Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean: “Một đất nước mạnh phải có doanh nghiệp mạnh”

Lữ Ý Nhi| 02/08/2019 03:44

Theo đuổi lĩnh vực sản xuất, cung ứng mặt hàng thời trang Denim và Non-denim cho các thị trường Mỹ, EU, Nhật bản, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean) đã khao khát xây dựng hình ảnh thương hiệu cùng tên tuổi của ngành xuất khẩu thời trang trên thị trường quốc tế.

Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean: “Một đất nước mạnh phải có doanh nghiệp mạnh”

* Thành lập công ty vào năm 1998, thời điểm ngành may còn nhiều khó khăn, “vốn liếng” ban đầu cũng nhỏ nhưng ông đã khát vọng, hoài bão trở thành tập đoàn thời trang lớn, vươn xa hơn ra thế giới, động lực nào thôi thúc ông?

- Nhớ lại lúc mới thành lập, quy mô công ty nhỏ, nhân sự ít, nhà xưởng tuềnh toàng... tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc thiết lập mối quan hệ với các khách hàng trong nước, cũng như nước ngoài, thậm chí cả nhiều lần thất bại. Nhưng nhờ sự đam mê, chỉ có đam mê mới giúp tôi đủ sức mạnh để vượt qua tất cả, đi đến tận  cùng ước mơ lớn.

* Không chọn con đường làm hàng FOB, Việt Thắng Jean tự phát triển thương hiệu riêng V-SixtyFour và tự bán sản phẩm ra nước ngoài, con đường chắc hẳn không đơn giản. Ông đã làm thế nào?

- Để bán được sản phẩm cho 8 nước châu Âu và Nhật Bản, Hàn Quốc, đang tiếp tục ở thị trường Singapore như hiện nay, chúng tôi đã trải qua rất nhiều thử thách và nỗ lực không ngừng. Trong đó, thách thức lớn nhất là phải dám thay đổi từ công nghệ đến tư duy, phải kiên trì và không bỏ cuộc. Bắt đầu từ khâu nghiên cứu thị trường, thiết kế và nguyên phụ liệu. Điều này cũng giúp tôi chủ động luôn cả công nghệ. Năm 1993, tôi bắt đầu thay đổi công nghệ, từng bước tự động hóa các quy trình, hệ thống. Sau không ít lần thất bại, tôi ứng dụng thành công công nghệ vào sản xuất. Đầu tiên, công ty mất hai năm xây dựng bộ phận nghiên cứu và phát triển. Sau đó, mất thêm 4 năm để tổ chức nghiên cứu thị trường, thiết kế và đưa sản phẩm ra thị trường trước khi ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Nhờ sản xuất vải jean bốn chiều, Việt Thắng Jean có thêm khách hàng mới từ Canada. Ngoài ra, công ty còn đang sản xuất cho Tom Tailor của Đức, Uniqlo của Nhật Bản...

Song, muốn thay đổi công nghệ thì phải được khách hàng và người tiêu dùng đón nhận. Đặc biệt, phải có nguồn nguyên liệu phù hợp với công nghệ nên tôi phải đi khắp nơi, tìm hiểu rất nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau, thậm chí có nhiều nguyên liệu mua về không đáp ứng được vẫn phải chấp nhận “lỗ” để thay đổi. Ví dụ, vải Thổ Nhĩ Kỳ, Ý phù hợp với công nghệ sản xuất mới, còn vải Trung Quốc có chất lượng trung bình nên chưa theo kịp nhu cầu phát triển của công nghệ. Cũng từ hành trình này mà Việt Thắng Jean không phải là nhà gia công đơn thuần mà đã chuyển sang các khâu mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn từ 10 năm nay. V-SixtyFour chính là “đứa con” thành công. Năm ngoái, chúng tôi đã xuất khẩu hơn 4 triệu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

* Ông đánh giá thế nào về khả năng thay đổi và đáp ứng của doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nắm bắt cơ hội khi các hiệp định thương mại được ký kết?

- Cơ hội dành cho tất cả DN dệt may nhưng DN nào có sự chuẩn bị tốt hơn sẽ tận dụng tốt hơn và giành được nhiều phần hơn. Muốn giữ chân khách hàng, phải có một số lợi thế cạnh tranh đặc biệt. Ngoài năng lực mạnh, tài chính mạnh, công ty phải lớn để có đủ khả năng, trình độ quản trị hệ thống; sản xuất phải tiên tiến, hiện đại để không chỉ đảm bảo chất lượng và thời gian giao hàng, mà quan trọng không kém là tăng hiệu quả và năng suất lao động về lâu dài.

Trước làn sóng đầu tư của các DN FDI vào Việt Nam, bên cạnh đó là sự đòi hỏi từ phía khách hàng các thị trường khó tính, nhiều sản phẩm truyền thống bị khách hàng “chê” lỗi, cộng thêm áp lực cạnh tranh nên nhiều DN Việt Nam đã ý thức thay đổi. Họ hiểu ra, chỉ có công nghệ cao mới có sản phẩm tốt, tạo được sự tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, số DN thay đổi được chưa nhiều. Một số DN vẫn đang trong giai đoạn thay đổi từng phần, chưa triệt để.

* Ông có thể chia sẻ một vài con số hiệu quả khi thay đổi công nghệ?

- Khi thay đổi công nghệ, chúng tôi đã triệt tiêu được hàng lỗi, nâng mức bình quân tăng trưởng lên 10%. Đơn cử, chỉ riêng việc lắp đặt băng tải mới đã tăng năng suất lên 30%, nhờ vậy, có đủ nguồn tài chính để tái đầu tư.

Hiện Việt Thắng Jean có ba nhà máy, trong đó nhà máy mới nhất, tự động cao nhất hầu hết công đoạn từ wash, xử lý laser, chà xù trên sản phẩm jean và một phần ở công đoạn may. Một chiếc máy wash thay được 36 người/ca và chúng tôi ứng dụng 5S, công nghệ laser giúp tăng tính chính xác, tính thẩm mỹ các viền, hình ảnh trên quần áo denim. Nhà máy không sử dụng hóa chất nên không gây tác động đến môi trường. Ở khâu may, khâu thường thâm dụng lao động nhiều nhất, cũng đã tự động hóa.

Trước đây, để làm ra được 10.000 sản phẩm mỗi ngày, một nhà máy như của Việt Thắng Jean cần khoảng 2.500 công nhân nhưng hiện tại chỉ có 800 công nhân. Nhà máy theo công nghệ sản xuất tự động hóa này cũng giúp tăng năng suất lao động của họ lên gấp đôi. Trước đây, một chuyền 53 người sản xuất 1.200 sản phẩm/ngày. Hiện nay là 2.400 sản phẩm/ngày.

* Theo ông, nút thắt đổi mới của DN, đặc biệt là DN dệt may nằm ở đâu?

- Tư duy thay đổi của các DN là có nhưng trở ngại là năng lực DN và tài chính, nhân sự nên chưa thật sự nỗ lực và quyết tâm. Vấn đề là tư duy đường lối và các DN có cảm thấy cần và có quyết định đầu tư hay không.

Ai cũng nghe nói về cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, về tự động hóa, rô bốt. Nhưng nghe xong để đó chứ không thực hiện. Riêng DN dệt may, nguyên phụ liệu chính là nút thắt, công nghệ cũ, một số DN bị các địa phương từ chối mở nhà xưởng vì gây ô nhiễm nên DN dệt may khó phát triển. Mặc dù là quốc gia xuất khẩu may mặc thứ ba thế giới nhưng một nửa các công ty may Việt Nam vẫn đang theo phương thức sản xuất đơn giản là gia công có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi dệt may. Chỉ có 5% tiến lên, làm được hàng theo phương thức ODM (chủ động nguyên phụ liệu và tham gia thiết kế). Nguyên nhân chính là Việt Nam không có nguyên phụ liệu nội địa. Bên cạnh đó, vấn đề chính của công nghệ 4.0 là liên kết chuỗi thì các công ty Việt Nam lại chưa liên kết được chuỗi dệt may.

Hiện rất nhiều DN lớn về sản xuất nguyên phụ liệu dệt may đã chuyển dịch những hoạt động của họ về Việt Nam. Nhiều DN Việt Nam cũng quan tâm đầu tư cho nguyên liệu, kéo dài chuỗi sản xuất hàng hóa khép kín. Đây là tín hiệu tốt để DN trong nước có nguồn cung nguyên phụ liệu đáp ứng theo yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để xuất sang thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhưng xuất khẩu vào EU thì DN dệt may vẫn khó khăn.

* Ông có khuyến nghị gì cho DN dệt may muốn đưa hàng vào thị trường châu Âu?

- Với thị trường EU, từ trước tới nay DN dệt may Việt Nam chưa tiến xa, tiến sâu được là do EU gồm 28 nước, mà mỗi nước lại có phong tục tập quán, đặc điểm tiêu thụ khác nhau, đơn hàng tại EU số lượng nhỏ so với các thị trường khác, nhiều mùa nên thay đổi mẫu mã liên tục... Do đó, không ít DN ngại làm các đơn hàng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, với việc cắt giảm thuế quan, ngành dệt may sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Để tận dụng lợi thế, các DN phải nhanh chóng liên kết chuỗi với các nước, nhất là liên kết với các DN nước ngoài, nhất là DN Hàn Quốc đang sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam với số lượng rất lớn.

Bên cạnh ưu đãi, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng đòi hỏi nhiều yếu tố khắt khe hơn CPTTP về chất lượng, đổi mới sáng tạo, trách nhiệm xã hội, môi trường, minh bạch về nguyên liệu và phải sạch. Sản phẩm không sạch, không minh bạch thì không vào được châu Âu. Chính vì vậy, nếu thực hiện tốt các tiêu chuẩn vào EU thì DN cũng có “bộ mặt” mới, có chiếc áo mới, đó là môi trường làm việc tốt, luôn có sự đổi mới sáng tạo, hoặc theo tiêu chuẩn Nhật thì DN có môi trường luôn sạch và gọn gàng. Tất cả điều đó không chỉ riêng DN hưởng lợi mà người lao động mới là người được hưởng lợi nhiều nhất.

* Nhưng không phải DN nào cũng có tầm nhìn lâu dài để đầu tư...

- Đã xác định kinh doanh bền vững và lâu dài thì việc đáp ứng các nguyên  tắc của các Hiệp định phải được xem là bước đệm quan trọng để DN phát triển thương hiệu. Một đất nước mạnh phải có DN mạnh, một DN mạnh phải có thương hiệu mạnh không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Mà muốn có thương hiệu mạnh thì phải thay đổi được nhận thức, không làm thủ công nữa mà phải đổi mới công nghệ.

* Nhưng các DN Việt Nam đa số đang bị hạn chế về tài chính. Theo kinh nghiệm của ông, giải bài toán này thế nào là khả thi?

- Hầu hết DN dệt may đều có quỹ đất rất lớn về nhà xưởng, trong khi giá đất hiện tăng 300-400%/năm, các DN có thể lấy quỹ đất này gửi ngân hàng. Lúc đó, nhiều DN khối EU sẽ cho mình nhập máy móc, dây chuyền và họ cho mình mua thiếu trong 1-3 năm với lãi suất rất thấp. Đó là cách giải tỏa khó khăn bước đầu. Trong công nghệ, có phần cứng và mềm, phần cứng thì có tuổi thọ 15-20 năm nhưng phần mềm thì chỉ tồn tại 3-5 năm nên phải cập nhật liên tục, nếu không sẽ lại bị tụt hậu.

* Nhiều năm gắn nghiệp với ngành may, ông thấy còn đủ sự đam mê?

- Ngành may là một ngành rất nhiều khó khăn, đặc biệt, để xây dựng thương hiệu lại càng áp lực hơn. Định hướng chiến lược ngành dệt may phải từ 10-20 năm trước. Công nghệ phải đi trước 5 năm. Hiện chỉ có 5-10% DN thực hiện được khát vọng đổi mới, 2-3% DN đang tiến tới làm thương hiệu và cũng có rất nhiều DN dệt may bỏ nghề. Trước đây, có 300 DN, nay chỉ còn khoảng 150. Nói vậy để thấy, ngày hôm nay tôi còn ngồi đây, còn theo nghề là còn đam mê và máu lửa với nó. Có đam mê, yêu thương nó thì mới dám thay đổi, dám đầu tư.

Trong ngành may, thời gian sản xuất là yếu tố quan trọng đánh giá năng lực sản xuất. Trước xu hướng thời trang thay đổi nhanh chóng, việc chủ động quản lý thời gian sản xuất để kịp thời giao đơn hàng trong khoảng thời gian càng ngắn là một tiêu chí thể hiện năng suất. Chúng tôi đã giảm con số này, thậm chí chỉ còn một nửa, dưới 30 ngày nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Khi có tự động hóa, chất lượng đảm bảo đồng đều, chính xác.

* Sau việc Big C không nhận hàng dệt may của DN Việt Nam trong chuỗi bán lẻ của họ, ông có suy nghĩ gì?

- DN may Việt Nam cần phải liên kết với nhau chặt chẽ hơn để cùng lớn mạnh và hỗ trợ nhau, tạo sức mạnh chung, đặc biệt phải thay đổi chính mình. Nếu không kịp thay đổi công nghệ sẽ không còn DN may nào đủ sức cạnh tranh với các DN nước ngoài.

* Ông mới nói: Một DN phải có thương hiệu mạnh, phải chăng đó là lý do ông tham vọng ra đời thương hiệu  V-SixtyFour?

-  Với tinh thần tự do, phóng khoáng V-SixtyFour mong muốn mang đến những sản phẩm chất lượng, độc đáo, thể hiện được cá tính riêng của người mặc. Mỗi sản phẩm của V-SixtyFour là một minh chứng cho lời hứa về chất lượng, phong cách của thương hiệu kể từ ngày đầu thành lập. Sự sáng tạo trong các thiết kế còn được thể hiện thông qua việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, tiêu biểu là công nghệ Lazer Plexi Pro Technology 4.0 in hoa văn, làm bạc màu nghệ thuật, làm rách, cũng như tạo khối định hình phom dáng trên chất liệu denim.

Với chất liệu tốt, kiểu dáng trẻ trung, V-SixtyFour đã cung cấp đồng phục cho các thí sinh Hoa hậu Việt Nam và đã góp phần mang đến hình ảnh chỉn chu cho cuộc thi. Thông qua cuộc thi, thương hiệu thời trang V-SixtyFour đã đến gần hơn với các bạn trẻ Việt Nam cùng các khách hàng trên toàn thế giới.

* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean: “Một đất nước mạnh phải có doanh nghiệp mạnh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO