Tặng sách là tặng sản phẩm văn hóa

LỮ Ý NHI thực hiện| 04/07/2013 06:27

Đã kinh qua nhiều lĩnh vực kinh doanh, vậy mà khi gắn bó với ngành xuất bản, ông Vũ Đình Hòa lại là người có tên tuổi trong ngành và năm 2012, ông được chọn là Doanh nhân TP.HCM tiêu biểu.

Tặng sách là tặng sản phẩm văn hóa

Đã kinh qua nhiều lĩnh vực kinh doanh, vậy mà khi gắn bó với ngành xuất bản, ông Vũ Đình Hòa lại là người có tên tuổi trong ngành và năm 2012, ông được chọn là Doanh nhân TP.HCM tiêu biểu. Ông nghiệm ra: "Làm gì cũng phải đam mê. Có đam mê mới đạt đến đỉnh cao sự nghiệp. Vốn yêu thích văn chương và triết học, đến với nghề, tôi không chỉ thỏa cơn khát sách mà còn được thể nghiệm đam mê của mình trong kinh doanh". Quay sang vợ, bà Kiều Minh Phụng, ông cười: "Nhưng thành công của Văn Lang không phải do tôi mà 99% là sự góp sức của... vị này đấy".

Đọc E-paper

Ảnh: Hoàng Miên

* Ông có thể tiết lộ một chút đóng góp ấy?

- Ông Vũ Đình Hòa: Bà nhà tôi là người đảm đang và cẩn thận, trong khi tính tôi lại đại khái, nên những tiểu tiết mình ít chăm chút, tôi chỉ vạch kế hoạch tổng quát cho Công ty, định hướng 5-10 năm hoặc làm công việc đối ngoại, nghiên cứu thị trường, tìm kiếm bản thảo..., còn cụ thể các hoạt động hằng ngày của Văn Lang, tôi giao cho bà xã quản lý.

* Hẳn bà rất vui khi được đánh giá cao như vậy?

- Bà Kiều Minh Phụng: (Cười) Dĩ nhiên là vui chứ! Song, nếu để đánh giá một cách công bằng thì không chỉ riêng tôi hay anh Hòa, mà với thế mạnh và vị trí công việc khác nhau, tất cả các thành viên trong Công ty đều có phần đóng góp lớn cho thành công của Văn Lang.

* Nhưng bà từng chia sẻ, phụ nữ làm lãnh đạo có nhiều lợi thế hơn đàn ông. Cụ thể trong vai trò phó tổng giám đốc, bà đã "sử dụng" lợi thế đó như thế nào để góp phần mang đến thành công cho Văn Lang?

- Bà Kiều Minh Phụng: Phụ nữ vốn chi li, chặt chẽ hơn đàn ông nên lợi thế đầu tiên là việc quản lý. Trong kinh doanh, đàn ông thường "bạo tay", không chú ý chi tiết, đôi khi chủ quan và dễ dãi. Chẳng hạn, tôi thường thận trọng trong kinh doanh, thăm dò thị trường trước khi ra quyết định kinh doanh, như chọn bản thảo, tính số lượng in.

Hoặc khi ra một mẫu lịch, một đầu sách mới, tôi phải xem xét từng chi tiết, kiểm tra kỹ từ lời nói đầu đến đề mục sách, rồi kiểu chữ, trình bày, màu sắc, khi nào thật hoàn chỉnh mới cho in. Song, cũng có lúc vì kỹ quá mà bị trễ nên tôi cũng bị anh Hòa cằn nhằn...

* Nhưng quyền quyết định vẫn là "cấp trên". Với những bất đồng như vậy, làm thế nào bà thể hiện được quan điểm của mình?

- Bà Kiều Minh Phụng: Vợ chồng cùng làm chung, cùng lãnh đạo Công ty thì việc tranh luận, bất đồng là điều không tránh khỏi. Anh Hòa lại là người rất quyết đoán nên có lúc tôi phải tranh cãi gay gắt, có lúc lại khéo léo, nhỏ nhẹ.

Đó cũng là lợi thế của phụ nữ. Ngay cả trong việc quản lý nhân viên, mình cũng phải tinh tế, mềm dẻo trong mọi ứng xử.

Nếu lãnh đạo cứng nhắc theo nguyên tắc thì sẽ không có được sự "tâm phục khẩu phục", nhất là rất khó giữ chân người giỏi, vì người giỏi thường là "ngựa chứng", mình phải làm sao khắc phục cái "chứng" đó để dung hòa các mối quan hệ trong Công ty.

Tóm lại, ở vai trò của tôi, cả với "sếp" và nhân viên, phải biết "mềm", biết "cứng" trong mọi quyết định, mọi ứng xử.

* Kinh tế khó khăn, văn hóa đọc đang bị mai một, và cả vấn đề bản quyền... là những áp lực mà các đơn vị xuất bản đang phải đối mặt. Đứng trước khó khăn này, ông phải làm thế nào?

- Ông Vũ Đình Hòa: Đúng là vấn đề bản quyền hiện rất khó đối với các nhà xuất bản. Do phần lớn sách của Văn Lang là sách dịch, hầu hết phải mua bản quyền, mà sách nước ngoài hiện có mức giá bản quyền rất cao trong khi lợi nhuận cho một đầu sách lại chẳng bao nhiêu, vì vậy, trước khi mua bản quyền, chúng tôi phải đánh giá rất cẩn thận: Cuốn sách đó phải có kỳ vọng tái bản, số lượng mỗi lần in phải vào khoảng 2.000 - 3.000 bản, thậm chí 5.000 bản thì mới trang trải được chi phí. Nếu một đầu sách mua bản quyền mà chỉ bán được khoảng 1.000 bản là chắc chắn lỗ.

Cũng trong tình hình khó khăn, muốn đứng vững, chúng tôi phải sàng lọc sách, làm sao đáp ứng được nhu cầu thực tế của người đọc. Hình thức cuốn sách phải bắt mắt, từ khâu thiết kế bìa đến thành phẩm, làm thế nào để người đọc nhìn cuốn sách, họ muốn mua.

Như vậy, số lượng in mới đủ hoàn vốn. Đặc biệt, khâu phát hành phải mở rộng, lan tỏa khắp các địa phương để nhiều người biết thương hiệu của mình.

Và điều quan trọng nhất là chúng tôi đã nỗ lực đầu tư các phương tiện hiện đại cho quy trình sản xuất, có nhà in riêng và kinh doanh khép kín từ khâu xuất bản đến in ấn và phát hành nên cắt giảm được rất nhiều chi phí, giảm giá thành sản phẩm.

* Sách triết học, sử học rất hạn chế người đọc, vậy tại sao Văn Lang lại chọn mảng sách này làm chủ lực, thưa ông?

- Ông Vũ Đình Hòa: Trong ngành xuất bản, hầu như mỗi công ty đều chọn một mảng đề tài, với Văn Lang, mảng sách nhắm đến là sách nghiên cứu khoa học xã hội, như triết học, sử học, nghệ thuật học...

Thật ra, các mảng sách này cũng chủ yếu là tạo thương hiệu, chọn lối đi riêng trong một thị trường phức tạp và đa dạng, chứ nếu tính toán ở góc độ kinh tế thì không hiệu quả.

Chẳng hạn mới đây, chúng tôi làm cuốn Từ điển Y học Dorland Anh - Việt, một cuốn sách được giới học thuật đánh giá rất cao, rất có giá trị về chuyên môn nên thời gian chuẩn bị lâu, chi phí lớn, giá bản quyền cũng không thấp, nhưng số lượng in lại ít, không có hiệu quả kinh tế, cái được lớn nhất là chúng tôi được thỏa đam mê và thể hiện được cái tâm của mình với nghề.

Tuy nhiên, lâu lâu mới làm một cuốn như vậy thôi chứ làm thường xuyên thì... Công ty đóng cửa mất (cười).

* Theo ông, cạnh tranh giữa các công ty trong lĩnh vực này hiện khốc liệt đến đâu?

- Ông Vũ Đình Hòa: Như đã nói, trong ngành xuất bản, do mỗi đơn vị đều chọn một mảng riêng, ít có chuyện đơn vị này chen chân vào lĩnh vực của đơn vị kia. Nếu có bản thảo hay hoặc sách in ra đẹp thì sẽ chiếm được cảm tình của độc giả chứ không đến nỗi phải cạnh tranh khốc liệt như những lĩnh vực khác.

Hơn nữa, đây là ngành kinh doanh mà thị trường vẫn có nhu cầu lớn. Tuy nhiên, ở ngành nào cũng có một vài thành phần "ngoại đạo", khi thấy mảng sách mà đơn vị khác đang làm có lợi nhuận cao thì nhảy vào "ăn theo", nhưng các đơn vị trong ngành xuất bản nói chung là tôn trọng lẫn nhau, và hiểu rõ "luật chơi".

* Hiện nay báo điện tử và các trang mạng rất phát triển, ông có cảm thấy lo lắng cho mảng sách in?

- Ông Vũ Đình Hòa: Trong văn hóa đọc bây giờ, sách in trên giấy và sách trên mạng đi song song và cả hai đều đáp ứng được nhu cầu của người đọc. Song, dù lợi thế đến đâu, sách mạng vẫn không thể thay thế được sách in hay làm triệt tiêu thói quen đọc sách in.

Bởi rất nhiều người vẫn cảm thấy thích thú khi cầm một cuốn sách để đọc ở mọi lúc mọi nơi, ngay cả lúc đi tàu xe, nhất là khi mỗi gia đình đều muốn có một tủ sách giá trị cao cho các thế hệ.

* Nhưng có vẻ tủ sách gia đình đang ít dần, ông có thấy vậy không?

- Ông Vũ Đình Hòa: Phần đông bạn bè của tôi nhà nào cũng có tủ sách lớn hoặc nhỏ. Tôi là người mê đọc sách, ngay từ thời đi học, tôi đã là "mọt sách", đọc bất kể loại sách nào nên tôi rất thiện cảm với những người cũng mê đọc sách và thường khuyến khích và vận động bạn bè đọc sách.

Những ai đến với tôi, tôi chỉ có món quà lớn nhất để tặng là sách, bởi với tôi, tặng sách là tặng văn hóa, đem đến cho người khác món ăn tinh thần. Đó cũng là niềm vui của những người kinh doanh sách.

Chúng tôi tạo món ăn tinh thần cho xã hội, vì vậy, khi thực hiện một cuốn sách hay, có ích, tôi cảm thấy hạnh phúc. Hai mươi năm kinh doanh sách, tôi đã mang lại cho cuộc đời, cho xã hội nhiều sản phẩm đẹp, nhiều món ăn tinh thần đáng tự hào nên cũng hãnh diện với nghề nghiệp của mình.

* Còn niềm vui của bà như thế nào, thưa bà?

- Bà Kiều Minh Phụng: Một lần trên máy bay, thấy một hành khách đang đọc cuốn sách có biểu trưng của Công ty Văn Lang, tôi rất vui vì sách mình làm ra có người chú ý.

* Thưa bà, kinh doanh là lợi nhuận, nhưng để có những cuốn sách hay cho xã hội, lợi nhuận sẽ không cao, lúc đó bài toán kinh doanh của Văn Lang được giải quyết như thế nào?

- Bà Kiều Minh Phụng: Đó là điều ban lãnh đạo Công ty thường tranh luận. Vì hiện nay, khi bán sách theo cách trao đổi giữa các đơn vị cùng ngành, chúng tôi phải chịu lỗ vì giá sách các đơn vị khác thường đắt hơn của Văn Lang, nhưng sách là để phục vụ người tiêu dùng, mong muốn của chúng tôi là phổ biến những giá trị văn hóa trong sách đến người đọc.

Khi mua một cuốn sách có giá trị, lại phù hợp với túi tiền, họ sẽ xem cuốn sách này là của công ty nào, lâu dần thương hiệu Văn Lang sẽ đi vào tâm trí độc giả, và họ sẽ nhớ thương hiệu của mình. Như vậy, không chỉ vui vì sản phẩm được đón nhận, mà chúng tôi còn góp phần kích thích văn hóa đọc, khiến nhiều người mua sách và đọc sách hơn.

* Hai mươi năm kinh doanh trong lĩnh vực sách, thời điểm nào ông cảm thấy khó khăn nhất?

- Ông Vũ Đình Hòa: Giai đoạn hiện tại là khó khăn nhất. Cách đây 15-20 năm, giá thành phẩm mỗi đầu sách không cao nên đầu tư không lớn nhưng vẫn có lợi nhuận. Một khi văn hóa đọc sa sút và nhất là vào thời điểm kinh tế suy thoái, cần thiết lắm người ta mới mua sách.

Bên cạnh đó, sách mạng đang lấn chiếm thị phần của sách in nên các đơn vị in sách không chỉ giảm doanh thu mà còn phải tìm những đường đi khác, như làm lịch, in tập vở học sinh, các loại văn hóa phẩm... để lấy ngắn nuôi dài, cố gắng đảm bảo doanh thu và tăng trưởng.

* Gắn bó với lĩnh vực này, ông thấy hiện nay, xuất bản và liên kết xuất bản, vấn đề gì bất cập cần phải thay đổi, thưa ông?

- Ông Vũ Đình Hòa: Xuất bản là một ngành kinh doanh đặc thù, lợi nhuận không cao nên kiến nghị của tôi là ngành này nên được ưu đãi về thuế, chẳng hạn hiện nay giấy có mức thuế 10%, phát hành cũng 10%, nên giá sách cao, đông đảo người đọc khó tiếp cận.

Nên chăng thuế in sách giảm còn 0%, tạp chí khoảng 5% hoặc 3-4% đầu vào để giá thành sách vừa phải, giúp người đọc có được nhiều cơ hội mua sách hơn.

* Xin hỏi nhỏ, ông có thể tiết lộ làm thế nào để truyền được niềm đam mê đọc sách cho cả gia đình?

- Ông Vũ Đình Hòa: Thời sinh viên, cả hai chúng tôi đều mê sách. Và sách đã đưa chúng tôi đến với nhau và... đến với nghề. Nhờ cùng sở thích, chúng tôi có nhiều hơn sự sẻ chia, đồng cảm và gắn bó trong công việc.

Để có một cuốn sách có giá trị ra mắt độc giả, chúng tôi cùng đọc bản thảo, trao đổi ý kiến. Khi in một cuốn sách hay, cả nhà cùng vui vẻ bàn luận. Đó cũng là thời gian vợ chồng con cái quây quần thư giãn, gần gũi nhau hơn.

- Bà Kiều Minh Phụng: Tôi thấy nhiều bậc cha mẹ hiện nay khuyến khích con cái đọc sách, nhưng nếu chỉ nhắc nhở suông thì không tạo được sự phấn khích cho trẻ.

Muốn con cháu mình có thói quen này thì bản thân cha mẹ, ông bà phải thích đọc sách và tạo ra thói quen hằng ngày, tạo ra khung cảnh cả nhà cùng đọc sách thì thế hệ trẻ mới noi theo và dần dần tạo ra sự say mê.

* Một trong những hạn chế của doanh nhân Việt Nam hiện nay là thiếu đoàn kết khi kinh doanh cùng lĩnh vực. Ở ngành xuất bản, điều này biểu hiện thế nào, thưa ông?

- Ông Vũ Đình Hòa: Kinh doanh trong bất cứ lĩnh vực nào, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, điều cần nhất là phải có sự đồng cảm, đồng cảm mới đoàn kết, hỗ trợ nhau, còn nếu chỉ chạy theo lợi nhuận, không có sự chia sẻ quan điểm, thậm chí chia sẻ thị trường thì tất cả sẽ không tồn tại.

Vì vậy, trong ngành kinh doanh văn hóa, những người kinh doanh cần ứng xử có văn hóa. Có cái nhìn xa hơn những lợi ích trước mắt và tạo ra thị trường lành mạnh thì phân khúc thị trường được phân chia hợp lý và khôn ngoan. Như vậy sẽ thúc đẩy sự phát triển chung và mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.

* Liệu như vậy có phải lĩnh vực kinh doanh sách ít "đau đầu" hơn những lĩnh vực khác?

- Ông Vũ Đình Hòa: Nói chung lĩnh vực kinh doanh nào cũng phải có lợi nhuận để tồn tại và phát triển, nhưng nếu quá đặt nặng lợi nhuận hoặc quá theo đuổi mục tiêu tăng trưởng, bị cám dỗ bởi lợi ích trước mắt thì dễ bị sa vào cạnh tranh không lành mạnh, xa rời những mục tiêu đã xác định từ ngày đầu lập nghiệp, không chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thiếu gắn kết với cộng đồng...

Do vậy, người làm kinh doanh phải tự điều chỉnh liên tục để cân bằng giữa lợi nhuận và mục tiêu. Đây là một trở ngại không nhỏ với bất kỳ ai.

* Xin cảm ơn những chia sẻ của ông bà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tặng sách là tặng sản phẩm văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO