Tự thân như người duy nhất

PHƯƠNG QUYÊN thực hiện, Ảnh: QUÝ HÒA| 21/04/2010 05:23

Đơn độc giữa thị trường mà đối trọng là hai ông lớn - truyện tranh Nhật Bản và truyện minh họa nước ngoài, đôi lần, Phan Thị Mỹ Hạnh nghĩ công việc mình chọn và đang theo đuổi chẳng khác gì “châu chấu đá xe”.

Tự thân như người duy nhất

Đơn độc giữa thị trường mà đối trọng là hai ông lớn - truyện tranh Nhật Bản và truyện minh họa nước ngoài, đôi lần, Phan Thị Mỹ Hạnh nghĩ công việc mình chọn và đang theo đuổi chẳng khác gì “châu chấu đá xe”. Bà không dám tin có ngày “xe” nghiêng, mà chỉ cố gắng hết sức để bám trụ, để “châu chấu” không ngã.

Cạnh tranh với truyện tranh nước ngoài

* Là người “đầu tiên” và “duy nhất” có vẻ thú vị với bà?

- Không phải thế! Bất cứ lĩnh vực nào, cái “đầu tiên” thì luôn gặp nhiều trắc trở, cái “duy nhất” thì lúc nào cũng phải tự thân vận động. Tôi còn nhớ ngày đi đăng ký giấy phép kinh doanh, cơ quan đăng ký hỏi tôi: “Làm truyện tranh Việt là làm cái gì?”. Lúc đó, tôi giải thích thế nào cũng không xuôi tai họ được. Đợi đến lần thứ ba Phan Thị mới chính thức có giấy phép hoạt động. Thời điểm đó cách đây chưa lâu, năm 2000, mới mười năm thôi mà!

* Hình như năm 2000 là thời điểm truyện tranh Nhật Bản làm mưa làm gió tại Việt Nam?

Giới thiệu tập truyện tranh "Truyện hay sử Việt"

- Truyện tranh Nhật đổ bộ vào Việt Nam, tạo nên cơn sốt từ những năm 1990 và kéo dài một thời gian. Trước đó vài năm là truyện tranh của phương Tây. Ngày đó, để xuất bản một tập truyện tranh chuyển ngữ từ nguyên tác của nước ngoài không phải rắc rối thủ tục bản quyền như bây giờ, mà cực nhất là việc xóa chữ trên bản gốc rồi viết lại bằng tiếng Việt. Tôi từng chứng kiến họa sĩ Phan Lê cặm cụi viết từng con chữ trên bộ Lucky Lucke nhưng chẳng thể nào kịp tiến độ xuất bản.

* Thế là bà nhập cuộc?

Nếu câu tục ngữ “vô phúc đáo tụng đình” vận vào thì bà đúng là “vô phúc”. Tốt nghiệp chuyên ngành viễn thông, Đại học Bách khoa TP.HCM, ngày đầu đến với truyện tranh, bà đã bị kiện vì tội dám... “chôm” kiểu chữ của một họa sĩ vẽ truyện lão thành.

Công ty thành đạt, bà lại ra tòa để bảo vệ bằng được bản quyền hình ảnh những đứa con tinh thần của mình. Sau mỗi vụ kiện, người ta lại vỡ ra rằng, Phan Thị Mỹ Hạnh là người đầu tiên dùng máy tính tạo kiểu chữ cho truyện tranh, xóa bỏ cách sắp chữ thủ công và là người đầu tiên thực hiện việc đăng ký tác quyền hình ảnh các nhân vật trong truyện.

Ngoài là người đầu tiên, bà còn là người giữ khá nhiều danh hiệu “duy nhất”: chủ doanh nghiệp sản xuất truyện tranh duy nhất ở Việt Nam; người chủ xướng thành lập và duy trì sân chơi hội họa duy nhất cho trẻ em; chủ nhân của Thần đồng đất Việt, bộ truyện tranh dài tập duy nhất được ghi nhận kỷ lục Guinness Việt Nam...

Ăn ngay nói thẳng và khi cần là hét ra lửa để đảm bảo cho công việc chung tiến hành trôi chảy, bà tự nhận đôi lần “đánh mất” sự thùy mị trên thương trường, đến mức không đủ tự tin để dấn thân vào cuộc sống hôn nhân.

Thế nhưng, vẫn luôn thấy bà chăm chút, khuyến khích và truyền nghề cho những “cây cọ nhí”. Bà còn đón cả một thành viên của Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ Thần đồng đất Việt có hoàn cảnh khó khăn về nuôi ăn học, xem như con cháu mình. Đến ngày cậu bé ấy thi đại học, bà cũng tất tả lo lắng như bao phụ huynh khác lo lắng cho tương lai con em mình. Thương trường dẫu có nghiệt ngã đến đâu cũng không lấn át được bản năng của người phụ nữ trong bà...

- Tôi học chuyên ngành viễn thông nhưng đã biết đến ứng dụng của máy tính. Có được chiếc máy tính đời 386 do một người chị ở nước ngoài tặng, tôi dùng phần mềm ép font để biến chữ có kiểu cách điệu như ý mình. Bác Phan Lê hiểu lầm, kiện tôi ăn cắp kiểu chữ cũng vì lẽ đó.

Cũng may, khi chứng minh được sự trong sạch của mình cũng là lúc các nhà xuất bản tìm đến tôi, nhờ sắp chữ, chế bản in cho họ. Doremon, Bảy viên ngọc rồng, Siêu quậy Teppi... xuất bản với tốc độ tiêu thụ khủng khiếp. Hằng tuần có đến hai, ba tập truyện được phát hành. Nhờ máy móc và kỹ thuật hỗ trợ, tôi kiếm được không ít từ việc gia công cho các nhà xuất bản.

* Đang ăn nên làm ra lại thành lập công ty cạnh tranh với họ, bà không sợ gặp rắc rối à?

- Cũng vì sự phát triển ồ ạt của truyện tranh Nhật Bản tại Việt Nam mà tôi muốn làm truyện tranh Việt. Khi đó, tôi không tìm được những bộ truyện thiếu nhi đặc sắc, trong khi những bộ truyện có nội dung bạo lực hay truyện dành cho lứa tuổi 18 trở lên, đề cập vấn đề tình dục được xuất bản ngày càng nhiều.

Văn hóa Nhật khác với văn hóa Việt, cứ thấy truyện tranh là trẻ em mua nhiều hơn người lớn nên rất dễ chọn nhầm. Đọc những ấn phẩm không hợp với lứa tuổi rất dễ bị ảnh hưởng không tốt. Tôi mở công ty, không cạnh tranh với các nhà xuất bản mà cạnh tranh với những bộ truyện không phù hợp với văn hóa Việt.

* Nhưng từ ngày đầu, hướng làm truyện tranh về những nhân vật lịch sử của nước Việt mà bà theo đuổi đã thất bại?

- Đúng vậy. Bộ Việt sử Dấu ấn Lạc Hồng của Phan Thị thất bại hoàn toàn. Khi liên kết xuất bản, NXB Trẻ đã đổi tên thành Danh nhân lịch sử Việt Nam. Thấy cả trẻ em lẫn người lớn đều hờ hững với đứa con đầu lòng của mình, tôi như mất hết sinh lực. Đối chiếu với thành công của truyện tranh Nhật tôi mới phát hiện, mình thất bại là do không có tuyến nhân vật chính, không có dẫn dắt cốt truyện, chỉ kể lẻ mẻ chuyện của từng nhân vật lịch sử.

Nguyên nhân thứ hai là do nhân vật của tôi không phải là trẻ nít để có thể gần gũi với đối tượng độc giả thiếu nhi và được sự quan tâm của người lớn. Quan trọng hơn nữa là nét vẽ của truyện tranh phải mềm mại, dễ thương. Nhìn lại, Dấu ấn Lạc Hồng còn quá “mô phạm”. Tổng kết lại ba điều trên thì có được công thức làm truyện tranh.

* Đơn giản chỉ vậy?

- Tóm tắt lại thì thấy dễ thế đấy, nhưng chỉ dễ về ý tưởng thôi. Bắt tay vào triển khai, từ tạo hình nhân vật, tạo khung cho từng trang truyện... cho đến dẫn dắt Thần đồng đất Việt đi suốt hơn 100 tập như hiện nay và sẽ nhiều hơn thế thật sự không đơn giản chút nào.

* Bà chỉ nói đến khó khăn thôi...?

- Có lợi thế chứ! Dẫu có thích “của lạ” đến mức nào thì câu chuyện của người Việt, trang phục Việt, tính cách và con người Việt vẫn sẽ đến với độc giả Việt thuận lợi hơn rất nhiều. Đó là lợi thế mà Phan Thị đang được hưởng. Bên cạnh đó, từ khi tham gia Công ước Bern, các NXB phải thương thảo, giao dịch tác quyền... mới xuất bản được. Phan Thị không phải đau đầu về vấn đề này.

Khai thác không cạn nguồn văn hóa

* Lấy tích Trạng để khai thác, chắc chắn bà sẽ cạn đề tài trong tương lai gần?

Trẻ em xem truyện tranh ở quầy sách Công ty Phan Thị tại Hội sách TP.HCM lần 6

- Đúng vậy! Tích Trạng trong kho tàng văn học Việt Nam có giới hạn. Đến giai đoạn này thì chuyện của đám nhóc Tí, Sửu, Dần, Mẹo đã chuyển hướng thành chuyện của những danh nhân văn hóa. Nguồn đề tài nào cũng có thể cạn, riêng văn hóa quốc gia thì không. Chưa kể, Việt Nam có đến 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại có một bản sắc, nét đẹp riêng. Tôi tự tin với nguồn đề tài từ văn hóa Việt.

* Nghĩa là...?

- Cập nhật thời sự, tập mới nhất của bộ truyện này sẽ là chuyện dời đô đến kinh thành Thăng Long, bắt đầu cho một thời đại phát triển mới. Vua sẽ chiêu mộ hiền tài, từ đây mạch truyện phát triển thành nhiều nhánh. Tất nhiên, hệ thống nhân vật chính vẫn được giữ nguyên. Tình huống truyện sẽ chuyển tải cả thông điệp văn hóa.

* “Cõng” nhiều thứ trong truyện tranh, chỉ là ấn phẩm giải trí, bà không nghĩ mình sẽ giẫm lên vết xe đổ của “Dấu ấn Lạc Hồng” ngày trước?

- Nếu theo dõi bộ truyện tranh Doremon, người đọc sẽ nắm bắt được tất cả lễ hội văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Ngày Cá tháng Tư, Lễ Tình nhân... cũng du nhập vào Việt Nam qua con đường này. Đừng nghĩ truyện tranh chỉ có tính giải trí. Hơn hết, nó là một công cụ truyền thông giáo dục cực kỳ hiệu quả. Đến tận bây giờ, mọi người vẫn quan niệm truyện tranh giới hạn khả năng tưởng tượng của trẻ em, nhưng tôi dám khẳng định, truyện tranh cũng kích thích trí tưởng tượng của trẻ nhỏ. Hãy nhìn những tác phẩm mà các em học sinh mê truyện tranh thực hiện sẽ thấy óc tưởng tượng của các em rất phong phú.

* Để làm được điều đó, Nhật Bản có cả một ngành công nghiệp truyện tranh, còn ta thì sao?

- Tôi nhớ không lầm thì doanh thu mà công nghiệp truyện tranh mang về cho Nhật Bản nhiều hơn ngành công nghiệp ô tô, xe máy của nước này. Họ có được sự hỗ trợ đầy đủ, từ khung, các hình họa phụ như đường hiệu ứng, hoa văn nền... đều được sản xuất sẵn. Họa sĩ chỉ cần sáng tạo hình thể nhân vật rồi áp những vật liệu ấy vào, tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Với ngần ấy hỗ trợ, họ phát triển mạnh như thế là điều đương nhiên.

Tiến đến công nghiệp truyện tranh

* Bà có thể học hỏi mô hình ấy từ Nhật Bản?

- Thật đáng tiếc, giá thành những vật liệu ấy khá đắt, nếu dùng sẽ đẩy giá sách lên cao... Phan Thị chỉ dừng ở việc tự thiết kế những hoa văn nền sẵn trên máy, tiết kiệm được chút ít thời gian thôi, nhưng bù lại, suốt tám năm đầu, Phan Thị không tăng giá sách.

* Hình như ngoài học hỏi kinh nghiệm, không kể Thần đồng đất Việt, các bộ truyện minh họa như Ngày xửa ngày xưa, Sắc màu cổ tích, Sáng tạo Việt Nam... của Phan Thị cũng có nét vẽ khá giống với manga Nhật Bản?

Hai họa sĩ Philippines sử dụng công nghệ mới vẽ phác thảo trực tiếp trên màn hình.

- Nhiều người nói tôi Việt hóa truyện Nhật vì nhân vật trong truyện của Phan Thị được vẽ theo kiểu bụ bẫm, mắt to... Tôi không buồn nhưng cũng... ấm ức! Ngược lại lịch sử truyện tranh thế giới, ông tổ của manga Nhật Bản cũng thừa nhận, ông ấy học kiểu vẽ mắt to từ truyện tranh châu Âu. Thế giới phẳng, học hỏi, tiếp thu cái hay của nhau là chuyện rất bình thường, miễn mình có sáng tạo riêng. Phan Thị không vẽ cho giống truyện Nhật, mà vẽ cho mọi trẻ em Việt đều có thể thích.

* Có vẻ như truyện tranh Nhật đến thời điểm này cũng đã qua thời hoàng kim?

- Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, truyện tranh ngày càng bị thu hẹp đất sống. Quá nhiều phương tiện giải trí có sức hấp dẫn lôi cuốn trẻ em. Số lượng phát hành truyện tranh Nhật tại Việt Nam hiện nay cũng giảm sút rất nhiều. Thị trường đang rục rịch chuyển hướng.

* Chuyển như thế nào, thưa bà?

- Một số nước đã có đơn vị cung cấp dịch vụ đọc truyện tranh trên điện thoại di động, trên internet... Đó là cách để các nhà sản xuất truyện tranh có thể tiếp tục tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên số hóa này. Đó cũng là xu hướng phát triển mới của các nhà xuất bản trong nước. Đón đầu tình hình này, Phan Thị đã đầu tư cho trang web của mình và đang chuẩn bị nguồn lực để tiến đến xuất bản truyện tranh trực tuyến song song với hình thức truyền thống.

* Nhưng đối tượng độc giả của bà lại là trẻ em.

- Bây giờ học sinh lớp 2, lớp 3 đã biết sử dụng máy tính, truy cập internet... nên chuyện tuổi tác không là giới hạn. Đặc biệt, với các bậc phụ huynh, mua tài khoản cho con em mình đọc truyện về văn hóa, con người Việt Nam trên mạng vẫn an toàn hơn là để mặc cho chúng lang thang đến các trang web mà nội dung gì cũng có.

* Nghĩa là bà lại đốt hết thời gian vào công việc?

- Tôi hạnh phúc khi biết việc mình làm là có ích và thật sự thấy cuộc sống có ý nghĩa khi dành tình yêu thương cho những tài năng trẻ sinh hoạt trong Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ Thần đồng đất Việt. Tôi xem đám trẻ ấy như con, theo dõi sự phát triển của chúng, và đáp lại, các em cũng dành cho tôi tình cảm ấm áp. Còn gì bằng khi mình có những đứa con cũng đam mê những điều mình đam mê!

* Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tự thân như người duy nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO