Hiệp định lịch sử giữa Trung Quốc và EU
Sau 7 năm đàm phán, dù chịu nhiều sức ép từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 30/12/2020 Trung Quốc và EU đã đạt được trên nguyên tắc một hiệp định đầu tư mang tính lịch sử, có tên gọi Hiệp định Đầu tư toàn diện (CAI). Hiệp định này với quy mô nhiều tỷ euro được mong đợi sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp của Trung Quốc và EU trên một loạt lĩnh vực.
Cụ thể, các công ty tới từ các nước thành viên EU sẽ được tạo điều kiện tốt hơn để tiếp cận các lĩnh vực như chế tạo, kỹ thuật, ngân hàng, kế toán, bất động sản, viễn thông và tư vấn tại Trung Quốc, khi mà các nhà đàm phán châu Âu đã đạt được một điều kiện quan trọng là các nhà đầu tư của họ sẽ được đối xử "không kém ưu ái hơn" so với các công ty nội địa Trung Quốc.
Trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết CAI sẽ mang lại cân bằng thương mại và tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho hai bên, thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng khẳng định hiệp định đầu tư giữa EU và Trung Quốc sẽ đóng góp quan trọng vào việc xây dựng nền kinh tế mở của thế giới. Ông Tập cũng tin rằng thỏa thuận với EU sẽ đem lại thị trường lớn hơn và môi trường kinh doanh tốt hơn cho các khoản đầu tư của hai phía.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh thỏa thuận là minh chứng cho thấy sự quyết tâm và lòng tin của Bắc Kinh đối với mục tiêu mở cửa thị trường, giúp kích thích kinh tế toàn cầu trong quá trình phục hồi từ đại dịch Covid-19, cũng như thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế và thương mại tự do.
Đó dường như là luận điểm lặp lại của Tập Cận Bình, khi trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ cách đây ba năm, ông đã bảo vệ xu hướng toàn cầu hóa và kêu gọi thế giới tránh xa chủ nghĩa bảo hộ, bên cạnh việc chỉ trích chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump.
Như vậy, sau những nỗ lực thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Bắc Kinh lại tiến thêm một bước trong chính sách tiếp cận linh hoạt với các đối tác mới, như là một vũ khí để ứng phó trong cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ với Washington.
Cần thêm thời gian
Tận dụng sự suy yếu trong mối quan hệ giữa Mỹ và EU dưới thời Tổng thống Trump, khi hai bên liên tục đe dọa đánh thuế lẫn nhau và thực tế đã áp đặt thuế quan lên một số mặt hàng, cũng như mối quan hệ cá nhân lạnh nhạt giữa Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo châu Âu, Trung Quốc đã nỗ lực cải thiện mối quan hệ với lục địa già.
Vào giữa tháng 12/2020, Trung Quốc và EU cũng đã có tiếng nói chung tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu. Cụ thể, cả 27 thành viên EU đã đạt đồng thuận trong việc nâng mức cắt giảm khí thải trước năm 2030 lên thành 55%, so với mức 40% trước đây. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cam kết cắt giảm ít nhất 68% khí thải trước năm 2030.
Tận dụng sự suy yếu trong mối quan hệ giữa Mỹ và EU dưới thời Tổng thống Trump, khi hai bên liên tục đe dọa đánh thuế lẫn nhau và thực tế đã áp đặt thuế quan lên một số mặt hàng, cũng như mối quan hệ cá nhân lạnh nhạt giữa Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo châu Âu, Trung Quốc đã nỗ lực cải thiện mối quan hệ với lục địa già.
Về phần mình, Trung Quốc cũng có kế hoạch giảm 65% lượng khí phát thải carbon trên một đơn vị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) so với mức năm 2005, tăng tỷ trọng sử dụng nhiên liệu không hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng lên khoảng 25%. Ở chiều ngược lại, tháng 6/2017, nước Mỹ đã bất ngờ rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris năm 2015, khi Tổng thống Donald Trump cho rằng hiệp định này làm suy yếu kinh tế Mỹ và khiến nhiều người mất việc làm.
Giữa tháng 11/2020, Trung Quốc và EU cũng đã nhất trí củng cố quan hệ song phương thông qua đối thoại nhân dân. Lãnh đạo hai bên nhấn mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19, Trung Quốc và EU đã hợp tác y tế và y khoa, hỗ trợ nhau đối phó với đại dịch, qua đó cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ chiến lược toàn diện Trung Quốc - EU.
Dù vậy, mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc đi đến đâu cần phải có thêm thời gian kiểm chứng, cũng như việc Trung Quốc có tuân thủ theo những điều khoản của Hiệp định CAI hay không. Cụ thể, Trung Quốc có nghĩa vụ minh bạch hơn trong vấn đề bảo hộ nhà nước dành cho doanh nghiệp, khi Chính phủ Trung Quốc được cho là đã đồng ý đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Trong khi đó, một quan chức cấp cao của EU cho biết, nếu Bắc Kinh không đáp ứng được các điều khoản của CAI, EU có thể đáp trả bằng cách hạn chế Trung Quốc tiếp cận thị trường.
Giới phân tích cũng cho rằng, khi ông Biden làm Tổng thống, Mỹ sẽ cố gắng cải thiện mối quan hệ với các đồng minh nói chung và EU nói riêng, khi đó sẽ là một thách thức ngược lại cho mối quan hệ đang được cải thiện giữa Trung Quốc và EU. Đáng lưu ý là dù đã tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong gần hai năm qua, nhưng trong chính sách của EU đối với Trung Quốc được đưa ra hồi tháng 3/2019 vẫn xác định Trung Quốc là “đối thủ trực tiếp” và “cạnh tranh chiến lược” của khu vực này.