Các nước thành viên liệu có chào mừng Trung Quốc tham gia CPTPP? |
Vì sao lại vào thời điểm này?
Trong gần một năm qua, Trung Quốc đã có những bước chuẩn bị và vận động hành lang để gia nhập CPTPP khi tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức với các bên là thành viên của hiệp định này. Theo giới phân tích, việc Trung Quốc muốn trở thành thành viên CPTPP là nhằm đa dạng hóa đối tác thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường và đặc biệt là nhằm ứng phó với các chính sách mới của Mỹ.
Đáng lưu ý là đơn xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc được gửi đi chỉ một ngày sau khi Mỹ, Anh và Úc thành lập một liên minh mới, tập trung vào quốc phòng trên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với tên gọi AUKUS. Nhiều người cho rằng, mục tiêu của liên minh này nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Giới phân tích cũng cho rằng, Trung Quốc đang muốn đẩy nhanh lộ trình tham gia vào CPTPP trước Anh, nhằm hạn chế khả năng bị phủ quyết sau khi Anh đã gia nhập hiệp ước này. Trước đó vào tháng 2 đầu năm nay, Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss đã đề nghị với những người đồng cấp Nhật Bản và New Zealand về việc gia nhập CPTPP, trở thành quốc gia đầu tiên chính thức đăng ký tham gia CPTPP.
Không chỉ Anh, cả Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia đều đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia CPTPP. Nếu số thành viên ngày càng gia tăng, việc tham gia CPTPP của Trung Quốc có thể gặp trắc trở, đặc biệt là sự phản ứng từ các đồng minh thân cận của Mỹ, dù Washington hiện vẫn phủ nhận khả năng quay lại CPTPP nếu hiệp định này không có những thay đổi theo ý Mỹ.
Được và mất
Hiện tại, CPTPP có 11 thành viên, gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam. Hiệp định đã được ký kết ngày 8/3/2018 tại thành phố Santiago, Chile và chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn CPTPP gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Úc. Với Việt Nam, hiệp định có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.
Trong nhóm 11 nước này, có thể thấy các đồng minh thân cận của Mỹ chiếm non nửa, đó là Mexico, Nhật Bản, New Zealand, Canada và Úc. Trong khi mối quan hệ của Trung Quốc với Úc ngày càng xấu đi, thì trở ngại lớn có lẽ đến từ Canada và Mexico, khi hai nước này đã ký Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (mới) - USMCA với Mỹ vào năm 2018, trong đó quy định không một nước thành viên nào của USMCA được ký kết thương mại với các nền kinh tế "phi thị trường" - một chính sách nhắm vào Trung Quốc.
Không chỉ Anh, cả Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia đều đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia CPTPP. Nếu số thành viên ngày càng gia tăng, việc tham gia CPTPP của Trung Quốc có thể gặp trắc trở, đặc biệt là sự phản ứng từ các đồng minh thân cận của Mỹ.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng quy mô của CPTPP nếu có sự tham gia của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ gia tăng đáng kể. Theo báo cáo năm 2019 của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), sự gia nhập của Trung Quốc sẽ giúp thương mại của các bên tham gia CPTPP tăng thêm 55% trong 10 năm tới. Dù vậy, vốn là một quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu với hàng giá rẻ đầy lợi thế cạnh tranh, việc tham gia của Trung Quốc sẽ càng khiến các nước thành viên CPTPP chịu áp lực thâm hụt ngân sách từ Trung Quốc.
Việc tham gia CPTPP nếu thành công cũng sẽ giúp Trung Quốc ngăn chặn sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi nước này. Khi đó, những quốc gia hưởng lợi trong cuộc thương chiến Mỹ - Trung, cũng như thành công trong việc thu hút dòng vốn đầu tư, cơ sở sản xuất từ Trung Quốc chuyển sang trong những năm gần đây có lẽ phải lo ngại trước viễn cảnh Trung Quốc cũng gia nhập hiệp định này.
Theo các chuyên gia phân tích, trong 11 nước thành viên của CPTPP hiện nay, Trung Quốc đã có FTA song phương hoặc mang tính khu vực (thông qua khối ASEAN hoặc RCEP) với 9 nước, trừ Canada và Mexico. Do đó, nếu gia nhập CPTPP, Trung Quốc sẽ có thể mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang Canada - một cửa ngõ quan trọng để xuất sang Mỹ, khi đó các nước đang xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ như Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn.
Nhưng như đã nói, Mỹ có lẽ sẽ tìm cách thúc giục các nước thành viên CPTPP ngăn cản không cho Trung Quốc gia nhập, nếu không cuộc chiến thương mại mà Mỹ khơi mào cách đây hơn ba năm sẽ gần như vô nghĩa, khi mà Trung Quốc gần đây cũng đã thành công trong việc nâng cao vị thế chiến lược với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).