Đừng đùa với môi trường

07/08/2012 06:36

Tập đoàn Dầu khí BP hẳn đã rất thấm thía lời nói của tỷ phú Warren Buffett, sau khi họ gây ra một thảm hoạ môi trường khủng khiếp do sơ suất trong bảo trì.

 Đừng đùa với môi trường

Tập đoàn Dầu khí BP hẳn đã rất thấm thía lời nói của tỷ phú Warren Buffett, sau khi họ gây ra một thảm hoạ môi trường khủng khiếp do sơ suất trong bảo trì. “Mất 20 năm để xây dựng danh tiếng nhưng chỉ cần 5 phút để đánh mất nó. Chỉ cần nghĩ về điều đó, bạn sẽ làm việc theo cách khác”, Warren Buffett từng nói.

Quả vậy, BP phải chứng kiến giá cổ phiếu giảm đến 30% ngay sau sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico. Nhưng lớn hơn, uy tín của Hãng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và vấn đề đạo đức được đặt ra gay gắt.

Lợi ích rõ ràng của ESG

Rõ ràng, các vấn đề về cơ chế quản trị công ty, môi trường và xã hội (Environmental, Social & Governance - ESG) hoàn toàn có thể khiến cho doanh nghiệp bị mất tiền và ngược lại, có thể giúp họ kiếm ra tiền.

Năm 2011 đã cho thấy một điều rõ ràng rằng ESG đã trở thành vai trò then chốt trong việc quản lý rủi ro tài chính và danh tiếng, chứ không còn là một vấn đề phụ nữa. Nếu một công ty không tuân theo chuẩn mực đạo đức về môi trường, việc họ phải bỏ tiền khắc phục hậu quả từ các vấn đề trong quá khứ chỉ là vấn đề thời gian. Hiện tại cách làm ăn kiểu mì ăn liền sẽ khó có cơ hội kiếm lời.

Các vấn đề về cơ chế quản trị công ty, môi trường và xã hội hoàn toàn có thể khiến cho doanh nghiệp bị mất tiền và ngược lại

Chẳng hạn, một nhà máy không thể vận hành hiệu quả khi người lao động đình công hay cản trở, thậm chí phá hoại hoạt động sản xuất. Không phải ngẫu nhiên mà ông Terry Gou, chủ Tập đoàn Foxconn, đã lắp một mạng lưới bằng dây xung quanh các ký túc xá để cứu các nhân viên muốn tự tử do môi trường làm việc quá vất vả (trong 5 năm vừa qua đã có 17 nhân viên tự tử).

Bộ Quy tắc về Đầu tư có trách nhiệm của Liên Hiệp quốc cho thấy các công ty có hệ thống quản lý ESG hiệu quả sẽ tạo ra tỉ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) cao hơn 15% so với các công ty không có ESG.

Danh Mục Xanh của KKR, quỹ đầu tư lớn của Mỹ đã đầu tư 159 triệu USD vào Masan Consumer ở Việt Nam, luôn để ý đến việc cải thiện hiệu quả tài chính bằng cách cắt giảm chi phí từ việc giảm sử dụng nước và điện.

Ngành ngân hàng cũng đã quan tâm hơn trong việc thúc đẩy ESG. Bằng chứng là các khoản nợ qua chương trình “Cho vay xanh”, tức cho vay đối với các dự án góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tăng 18%. Ngược lại, nguồn cho vay của các ngành gây ô nhiễm sụt giảm 10% trong năm 2010.

Không còn là chuyện làm cho có

Chính phủ Việt Nam cũng tỏ ra quyết tâm hơn trong việc hỗ trợ các vấn đề về ESG, thông qua việc chi ngân sách gần 143 triệu USD cho chương trình thích nghi và khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu. Ngân hàng Techcombank, với sự trợ giúp từ Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), đã đề xướng chương trình “Cho vay xanh” trị giá 50 triệu USD, dành cho các công ty Việt Nam hướng tới cải thiện môi trường.

Ở chiều hướng khác là chuyện của Vedan, công ty nước ngoài đã bị bắt quả tang xả nước thải một cách có hệ thống vào sông Thị Vải từ năm 1994. Tổng số tiền phạt Vedan phải nộp là 11 triệu USD, một trong những khoản phạt lớn nhất trong lịch sử. Điều này cho thấy rằng người Việt đang nghiêm khắc hơn trong việc bảo vệ môi trường.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng khó có thể không quan tâm đến ESG khi các quỹ đầu tư đều tuân thủ theo các chuẩn mực ESG mới và khắt khe hơn. Nghĩa là, nếu muốn nhận được vốn, các ông chủ Việt Nam buộc phải nghĩ tới ESG. Ngoài vai trò là nhà đầu tư chiến lược, các quỹ còn có khả năng tận dụng khả năng kiểm soát tài chính và kinh nghiệm của mình để thúc đẩy quá trình thi hành các vấn đề ESG một cách thành công và bền vững.

Các công ty niêm yết lớn tại Việt Nam như Vinamilk cũng đi tiên phong trong sự thay đổi. Báo cáo thường niên của Vinamilk năm 2009 không hề đả động gì đến các vấn đề ESG. Tuy nhiên, với sự thúc đẩy từ các nhà đầu tư quốc tế, năm 2010 Vinamilk đã dành 10 trang để trình bày về các vấn đề ESG, như các chương trình tiết kiệm điện và nước, các nhà máy đạt chứng chỉ ISO:14001 về chất lượng, động thái giảm khí thải nhà kính và việc chủ động tìm đến cộng đồng địa phương để trao tặng học bổng và tài trợ vốn cho những người có nhu cầu cấp thiết.

Những ví dụ trên đã tạo một nền tảng nhất định cho những hoạt động trong năm 2012. Giờ đây, các vấn đề ESG không còn được coi là chuyện làm cho vui hoặc làm cho có, mà là một phần thiết yếu và bước đi khôn ngoan của từng công ty để thu lại lợi nhuận bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đừng đùa với môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO