Cảnh báo rủi ro trong xuất nhập khẩu

02/10/2012 03:39

DN kinh doanh xuất nhập khẩu (XNK) đang phải đối mặt với hàng loạt rủi ro. Có những rủi ro đã tồn tại dai dẳng từ nhiều năm nay, nhưng cũng có những rủi ro vừa xuất hiện hoặc đang có nguy cơ xuất hiện.

Cảnh báo rủi ro trong xuất nhập khẩu

DN kinh doanh xuất nhập khẩu (XNK) đang phải đối mặt với hàng loạt rủi ro. Có những rủi ro đã tồn tại dai dẳng từ nhiều năm nay, nhưng cũng có những rủi ro vừa xuất hiện hoặc đang có nguy cơ xuất hiện.

LS Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, DN cần nhận diện và được hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh XNK.

Theo LS Trần Hữu Huỳnh, với kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương khoảng 1,5 lần GDP và quan hệ giao thương với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, VN đang là một trong những nền kinh tế có mức độ hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, càng hội nhập sâu rộng thì những rủi ro trong kinh doanh XNK đương nhiên càng đa dạng và phức tạp.

* Như vậy, nhu cầu về nhận diện và phân loại rủi ro là điều đầu tiên DN cần có được thông tin, thưa ông ?

- DN khó có cái nhìn toàn diện về rủi ro trong kinh doanh XNK. Tất cả những rủi ro cần được một đầu mối thống kê, cập nhật và phân loại để cung cấp thông tin cho DN. Xuất phát từ nhu cầu thực tế của hoạt động kinh doanh XNK, Trung tâm Trọng tài quốc tế VN phối hợp với Trường đại học Luật TP HCM tổ chức hội thảo “Những cảnh báo về rủi ro trong kinh doanh XNK bối cảnh khủng hoảng kinh tế”. Tại đây, các trọng tài viên, cán bộ hải quan, cán bộ cảnh sát điều tra, hiệp hội DN… và các DN đang hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu cùng nhau tập hợp, mổ xẻ từng loại rủi ro. Qua đó, các bên đưa ra những thống kê, kiến nghị cụ thể cho từng đối tượng tham gia lĩnh vực kinh doanh XNK.

* Theo ông, việc thống kê và cụ thể hóa những rủi ro cần thực hiện ra sao?

Trước tiên, công tác thống kê rủi ro cần tập trung về một đầu mối là Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương). Công tác phân loại nên làm từ cao đến thấp như những rủi ro pháp lý, rủi ro chính trị, rủi ro kinh tế. Tiếp đến là những rủi ro về công nghệ, tìm hiểu đối tác, công tác ký kết hợp đồng, thanh toán hay vận tải…

Từng hiệp hội ngành nghề cũng nên có những thống kê về rủi ro trong lĩnh vực mà mình đang tham gia kinh doanh. Các hiệp hội cần phải thường xuyên trao đổi với các DN thành viên, cập nhật thông tin để kịp thời có kiến nghị với các cơ quan nhà nước và cảnh báo cho DN hội viên về nguy cơ rủi ro. Nếu làm tốt việc cập nhật thông tin, hiệp hội ngành nghề có thể là đầu mối đưa ra cảnh báo rủi ro một cách tốt nhất.

* Nhưng những giải pháp phòng chống rủi ro mới là cái đích cuối cùng của các DN, thưa ông ?

- Đúng là các DN có thể nhận diện và hiểu được các dạng rủi ro trong kinh doanh XNK nhưng vẫn không thể tránh được hết và phải đối diện với nó. Tất cả các biện pháp phòng tránh rủi ro cần được trao đổi thông tin, phổ biến kinh nghiệm cho các DN không chỉ trong các buổi hội thảo mà phải liên tục được tiến hành thông qua các hình thức truyền thông, các tổ chức nghề nghiệp và sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý.

Các DN cần được biết họ đang thực hiện kinh doanh với những dạng đối tác nào? Cần phải thực hiện hình thức vận tải nào thì tốt nhất ? Cần phải mua bảo hiểm ở đâu?... Đơn cử như: hiện nay, nhiều DN không thực hiện các điều khoản hợp đồng mua bán đúng với các điều kiện FOB hay CIF nhưng họ vẫn ghi trong hợp đồng là áp dụng hình thức mua bán này… Đối với dạng rủi ro trên, Bộ Công Thương và các hiệp hội cần kịp thời bổ sung và cập nhật kiến thức thực tế về XNK cho DN.

*Thực tế có những rủi ro đã tồn tại dai dẳng và thường trực đối với DN từ hàng chục năm naỵ nhưng vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để, thưa ông ?

Đây cũng là những vấn đề cần được mổ xẻ và đưa ra các biện pháp giải quyết cụ thể. Đơn cử như việc mất cắp hàng trong container là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thương hiệu của DN cho dù tài sản bị mất cắp là lớn hay nhỏ, ít hay nhiều. Các DN cần trao đổi kinh nghiệm cho nhau các biện pháp phòng tránh, các biện pháp bảo vệ, cách đóng gói hay bảo quản từng mặt hàng…

Còn phía cơ quan quản lý như hải quan, cảnh sát điều tra nên có những biện pháp phối hợp hỗ trợ để vấn nạn này chấm dứt. Cơ quan hải quan cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật để có thể đưa ra chế tài chặt chẽ và đủ mạnh. Cơ quan công an cần phối hợp và làm nghiêm những hành vi phạm tội.

* Một thực trạng khác là hàng tạm nhập tái xuất tại Móng Cái đang khiến nhiều DN kinh doanh trong lĩnh vực này phải lao đao và bên bờ vực phá sản. Đây là một vấn đề đã xảy ra nhiều năm, thậm chí mang tính chất chu kỳ. Nhiều DN than rằng, nếu có những cảnh báo hoặc can thiệp từ các cơ quan quản lý nhà nước thì những thiệt hại của DN sẽ bớt đi ?

- Đây là vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực như các chính sách về biên mậu, hay rủi ro bởi yếu tố đặc thù khi giao thương với từng quốc gia. Ví dụ rủi ro gặp phải trong vấn đề công nghệ thường đến từ các quốc gia Châu Phi, rủi ro về chống phá giá thường xảy ra với Mỹ và EU, còn với Trung Quốc là vấn đề biên mậu… Không chỉ hàng tạm nhập tái xuất, nhiều mặt hàng khác như hoa quả, thực phẩm xuất sang Trung Quốc cũng từng bị ách lại rất nhiều tại cửa khẩu.

Rủi ro mang yếu tố đặc thù khi giao thương với các quốc gia là một trong những vấn đề cần bàn thảo và quan tâm nhiều trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu hiện nay.

* Xin cảm ơn ông!

Những tồn tại dai dẳng

Thời gian gần đây, nạn “rút ruột” hàng trong container có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại cho DN cả về kinh tế lẫn uy tín. Chỉ riêng trong năm 2011, hàng chục vụ mất cắp hàng hóa trong container đã được trình báo lên các cơ quan chức năng, nhưng hầu hết thiệt hại DN lãnh đủ, còn thủ phạm thì vẫn... bặt tăm.

Trước tình trạng nhiều DN xuất khẩu nông sản, thủy sản, hạt điều từ năm 2007 đến nay liên tục bị trộm cắp hàng hóa trong container, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công văn yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng và công an các tỉnh, thành phố có các DN xuất khẩu nông sản, thủy sản, hạt điều bị trộm cắp hàng hóa khẩn trương điều tra làm rõ để xử lý nghiêm theo pháp luật. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách quản lý, giám sát các DN hành nghề vận tải hàng hóa bằng container để phòng ngừa trộm cắp.

Tính đến nay, cửa khẩu Móng Cái đang ách tắc trên 4.000 container hàng hóa tạm nhập tái xuất. Việc tồn đọng lượng hàng hóa lớn như vậy dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực biên giới và làm thiệt hại kinh tế cho các DN.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan. Bộ Công Thương đã yêu cầu các thương nhân: kể từ ngày 30/9, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng tiêu dùng đã qua sử dụng (kể cả trường hợp đã có giấy phép của Bộ Công Thương) và các mặt hàng thực phẩm đông lạnh là phủ tạng, phụ phẩm gia súc; phủ tạng, phụ phẩm gia cầm (phụ phẩm gồm: đầu, chân, cổ, cánh...).


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cảnh báo rủi ro trong xuất nhập khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO