Ông Nguyễn Mạnh Lương - cố vấn kỹ thuật, thành viên sáng lập Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cường Thuận: "Bộ đội làm kinh tế phải thượng tôn pháp luật"

Lê Hạnh| 02/05/2022 07:00

Có mặt trong đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, sau 47 năm, ông Nguyễn Mạnh Lương - Cố vấn kỹ thuật, thành viên sáng lập, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cường Thuận (IDICO) vẫn xúc động khi nhớ lại những ký ức hào hùng một thời. Từng là người lính chuyển sang làm kinh tế, ông luôn tâm niệm phải nghiêm túc, thượng tôn pháp luật.

* Ngày 30/4 lịch sử là thời khắc khó quên với bất kỳ người lính nào, ông có thể chia sẻ hồi ức về ngày chiến thắng ấy? 

- Tháng 4/1975, tôi là cán bộ Ban Tham mưu Trung đoàn 28, Sư đoàn 5, Quân khu 7. Chúng tôi từ cánh Tây Nam băng qua Đức Hòa, Đức Huệ, tỉnh Hậu Nghĩa (nay thuộc tỉnh Long An) tiến về giải phóng Sài Gòn. Sáng 30/4, hướng của chúng tôi là đánh vào Dinh Độc Lập nhưng Quân đoàn 2 từ Biên Hòa tiến vào nhanh hơn nên chúng tôi được lệnh đánh vào Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Vào đến ngã tư Bảy Hiền thì gặp hỏa lực rất mạnh của địch. Hôm đấy trời lại không có gió, hai bên bắn nhau khói mù mịt. Đơn vị đi trước chúng tôi có 4 đồng chí hy sinh. Sau khi tiêu diệt được hỏa lực đối phương, chúng tôi tiến đánh Biệt khu Thủ đô, nhưng đến đây thì quân Sài Gòn đã bỏ vũ khí đầu hàng.

Trên đường vào trung tâm Sài Gòn, chúng tôi gặp rất nhiều lính Cộng hòa bỏ ngũ, buông vũ khí đầu hàng. Lúc đó, dân đổ ra đường đón bộ đội giải phóng rất đông, nếu đối phương không đầu hàng, chúng ta buộc phải nổ súng thì không biết thương vong sẽ khủng khiếp đến mức nào. Những ngày hòa bình, nghĩ đến thời trận mạc, đơn vị tôi nhiều đồng chí hy sinh, có những đồng chí ngã xuống ngay trước giờ đại thắng, thật là đau xót!

anh-2-6395-1651026881.jpg

* Từng trải qua bao gian nan, hiểm nguy trong quân ngũ, chắc những người lính chiến như ông mới cảm nhận hết giá trị của hòa bình, giá trị của ngày đất nước thống nhất...

- Tôi là người lính miền Bắc chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng bào miền Bắc chịu bao đau thương, mất mát nhưng vẫn thắt lưng buộc bụng,  một người làm việc bằng hai, tất cả vì tiền tuyến, vì miền Nam ruột thịt. Trải qua quá nhiều gian khổ, hy sinh nên khi giải phóng được miền Nam, niềm vui của những người trực tiếp chiến đấu như chúng tôi cứ dâng trào. Nhưng giải phóng miền Nam là công lao của toàn dân Việt. Tôi chỉ huy một đơn vị, vào sinh ra tử không sao nhưng nghĩ đến sự hy sinh của đồng bào, đồng chí, đồng đội là rơi nước mắt.

* Sau ngày 30/4/1975, đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức để tái thiết và phát triển kinh tế. Ông đã góp phần vào công cuộc chung ấy như thế nào?

- Việt Nam mình đã phải chịu đựng chiến tranh quá lâu, quá tàn khốc nên sau ngày 30/4/1975, kinh tế kiệt quệ. Những người lính chúng tôi cũng phải tham gia lao động sản xuất. Tôi chuyển ngành về Tổng cục Hóa chất rồi chuyển sang làm kinh tế ở Công ty Đầu tư và Xây dựng Tây Hồ của Bộ Quốc phòng, rồi Công ty An Bình thuộc Quân đoàn 4. Tôi vừa làm vừa học kỹ sư xây dựng. Đến năm 2000, tôi cùng một số anh em thành lập Công ty TNHH Cường Thuận, về sau gia nhập thành viên của Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, trở thành Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cường Thuận.

* Khi chuyển sang làm kinh tế, ông đã phát huy tinh thần bộ đội Cụ Hồ như thế nào?

- Tôi là bộ đội đi làm kinh tế, thấy một số đồng chí, đồng đội, con em thương binh, liệt sĩ gặp rất nhiều khó khăn nên muốn lập công ty để tạo công ăn việc làm cho họ. Công ty tôi nhân viên đa số là con em cán bộ quân đội. Mục đích là như vậy nên chúng tôi càng nỗ lực làm việc để phát triển công ty.

Bản thân mình đã dám hy sinh tuổi thanh xuân, thậm chí cả tính mạng cho Tổ quốc nên khi chuyển sang làm kinh tế, nguyên tắc bất di bất dịch của tôi là phải nghiêm túc, thượng tôn pháp luật, không lươn lẹo, không gian lận. Lấy sức mình để làm nên chứ không có móc ngoặc hay lợi ích nhóm.

Khi mới thành lập công ty, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Công ty tôi là đơn vị xây dựng, thiên về kỹ thuật mà nhiều người có suy nghĩ bộ đội không có kỹ thuật cao, nhưng thực tế những đơn vị quân đội làm kinh tế rất xuất sắc, thực hiện rất nhiều công trình cấp nhà nước. Khi là bộ đội làm kinh tế, nguồn vốn, kiến thức có hạn, chúng tôi chỉ có tinh thần và ý chí quyết tâm, anh em đồng lòng, đồng cam cộng khổ. Chúng tôi đã cố gắng xoay xở, khi chưa có vốn thì thuê phương tiện, sau đó mới mua sắm dần, từng bước một phát triển.

anh1-4909-1651026881.jpg

* Doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt để tồn tại và phát triển, vì thế không ít người ví "thương trường như chiến trường". Ông nghĩ gì về câu nói ấy?

- Người ta nói "thương trường như chiến trường" cũng đúng, nhưng với tôi, chiến trường là phải giành giật một mất một còn. Làm kinh tế không như vậy, chúng tôi làm việc để nâng đỡ nhau chứ không phải tiêu diệt nhau. Với tôi, thương trường chỉ như ngôi trường để mình học hỏi.

* Doanh nghiệp nào đi đến thành công cũng phải trải qua không ít thất bại. Với công ty ông thì sao?

- May mắn là Công ty Cường Thuận gần như chưa có thất bại, chưa có trường hợp nào làm hư hỏng tài sản hay không đúng kỹ thuật. Quan điểm của tôi là làm đúng, làm thật, làm ngày làm đêm, bỏ sức ra mà làm thì không sợ thất bại. Thay vì người ta làm lời 5 đồng thì chúng tôi chỉ lời 1 đồng, rồi từ từ góp lại mà phát triển.

Về quản lý nhân sự, tôi cũng không gặp trở ngại gì, thấy tôi lớn tuổi, từng trải, lại theo sát công việc nên anh em thương, làm việc rất nghiêm túc. Đó cũng là bản chất của anh bộ đội Cụ Hồ.

* Yêu cầu của xã hội với một doanh nghiệp không chỉ là sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn phải có trách nhiệm với cộng đồng. Doanh nghiệp của ông đã thực hiện điều này ra sao, nhất là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua?

- Bên cạnh việc tạo công ăn việc làm cho con em đồng đội, cán bộ quân đội về hưu, Công ty Cường Thuận rất xem trọng công tác xã hội - từ thiện. Công ty chúng tôi đã đóng góp xây dựng nhiều nhà tình nghĩa, nhà tình thương, giúp đỡ vật chất cho nhiều gia đình quá nghèo. Trong những đợt dịch Covid-19 vừa qua, Cường Thuận thực hiện phương châm sản xuất "ba tại chỗ” duy trì hoạt động 70% và đảm bảo chăm lo đời sống cho anh em. 

Mr-Manh-Luong-1-6157-1651026881.jpg

* Nhìn lại chặng đường 47 năm, từ một chiến binh trở thành doanh nhân thành đạt, ông có nghĩ đến được mất? 

- Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi nghĩ mình chỉ được chứ không mất. Những năm tháng hào hùng trong chiến tranh ít ai nghĩ về mình. Còn khi hòa bình, so với nhiều đồng đội còn sống, tôi vẫn là người may mắn. Tôi cũng là thương binh nhưng tay chân còn lành lặn nên làm việc được thì cứ làm, nó vừa đem lại quyền lợi cho mình vừa là trách nhiệm với xã hội. 

* Theo ông thì thế hệ doanh nhân trẻ hiện nay so với lớp người đi trước như thế nao? 

- Trong Hội Doanh nhân Cựu chiến binh, tôi tiếp xúc với nhiều doanh nhân trẻ và thấy họ làm việc rất có trách nhiệm. Họ có điều kiện hơn so với thế hệ chúng tôi và cũng tham gia đóng góp rất nhiều cho xã hội. Ý chí, nghị lực của nhiều doanh nhân trẻ bây giờ rất vững vàng. Thậm chí, họ có nhiều tài sản nhưng vẫn làm việc, tham gia đóng góp cho xã hội chứ không ngồi hưởng thụ. 

Tôi chỉ mong muốn doanh nhân trẻ hiện nay làm việc nghiêm túc, thượng tôn pháp luật, đừng ham cái lợi trước mắt mà ảnh hưởng về sau, đồng thời phải tạo điều kiện giúp nhau cùng phát triển.

* Cám ơn ông về những chia sẻ! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Nguyễn Mạnh Lương - cố vấn kỹ thuật, thành viên sáng lập Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cường Thuận: "Bộ đội làm kinh tế phải thượng tôn pháp luật"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO