“Vua heo” Phạm Đức Bình

LỮ Ý NHI| 08/04/2010 08:23

Những lúc căng thẳng, tôi vào chuồng tắm cho heo và thấy rất thú. Cả đàn trăm con heo, nhưng tôi biết rõ từng con một, con nào là con bố, con nào con mẹ nên heo của tôi rất ít bệnh...

“Vua heo” Phạm Đức Bình

Cách đây gần sáu năm, tôi có buổi trò chuyện với Phạm Đức Bình (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình). Cảm nhận ban đầu về anh là một người chí thú làm ăn, có vẻ an phận.

Tuy nhiên, khi câu chuyện “vỡ ra”, không khí thân tình, cởi mở, anh mới bộc lộ mình: nắm bắt cơ hội nhanh, thích dấn thân vào nhiều ý tưởng mới, quyết đoán, bộc trực, hễ đụng vào bức xúc là mổ xẻ đến cùng. Gần sáu năm gặp lại, anh vẫn vậy, dù trải qua không ít lần thất bại nhưng vẫn hào hứng khi nói chuyện kinh doanh và những mô hình mới đang ấp ủ.

* Tham gia nhiều lĩnh vực kinh doanh và cũng nhiều lần thất bại, anh rút ra bài học gì cho mình?

Nhờ chí thú làm ăn, ông Bình đã khẳng định được uy tín qua nhiều giải thưởng

- Phải nói rằng, cuộc đời kinh doanh của tôi thành công cũng nhiều mà thất bại cũng lắm. Ngay từ lúc mới mười tám, đôi mươi, tập tành kinh doanh đã mắc vòng pháp luật. Nuôi heo thì bị bị giam 7 ngày (vì lúc đó nuôi heo phải được Nhà nước cho phép). Chuyển sang buôn bột ngọt và hàng điện máy thì phải ngồi tù một tháng vì kinh doanh trái phép. Sau lần trắng tay đó, tôi nghiệm ra: Nghề nào cũng là nghề, vua nào cũng vua. Sao không chọn nghề mà mình có sở trường và thế mạnh. Vì vậy, tôi quyết định trở về nghề truyền thống của gia đình: nuôi heo và kinh doanh thức ăn gia súc.

Sau những năm lao động cật lực, tôi đã gầy dựng thành công thương hiệu Thanh Bình với trại heo ở Hố Nai từ 3 lên đến 12.000 con và xí nghiệp sản xuất cám ăn cho heo mang nhãn hiệu "Con heo đỏ". Ngoài ra, Thanh Bình còn kết hợp chăn nuôi gà công nghiệp, gà màu (Tam Hoàng) với hình thức tổ chức chăn nuôi gia công ở Đồng Nai và một số tỉnh miền Đông, mở rộng nhà xưởng ở Bình Phước, Dắk Lắk, Gia Lai để thu mua và chế biến nguyên liệu thức ăn gia súc...

Từ các lĩnh vực thành công, tôi quyết định đầu tư vào cà phê để tăng tốc. Khi thấy giá cà phê xuống thấp, tôi ham quá nên dốc hết vốn liếng, tài sản từ kinh doanh heo, gà vào cà phê. Nhưng lần này thất bại thảm hại! Bài học đắt giá cho sai lầm này là: Trong kinh doanh, có thể liều lĩnh nhưng không thể coi như một canh bạc, đừng để máu “ăn thua” chi phối, đặc biệt đừng bao giờ cho trứng vào một rổ.

* Bài học đắt giá là vậy, nhưng mới đây, anh lại tiếp tục “phạm sai lầm” khi đầu tư kinh doanh đồ gỗ?

- Người ta nói: “Không cái sai nào giống cái sai nào” là vậy. Thấy người ta làm gỗ có ăn, tưởng dễ nên tôi nhảy vào và... lại thất bại. Hiện nay, cũng có không ít doanh nhân bị "ảo vọng nóng của thị trường" cám dỗ như chứng khoán, bất động sản, vì tưởng sẽ giàu lên nhanh chóng, nhưng thực ra nếu không đúng ngành nghề, thiếu hiểu biết thì khi sa lầy rất khó thoát ra, thậm chí có khi trắng tay.

Cũng từ thất bại, tôi nghiệm ra, nếu chỉ theo đuổi một ngành thuộc thế mạnh thì sẽ mạnh hơn rất nhiều và có thể đứng ở vị trí cao nhất. Còn vươn ra nhiều ngành nghề thì có thể sinh thêm chút lợi nhuận nhưng chẳng có lĩnh vực nào dẫn đầu được. Đó là sai lầm, dù tôi luôn là người đi đầu chọn những hướng đi khác biệt.

* Nói vậy có mâu thuẫn không khi anh thường nói rằng: “Tôi xuất thân từ nuôi heo, thành công từ nuôi heo, nhưng Thanh Bình tăng tốc phát triển lại không phải do nuôi heo”?

- Ý tôi muốn nói, nuôi heo không phải dễ thu lợi nhuận cao mà lại rất rủi ro. Chăn nuôi đòi hỏi phải có lòng say mê và đầu tư rất nhiều công sức, thời gian. Ngoài ra, còn phải có tầm nhìn, có đầu óc kinh doanh, biết kinh doanh trên con heo chứ không chỉ biết nuôi đơn thuần. Thực tế, nhờ vốn của con heo, tôi mới mạnh dạn tham gia vào thị trường nhà đất, khách sạn và nhiều lĩnh vực kinh doanh khác. Như khi thua trắng vụ cà phê, chỉ trong vòng 5 năm mở rộng quy mô nuôi heo, không những tôi trả hết nợ mà còn có trong tay một tài sản đất đai khá lớn, từ đó mở thêm dịch vụ cho thuê nhà xưởng, nhà kho khá thành công.

* Phải chăng, thấm thía những bài học giá đắt từ việc đầu tư không đúng sở trường mà anh đang có kế hoạch tập trung trọng điểm vào thế mạnh của mình: Chăn nuôi heo quy mô lớn và hiện đại?

- Đúng vậy. Trước kia, áp lực cạnh tranh, lại thấy nuôi heo cực quá, đến ngày Tết cũng phải cho heo ăn, tắm rửa cho heo và vệ sinh chuồng trại, tôi bắt đầu lơ là và với tay sang nghề khác. Nhưng sâu xa hơn, do xuất phát từ những bất cập của người chăn nuôi. Thực tế, người chăn nuôi heo thường xuyên bị rơi vào nguy cơ phá sản hàng loạt do giá heo bán ra luôn thấp hơn giá thành 25 - 30%.

Chỉ cần 3 - 4 đợt chăn nuôi, mỗi đợt lỗ 25 - 30% là trắng tay. Giới chăn nuôi heo thường nói với nhau rằng: Con heo không ăn cám nữa mà đang ăn... đất. Bởi vì, nhiều người nuôi heo phải bán cả đất để trả nợ. Nguyên nhân một phần là do hiện nay 90% hộ chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, kỹ thuật lạc hậu, thiếu quy hoạch, định hướng của Nhà nước.

Do đó, người chăn nuôi không theo kịp thị trường, không kiểm soát được cung cầu thị trường. Chẳng hạn, khi giá thị trường xuống, hầu hết người chăn nuôi nhỏ đều có tâm lý chờ với hy vọng giá sẽ tăng lên, mà không có biện pháp đối phó, trong khi càng giữ đàn heo thì chi phí càng tăng, chưa kể thiệt hại do dịch bệnh...

Vì lẽ đó, để giúp nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi và cũng để nâng cao chất lượng sản phẩm, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, tôi đã đưa ra nhiều mô hình, chẳng hạn mô hình “Giúp cần câu cho người nông dân”, giao cho nông dân 12 xã trong tỉnh Đồng Nai, mỗi xã 30 con heo nái (một hộ một con) để nuôi với giá thức ăn ưu đãi. Mỗi xã cử hai người xuống Công ty Thanh Bình tập huấn, sau đó về hướng dẫn lại cho bà con. Khi heo nái đẻ hoặc thịt heo đến kỳ thu hoạch, Công ty sẽ bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường.

* Nhiều doanh nghiệp nuôi heo quy mô lớn rất bức xúc vì muốn được mở rộng quy mô chăn nuôi tập trung nhưng không dễ, chắc anh cũng chung nỗi bức xúc này?

- Bất cập lớn nhất là hiện nay, Nhà nước không có chính sách khuyến khích ngành chăn nuôi. Vì vậy, không có quy định rõ thế nào là đất chăn nuôi, diện tích bao nhiêu, thời gian sử dụng. Hiện nay, đa số các doanh nghiệp chăn nuôi heo quy mô lớn sử dụng đất chăn nuôi là đất “chui”. Không phải đất chuyên dùng, cũng không phải đất nông nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp dù có đất, có đầu tư cả chục thậm chí cả trăm tỷ đồng cũng không thể đem đi thế chấp để vay ngân hàng được. Bởi vì, theo quy định hạn điền trong nông nghiệp, muốn chăn nuôi lớn, doanh nghiệp phải đi thuê đất Nhà nước. Còn nếu bỏ tiền ra mua đất nông nghiệp thì giá cũng cao gấp 10 lần so với các nước trong khu vực. Đây là điều hết sức bất cập và không khuyến khích người ta làm chăn nuôi lớn.

Một bất cập khác là trong khi Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng 70% nguyên liệu, thức ăn gia súc phải nhập khẩu như đậu nành, bắp, các chất phụ gia, khoáng vitamin... Tại sao chúng ta cứ mải mê với kế hoạch 6 - 7 triệu tấn gạo mà không phải là một tấn bắp cho heo ăn để không phải nhập khẩu? Thực tế, ở những vùng miền Trung, Tây Nguyên có những rẻo đất khô hạn, nếu Nhà nước khuyến khích trồng bắp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và tạo ra nguồn nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi.

* Giữ khá nhiều trọng trách anh có ngại khi bạn bè vẫn gọi anh là “vua heo”?

- Biệt danh đó tôi không những không ngại mà còn tự hào, bởi tôi có ngày hôm nay là nhờ... heo, cả dòng họ tôi nuôi heo, con trai út của tôi ở nhà cũng tên là Heo và mọi người biết đến tôi cũng vì “vua heo”. Mà tôi cũng thật sự đam mê, thích nuôi heo. Những lúc căng thẳng, tôi vào chuồng tắm cho heo và thấy rất thú. Cả đàn trăm con heo, nhưng tôi biết rõ từng con một, con nào là con bố, con nào con mẹ nên heo của tôi rất ít bệnh...

* Điều quan trọng nhất của người làm kinh doanh là chữ Tín. Vào thời điểm anh bị thất bại trắng tay, nợ nần đầm đìa, làm sao anh giữ được chữ Tín?

- Tôi quan niệm, còn người, còn ý chí là còn tất cả. Trước thất bại, đừng bao giờ nghĩ mình mất gì mà phải hỏi mình còn gì để sẵn sàng làm lại từ đầu. Dĩ nhiên, trong hoàn cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất thì con đường duy nhất để bảo toàn chữ Tín là thuyết phục chủ nợ để “khất nợ”. Như khi thất bại vụ cà phê, chủ nợ định “siết” toàn bộ tài sản trại heo và nhà máy cám, tôi nói: “Tôi chỉ còn con gà, nếu các anh cho tôi nuôi nó, nó sẽ tiếp tục đẻ trứng thì tôi mới có tiền trả cho các anh, ngược lại nếu anh lấy con gà này, chưa chắc các anh nuôi sống nó mà tôi cũng không có thêm tiền trả cho anh”. Nghe có lý nên chủ nợ đồng ý chờ đợi và tôi đã thực hiện đúng cam kết.

Cũng có một tình huống đổi “buồn” thành “vui” trong vụ cà phê này, đó là khi tôi mắc nợ, chủ nợ này lại nợ ngân hàng và đang có nguy cơ phá sản. Biết rõ năng lực của tôi nên ngân hàng tìm đến tôi với đề nghị cho tôi vay tiền để tiếp tục sản xuất và trả nợ. Dĩ nhiên ngân hàng cũng thu được nợ khi tôi trả nợ cho chủ nợ kia. Tuy thua lỗ nhưng tôi lại thấy vui vì mình vẫn được tin tưởng, vẫn có uy tín hơn cả chủ nợ.

* Anh từng nói làm giàu là mục tiêu số một, vậy mục tiêu số hai là gì, thưa anh?

- Trước đây, khi bằt đầu kinh doanh thì mục tiêu số một của tôi đặt ra là kiếm tiền, làm giàu. Đi sau mục tiêu đó là nhân rộng thành công, kinh nghiệm làm giàu cho mọi người. Muốn làm được điều này thì mình phải làm ăn một cách minh bạch.

* Trong kinh doanh, điều gì anh cho là khó nhất?

- Đó là ứng xử trước nhiều cái lợi trước mắt. Khi thất bại, dám nhìn vào thực tế, vào sai lầm để đứng dậy, nhất là đừng sợ người ta cười mà giấu thất bại, bởi càng giấu, càng quanh co, loay hoay khắc phục càng dễ rơi vào sai lầm khác.

* Anh có thể tiết lộ một điểm yếu của mình!

- Thế hệ của tôi bước vào kinh doanh bằng sự mò mẫm, không ai hướng dẫn, không được học hành bài bản nên không tránh được va vấp, sai lầm. Vì vậy, khi thị trường thức ăn gia súc cạnh tranh khốc liệt, mẻ cám đầu tiên của Thanh Bình tung ra thị trường đã bị người tiêu dùng trả lại. Lúc ấy, tôi đã đưa ra quyết định mời các chuyên gia hàng đầu về thức ăn gia súc về làm giám đốc kỹ thuật. Nhiều người bảo là tôi chơi ngông, muốn “chứng tỏ” mình nhưng chính quyết định này đã giúp thức ăn gia súc Thanh Bình nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với nhiều chủng loại...

* Với Công ty cổ phần Doanh Nhân Trẻ, anh lại mạo hiểm thử sức ở một lĩnh vực mới. Thật tình anh không ngại ý tưởng bất thành?

- Đã theo nghiệp kinh doanh thì thường có nhiều khát vọng và khát vọng chính là được sánh vai cùng bạn bè doanh nhân thế giới. Công ty cổ phần Doanh Nhân Trẻ ra đời từ năm 2006, do một số thành viên Hội Doanh nghiệp Trẻ Đồng Nai thành lập và chúng tôi đang thử sức ở lĩnh vực mới: mua bán công ty, mua bán nợ...

Ý tưởng này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn ở Việt Nam và trên thế giới, nhiều tập đoàn đã sáp nhập và đã lớn mạnh, hoạt động hiệu quả. Mặt khác, do kinh nghiệm xử lý nợ của bản thân giúp tôi có khả năng phân loại nợ và đàm phán, xử lý nợ của các doanh nghiệp hiệu quả. Vì vậy, tôi tin đây là một lĩnh vực đầu tư có hiểu biết nên sẽ ít rủi ro.

* Nhiều người nói anh rất “sợ” vợ...

- Tôi quan niệm, hạnh phúc trong gia đình là sự bình đẳng, không phân biệt việc của phụ nữ hay đàn ông, các thành viên trong gia đình cùng chia sẻ công việc với nhau. Có nhiều doanh nhân “viện” vào trọng trách của mình là “đối ngoại” nên khi về nhà thường quy việc bếp núc, dọn dẹp cho một mình vợ. Tôi thì khác, cùng rửa chén, quét nhà, nấu ăn vì khi bà xã phải làm nhiều, mệt mỏi, mình cũng đâu vui. Vì vậy, xắn tay một chút với vợ cũng là cách giải tỏa stress, vận động tay chân và... cả nhà cùng vui. Với con cái, tôi không bao giờ dùng quyền làm cha áp đặt hoặc ép vào khuôn phép cứng nhắc. Những gì chúng làm chưa tốt thì mình làm trước làm gương. Chẳng hạn, tập cho con chào hỏi, tôi luôn là người “chào” con trước...

* Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Vua heo” Phạm Đức Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO