Giao kết hợp đồng - Những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý

Thạc sĩ - Luật sư Nguyễn Tiến Mạnh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Long| 31/10/2019 05:00

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ. Khi giao kết hợp đồng, nếu không tỉnh táo trước những điều tưởng chừng đơn giản, doanh nghiệp có thể phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Giao kết hợp đồng - Những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý

Thông thường, một hợp đồng sẽ có những rủi ro tương ứng đối với từng giai đoạn cụ thể: giao kết hợp đồng; thực hiện hợp đồng; giải quyết tranh chấp hợp đồng... Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin lưu ý một số vấn đề với các doanh nghiệp (DN) trong quá trình giao kết hợp đồng để phòng ngừa các rủi ro.

Về hình thức hợp đồng

Hợp đồng có thể được thể hiện bằng hình thức lời nói, văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Tuy nhiên, một số trường hợp pháp luật quy định phải tuân thủ theo hình thức nhất định. Một số rủi ro về hình thức hợp đồng thường gặp gồm có: hợp đồng phải được lập thành văn bản nhưng các bên xác lập dưới hình thức lời nói, hành vi; hợp đồng phải được công chứng, chứng thực nhưng các bên không thực hiện thủ tục này; hợp đồng được xác lập bằng hình thức dữ liệu điện tử, tuy nhiên, nếu các bên không thống nhất về phương thức giao tiếp, trao đổi dữ liệu có thể dẫn đến phát sinh tranh chấp sau này. 

Do đó, hình thức hợp đồng cần được thể hiện dưới dạng văn bản, cũng như đáp ứng các điều kiện về hình thức đối với một số loại giao dịch đặc biệt. Ngôn ngữ trong hợp đồng phải mạch lạc, rõ ràng, tránh những từ mang nghĩa “bóng”, hàm ý, dễ hiểu lầm, hiểu sai hoặc các từ viết sai chính tả dẫn đến sai nghĩa. Hơn hết, các bên nên đọc, soạn thảo kỹ lưỡng từng câu, từng chữ trong hợp đồng để có thể phát hiện sớm những rủi ro tiềm ẩn. 

Về chủ thể giao kết hợp đồng

Rủi ro liên quan đến chủ thể khi giao kết hợp đồng, bao gồm các trường hợp sau: người ký là đại diện theo pháp luật nhưng không có thẩm quyền quyết định việc giao kết (đối với trường hợp Điều lệ DN quy định những giao dịch lớn phải do Hội đồng cổ đông/Hội đồng thành viên quyết định); người ký không phải là người đại diện theo pháp luật cũng không có ủy quyền, hoặc được ủy quyền nhưng ký vượt quá phạm vi ủy quyền; đối tác là chi nhánh không được pháp nhân ủy quyền; DN đối tác không có chức năng kinh doanh đối với đối tượng của hợp đồng; DN đối tác không đủ năng lực để thực hiện đúng nội dung hợp đồng.

Để phòng ngừa các rủi ro nêu trên, các bên cần kiểm tra Giấy chứng nhận đăng ký DN của đối tác và đối chiếu với thông tin trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký DN để chứng minh tư cách người đại diện theo pháp luật của người giao kết; hoặc kiểm tra Giấy ủy quyền, kiểm tra kỹ về phạm vi, thời hạn ủy quyền đối với người giao kết là người đại diện theo ủy quyền hoặc chi nhánh của pháp nhân. Đồng thời, các bên cần kiểm tra Điều lệ của đối tác để chắc chắn rằng, người giao kết hợp đồng không giao kết vượt quá thẩm quyền cho phép.

Đối với việc thẩm định năng lực thực hiện hợp đồng của đối tác, các bên cần đánh giá kinh nghiệm, quy mô các hợp đồng trước đó của đối tác, yêu cầu đối tác giải trình về khả năng thực hiện hợp đồng; kiểm tra xem DN có thuộc trường hợp đang giải quyết phá sản hay không để chắc chắn rằng đối tác có khả năng thực hiện hợp đồng, tránh xảy ra tranh chấp có thể gây thiệt hại cho DN cả về thời gian và tiền bạc, cũng như uy tín đối với bên thứ ba.

Rủi ro do vi phạm điều cấm, trái đạo đức xã hội

Khi giao kết hợp đồng, các bên cần nắm được các quy định đặc thù của pháp luật đối với giao dịch đó, nhằm tránh việc các bên đưa ra thỏa thuận bị xem là vi phạm điều cấm của pháp luật, dẫn đến giao dịch bị vô hiệu. Một số rủi ro liên quan đến vấn đề này, các bên thường hay mắc phải như: thanh toán bằng ngoại hối; đối tượng hợp đồng bị cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh; mục đích, nội dung hợp đồng trái đạo đức xã hội.

Các điều khoản cơ bản của hợp đồng

Cần dự liệu các tình huống khác nhau có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng và các cơ chế để xử lý, khắc phục hậu quả; tránh đưa vào hợp đồng các điều khoản mơ hồ, gây nhầm lẫn. Một số điều khoản cơ bản mà các bên cần lưu ý khi giao kết hợp đồng bao gồm:

Tranh chấp về đối tượng hợp đồng như: hàng hóa không đúng đối tượng đã thỏa thuận; tiêu chuẩn hàng hóa; đơn vị tính. Cần lưu ý đến trường hợp từ thời điểm giao kết, đối tượng hợp đồng đã không thể thực hiện được. 

Tranh chấp về giá cả, thanh toán như: Tranh chấp về giá khi thị trường biến động; tranh chấp về đồng tiền làm phương thức thanh toán; tranh chấp về chi phí bốc dỡ, vận chuyển lưu kho bãi; tranh chấp về cách thức giao nhận tiền; tranh chấp về hình thức bảo đảm hợp đồng.

Điều khoản bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm: Các bên cần phải xác định rõ hợp đồng của các bên là hợp đồng dân sự hay hợp đồng kinh doanh thương mại để áp dụng pháp luật điều chỉnh cho phù hợp. Về nguyên tắc, các bên chỉ được phạt vi phạm khi có quy định về phạt vi phạm trong hợp đồng; nếu không có phạt vi phạm, bên bị vi phạm chỉ được bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra. Hiện nay, Luật thương mại 2005 quy định mức phạt vi phạm tối đa là 8% phần giá trị nghĩa vụ vi phạm của hợp đồng, mức phạt này ở Luật Xây dựng là không quá 12% (đối với công trình sử dụng vốn nhà nước). Bộ luật Dân sự 2015 không giới hạn mức phạt vi phạm, tuy nhiên nếu các bên có thỏa thuận phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm. 

Với những thông tin nêu trên phần nào cung cấp được cho các DN những vấn đề cơ bản trong quá trình giao kết hợp đồng, giúp DN tham khảo nhằm phòng ngừa, hạn chế mức thấp nhất các rủi ro khi giao kết hợp đồng. 

• Điện thoại tư vấn pháp luật miễn phí: 1800 6365

• Thư từ hỗ trợ, giải đáp pháp luật: Gửi về Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Lầu 5, Số 22 Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giao kết hợp đồng - Những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO