông tin, dữ liệu được lưu trữ trên thiết bị cá nhân của người lao động. Việc người lao động cài đặt phần mềm không có bản quyền trên thiết bị cá nhân cũng có thể lôi kéo DN vào những tranh chấp với bên thứ ba.

Link bài viết

Quyền lợi khi gián đoạn kinh doanh

Bản chất của bảo hiểm gián đoạn kinh doanh là nhằm bù đắp cho DN - bên được bảo hiểm các tổn thất về lợi nhuận hoặc tổn thất về lợi nhuận ước tính trong tương lai là hậu quả của thiệt hại vật chất đối với trụ sở hoặc tài sản được bảo hiểm. Ví dụ, cháy trụ sở hoặc xưởng sản xuất dẫn đến DN phải ngừng hoạt động một thời gian, bảo hiểm gián đoạn kinh doanh sẽ chi trả các khoản lợi nhuận dự kiến trong giai đoạn này. Vì lý do đó, những DN hiện tại đang phải dừng hoạt động hoặc bị giảm sút doanh số, nếu đã mua bảo hiểm gián đoạn kinh doanh thì nên nghĩ ngay đến việc yêu cầu công ty bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm gián đoạn kinh doanh.

Cũng như mọi loại hình bảo hiểm khác, quyền lợi bảo hiểm có được chi trả hay không hoặc trả như thế nào phụ thuộc vào điều khoản và điều kiện cụ thể của từng hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là điều khoản về phạm vi bảo hiểm và điều khoản loại trừ. Riêng đối với bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, một số chuyên gia bảo hiểm cho rằng nhìn chung sẽ không chi trả trong trường hợp DN bị ngừng hoạt động hoặc giảm sút doanh số do dịch bệnh Covid-19. Lập luận chung là bảo hiểm gián đoạn kinh doanh đòi hỏi trước hết phải có thiệt hại về mặt vật chất (thiệt hại về trụ sở, tài sản của DN), trong khi Covid-19 và các biện pháp phòng, ngừa dịch bệnh không gây ra thiệt hại về vật chất. Chẳng hạn, virus Corona chủng mới có thể bám được trên bề mặt tài sản, trụ sở nhưng không gây ra thiệt hại về mặt vật chất đối với tài sản hoặc trụ sở đó; hoặc biện pháp phòng, chống dịch bệnh như yêu cầu đóng cửa nhà hàng, quán ăn không gây ra thiệt hại về vật chất đối với nhà hàng hoặc quán ăn đó.

Ngược lại, một số ý kiến khác cho rằng, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như phun thuốc diệt khuẩn có thể gây ra thiệt hại về vật chất đối với tài sản, trụ sở. Và đó chính là điều kiện tiên quyết để bảo hiểm gián đoạn kinh doanh và quyền lợi bảo hiểm được kích hoạt.



(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một số vấn đề pháp lý doanh nghiệp phải xử lý trong dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO