Tiêu thụ khí đốt năm 2017 của quốc gia này đạt kỷ lục mới 235,2 tỷ m3, tăng 17% tức 34 tỷ m3 so với năm trước đó. Những con số tưởng khô khan như vậy vẫn đủ khiến các nhà hoạch định chính sách năng lượng của Trung Quốc lo lắng.
Thực tế, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định hồi đầu năm 2018 rằng Trung Quốc sẽ trở thành nước nhập khẩu khí tự nhiên số một thế giới vào khoảng năm 2019.
Nhìn chung, nhu cầu về khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Trung Quốc đang tăng mạnh. Năm 2017, cường quốc châu Á này đã vượt qua Hàn Quốc trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Nhật Bản. Số liệu 2017 cũng cho thấy nhu cầu LNG của Trung Quốc tăng hơn 50%, so với con số 38 triệu tấn trước đó một năm.
Trong báo cáo thường niên Gas 2018, IEA nói nhu cầu đối với khí đốt từ Trung Quốc sẽ tăng gần 60% lên mốc 376 tỷ m3 từ năm 2017 đến 2023. Trong đó, nhập khẩu LNG sẽ tăng từ 51 tỷ m3 năm 2017 lên 93 tỷ m3 năm 2023.
Hồi tuần trước, ông ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie dự báo Trung Quốc hiện đang chiếm 50% tổng tăng trưởng tiêu thụ LNG toàn thế giới. Nhu cầu từ Trung Quốc sẽ khiến nguồn cung LNG không còn mấy dư dả trong vòng vài năm tới.
Dưới tình hình căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, chính quyền quốc gia này đang gặp rắc rối khi giải bài toán nhu cầu trong nước. Bắc Kinh đã hạ mức áp thuế trả đũa lên LNG từ 25% xuống chỉ còn 10%.
Ngay cả khi ngày càng trở nên phụ thuộc vào khí đốt, cơn khát dầu của Trung Quốc là một vấn đề còn lớn hơn. Theo CNBC, số liệu từ các nhà máy lọc dầu đang tạo ra hy vọng đối với thị trường tiêu thụ dầu mỏ tại đây, ngay cả khi tăng trưởng kinh tế trong quý III/2018 nằm ở mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính.
Về dài hạn, nhu cầu tiêu thụ các nguồn nhiên liệu này sẽ còn tăng theo đà phát triển kinh tế tại đây. Theo dự kiến, tăng trưởng kinh tế trong vài năm tới sẽ đạt mức 6% mỗi năm. Chính tốc độ tăng trưởng này khiến Trung Quốc càng phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô từ bất kể nơi đâu, bao gồm cả từ nước Mỹ đang đối đầu cùng họ trong cuộc chiến thương mại dai dẳng.
Mối quan hệ mật thiết giữa việc phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu và an ninh quốc gia sẽ là một trong những vấn đề lớn nhất, được Bắc Kinh tiếp tục cân nhắc trong thập kỷ tới. Nó sẽ góp phần định hình chính sách đối ngoại của chính phủ Trung Quốc. Quốc gia này sẽ phải tung hứng giữa các mục tiêu trong tham vọng lãnh đạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mở rộng ra cả châu Phi và xa hơn thế.