10 điểm pháp lý cần lưu ý khi đầu tư ra nước ngoài

LS. NGUYỄN VĂN LỘC - Chủ tịch LP Group| 29/07/2016 01:08

Sự kiện "Hồ sơ Panama" với nhiều doanh nhân Việt Nam bị nêu tên, nhắc nhở doanh nghiệp phải cẩn trọng hơn về pháp lý khi đầu tư ra nước ngoài.

10 điểm pháp lý cần lưu ý khi đầu tư ra nước ngoài

Sự kiện "Hồ sơ Panama" với nhiều doanh nhân Việt Nam bị nêu tên, nhắc nhở doanh nghiệp phải cẩn trọng hơn về pháp lý khi đầu tư ra nước ngoài.  

Đọc E-paper

Ngoại trừ đầu tư (ĐT) phi pháp như trốn thuế, rửa tiền..., còn thì kinh doanh đa quốc gia để tìm kiếm lợi nhuận nằm trong chủ trương khuyến khích của Nhà nước. Để đảm bảo sự an toàn khi ĐT, doanh nhân cần quan tâm đến các vấn đề pháp lý sau:

1. Đáp ứng yêu cầu về giấy phép và chấp thuận

Cần phân biệt ĐT ra nước ngoài với việc thành lập doanh nghiệp (DN) ở nước ngoài nhưng không kinh doanh trực tiếp, ví dụ như thành lập công ty theo mô hình "offshore" chỉ để sử dụng làm công cụ ĐT. ĐT kinh doanh ở nước ngoài hầu hết đều thuộc phạm vi phải xin chấp thuận từ cơ quan nhà nước.

Nghị định 83 năm 2015 thay thế Nghị định 78 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn Luật Đầu tư 2014 đã bổ sung các quy định về việc ĐT ra nước ngoài. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chấp thuận ĐT ra nước ngoài khi DN đáp ứng các điều kiện về ĐT, tài chính, hoàn tất nghĩa vụ thuế trong nước.

2. Cân nhắc khi thuê giám đốc tại nước ngoài

Quy định chi tiết về việc người đại diện hoặc nắm giữ vị trí giám đốc thường là công dân nước sở tại, hoặc việc thuê giám đốc là người nước ngoài có thể thông qua hợp đồng hoặc hình thức ủy thác đứng tên, đều cần cân nhắc về mặt pháp lý. Các vấn đề xảy ra chủ yếu là gây thất thoát, tổn thất cho DN trong quá trình điều hành, phá vỡ thỏa thuận thuê giám đốc đó khi có lợi nhuận cao hoặc dự án kinh doanh thất bại.

3. Tuân thủ nghĩa vụ thuế và tài chính

Nhà ĐT phải có xác nhận của cơ quan thuế về nghĩa vụ nộp thuế trước khi ĐT ra nước ngoài. Việc hoàn tất các thủ tục thuế với cơ quan thuế của quốc gia tiếp nhận ĐT cần được đặc biệt quan tâm.

Các nhà ĐT luôn chọn quốc gia có mức thuế thấp để ĐT, cũng như Việt Nam, để được hưởng ưu đãi đều phải thông qua các thủ tục pháp lý. Cũng cần xem xét quốc gia đó có hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam hay không (đã ký với 73 quốc gia và vùng lãnh thổ, tính đến 1/8/2015) để tối đa hóa lợi ích về thuế.

4. Công ty ở nước ngoài, kinh doanh trong nước

Một số DN Việt Nam, đặc biệt là DN khởi nghiệp, chọn cách đặt trụ sở ở nước ngoài và kinh doanh trong nước. Nếu đã là DN nước ngoài, việc kinh doanh tại Việt Nam sẽ phải tuân theo Luật Đầu tư.

Vì vậy cần cân nhắc việc lựa chọn quốc tịch của DN ngay từ đầu để tránh vướng mắc về sau, trong trường hợp này có thể xác định là kinh doanh khi chưa được cấp phép. 

5. Chuyển vốn ra nước ngoài

Các hình thức chuyển tiền dịch vụ, mang tiền đi du lịch hay thông qua giao dịch bất hợp pháp để tiến hành ĐT đã từng bị cơ quan chức năng cảnh báo. Việc chuyển vốn sẽ được thực hiện sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký ĐT ra nước ngoài và các chấp thuận từ quốc gia tiếp nhận ĐT.

Chuyển vốn ĐT ra nước ngoài và ngược lại phải được thông qua một tài khoản mở tại một tổ chức tín dụng trong nước dưới sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

6. Chính phủ có quy định về chuyển lợi nhuận về nước

Trong một thời hạn nhất định kể từ ngày có quyết toán thuế hằng năm, nhà ĐT phải chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được về Việt Nam. Một số trường hợp loại trừ là sử dụng lợi nhuận để tăng vốn, mở rộng kinh doanh hoặc tái ĐT. Nếu chậm trễ, nhà ĐT phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền. Một số nhà ĐT đã cân nhắc việc sử dụng các phương pháp loại trừ để hạn chế chuyển tiền về Việt Nam.

7. Luôn ưu tiên cho người có cam kết ĐT

Tương tự các chính sách ưu đãi ĐT tại Việt Nam, nhiều quốc gia cũng ưu đãi việc ĐT vào một số ngành nghề, cũng như "ưu tiên" cho các doanh nhân có cam kết ĐT lâu dài. Một khi nhà ĐT mang lại lợi ích to lớn cho một quốc gia, chính phủ quốc gia đó không bao giờ siết chặt chính sách hạn chế việc định cư hay cư trú lâu dài của nhà ĐT.

8. Sớm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Một số thương hiệu Việt đã từng bị các DN nước ngoài đăng ký trước khi ĐT vào quốc gia đó. Quyền sở hữu trí tuệ mang tính toàn cầu và đang ngày càng có vai trò to lớn.

Cà phê Buôn Ma Thuột hay Vinataba bị đăng ký ở nước ngoài là hai trong số nhiều thương hiệu Việt bị "đánh cắp" và gây tốn kém không ít cho việc giành lại. Đăng ký và có phương án bảo vệ tốt tài sản trí tuệ nên là công việc ưu tiên để xác lập quyền kinh doanh tại một quốc gia nào đó.

9. Sử dụng lao động nước ngoài

Mỗi quốc gia có chính sách để bảo vệ người lao động trong quan hệ với DN. Khi sử dụng lao động nước ngoài, nhất thiết phải tuân theo Luật Lao động của nước đó, đặc biệt là vấn đề đóng bảo hiểm và lưu ý vấn đề thuế cho người lao động.

Không ít quốc gia áp dụng chính sách lao động chuẩn theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nên các điều kiện khắt khe hơn so với Việt Nam.

10. Hiểu rõ về các rào cản thương mại

Sau khi biết được các mức thuế suất áp dụng để hoạch định vào kế hoạch kinh doanh, các rào cản phi thuế quan cần được xem xét kỹ. Cụ thể là hạn ngạch xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan, yêu cầu kỹ thuật, việc chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ...

Nắm bắt các quy định này không chỉ để loại bỏ rủi ro, mà còn giúp tìm kiếm các cơ hội tại quốc gia đó, hoặc so sánh cơ hội giữa các quốc gia để lựa chọn ĐT.

>Đầu tư ra nước ngoài: Doanh nghiệp sẽ có quyền tự quyết .

>Đầu tư ra nước ngoài: Cẩn tắc vô ưu

>Đầu tư ra nước ngoài: Những phép thử triệu đô

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
10 điểm pháp lý cần lưu ý khi đầu tư ra nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO