90% DN thụ động trong chống hàng giả, hàng nhái

29/11/2012 06:11

Tình hình hàng giả, hàng nhái đang diễn ra khá phổ biến trên thị trường nhưng hiện mới chỉ có khoảng 10% các doanh nghiệp có ý thức phòng chống, còn 90% doanh nghiệp khác vẫn trông chờ vào cơ quan chức năng.

90% DN thụ động trong chống hàng giả, hàng nhái

Tình hình hàng giả, hàng nhái đang diễn ra khá phổ biến trên thị trường nhưng hiện mới chỉ có khoảng 10% các doanh nghiệp có ý thức phòng chống, còn 90% doanh nghiệp khác vẫn trông chờ vào cơ quan chức năng.

Nhằm hưởng ứng và tăng cường các hoạt động phòng, chống hàng giả, hàng nhái, trong khuôn khổ chương trình hành động năm 2012, ngày 29/11, tại TP.HCM, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) phối hợp với cơ quan thường trực Ban 127-TW-Cục quản lý thị trường, tổ chức “Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái.”

Theo Cục Quản lý thị trường trong chín tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 112.683 lượt, xử lý 59.175 vụ vi phạm, trong đó có 8.751 vụ buôn lậu; 9.025 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả; 12.859 vụ vi phạm lĩnh vực giá; 29.620 vụ vi phạm ở lĩnh vực kinh doanh; với tổng số thu trên 275 tỷ đồng (tăng trên 15 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2011).

Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Quản lý thị trường, cho rằng công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả trong những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng hàng giả, hàng nhái vẫn chưa được đẩy lùi và đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Hàng giả lưu thông, buôn bán tràn lan trên thị trường gần như công khai ở các thành thị và nông thôn, không chỉ ở các cửa hàng nhỏ lẻ mà còn được tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối.

Đáng chú ý là hàng giả xuất hiện ở hầu hết ở các ngành hàng, từ sản phẩm tiêu dùng thông thường, cho đến các mặt hàng cao cấp có công nghệ, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống như phân bón, xi măng, sắt thép, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, đồ uống, hóa mỹ phẩm…

Các sở, ngành và đơn vị liên ngành về phòng, chống hàng giả, hàng nhái đã kiến nghị trong thời gian tới, cần thúc đẩy việc hoàn thiện và trình Chính phủ Chương trình Quốc gia về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại để định hướng hoạt động cho các lực lượng; thực hiện hướng dẫn thi hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng giả; tổ chức phối hợp giữa các lực lượng chức năng để tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát…

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết hàng giả, hàng nhái hình thành dưới hai nguồn chính là sản xuất tại Việt Nam và sản xuất từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam.

Hầu hết những mặt hàng này đều có chất lượng không đảm bảo, thường tập trung tiêu thụ ở vùng nông thôn, biên giới, đôi khi xuất hiện trong siêu thị, nhưng nhiều nhất ở những vùng sâu, vùng xa chiếm tới 60-70%.

Cùng với đó, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong nước đã làm nhái các sản phẩm nổi tiếng tập trung vào các mặt hàng như mỹ phẩm, đồ điện tử, các loại đồ uống, giày dép.

Tuy vậy, hiện mới chỉ có khoảng 10% các doanh nghiệp có ý thức phòng chống hàng giả, hàng nhái. Còn 90% doanh nghiệp khác thì vẫn trông chờ vào cơ quan chức năng.

Việc dán tem chống hàng giả của một số doanh nghiệp còn mang tính hình thức, chủ yếu là dán tem nhãn. Vấn đề dán tem chống giả phải đi đôi với cơ chế bảo vệ tem, tính pháp lý của nó phải được các cơ quan pháp luật bảo vệ, các đơn vị cung cấp tem phải có chức năng in tem chống giả được Nhà nước cấp phép thì mới mang lại hiệu quả trong việc sử dụng dán tem.

Hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu vẫn là kinh doanh tem, còn cơ chế bảo vệ nó thế nào thì chưa được tính đến. Vì thế, các cơ quan chức năng phải nghiên cứu làm sao để có công nghệ hiện đại hơn, cơ chế bảo vệ tốt hơn, phải tạo ra những loại tem mà không thể làm giả được.

Qua các vụ việc đã bị các cơ quan chức năng phát hiện cho thấy, tính chất phức tạp ngày càng tăng của nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái. Hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái không còn lén lút mà được sản xuất công khai ở các làng nghề qua việc nhập linh kiện, bán thành phẩm từ nước ngoài rồi gia công, chế tác, gắn nhãn mác thành hàng Thái Lan, Nhật Bản.

Hàng giả, hàng nhái cũng được đặt sản xuất hoàn chỉnh tại Trung Quốc rồi đưa về Việt Nam tiêu thụ như bếp gas Rinnai, sen vòi tắm Joden, tai nghe nhạc Sony, đồng hồ, điện thoại di động, máy ảnh…

Hàng nhái, hàng giả không chỉ xâm nhập vào Việt Nam qua đường buôn lậu, nhập khẩu tiểu ngạch mà đã qua đường chính ngạch. Do tinh vi và phức tạp nên dù là người tiêu dùng thông minh cũng khó phân biệt hàng giả, hàng nhái với hàng thật bằng trực quan, ngay cả cơ quan chức năng cũng phải có các thiết bị chuyên môn, đối chiếu, xác minh, thẩm tra mới có thể phát hiện.

Trường hợp có dấu hiệu nghi vấn cũng không người tiêu dùng nào lại bỏ ra thêm một khoản chi phí cho việc gửi đi giám định.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chỉ ra rằng hàng nhái ngày càng tinh vi hơn, tổ chức chặt chẽ hơn, như có sự phân công cụ thể, có bộ phận chuyên sản xuất bao bì, đóng gói, tem, nhãn giả, kể cả tem phản quang chống giả…sau đó bán cho các đối tượng trực tiếp sản xuất để đóng gói sản phẩm hoặc sản xuất dưới dạng gia công chưa hoàn chỉnh trong nước hoặc nước ngoài, rồi lắp ráp, đóng gói tại nơi khác.

Các sản phẩm này sau khi được đóng gói nhãn mác rồi lập tức tung ra thị trường.

Bảo vệ thương hiệu là một việc làm vô cùng cấp thiết trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn như hiện nay. Vì vậy, bất cập không chỉ ở việc chế tài còn nương nhẹ mà cơ chế thực thi pháp luật, đặc biệt là cơ chế kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm chưa đạt hiệu quả như yêu cầu đặt ra.

Vẫn còn tình trạng chồng chéo về chức năng kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường; về cơ chế phối hợp giữa các ngành, lực lượng chức năng liên quan, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác đấu tranh chống hàng giả còn khá lỏng lẻo.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát chưa được tổ chức thường xuyên, liên tục, nhiều nơi, nhiều lúc còn khá manh mún, đa phần chưa có kế hoạch, chiến dịch kiểm tra, kiểm soát cụ thể.

Nhiều hoạt động phối hợp còn mang tính hình thức, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bị xâm phạm không muốn công bố, hợp tác với cơ quan chức năng do tâm lý e ngại bị người tiêu dùng biết sản phẩm bị làm giả, nhái.

Mặt khác, một bộ phận người tiêu dùng thích dùng hàng ngoại nhưng giá rẻ cũng là nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái có điều kiện phát triển.

Để công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái đạt hiệu quả, ông Trương Quang Hoài Nam cho rằng cần phải có các giải pháp đồng bộ.

Trước hết là nên thống nhất quy định như thế nào là hàng giả, hàng nhái và sớm có nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tác hại của hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đến với doanh nghiệp, khuyến khích, động viên hợp tác với các cơ quan chức năng khi bị xâm phạm.

Có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với các lực lượng thực thi chống hàng giả, hàng nhái và kiện toàn đường dây nóng về tố cáo các cơ sở sản xuất, nhập lậu, các nơi kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Ngoài ra cũng nên tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt với các nước láng giềng như Trung Quốc, Campuchia, Lào, Singapore… trong việc chống hàng giả, hàng nhái

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
90% DN thụ động trong chống hàng giả, hàng nhái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO