Xuất thân từ quê hương Bến Tre, Lư Nguyễn Xuân Vũ chọn TP.HCM là nơi sinh sống và kinh doanh trong suốt hơn 20 năm qua. Hành trình khởi nghiệp của ông gắn với nông sản của Việt Nam. Vị tổng giám đốc này cho rằng, với doanh nhân, việc tạo ra sản phẩm tốt chính là một cách để phụng sự xã hội.
* TP.HCM đang trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 16, nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất vì không đáp ứng được yêu cầu sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ” (sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ), với Xuân Nguyên thì sao thưa ông?
- Với nhóm sản phẩm chính là mật ong Xuân Nguyên và một số sản phẩm bảo vệ sức khỏe khác như nhân sâm, trà gừng, tinh nghệ, hà thủ ô, trong giai đoạn này, Xuân Nguyên duy trì sản xuất song song với việc cung cấp hàng hóa cho các kênh phân phối. Chúng tôi cũng nỗ lực cung ứng hàng hóa cho những nơi mua tặng các đơn vị phòng, chống dịch hoặc cho người lao động ở các doanh nghiệp với giá đặc biệt ưu đãi.
Tôi nghĩ chính quyền TP.HCM thấu hiểu được nỗi khó khăn của doanh nghiệp. Lãnh đạo Thành phố và Chính phủ cũng rất cân nhắc khi đưa ra phương án sản xuất “ba tại chỗ”. Mặc dù quy định này có ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện, nhưng Xuân Nguyên không kiến nghị thay đổi, bởi quan niệm, đây là lúc doanh nghiệp phải đồng tâm, đồng lực, đồng tình với chính quyền để sớm đưa Thành phố thoát khỏi đại dịch.
* Chọn TP.HCM là nơi sinh sống và gắn bó kinh doanh, nhưng ông cũng đồng thời là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Giồng Trôm, Bến Tre, nơi Xuân Nguyên đang hợp tác triển khai dự án Làng Văn hóa Du lịch ASEAN+. Vào thời điểm này, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người chọn cách đã quay trở về quê hương để “tránh dịch”. Vì sao ông vẫn “bám trụ” ở TP.HCM, không những vậy, ông còn tổ chức nhiều hoạt động từ thiện hỗ trợ bà con tại đây?
- Thực sự những ngày này, khi chứng kiến dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM, số ca mắc mới tăng cao, tôi cảm thấy rất xót xa. TP.HCM có rất nhiều ân tình đối với quê hương Bến Tre của tôi. Trước khi dịch phức tạp, có rất nhiều đoàn doanh nghiệp của TP.HCM đã về Bến Tre, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân như xây cầu, tặng hệ thống lọc nước ngọt... Đó cũng là động lực thôi thúc tôi ở lại vào thời điểm này, để đóng góp và tri ân cho thành phố nơi tôi đang sinh sống và kinh doanh với mong muốn dịch bệnh sớm qua mau.
* Ở thời điểm này, việc chung tay góp sức của doanh nhân với chính quyền TP.HCM và nhân dân là nghĩa cử tốt đẹp, nhưng theo ông, làm thế nào để hoạt động từ thiện ở giai đoạn này thực sự hiệu quả?
- Theo tôi, để hoạt động từ thiện vào thời điểm này thực sự có hiệu quả nên có sự phối hợp với đoàn thể, chính quyền địa phương.
* Có phải vì quan niệm ấy mà Xuân Nguyên thành lập Hội Chữ thập đỏ tại doanh nghiệp?
- Xuân Nguyên từ nhiều năm đã luôn hướng đến các hoạt động xã hội, đóng góp với cộng đồng, việc thành lập Hội Chữ thập đỏ tại tập đoàn, trực thuộc Hội Chữ thập đỏ huyện Bình Chánh chính là để hướng cán bộ - công nhân viên gắn bó với công tác an sinh xã hội tốt hơn.
Dù mới thành lập từ tháng 2/2021, nhưng Hội Chữ thập đỏ của tập đoàn đã có nhiều hoạt động, để lại dấu ấn tốt đẹp. Trong đó, “Bếp yêu thương” được vận hành với 70% đóng góp từ Xuân Nguyên, 30% đóng góp từ cá nhân trong và ngoài tập đoàn. Trước khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, mỗi ngày “Bếp yêu thương” nấu 200 suất ăn cho những người nghèo ở các bệnh viện khu vực Hóc Môn, Bình Tân và Bình Chánh, gần đây chúng tôi tập trung cho Bình Chánh, Gò Vấp, quận 12, mỗi ngày cung cấp hơn 550 suất ăn cho lực lượng phòng chống, dịch tại các địa bàn. Hiện nay, mỗi ngày Xuân Nguyên cũng đang cung cấp 4.500 chai nước mật ong - chanh - sả - gừng cho các F0 tại các khu cách ly tại địa bàn huyện Bình Chánh. Công việc này, Xuân Nguyên xác định đến khi hết dịch. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với Công đoàn Đại học Quốc gia TP.HCM tặng 100.000 chai nước mật ong - chanh - sả - gừng cho khu cách ly tại thành phố Thủ Đức.
* Dù đã lên TP.HCM lập nghiệp nhưng ông vẫn luôn tham gia hoạt động từ thiện tại quê hương và mới đây, ông đã được Thủ tướng ký quyết định tặng bằng khen về việc này. Có phải ông quan niệm một doanh nhân ngoài mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận còn phải có trách nhiệm với cộng đồng? Và đó cũng là lý do mà Xuân Nguyên đã thành lập một doanh nghiệp xã hội?
- Tôi nghĩ, doanh nhân cũng là một nghề. Doanh nhân làm giàu do duyên và có khả năng quy tụ được người khác để cùng phát triển. Do đó, doanh nhân nên chia sẻ với những người khác, không nên hưởng một mình. Bản chất lợi nhuận của doanh nghiệp cũng là do người tiêu dùng đóng góp. Vì vậy, ngoài việc tái đầu tư phát triển sản phẩm thì doanh nghiệp nên đầu tư lại cho xã hội bằng cách chia sẻ lợi nhuận.
Doanh nhân phải luôn lo cho người lao động để doanh nghiệp phát triển bền vững. Doanh nghiệp phát triển bền vững thì đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Hai trách nhiệm này không thể tách rời. Nếu doanh nhân chỉ lo làm từ thiện mà không lo phát triển doanh nghiệp thì không thể làm từ thiện lâu dài. Ở chiều ngược lại, doanh nhân chỉ lo tìm kiếm lợi nhuận mà không gánh vác trách nhiệm với xã hội thì chưa đủ.
* Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, người dân quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn, mật ong được xem là một trong những sản phẩm giúp tăng cường thể lực, doanh số của Xuân Nguyên giai đoạn này có tăng trưởng không, thưa ông?
- Từ năm 2020 đến trước khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, doanh số của Xuân Nguyên tăng trưởng rất tốt. Từ tháng 6/2021, chúng tôi lại có một số khách hàng mới là doanh nghiệp, nhà hảo tâm mua với số lượng lớn để làm quà tặng cho lực lượng y tế đang làm nhiệm vụ chống dịch, dùng uống với nước chanh để tăng cường sức khỏe.
* Cho tới nay, mật ong Xuân Nguyên vẫn tập trung khai thác ở thị trường nội địa, có phải mật ong Xuân Nguyên chưa đủ tự tin để bước ra thị trường thế giới?
- Trước đây, Xuân Nguyên đa phần xuất khẩu mật ong thô qua các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Singapore. Lúc này, tôi bắt đầu đặt câu hỏi, tại sao cứ hàng nào ngon thì xuất khẩu, còn người Việt không được dùng hàng ngon của chính quốc gia mình?
Từ trăn trở đó, Xuân Nguyên bắt đầu thay đổi quan điểm và xác định hàng ngon là phải phục vụ cho người Việt. Từ năm 2010, Xuân Nguyên bắt đầu chú trọng vào tiêu chí dùng sản phẩm tốt nhất của Việt Nam bán cho người Việt, dù xuất khẩu thô có thể nhẹ nhàng và lợi nhuận nhiều hơn so với bán lẻ.
Trước đây, người dân có thói quen mua mật ong ở lề đường, mật ong không có bao bì, nhãn mác, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, nhiều người dùng có nhu cầu chọn mật ong có thương hiệu, chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn lại khó mua.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc Tập đoàn Xuân Nguyên cùng Lãnh đạo HUBA bàn giao 1 trong 4 cây cầu do Tập đoàn Xuân Nguyên cùng với các doanh nghiệp đóng góp xây dựng, tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre vào ngày 6/5/2021 |
Có thể do ảnh hưởng của kiến thức nhân học, nên tôi nhận thấy, một quốc gia, một dân tộc muốn phát triển phải có những sản phẩm tốt. Dưới góc độ nhân học, việc phát triển giống nòi đòi hỏi con người phải sử dụng sản phẩm sạch, an toàn cùng với môi trường sống trong lành.
Với tinh thần đó, Tập đoàn Xuân Nguyên bắt đầu tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm tốt nhất cho người Việt. Hiện sản phẩm của Xuân Nguyên được người dùng tín nhiệm. Trong đó, giới doanh nhân, người kỹ tính đều chọn mật ong Xuân Nguyên. Doanh số nội địa của Xuân Nguyên nhờ đó mà tăng vọt.
* Học ngành nhân học nhưng vì sao ông lại theo đuổi công việc kinh doanh?
- Tôi cho rằng, dù là kinh doanh hay làm bất cứ công việc gì, như công chức, hay nhà báo... mà yêu nghề cũng là cách phụng sự xã hội. Nếu kinh doanh mà chọn được sản phẩm tốt, hài lòng về sản phẩm bán ra, đó chính là niềm vui. Với tôi, khởi nghiệp gắn với mật ong là cái duyên. Và khi bán sản phẩm cho người dùng tăng cường sức khỏe thì tôi cảm thấy hạnh phúc.
* Theo ông thì học ngành nhân học có giúp gì khi điều hành doanh nghiệp, ngược lại với người học ngành khoa học xã hội khi kinh doanh có gặp khó khăn gì không?
- So với người được đào tạo về quản trị doanh nghiệp thì đúng là ban đầu, với tôi, một người học về ngành xã hội sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhân học mạnh về nghiên cứu con người, các hiện tượng xã hội, giúp tôi rất nhiều trong quản lý nhân sự, hiểu rõ tâm lý khách hàng. Ở các nước, rất nhiều người học ngành nhân học làm quản lý, lãnh đạo.
* Lập nhiều công ty nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thành công. Vậy ông có thể chia sẻ trải nghiệm của mình về yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành công của một doanh nghiệp?
- Theo tôi, một doanh nghiệp phát triển phụ thuộc vào các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Có đội ngũ nhân sự giỏi và đoàn kết thì doanh nghiệp phát triển nhanh, mạnh. Nếu nhân tài đông nhưng người đứng đầu không quy tụ được chất xám của họ thì đồng nghĩa với việc đông mà không mạnh. Đó chính là sự lãng phí nhân tài. Vì vậy, người đứng đầu đóng góp tới 70% yếu tố thành công của doanh nghiệp.
* Ông từng giao lại doanh nghiệp do mình sáng lập cho thế hệ kế thừa điều hành, nhưng sau một thời gian lại quay trở lại để dẫn dắt tập đoàn. Ông có thể chia sẻ lý do...
- Các anh em cổ đông của công ty điều hành doanh nghiệp rất tốt. Họ là những người đã kề vai sát cánh cùng tôi khi mới thành lập Xuân Nguyên. Tuy nhiên, hiện Xuân Nguyên thành tập đoàn đa ngành nghề đòi hỏi đội ngũ quản trị phải tăng thêm, quy tụ được nguồn nhân lực bên trong và cả bên ngoài. Vì vậy, tôi đã trở lại điều hành Xuân Nguyên với kỳ vọng đưa tập đoàn phát triển trong giai đoạn mới, nhanh hơn, lớn mạnh hơn.
Bên cạnh đó, thị trường đang cạnh tranh mạnh, nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhập sản phẩm về Việt Nam bán. Nếu không đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm thì rất dễ có nguy cơ người tiêu dùng có thể bỏ ra 100 USD để mua một sản phẩm nhập ngoại tương tự của Xuân Nguyên, dù Xuân Nguyên chỉ bán với giá hơn 10 USD. Do vậy, đây là thời điểm Xuân Nguyên dồn lực để phát triển thị trường nội địa, tránh phụ thuộc vào việc xuất khẩu thô.
Mục tiêu chính của tôi là đưa Xuân Nguyên lên một tầm cao mới, bằng cách tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam, góp phần tránh cảnh nông dân được mùa thì mất giá. Đó cũng là một cách phụng sự đất nước thông qua việc tạo ra những sản phẩm tốt cho xã hội. Thời gian tới, Xuân Nguyên cũng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm thành phẩm ra nước ngoài.
* Ông có cho rằng việc tìm người kế thừa điều hành công ty là vấn đề khó khăn chung của doanh nghiệp?
- Vấn đề tìm người kế thừa hay kế nhiệm điều hành tại doanh nghiệp đúng là khá khó khăn. Khi nghiên cứu về văn hóa kinh tế, tôi thấy ở Nhật Bản họ đặt mục tiêu doanh nghiệp lên trên. Dù là với công ty gia đình, họ có thể nhận một người bên ngoài về nếu đủ năng lực và giao cho người đó điều hành doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, một số lĩnh vực kinh doanh có tính chất gia truyền, chủ doanh nghiệp cho con đi du học với kỳ vọng để kế thừa điều hành doanh nghiệp. Nhưng khi con học xong quay về Việt Nam lại từ chối điều hành doanh nghiệp của gia đình, lựa chọn công việc khác. Vì vậy, tôi cho rằng, doanh nghiệp về bản chất là sản phẩm của xã hội, nên hãy để cho người của xã hội điều hành, miễn là nó tiếp tục tạo ra những giá trị tốt cho xã hội.
* Vừa điều hành doanh nghiệp, vừa tham gia giảng dạy, phải chăng ông muốn chia sẻ những bí quyết mình đã tích lũy với giới trẻ?
- Bí quyết thì tôi không có, nhưng tôi quan niệm cuộc sống là sự cống hiến và cho đi, không nên giữ gì cho riêng mình. Với kiến thức tôi may mắn tiếp nhận được từ những người đi trước và ứng dụng được nên chia sẻ với các bạn trẻ. Những môn tôi dạy là về quản trị và kỹ năng về quản lý.
* Cảm ơn ông!