![]() |
Năm nay là năm thứ 9 kể từ ngày Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định đồng ý lấy ngày 13/10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam, và cũng là kỷ niệm lần thứ 68 ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương để động viên, kêu gọi họ bỏ vốn ra để phát triển sản xuất - kinh doanh, xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng.
![]() |
Thực tiễn chứng minh trong chặng đường lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, giới công thương Việt Nam của chúng ta luôn kề vai sát cánh cùng với cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã góp phần quan trọng đưa nước ta từ kém phát triển trở thành nước đang phát triển.
Để ghi nhận và xác định vai trò, nhiệm vụ của doanh nhân, ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09 về Xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế... Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng ta xác định giới công thương trở thành đội ngũ doanh nhân.
Việc từ "giới" thành "đội ngũ” đã làm thay đổi căn bản về chất của tầng lớp doanh nhân, vì không chỉ thay đổi từ ngữ "con buôn, tư thương, tư sản..." mà còn làm thay đổi cả hình ảnh của doanh nhân ngày nay là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, người lính trên thương trường.
Đây là niềm tự hào và đồng thời cũng xác định trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân rất to lớn và nặng nề, là lực lượng đi đầu thực hiện "phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm" (theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng); xây dựng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thực hiện mục đích cao nhất của Đảng ta là dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Ngày Doanh nhân Việt Nam đã đánh dấu sự thay đổi tư duy trong suốt quá trình đổi mới của kinh tế Việt Nam. Sự xuất hiện của những tỷ phú giàu có đi cùng với sự bùng nổ số lượng doanh nghiệp, nhất là khu vực dân doanh sau sự cởi mở của Luật Doanh nghiệp năm 2000 chính là nền tảng tạo ra mức tăng trưởng kinh tế 7 - 8% cho Việt Nam, và tạo tâm lý lạc quan, hồ hởi cho toàn xã hội.
Việt Nam đang hướng tới mục tiêu 500 ngàn doanh nghiệp, trong đó có nhiều thương hiệu ngang tầm trong khu vực, nhưng không may, khủng hoảng kinh tế xảy ra trên phạm vi toàn cầu cùng với những nội tại yếu kém, khiến hàng loạt doanh nghiệp phá sản.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2013, số doanh nghiệp gặp khó khăn, ngừng hoạt động là 28.755, trong đó có 4.499 doanh nghiệp đã chính thức giải thể.
Quan trọng hơn, khủng hoảng bộc lộ hết điểm yếu của doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã quay sang đầu cơ đất đai, bỏ bê ngành sản xuất kinh doanh chính, dẫn đến thua lỗ và nợ xấu tăng cao. Kinh tế Việt Nam đang đối diện với thách thức toàn diện trong lúc tốc độ cải tổ dường như chậm lại.
Theo các chuyên gia, để đưa nền kinh tế bước đầu ổn định trở lại, Việt Nam cần phải đợi ít nhất tới năm 2015 và trong quá trình này, một trong các yếu tố quan trọng là bên cạnh việc tái cơ cấu nền kinh tế bằng cách xây dựng kế hoạch phát triển ổn định lâu dài với những chính sách thông thoáng, an toàn, đẩy mạnh cải cách thể chế, trong đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, môi trường luật pháp, điều quan trọng nhất là phải tái lập lại "niềm tin".
Lòng tin là yếu tố hàng đầu, không có lòng tin, người dân không tin vào thể chế, bộ máy, doanh nghiệp không tin vào chính sách, nhà đầu tư không tin vào thị trường, người tiêu thụ và lao động không tin vào doanh nghiệp, chính sách không được thực hiện, không đi vào cuộc sống, thì rất khó cho việc xốc lại động lực của nền kinh tế.
Khu vực kinh tế dân doanh cần phải có động lực tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Hiện nay, khu vực này vẫn phải đối mặt với nhiều biểu hiện định kiến và phân biệt đối xử, thua thiệt trong việc vay vốn, thuê đất, xuất nhập khẩu, tìm kiếm thị trường và buôn bán với nước ngoài...
Có rất nhiều yêu cầu cần thiết để tạo ra một nền kinh tế thành công với sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng chắc chắn yêu cầu quan trọng là phải có những doanh nhân dám khởi sự doanh nghiệp mới. Để thực hiện điều đó, doanh nhân chúng ta phải có kỹ năng kinh doanh, mọi doanh nghiệp phải có môi trường tốt để phát triển.
Nhưng để được xã hội tôn vinh và tạo những điều kiện thuận lợi nhất thì ngược lại, doanh nhân càng phải bản lĩnh hơn, chịu khó hơn và sáng tạo hơn để luôn hoàn thành sứ mệnh, trọng trách mà xã hội đặt ra cho mình vì sự phú cường của dân tộc theo tinh thần của Nghị quyết 09 Bộ Chính trị.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, tôi xin chúc quý doanh nghiệp, doanh nhân của TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung quyết tâm thực hiện phương châm hành động vì quyền lợi của doanh nghiệp, vì lợi ích quốc gia, vì uy tín với quốc tế và vì xã hội và cộng đồng; với khẩu hiệu hành động là Đoàn kết - Đổi mới - Hợp tác - Phát triển bền vững, góp phần xây dựng đất nước phôn vinh và hạnh phúc.