Phép cộng giảng đường và thương trường

DUY KHUÊ thực hiện| 09/05/2014 07:15

Yêu toán và giỏi toán, song hơn 40 năm trước, ông Huỳnh Ngọc Phiên từng nghĩ toán học không ứng dụng nhiều trong cuộc sống...

Phép cộng giảng đường và thương trường

Yêu toán và giỏi toán, song hơn 40 năm trước, ông Huỳnh Ngọc Phiên từng nghĩ toán học không ứng dụng nhiều trong cuộc sống. Mãi đến khi theo học tại Viện Công nghệ Châu Á (AIT - Bangkok, Thái Lan), ông mới nhận ra, rõ ràng mình đang áp dụng kiến thức toán học để giải những bài toán rất cụ thể, trong đó có cả việc hoạch định chiến lược cho Amata. Giờ đây, đúc kết lại 46 năm nghiên cứu và làm việc, ông cho rằng sẽ đưa ra những vấn đề có thể ứng dụng cho kinh tế, nên đang không ngừng vận động để làm mô hình kinh tế cho Việt Nam.

Đọc E-paper

GS-TS. Huỳnh Ngọc Phiên Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Amata Việt Nam - Ảnh: Quý Hòa

Năm 1964, Huỳnh Ngọc Phiên được vinh danh khi là người đầu tiên học ban B đậu hạng bình (14/20 điểm) ở Quảng Ngãi, và cũng là một trong hai người đậu hạng bình của hội đồng thi gồm 5 tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Tín, Quảng Trị, Quảng Nam và Thừa Thiên. Từ đây, tình yêu toán học bắt đầu nhen nhóm trong ông.

Sau khi đỗ đầu các kỳ thi trong chương trình đại học và tốt nghiệp thủ khoa, Huỳnh Ngọc Phiên vinh dự được vị Khoa trưởng Khoa Sư phạm và Khoa học Viện Đại học Huế lúc đó giữ lại dạy ở trường kiểu mẫu tại TP. Huế. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục không chấp nhận do ông chưa có bằng cử nhân sư phạm, vì vậy, ông quyết định chuyển công tác về một ngôi trường ở Truồi, cách TP. Huế 25km. Tại đây, ông tiếp tục hoàn thành chương trình cử nhân sư phạm, sau đó xin học bổng du học, mở ra trang mới cho cuộc đời thay vì chấp nhận trở về Viện Đại học Huế theo lời đề nghị của vị Khoa trưởng...

"Cái tôi" và ngã rẽ

* Đậu tú tài hạng bình, ông thừa sức học kỹ sư để kiếm được nhiều tiền sau khi ra trường, vậy tại sao ông lại chọn học sư phạm?

- Thật ra, lúc thi tú tài xong, tôi cũng chưa tính mình sẽ học gì. Khi một người anh bảo có thích học sư phạm thì ra Huế thi, tôi cũng chưa quyết định ngay mà hỏi ý kiến ba tôi.

Ông cụ bảo điểm cao như tôi thì học kỹ sư cũng được, nhưng thôi đừng học, vì theo cụ, không biết tôi có đủ bản lĩnh để không ăn hối lộ không (thời đó kỹ sư công chánh ăn hối lộ nhiều lắm), còn làm trong ngành sư phạm thì có muốn ăn hối lộ cũng khó, nên đi sư phạm là yên ổn nhất. Thế là tôi chọn thi sư phạm và đậu thứ 10 trong số 42 người đậu vào sư phạm năm đó.

* Được biết, hầu hết chương trình đào tạo đại học thời đó đều dạy theo giáo trình của Pháp, điều này có gây khó khăn cho sinh viên không, thưa ông?

- Quả là chương trình học rất khó, đầu vào 42 người, 4 năm sau chỉ có 6 người ra trường. Năm tiếp theo có thêm 6 người ra nữa là chấm hết, vì thời đó học đại học chỉ được rớt một năm, rớt năm thứ hai là bị bắt đi lính. Sau này khi học lên thạc sĩ, rồi đến bảo vệ luận án tiến sĩ tại AIT, tôi mới thấy chương trình đại học của mình hồi đó kinh khủng quá.

Vì những công thức toán của chương trình thạc sĩ, tiến sĩ hầu hết tôi đã học ở thời đại học, có khác chăng chỉ là ở tên gọi. Tuy nhiên, nhờ vậy mà việc học tập cũng như quá trình bảo vệ luận án tiến sĩ của tôi được thuận lợi hơn. Còn nhớ, khi thi chứng chỉ toán đại cương ở Việt Nam, 126 người đậu 2 người.

Thời điểm thi vào AIT, tôi đậu hạng bình thứ (12/20), thuộc điểm C. Mà theo chuẩn AIT của các nước khác thì 60% (tức điểm C) là không đủ điểm để vào AIT. Phía AIT cũng thắc mắc tại sao Việt Nam đỗ đầu mà điểm C. Lúc đó cũng may nhờ một người anh đánh tiếng giúp với AIT rằng kỳ thi này Việt Nam đậu tối đa là 5%, tôi mới được "vớt".

Thời gian đầu, các giáo sư ở AIT cứ sợ tôi không theo kịp chương trình học. Một hôm, thầy đưa bài toán "Diễn giải từ mưa qua dòng chảy bằng lý thuyết đơn vị đường đồ thị”, tôi lập tức chứng minh bằng hai cách. Sau đó, khi dạy toán hàm số ảo, hễ sinh viên hỏi thầy tích phân, thầy bí là tôi kiêm luôn việc giúp thầy giải toán, bài nào tôi cũng giải được hết.

Thầy rất bất ngờ nhưng thật ra, những dạng toán như vậy, kể cả những quyển sách toán của Nga rất dày, tôi cũng đã giải hết từ thời học đại học ở Việt Nam. Thế mới thấy chương trình học của Việt Nam thời đó thật khủng khiếp.

* Có phải vì lợi thế nổi trội này mà ông đã nhanh chóng bước vào hàng ngũ lãnh đạo của AIT không, thưa ông?

- Sau khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ, thầy giáo hỏi có thích đi Mỹ hay Úc làm thì ông giới thiệu, nhưng tôi chỉ muốn ở AIT vì gần Việt Nam, tôi có thể thường xuyên về thăm vợ con. Lúc này, vị giáo sư nhờ tôi hỗ trợ giải toán đã đề bạt nên tôi được nhận ở lại AIT.

Kể từ đó, tôi tham gia giảng dạy, trở thành giáo sư ngành khoa học máy tính của AIT năm 1990. Sau đó, AIT thiếu nhân sự, tôi lại được đề bạt đảm nhận chức quyền hiệu trưởng từ 9/1998, rồi Hiệu trưởng Trường Công nghệ cao thuộc AIT từ 1999 - 2004.

* Xem ra du học là quyết định đúng đắn của ông, thay vì làm giảng viên ở Viện Đại học Huế?

- Thật ra quyết định lúc đó của tôi là vì "cái tôi" nhiều hơn. Tôi tốt nghiệp cử nhân sư phạm, ra trường chỉ được dạy trung học đệ nhị cấp (lớp 10, 11, 12), không đủ tư cách dạy đại học. Thế nên tôi từ chối trở về Viện Đại học Huế dạy mà xin thầy được đi du học

. Năm 1970, tôi về lại Viện, lúc đó có học bổng đi Pháp, nhưng đến cuối năm, Pháp ủng hộ trung lập hóa Đông Dương nên các học bổng của Pháp đều bị chính quyền Sài Gòn bãi bỏ.

Đến năm 1972, có một giáo sư người Pháp bên AIT qua Việt Nam thăm Huế, gặp tôi, ông đặt vấn đề qua AIT học. Tôi đồng ý và chọn học ngành thủy lợi vì quê tôi vốn ở ven sông, và tôi nghĩ mình sẽ dùng kiến thức toán học để giải những bài toán cụ thể trong cuộc sống như nước chảy qua trụ cầu, canh mấy cột mình đóng xuống, nước chảy thế nào thì áp dụng toán học để giải...

Trong thời gian ba tháng đầu học tiếng Anh ở AIT, khi rảnh rỗi, tôi lên thư viện đọc sách thì biết được những chuyện mình nghĩ người ta giải hết rồi. Vì vậy, tôi quyết định chuyển sang ngành thủy văn ngẫu nhiên. Ngành này liên quan đến các vấn đề như: định dung tích hồ chứa nước, định đập chảy tràn và dự báo lũ, đây cũng là ba vấn đề thuộc chuyên môn của tôi sau này.

Sau đó, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, cộng thêm kiến thức toán học, những điều còn nghi ngại thì mình cứ viết chương trình. Có thể nói, nhờ nắm vững kiến thức và có sự hỗ trợ của máy tính nên tôi có thể viết chương trình và cho chạy thử những vấn đề mình nghĩ ra xem có đúng hay không.

Giảng đường và thương trường

* Từ môi trường giáo dục bước sang kinh doanh, ông có gặp trở ngại gì không?

- Tôi quen biết ông Vikrom Kromadit, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Amata (Thái Lan) từ năm 1992, nên hầu như mọi chi tiết liên quan đến Amata Việt Nam tôi đều nắm bắt được, dù lúc đó tôi vẫn đang làm Hiệu trưởng ở AIT.

Tuy nhiên, ở AIT, cứ năm ngày làm việc chúng tôi có một ngày được làm việc riêng, thế nên tôi kiêm luôn việc cố vấn cho Amata thời điểm đó, cùng thảo luận với cơ quan chức năng ở Đồng Nai đến khi Amata lấy được giấy phép đầu tư khu công nghiệp tại đây. Trước khi chính thức về làm cho Amata, tôi đã có thời gian sát cánh với Công ty nên hầu như không có gì bỡ ngỡ.

Đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Amata Việt Nam, tôi nghĩ đây là dịp để áp dụng những kiến thức về quản lý học được từ sách vở, nên việc chuyển từ giảng đường sang kinh doanh cũng khá thuận lợi. Chỉ sau ba năm điều hành, tôi đã mang lợi nhuận về cho Công ty, khắc phục tình trạng lỗ liên tiếp nhiều năm trước đó của Amata do gặp phải khủng hoảng kinh tế và đầu tư quá hoàn chỉnh.

* Nhưng đầu tư hoàn chỉnh lại tạo nên tên tuổi cho Amata khi nhắc đến các khu công nghiệp tại Đồng Nai, đây có phải là chiến lược của Amata?

- Thật sự ở Đồng Nai, Amata làm khá tốt, năm 1996 bắt đầu hoạt động (lấy giấy phép năm 1994, 1995 xây dựng), cho thuê được một ít, đến năm 1997 chúng tôi gặp khủng hoảng kinh tế nên Amata lỗ liên tiếp 3 năm (1997 - 1999).

Nói đúng ra thì Amata không làm theo kinh nghiệm của mình mà đầu tư hơi mạnh tay, tức bỏ tiền khá nhiều để xây dựng hạ tầng trọn vẹn rồi chờ khách vào thuê chứ không làm theo kiểu cuốn chiếu (nếu làm cách đó thì sẽ đỡ hơn nhiều). Tuy nhiên, chúng tôi đã thắng nhờ quyết định liều lĩnh này, vì đến 2006 Công ty đã hoàn vốn và bắt đầu có lãi từ năm 2007.

* Từ 2007 trở đi, nhiều nhà phát triển khu công nghiệp đã tham gia lĩnh vực này, Amata có bị cạnh tranh không, thưa ông?

- Chúng tôi cũng không bị cạnh tranh lắm đâu, vì lối phát triển của Amata khác với các nhà phát triển khác. Khách hàng của Amata chủ yếu là các nhà đầu tư nước ngoài, đa phần là những khách hàng mạnh về tài chính, đặc biệt là khách hàng Nhật. Với khách Nhật, giá rẻ hơn không quan trọng mà quan trọng là những gì mình đã cam kết thì phải làm cho đúng, bù lại họ rất nghiêm túc trong vấn đề thanh toán tiền bạc.

* Những năm gần đây, chính sách ưu đãi bị cắt giảm nên đã phần nào làm giảm số nhà đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp. Nhiều nhà phát triển khu công nghiệp đã "Bắc tiến", còn Amata sao vẫn giậm chân tại chỗ?

- Từ ngày Việt Nam mở cửa, Nhà nước luôn kêu gọi đầu tư vào miền Bắc với nhiều ưu đãi và Amata cũng nhiều lần được thuyết phục ra Bắc. Nghe tưởng dễ nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy gian nan, bởi nhiều doanh nghiệp ở miền Bắc sẵn sàng bỏ mình nếu tìm được đối tác tốt hơn, đôi khi còn không cần có sự đàm phán nào.

Điều này hoàn toàn trái ngược với các doanh nghiệp miền Nam. Nên đến bây giờ chúng tôi mới xem xét đến việc đầu tư vào miền Bắc một cách bài bản và chắc chắn hơn.

* Nếu so sánh giữa giáo dục và kinh doanh, ông thấy môi trường nào thoải mái hơn?

- Có lẽ môi trường giáo dục thích hợp với tôi hơn vì tôi được tự do suy nghĩ và khám phá, tự do phát biểu trong lĩnh vực chuyên môn của mình, chứ làm kinh doanh đôi khi mình phải chừng mực nhiều điều. Quản lý ở trường đại học phức tạp và đòi hỏi sự tinh tế vì đó là một tập thể các nhà khoa học độc lập trong suy nghĩ, phải thuyết phục họ bằng cơ sở khoa học chuyên sâu.

Trong khi điều hành một công ty, anh có toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó, thuyết phục mọi người bằng hiệu quả kinh doanh. Còn nhớ khi mới về điều hành Amata Việt Nam, một vị điều hành một doanh nghiệp cổ đông đã cảnh báo tôi: "Anh cần thận trọng hơn!".

* Đúc kết lại quãng thời gian gần 46 năm với các hoạt động dạy học, nghiên cứu và điều hành doanh nghiệp, đến nay ông cảm thấy hài lòng điều gì nhất?

- Nếu nói là hài lòng thì chưa có điều gì làm tôi hài lòng thực sự. Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm, tôi đã có những chiêm nghiệm khác nhau.

Như giai đoạn làm hiệu trưởng, tôi được đánh giá là làm việc hiệu quả, nhưng riêng bản thân tôi vẫn chưa thấy hài lòng. Chỉ đến khi tham gia Ban biên tập Tạp chí Thủy văn và lúc đi dạy ở châu Âu tôi mới cảm thấy óc tò mò và thói quen thích tìm hiểu của mình được thỏa mãn.

Thời điểm đó, sau khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ, tôi được mời sang dạy tại Trường Griffith College Dublin (GCD) ở Ireland, và điều làm tôi ấn tượng nhất là ảnh hưởng của các trường đại học ở phương Tây nói chung, Ireland nói riêng đối với xã hội.

Điển hình là khi tôi qua đúng vào dịp GCD chiếu một bộ phim về một vấn đề tôn giáo, dân chúng kéo đến biểu tình phản đối rất đông vì họ không đồng tình với quan điểm của bộ phim.

Trước tình thế này, GCD đã treo một tấm bảng nhỏ với dòng chữ: "Chúng tôi hiểu truyền thống của đại học là nơi được truyền bá những gì mà những nơi khác không được phát biểu, xin đồng bào để chúng tôi làm nghĩa vụ của đại học". Khi tấm bảng được treo lên, dân chúng đã lặng lẽ ra về, không còn phản đối gì nữa.

* Vậy có điều gì ông còn ấp ủ mà chưa làm được?

- Hiện tôi đang vận động làm mô hình kinh tế cho Việt Nam, vì nước mình chưa có mô hình kinh tế, trong khi các nước đều đã có. Tuy nhiên, mô hình kinh tế này khá phức tạp, có nhiều vấn đề cần đến sự giúp đỡ của các chuyên gia, tôi chỉ có thể tham gia một số phần nào thôi, và còn tùy thuộc vào tình hình và thời gian.

* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!

>BS Nguyễn Vĩnh Tường: Đầu tư vào y tế không dễ
>Người sáng lập Tomato: Đợi thế giới thay đổi thì rất lâu
>
TGĐ Vietnamcacao: Kỳ vọng tạo nên kỳ tích

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phép cộng giảng đường và thương trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO