Tư duy lại FDI trước khi đón nguồn vốn mới

Song Anh thực hiện| 27/05/2020 07:02

Làn sóng chuyển vốn đầu tư ra ngoài Trung Quốc có thể sẽ đến sớm - chuyên gia kinh tế độc lập, TS. Vũ Đình Ánh, khuyến cáo - Việt Nam nên có chiến lược thu hút FDI mới để từ đó vận động những nhà đầu tư ở những lĩnh vực phù hợp với công nghệ hiện đại”.

chuyên gia kinh tế độc lập, TS. Vũ Đình Ánh

chuyên gia kinh tế độc lập, TS. Vũ Đình Ánh

* Bức tranh toàn cảnh về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ góc nhìn của ông như thế nào?

- Muốn nhìn rõ bức tranh ấy phải dựa trên một số nền tảng. Thứ nhất, FDI là một bộ phận của nền kinh tế trong các lĩnh vực đóng góp vốn đầu tư, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, tạo việc làm, chuyển giao công nghệ. Thứ hai, khu vực FDI có năng suất cao hơn so với những khu vực cùng lĩnh vực trong nước. Đặc biệt, hầu hết doanh nghiệp (DN) FDI nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu, nên nhờ có họ, DN Việt Nam mới có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng thế giới. Thứ ba, nhà đầu tư nước ngoài chỉ đầu tư vào nước ta khi họ thấy có lợi.

* Vậy theo ông, Việt Nam cần làm gì để thu hút được phần vốn FDI chuyển đến từ Trung Quốc?

- Việt Nam có thêm cơ hội thu hút nguồn vốn FDI khi Mỹ và các nước đồng minh thúc đẩy một chuỗi cung ứng mới. Tuy nhiên, Việt Nam không thể hấp thụ toàn bộ vốn đầu tư chuyển từ Trung Quốc. Việt Nam là một thị trường nhỏ, cách thức thu hút và tận dụng các lợi thế nguồn vốn FDI còn hạn chế. Thế nên, để hưởng lợi từ xu hướng này, không cách nào khác là Việt Nam phải thay đổi tư duy về cách thu hút vốn FDI trong tình hình mới.

* Nhưng nên bắt đầu từ đâu, thưa ông?

- Tư duy về FDI liên quan đến một số nội dung cần được nhìn nhận rõ.

Thứ nhất, xóa bất bình đẳng trong ưu đãi các nhà đầu tư. Hiện nay, bất bình đẳng đã trở thành vấn đề quan trọng dù Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn không còn thu hút FDI bằng mọi giá. Về mặt luật pháp, nước ta không phân biệt giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, nhưng trong thực tế, vẫn còn có sự ưu đãi và hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhà đầu tư trong nước ở hầu hết các cấp liên quan, cả Trung ương và địa phương.

7a-5315-1590461940.jpg

Thứ hai, xác lập lại trọng tâm thu hút FDI. Trước đây, khi bắt đầu thu hút FDI, Việt Nam đặt mục tiêu chủ yếu là nguồn vốn và kim ngạch xuất khẩu. FDI sẽ giúp Việt Nam mở cửa thị trường thế giới và có nguồn ngoại tệ để nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất và tiêu dùng trong nước trong bối cảnh ngoại thương còn hạn hẹp. Đến nay, FDI đã làm tương đối tốt nhiệm vụ này. FDI đóng góp 25% vào tổng vốn đầu tư, đóng góp khoảng 70% vào xuất khẩu của Việt Nam, năm cao nhất khoảng 75%. Về chất, khu vực FDI có năng suất cao hơn so với khu vực trong nước.

Thứ ba, tính lan tỏa nguồn vốn FDI. Trước đây khi thu hút FDI, Việt Nam đề cao yếu tố công nghệ và trình độ quản trị, bên cạnh việc tạo ra hàng hóa có chất lượng cao đủ khả năng xuất khẩu ra toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến nay, gần như chưa có DN Việt Nam nào làm vệ tinh cho DN nước ngoài thành công, trở thành một mắt xích trực tiếp trong chuỗi giá trị toàn cầu, tức lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của nước ta chưa theo kịp đà phát triển của nguồn vốn FDI.

Thứ tư, chuyển giao công nghệ. Việt Nam không thành công trong việc chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI. Việt Nam lâu nay vẫn chủ yếu quan tâm đến thu hút nguồn vốn và DN FDI đang sử dụng công nghệ ở tầm nào so với trình độ công nghệ của thế giới. Trong khi đó, DN FDI lại tận dụng được các ưu đãi về thuế, đất đai, lao động giá rẻ và việc bảo vệ môi trường không khắt khe. Chính vì mục tiêu của Việt Nam như vậy nên DN FDI thấy không cần thiết phải chuyển công nghệ hiện đại vào Việt Nam. Hiện nay, hầu hết công nghệ của DN FDI đều chỉ ở tầm trung bình và trên trung bình và gần như không có công nghệ cao và hiện đại. Trong khi đó, quản trị DN cũng trong tình trạng tương tự. DN FDI đã không mang quản trị hiện đại vào Việt Nam, thậm chí họ còn thay đổi cung cách quản trị để phù hợp với môi trường kinh doanh của Việt Nam. Chẳng hạn, khi kinh doanh ở chính quốc, họ không dám biến báo sổ sách hay hối lộ, nhưng sang Việt Nam, họ không ngại làm việc ấy.

FDI có dấu hiệu khởi sắc trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội. Giá trị vốn cam kết trong tháng 4/2020 tăng 81% so với tháng 3/2020 và 62% so với tháng 4/2019. Bốn tháng đầu năm 2020, cam kết vốn FDI đạt 12,3 tỷ USD, giảm 15,5% so cùng kỳ năm trước.
(Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới)

Một điểm quan trọng, chiến lược phát triển kinh tế đang có vấn đề và nó bộc lộ rõ hơn khi xảy ra cú sốc toàn cầu bởi dịch Covid-19. Chỉ khi Việt Nam thấy được những điểm yếu trong chiến lược phát triển kinh tế và xác định được sẽ thu hút nguồn vốn cho lĩnh vực nào, từ nhà đầu tư nào, công nghệ nào thì mới đón được nguồn vốn đầu tư rút khỏi Trung Quốc một cách hiệu quả.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tư duy lại FDI trước khi đón nguồn vốn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO