Từ chính quyền Palestine đến Nhà nước Palestine

LÊ VIẾT ĐỈNH tổng hợp/DNSGCT| 21/01/2013 00:40

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 6/1 đã ra sắc lệnh chính thức đổi tên Chính quyền Palestine thành Nhà nước Palestine.

Từ chính quyền Palestine đến Nhà nước Palestine

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 6/1 đã ra sắc lệnh chính thức đổi tên Chính quyền Palestine thành Nhà nước Palestine, sau khi Liên Hiệp Quốc nâng quy chế đối với nước này từ Thực thể quan sát viên lên Nhà nước quan sát viên phi thành viên vào ngày 29/11/2012 với 138/193 phiếu tán thành.Chín nước đã bỏ phiếu chống trong đó có Mỹ, Israel và Canada, 41 nước bỏ phiếu trắng trong đó có Anh và Đức.

Đọc E-paper

Đây được xem là thành công mang tính lịch sử của Palestine sau bao nỗ lực ngoại giao để nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước trên thế giới, đồng thời là bước đi quan trọng trên con đường tiến tới nền độc lập thực sự của Nhà nước Palestine, đáp ứng lòng mong mỏi bấy lâu của người dân.

Lịch sử xung đột Israel – Palestine

Người dân Palestine ăn mừng sự ra đời của Nhà nước Palestine

Ngược dòng lịch sử, cuộc xung đột giữa người Do Thái và người Palestine được coi là dai dẳng nhất mà căn nguyên bắt nguồn từ sự tranh chấp dải đất nằm giữa Bờ Đông Địa Trung Hải và sông Jordan.

Đối với người Palestine, trong suốt hơn 100 năm qua, họ đã phải gánh chịu hành động đánh chiếm thuộc địa, trục xuất và chiếm đóng quân sự, đồng thời cũng gian nan trong công cuộc kháng chiến giành quyền tự quyết và cùng tồn tại với nhà nước Israel.

Đối với người Do Thái, sự trở lại miền đất của tổ tiên sau nhiều thế kỷ phiêu bạt và bị ngược đãi trên khắp thế giới chưa mang đến hòa bình và an ninh hoàn toàn. Người Do Thái cũng đã phải đối mặt với vô số cuộc khủng hoảng lẫn xung đột khi các nước lân bang muốn xóa bỏ mảnh đất của họ trên bản đồ thế giới.

Ngay từ thời cổ đại, miền đất bao quanh Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine đã nhiều lần bị đánh chiếm rồi lại tái chiếm. Còn lịch sử cận đại cũng ghi nhận biết bao phức tạp của người Do Thái và Ả Rập trên vùng đất tranh chấp Palestine.

Vào thời kỳ Thế chiến thứ nhất, đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ đã thống trị khu vực này. Sự cai trị của Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc khi các lực lượng Ả Rập được sựủng hộ của vương quốc Anh đánh bật người Ottoman ra khỏi khu vực.

Năm 1916, Cao ủy của Anh quốc tại Ai Cập, ngài Henry McMahon, đã cam kết với lãnh đạo Ả Rập sẽ trao độc lập cho các tỉnh Ả Rập Ottoman cũ ngay sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc.

Tuy nhiên, cùng thời điểm đó Hiệp định mật Sykes-Picot giữa Anh và Pháp đã chia cắt khu vực và đặt dưới sự kiểm soát chung của hai nước. Năm 1917, lãnh thổ Palestine cho người Do Thái được thành lập dưới sựủy trị của Anh, thu hút hàng trăm ngàn người Do Thái từ Anh trở về “vùng đất hứa” chỉ trong hai thập niên.

Ngày 29/11/1947, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết phân chia Palestine thành hai quốc gia Do Thái và Ả Rập. Nhưng ngày 14/5/1948, giới lãnh đạo chủ nghĩa phục quốc Do Thái đã tuyên bố thành lập Nhà nước Israel tại chính nơi này và xua đuổi người Ả Rập. Hầu như ngay lập tức, Ai Cập, Lebanon, Syria, Jordan và Iraq tuyên bố chiến tranh với nhà nước non trẻ, bắt đầu giai đoạn Chiến tranh Ả Rập – Israel.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (giữa) cùng phái đoàn nước này vỗ tay ăn mừng sau khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nâng cấp tư cách mới cho Palestine

Một cuộc ngừng bắn được các bên liên quan tuyên bố năm 1949, thừa nhận các biên giới tạm thời, theo đó Israel có thêm được 26% lãnh thổ ủy trị phía tây sông Jordan. Về phần Jordan thì chiếm các vùng núi rộng lớn của Judea và Samaria, sau này được gọi là Bờ Tây. Ai Cập giành quyền kiểm soát một dải đất nhỏ dọc theo bờ biển, chính là Dải Gaza hiện nay.

Sau khi liên quân Ả Rập bị Israel đánh bại, khoảng 800.000 người Palestine đã bỏ chạy khỏi các khu vực bị Israel sáp nhập và trở thành những người tị nạn tại các nước láng giềng. Trong cuộc chiến tranh Ả Rập – Israel diễn ra sau đó giữa Israel với Ai Cập, Jordan và Syria hồi năm 1967, Israel đã chiếm được Dải Gaza, bán đảo Sinai, vùng Bờ Tây sông Jordan và cao nguyên Golan.

Về phía người Palestine, vào năm 1958, Al-Fatah – tổ chức cách mạng đầu tiên của nhân dân Palestine, được thành lập dưới sự lãnh đạo của ông Yasser Arafat. Sáu năm sau, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) thành lập, quy tụ nhiều đảng phái khác nhau của người Palestine mà lớn nhất là Fatah của ông Arafat.

Năm 1969, tại “Quốc dân đại hội Palestine”, ông Arafat được chọn làm lãnh đạo toàn thể PLO và năm năm sau đó Liên đoàn Ả Rập nhìn nhận PLO như là đại diện duy nhất của người Palestine.

Ngày 15/11/1988, “Quốc dân đại hội Palestine” đơn phương ra tuyên ngôn độc lập, tuyên cáo nhà nước Palestine gồm lãnh thổ là khu vực Bờ Tây sông Jordan do Jordan nhượng lại, được khoảng 100 quốc gia thừa nhận.

Một tháng sau, tại Geneva, ông Arafat gián tiếp tuyên bố thừa nhận sự tồn tại của Israel trong phạm vi của các đường biên giới trước năm 1967. Điều này có nghĩa là Dải Gaza và Bờ Tây sông Jordan không thuộc về Israel. Hoa Kỳ và Israel hài lòng trước tuyên bố này.

Việc ông Arafat và PLO thừa nhận sự tồn tại của Israel là một diễn biến hợp xu thế của thời cuộc. Bởi trước đó vào tháng 3/1979, sau bao cuộc chiến tranh từ 1948-1956, rồi 1967, 1973, cuối cùng Ai Cập và Israel cũng đã ký hiệp định hòa bình, từ chỗ không nhìn nhận sự tồn tại của nhau đã chuyển sang sống chung hòa bình và hợp tác.

Từ sau tuyên bố Geneva, PLO lẳng lặng đàm phán với Israel để rồi tiến đến Hiệp định Hòa bình Oslo năm 1993. Ngày 13/9, Thủ tướng Israel lúc ấy là Yitzhak Rabin cùng chủ tịch PLO Yasser Arafat cùng ký kết hiệp định này tại thủ đô Washington. Chính quyền Palestine (PNA) được thành lập như là một nhà nước lâm thời của người Palestine và Yasser Arafat trở thành tổng thống của PNA.

Năm 2003, ông Arafat rút lui, trao ghế thủ tướng lại cho ông Abu Abbas sau này đắc cử tổng thống Chính quyền Palestine.

Đứng trước thử thách

Ông Yasser Arafat (phải) và Yitzhak Rabin

Sáu mươi lăm năm sau khi thông qua kế hoạch phân chia Palestine thành hai nhà nước Israel và Palestine, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã tán thành một quy chế Nhà nước quan sát viên phi thành viên cho Palestine. Như vậy là từ nay người Palestine có thể tham gia các cuộc thảo luận của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và có một diễn đàn nói lên sự thống thiết của họ.

Giống như Vatican (Nhà nước quan sát phi thành viên duy nhất còn lại), Palestine có thể trực tiếp lưu hành những tài liệu chính thức về những cuộc họp có liên quan đến các nước thành viên hoặc các bên khác.

Quy chế mới cũng cho phép Palestine trở thành thành viên đầy đủ của các cơ quan của Liên Hiệp Quốc như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO).

Tuy nhiên, Palestine cũng sẽ phải đương đầu với một loạt thách thức để có thể tận dụng quyết định lịch sử này. Trên thực tế, họ hầu như không có thêm quyền lực mới nào, vì vậy Palestine sẽ phải nỗ lực theo đuổi mục tiêu cuối cùng là trở thành thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc cho phép họ được hưởng toàn bộ quyền lợi như bất cứ nước thành viên nào khác, trong đó có quyền bảo trợ và bỏ phiếu các nghị quyết của đại hội đồng cũng như quyền ứng cử vào các vị trí quan trọng của Liên Hiệp Quốc.

Quy chế này đòi hỏi phải được 9/15 nước Hội đồng Bảo an thông qua trước khi giành được đa số tương đối trong cuộc bỏ phiếu tại đại hội đồng.

Một khi vị thế của Palestine được nâng tầm, họ sẽ có địa vị ngang hàng với Israel trong các cuộc đàm phán hòa bình tương lai và như thế, một bản nghị quyết hai nhà nước cùng tồn tại song song sẽ có cơ hội tái sinh.

Chiến thắng của người dân Palestine hôm nay cũng cho thấy một thực tế không kém phần khắc nghiệt, đó là giấc mơ độc lập thực sự của họ còn rất xa khi trước mắt là vô vàn khó khăn chồng chất. Palestine chỉ đạt được độc lập chừng nào đạt được đàm phán hòa bình với Israel trong khi Tel Aviv đã cảnh báo rằng hành động của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vừa qua chỉ khiến trì hoãn giải pháp cuối cùng trong cuộc xung đột giữa Israel và Nhà nước Palestine.

Trong khi đó, Mỹ trước đây đã tuyên bố ngay từ đầu là Washington sẽ dừng viện trợ cho Palestine và một số khoản đóng góp của họ cho Liên Hiệp Quốc một khi Palestine được nâng quy chế Nhà nước quan sát viên. Kể từ năm 1994, Mỹ đã viện trợ cho chính quyền Palestine hơn 3,5 tỉ USD và hiện nay họ đang phong tỏa khoản tiền 200 triệu USD viện trợ phát triển cho Palestine.

Khói bốc lên từ thành phố Gaza sau cuộc không kích của quân đội Israel

Ngược lại, Liên minh châu Âu mới đây đã tuyên bố đứng về phía Palestine cả về mặt chính trị cũng như kinh tế và tuyên bố tiếp tục viện trợ 11,5 triệu euro cho cơ quan cứu trợ Liên Hiệp Quốc ở Gaza.

Trong lúc này, chính quyền Palestine vẫn chưa thể giải quyết các khó khăn về tài chính và tìm kiếm các khoản viện trợ để trang trải cho hoạt động. Nền kinh tế của Palestine hầu như phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, sản xuất khó khăn vì điều kiện hạ tầng hầu như không có.

Với những thực tế này, hành trình đi đến độc lập của Palestine vẫn còn quá gian nan.

Hiện Israel vẫn chiếm đóng khu Bờ Tây và nắm quyền kiểm soát việc trao đổi hàng hóa lẫn việc đi lại của người dân Palestine qua Dải Gaza. Họ cũng sáp nhập Đông Jerusalem vào lãnh thổ của mình đồng thời xây thêm 3.000 ngôi nhà ở cả Đông Jerusalem và Bờ Tây.

Ngoài ra, kể từ sau sự kiện Palestine được nâng cấp lên nhà nước quan sát viên phi thành viên của Liên Hiệp Quốc, chính quyền Israel tuyên bố sẽ áp đặt những biện pháp kinh tế hà khắc chống Palestine, trong đó có việc tăng cường phong tỏa tài chính. Điều đó cho thấy chính phủ và người dân Palestine sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong thời gian tới.

Thêm vào đó, sắc lệnh đổi tên Chính quyền Palestine thành Nhà nước Palestine lần này cũng đã khiến Mỹ phản ứng gay gắt và đe dọa đáp trả. Bộ Ngoại giao Mỹ gọi đây là một ý tưởng tồi tệ không mang lại sự thay đổi nào cho người dân Palestine, đồng thời khẳng định sẽ không thay đổi cách gọi Chính quyền Palestine cho tới khi Palestine và Israel có được một thỏa thuận hòa bình.

Ông Benjamin Netanyahu

Do lâu nay không bị các cường quốc bên ngoài thúc ép nên Israel không mặn mà chuyện thương lượng, hoặc chưa tỏ ra có hành động thiện chí. Nếu các cường quốc bên ngoài không cương quyết hơn, nhất là nếu trong nhiệm kỳ 2 Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn thụ động như trong nhiệm kỳ đầu, thì các nhà lãnh đạo Israel sẽ không có lý do gì để ngồi vào bàn thương lượng với Palestine. Trong tình hình đó người ta chỉ còn hy vọng sự thúc đẩy của cộng đồng quốc tế hợp nhất và hùng mạnh thông qua Liên Hiệp Quốc.

Về phía ông Mahmoud Abbas cũng phải đối mặt với một thách thức nội bộ để có thể tiếp tục các cuộc thương lượng, đó là phong trào Hamas đang kiểm soát Dải Gaza. Trên thực tế, Hamas đã không được gì trong việc Nhà nước Palestine trở thành Nhà nước quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc. Có thể phong trào Hamas tán thành một cuộc thảo luận với Israel nhưng đây là một vấn đề mà họ chỉ coi là thứ yếu.

Với Hamas, điều quan trọng là phải có được sự công nhận của quốc tế, nhưng đó lại là một yêu cầu hoàn toàn không dễ dàng, bởi để được như vậy họ phải từ bỏ bạo lực, phải giữ cho Dải Gaza thật yên tĩnh, nghĩa là cùng với các nhóm vũ trang khác không được bắn tên lửa hay thực hiện các cuộc khiêu khích vũ trang với Israel.

Phong trào Hamas đang nắm quyền ở Dải Gaza, còn Fatah thì đang điều hành ở Bờ Tây là chuyện nhức nhối trong quá trình đoàn kết nội bộ, thành lập một chính phủ chung cho các phe phái Palestine.

Việc Tổng thống Abbas đưa ra sắc lệnh đổi tên Chính quyền Palestine thành Nhà nước Palestine lần này cho thấy vị thế của Palestine đã được nâng tầm và có địa vị ngang hàng với Israel trong các cuộc đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, theo giới phân tích, tiến trình hòa đàm Trung Đông có được nối lại hay không trong tương lai vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ chính quyền Palestine đến Nhà nước Palestine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO