Hình sự hóa quan hệ dân sự

28/06/2013 08:15

Hình sự hóa quan hệ dân sự là biến một sự vi phạm vào trật tự cá nhân (không trả nợ) thành một vi phạm vào trật tự xã hội (chiếm đoạt tài sản).

Hình sự hóa quan hệ dân sự

Hình sự là để nói tắt cho luật hình sự. Nó quy định những tội phạm làm hại trật tự xã hội và do đó bị xã hội trừng phạt. Thí dụ tội cướp tài sản. A cướp tài sản của B; A sẽ bị phạt; vì nếu không thì sẽ có nhiều người cướp tài sản của người khác làm cho xã hội mất an ninh. Tội hình sự sẽ bị cơ quan điều tra khởi tố; viện kiểm sát truy tố và tòa án ấn định hình phạt mà thường là bỏ tù. Đó là chế tài hình sự.

Dân sự là về luật dân sự, luật thương mại. Về đại thể, những luật này quy định khuôn khổ giao dịch của các cá nhân với nhau. Đó là trật tự giữa các cá nhân. Ai vi phạm là họ phạm vào trật tự của một người khác và sẽ bị thưa ra tòa để phải đền bằng tiền. Đó là chế tài dân sự. Nếu không có ai thưa thì tòa án không can thiệp.

Hình sự hóa quan hệ dân sự là biến một sự vi phạm vào trật tự cá nhân (không trả nợ) thành một vi phạm vào trật tự xã hội (chiếm đoạt tài sản). Tức là một người vi phạm đáng lẽ bị chế tài dân sự thì sẽ bị chế tài hình sự. Mục đích là làm cho người này lo sợ.

Hình sự hóa thường xảy ra trong việc cho vay mượn tiền hay tài sản trong giao dịch và kinh doanh. Khi làm ăn như thế, người đã bỏ tài sản ra cho người khác sử dụng, nay không đòi lại được thì là bị người kia lấy mất. Lấy tài sản của người khác thì bị luật hình gọi là: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (điều 139) và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (điều 140). Mỗi tội có một hành vi hay dấu hiệu phạm tội. Thí dụ:

- Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: người vi phạm dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt.

- Tội lạm dụng tín nhiệm: người vi phạm thuê hay nhận tài sản của người khác rồi dùng thủ đoạn gian dối, hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó; cách nữa là có được tài sản của người khác nhưng sử dụng nó cho mục đích bất hợp pháp khiến không có khả năng trả lại tài sản.

Vì có hai tội này, nên một chủ nợ bị trở thành nạn nhân thì họ sẽ “canh mánh” để xem con nợ có thủ đoạn gian dối hay bỏ trốn không. Nếu có là họ tố giác với cơ quan điều tra về một trong hai tội trên. Thường thường món nợ này lớn và con nợ phải đã có các dấu hiệu phạm tội. Báo chí có kể một vụ như sau.

Ông A. là chủ tịch một công ty ở Hải Phòng. Năm 2005, ông vay 1,1 tỉ đồng của bà B. để đầu tư vào công ty. Nay bà B. thưa ở Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng, là ông A. không trả nợ và đã bỏ trốn.

CQĐT ra thông báo và truy tìm ông A. để ông ta khai nhận việc vay nợ tiền. Vì không tìm được, CQĐT giám định chữ viết của ông ta để xác định việc vay nợ. Từ kết quả giám định này, CQĐT đã xác định được ông A. có vay nợ tiền của bà B. nay đã bỏ trốn.

Ngày 13/12/2012, CQĐT ra quyết định truy nã ông A. về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nhận được thông tin truy nã tội phạm, ngày 6/1/2013, ông A. đến công an ở Vũng Tàu trình diện. Ông ta được trả về Hải Phòng và bị giữ 11 ngày.

Ông ấy khiếu nại và nói là từ tháng 8/2005 đến tháng 4/2012, trước khi đưa vợ đi chữa bệnh tại Vũng Tàu, ông đã trả cho bà B. hơn 2 tỉ đồng tiền lãi và gốc.

Tháng 3/2013, công ty của ông đã họp hội đồng thành viên, xác nhận tình hình trên. Khi đưa vợ đi khám chữa bệnh ở Vũng Tàu, ông ta có làm đơn trình báo tạm vắng với cảnh sát khu vực. Sau khi được xác minh như thế CQĐT thả ông A.!

Việc hình sự hóa quan hệ dân sự diễn ra khi người bị thiệt hại tố cáo; nhưng để nó thành thực tế thì phải có sự tham gia của cơ quan điều tra và sự chấp thuận của viện kiểm sát. Hai nơi sau chính là người thực hiện; chứ người thiệt hại chỉ có hy vọng sau khi tố giác.

Ví dụ, theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trong năm 1999 và sáu tháng đầu năm 2000, đã có 76 vụ án và 349 bị can bị khởi tố, điều tra về các nhóm tội: Tội phạm kinh tế, xâm phạm sở hữu nhà nước, xâm phạm sở hữu công dân sau đó phải đình chỉ điều tra vì không có tội mà thực chất đây chỉ là vụ việc thuộc các quan hệ dân sự và kinh tế.

Cũng theo báo cáo này, có 115 người bị khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sau đó tòa án đã tuyên bị cáo không phạm tội (trong đó có 59 người do tòa án cấp sơ thẩm tuyên án và 56 người do tòa án cấp phúc thẩm tuyên án không phạm tội).

Trước các sự kiện trên có câu hỏi rằng việc hình sự hóa là do lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng đã sai lầm trong việc định tội danh, hay do quy định của luật về cấu thành tội phạm chưa rõ ràng?

Các luật gia bảo là cái sau; chính quy định của luật dẫn đến việc định tội sai. Định tội là xác nhận sự phù hợp giữa hành vi đã được thực hiện với các yếu tố cấu thành tội phạm. Vậy khi mà cái sau không rõ ràng thì cái trước được tha hồ giải thích.

Điều 139 quy định: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác...”. Thế nhưng thế nào là “thủ đoạn gian dối” và “chiếm đoạt tài sản” thì không được nêu ra.

Và các luật gia trên đề nghị nên có một thông tư liên tịch hướng dẫn thế nào là hành vi chiếm đoạt (biểu hiện); cách chứng minh ý thức chiếm đoạt và các trường hợp nhầm lẫn với vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

Tìm hiểu rộng hơn về vấn đề này, ta thấy ở các nước phát triển, họ không có việc hình sự hóa quan hệ dân sự. Lý do là tài sản ở nước họ bắt nguồn từ công dân (tư nhân) chứ không bắt đầu từ nhà nước. Vì vậy, luật hình của họ quy định rõ các yếu tố cấu thành tội phạm về tài sản; chứ không chung chung như luật của ta.

Tìm nguyên nhân cách viết của ta, thấy Bộ luật Hình sự năm 1985 chỉ có các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa, chứ không có các tội đó cho sở hữu công dân.

Thí dụ điều 135 là tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Nó quy định “Người nào lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa thì...”. Phải quy định chung chung như thế để dễ... tóm cổ người vi phạm; vì tài sản xã hội chủ nghĩa là của mọi người.

Tinh hoa ấy được áp dụng cho bộ luật năm 1999 mà mở rộng ra cho cả sở hữu của công dân. Và cách làm là cắt các chữ xã hội chủ nghĩa ở cuối đi. Ta có điều 140! Vậy các luật gia nhận định đúng và đề nghị cũng đúng.

Tuy nhiên, ở các nước phát triển, thì không ai phải đề nghị như thế; bởi vì khi phải xét xử dựa trên một điều luật không rõ ràng, như điều 140, các thẩm phán sẽ lấy tình huống họ đang xem xét để giải thích điều chưa rõ ràng của luật.

Việc này tạo thành án lệ. Ở ta không có án lệ! Vậy thì lúc nào sẽ có một thông tư liên tịch của Bộ Công an, viện kiểm sát, tòa án và Bộ Tư pháp cho vấn đề này? Chúng ta thấy một vấn đề của công dân, bên xứ người, họ chỉ cần một thẩm phán; bên ta cần đến bốn cơ quan!

Trước sự bế tắc của thực tế, các luật gia nước ta bèn tìm cách chữa bằng cách quay về triết lý. Luật là khoa học pháp lý mà. Và họ hỏi “hình sự hóa là gì?”.

Có vị cho rằng từ ngữ này không chỉ thuần túy là một hiện tượng tiêu cực cần phải khắc phục; nếu xem xét “hình sự hóa” ở góc độ lập pháp thì “hình sự hóa” chính là quá trình chuyển hóa các quan hệ pháp luật dân sự, kinh tế thành các quan hệ pháp luật hình sự thông qua việc xây dựng các quy phạm pháp luật của cơ quan lập pháp.

Như vậy ở góc độ này thì đây là một tiến trình hợp lý có tính tích cực cao, đây chính là một trong những công cụ quan trọng của cơ quan lập pháp khi thực hiện các chính sách hình sự của mình.

Và theo GS.TSKH. Đào Trí Úc thì hình sự hóa (penalisation) - từ ngữ pháp lý tiếng Anh không có - chính là việc quy định hình phạt, khung hình phạt, điều kiện áp dụng hình phạt này đối với tội phạm này hay tội phạm khác được quy định trong Bộ luật Hình sự. Và hình sự hóa chỉ diễn ra ở giai đoạn xây dựng pháp luật chứ không thể diễn ra ở giai đoạn áp dụng pháp luật.

Dạ đúng vậy, nhưng luật sẽ không bao giờ bắt kịp thực tế! Phải có một cái khác cơ. Ta thấy ở ta muốn giải quyết một sự khó khăn trong thực tế thì chẳng những mất thời gian mà còn... gian nan nữa! Trong quá trình hội nhập thiên hạ đi đường thẳng, ta đi theo hình tròn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hình sự hóa quan hệ dân sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO