Ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh: "Giúp nhiều người có nhà mới là hạnh phúc"

Lữ Ý Nhi| 07/02/2022 07:00

Cuối tháng 4/2021, TP.HCM bùng phát đợt dịch Covid-19 - một biến cố chưa từng có tiền lệ nhưng qua đó, ý chí kiên cường, trách nhiệm của doanh nhân TP.HCM càng được hiện rõ. Trong số những doanh nhân tham gia vào cuộc chiến chống Covid-19 và thầm lặng đóng góp tiền của, vật chất và nhiều trang thiết bị y tế, xe cứu thương... cho thành phố, có Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh Nguyễn Đình Trung.

Còn nguyên vẹn cảm xúc về những ngày thành phố cao điểm dịch, ngay khi thành phố trở lại bình thường mới, ông Trung chia sẻ: 

"Ngày hôm nay, thành phố đã trở lại cuộc sống bình thường nhưng trong tôi vẫn tràn đầy những cảm xúc rất đặc biệt và khó tả. Lúc trước, được ra ngoài đường, gặp mọi người là chuyện bình thường, nhưng sau nhiều "biến cố” sống chết bất định do đại dịch mang lại, giờ đây còn "may mắn" được gặp bạn bè, nhân viên, được trở lại cuộc sống thường nhật, tôi cảm thấy có quá nhiều cảm xúc và thấy trân quý hơn giây phút này. 

Thời điểm hiện tại, dù mọi người đang dần thích nghi với cuộc sống mới nhưng vẫn có nhiều gia đình còn phảng phất nỗi buồn và họ đang cố gắng bình phục để quay lại cuộc sống. Tại Hưng Thịnh, hằng ngày vẫn có báo cáo các ca nhiễm Covid-19 của nhân viên nhưng chúng tôi đón nhận thông tin nhẹ nhàng hơn, không còn áp lực và cũng không còn những giây phút mọi người trầm xuống khi nghe báo cáo như trước. 

Đại dịch cũng khiến nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ thay đổi suy nghĩ, "già dặn", chững chạc và ý thức rõ ràng hơn về sự sống và cái chết. Từ đó, có những suy nghĩ tích cực, không còn tâm lý quá lo sợ, hoảng loạn và việc kinh doanh của chúng tôi cũng đã quay lại trạng thái bình thường". 

* Nhiều người nói đại dịch Covid-19 khiến họ thay đổi khá nhiều về suy nghĩ, cách sống... ông có chút thay đổi nào không?

- Mỗi người đều có triết lý sống khác nhau và triết lý của tôi là sống có trách nhiệm và nhiều năm qua, tôi đã sống và hành động theo đúng triết lý đó, kể cả thời điểm đại dịch hoành hành. 

Tuy nhiên, bất cứ biến cố nào cũng cho mình một suy ngẫm và cảm xúc. điều tôi hạnh phúc nhất đó là "lòng tốt" không còn bị xem là "xa xỉ”, bởi cuộc sống vẫn có rất nhiều người tốt và cái tốt vẫn có sức lan tỏa mãnh liệt. 

Một minh chứng là vào thời điểm dịch bệnh cam go nhất, chúng tôi đã thành lập đội phản ứng nhanh của công ty. Lúc đó, tôi rất lo vì không biết ai sẽ là người "dám" nhận công việc đi giúp những bệnh nhân bị Covid-19. Thế nhưng, tất cả nhân viên Hưng Thịnh, từ tài xế đến bảo vệ đều đồng loạt đăng ký. Khi nhìn thấy họ khiêng từng bình oxy vào nhà người nhiễm Covid-19 với nụ cười và lời động viên, thăm hỏi ân cần, tôi rất cảm kích. Thì ra, có những người lâu nay chỉ là bảo vệ, tài xế - vẫn xem là bình thường và họ cũng phải lo cơm áo gạo tiền hằng ngày với áp lực nhiều hơn mình, nhưng họ vẫn xả thân làm những việc cao cả. Ngẫm ra, không phải khi chúng ta có tiền thì mới làm được điều tốt mà bất cứ ai, bất cứ điều kiện nào cũng có thể làm điều tốt và thiện lành, miễn là có trái tim và trách nhiệm.

46206-5054-1643167192.jpg

* Người ta hay nói, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ là người truyền lửa cho nhân viên nhưng qua câu chuyện ông vừa kể thì nhân viên cũng là người "truyền lửa" cho ông...

- Trong một doanh nghiệp, người truyền lửa cho tập thể chắc chắn phải là người dẫn đầu nên tôi luôn nỗ lực làm tốt, sống tốt để mọi người noi theo và cùng hành động. Tôi thường tâm sự với anh em: "Trong công ty, tôi là chủ tịch nhưng bước ra khỏi Hưng Thịnh, tôi chỉ là người bình thường". Vì thế, tôi luôn nhìn và quan sát những người xung quanh mình làm được gì, làm thế nào để học hỏi. Ngược lại, những hành động, việc làm tích cực của nhân viên cũng truyền động lực cho tôi. Theo tôi, những gì thuộc về năng lượng tích cực, chúng ta nên tựa vào nhau, truyền cho người khác để cảm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn. Bởi cộng đồng vẫn đang cần nhiều người chung tay đóng góp để cùng làm điều tốt.

* Đóng góp rất nhiều cho cả nước và thành phố trong hai năm đại dịch Covid-19, ngoài trách nhiệm xã hội của doanh nhân, doanh nghiệp và văn hóa "sẻ chia" của Hưng Thịnh, riêng ông còn có một cảm xúc gì khác?

- Từng đi làm thuê và thấu hiểu nhiều nỗi khó khăn. Khi đó, tôi chỉ mong nếu có ai giúp và an ủi mình, thậm chí chỉ là sự quan tâm rất vu vơ của một người không quen biết thôi cũng đủ để tôi hạnh phúc đến chừng nào. Bởi vậy, tôi tự hứa với lòng khi nào có nhiều tiền sẽ quan tâm đến nhiều người hơn và sẽ dành 50% tài sản của mình cho xã hội. Hiện tại, tôi đã và đang tiếp tục thực hiện lời hứa của mình và phấn đấu trong 5 năm tới, sẽ cố gắng kinh doanh, đầu tư để có thêm nhiều tiền và tài sản,  tiếp tục hành trình đóng góp cho cộng đồng.

* Nói đến Hưng Thịnh là gắn đến những căn hộ trung, cao cấp vì có lợi nhuận cao, ông có chút "chạnh lòng" khi nghe điều này?

- Nhiều người cho rằng, công ty bất động sản kiếm lợi nhiều nhưng có rất nhiều thứ khó bên trong mà người ngoài không thể hiểu hết. Và doanh nghiệp bất động sản muốn có lợi nhuận cũng phải nỗ lực rất nhiều, làm rất nhiều và gồng gánh cũng rất nhiều. Như Hưng Thịnh đã làm nhiều dự án nhưng cũng có dự án lỗ và không có lợi nhuận. Tất cả những gì chúng tôi có hôm nay là sự nỗ lực, phải làm rất nhiều mới có chứ không phải làm ít mà có lời nhiều. Hiện Hưng Thịnh cũng đang thực hiện các dự án cho người lao động và người thu nhập thấp với mong muốn họ có nhà để được an cư lạc nghiệp. Với tôi, giúp nhiều người có nhà mới là hạnh phúc.

* Lại có quan điểm, làm bất động sản là ngành dễ giàu nhất so với các ngành khác...

- Hãy nhìn sang các nước có nền kinh tế đi trước mình và thị trường bất động sản phát triển như Hồng Kông hay Singaporre thì bất động sản họ giàu lên trước, sau đó nó mới kéo theo các ngành nghề khác. Tổng thống Donald Trump là một tỷ phú bất động sản và cũng đang đầu tư vào công nghệ. Hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản cũng đang tìm kiếm lĩnh vực có khả năng, năng lực để tiếp tục đầu tư. 

Đi theo xu hướng đó, Hưng Thịnh cũng đầu tư rất nhiều vào những mảng công nghệ và các mảng khác. Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều dự án công nghệ được ứng dụng giúp nền kinh tế đất nước phát triển.

* Đợt dịch Covid-19 vừa rồi, nhiều người lao động phải rời thành phố, ông có trăn trở và đề xuất gì để giữ người lao động?

- Thời sinh viên, tôi từng đi thuê nhà và khi đó, tôi không bao giờ nghĩ TP.HCM sẽ là quê hương của tôi mà chỉ là người "ở trọ” thành phố này. Vậy nên, nếu muốn người lao động xem thành phố này là quê hương, là nơi gắn bó làm việc thì phải tạo điều kiện cho họ có nhà. Khi đó, người lao động sẽ xem thành phố là quê hương thứ hai để làm việc, sinh sống, gắn bó và cống hiến. Khi đó, thành phố sẽ thu hút được lượng lớn nguồn nhân lực và chất xám. 

Nếu nói về kinh doanh thì khi nhu cầu người nghèo chưa có nhà đang là số đông thì ai đi vào phân khúc nhà ở thu nhập thấp sẽ thành công. Tuy nhiên, thành phố phải đặt mục tiêu rõ ràng, các cấp có thẩm quyền, người làm chính sách cũng cần lắng nghe chia sẻ của doanh nghiệp vì phản biện của doanh nghiệp sẽ giúp tìm được hướng tốt nhất.  

* Bước qua năm 2022, ông có góc nhìn gì về bức tranh của bất động sản trong năm tới và tiếp theo, nhất là hiện nay giá bất động sản tại TP.HCM đang được xem là quá cao?

- Hiện tại, tôi nhìn nhận thị trường bất động sản ở trạng thái hết sức bình tĩnh, không quá xem nó là một thị trường hấp dẫn để dồn sức đầu tư. Tôi cũng không bi quan. Riêng giá đất quá cao thì không hợp lý và có thể là ảo, còn giá trị bất động sản cho người thu nhập thấp vẫn thuận lợi hơn bởi vì thị trường rộng mở hơn. Với Hưng Thịnh, chúng tôi vẫn có dòng sản phẩm giá trị cao, dòng sản phẩm giá trị thấp nhưng sản phẩm giá trị cao thì phải đúng với chất lượng chứ không phải tự dựng nên một câu chuyện để cho nó cao để nhắm đến đối tượng nào đó. 

* Có một thực tế là rất nhiều doanh nhân Việt Nam thành đạt nhưng lại khá... kín tiếng và ngại nói về mình, ông có ngại như họ?

- Theo tôi, nhiều doanh nghiệp Việt Nam ngại nói về mình vì khi họ kiếm tiền rất khó khăn nhưng khi họ thành công thì sẽ có người lại nói nhờ cái này hoặc cái kia. Chính những bình luận vô tội vạ đó làm cho giới doanh nhân phải kín tiếng.

Thật ra, làm doanh nhân không ai sung sướng trọn vẹn cả, ai cũng phải làm và phải thường trực nhiều nỗi lo. Bản thân tôi, từ người công nhân đi làm ngành in, rồi phấn đấu để trở thành doanh nhân là cả một quá trình tích lũy, học từng ngày, học bất cứ cái gì để có đủ kinh nghiệm, kiến thức và vươn lên. Thực tế, tất cả chúng ta đều mong muốn được giàu. Nhưng quan trọng là chúng ta làm gì để trở nên giàu. 

Với xuất phát điểm hoàn toàn không có gì cả, kinh nghiệm của tôi là phải có kiến thức, phải biết nắm bắt cơ hội và biết kinh doanh những sản phẩm xã hội cần. 

* Hỏi thật, nếu ai đó hỏi ông, con người thật của ông là gì. Câu trả lời là...?

- Con người thật của tôi là một người rất hài hước, cực kỳ hài hước. Nhiều người thấy tôi làm nhiều mà không hiểu tôi sẽ relax (thư giãn) bằng cách nào và cách relax của tôi chính là hài hước.

Hài hước không chỉ giảm căng thẳng, stress mà còn tạo cho nhân viên  sự thoải mái, gần gũi khi làm việc. Có nhân viên bảo rằng: "Khi tôi hài hước thì mọi người cũng rất thích và thấy thoải mái hơn" và tôi tiếp tục phát huy. 

A1-3587-1643167192.jpg

* Theo ông, một doanh nhân khi thành đạt sẽ phải thay đổi điều gì, như phong cách, lối sống chẳng hạn...

- Hưng Thịnh đã qua giai đoạn khó khăn. Tôi mong muốn mọi người Hưng Thịnh có thể thay đổi hành vi, suy nghĩ  của mình. Ví dụ khi tôi là doanh nhân, tôi phải mặc đồ đẹp hơn không phải cho tôi mà cho hình ảnh doanh nhân Việt Nam đẹp hơn trong mắt doanh nhân nước ngoài. Khi giao tiếp họ phải tôn trọng qua phong thái, cốt cách chứ không thể xuềnh xoàng được.  

* Có người nói, người giàu thì chắc chắn giỏi nhưng không phải ai giỏi cũng là giàu, ông có tâm đắc câu nói này?

- Cuộc sống là vô cùng, kiến thức là rộng lớn. Nếu ta học được người giàu và cái giỏi của họ thì sẽ mau tiến lên. Tôi nghĩ có lẽ khó ai đọc danh ngôn nhiều như tôi. Trong suốt 7-8 năm nay, cứ mỗi buổi sáng là tôi gửi một câu danh ngôn cho cả tập đoàn đều đặn mỗi ngày, trừ ngày Chủ nhật. Tôi nghĩ triết lý của danh ngôn sẽ giúp mỗi người thay đổi bản thân và tốt lên. Khi tôi đọc một lời khuyên của một người cổ nhân hay lời khuyên của người thành đạt, tôi sẽ tự hỏi: "Mình có được như vậy hay chưa, mình có sống đúng với câu nói đó hay chưa" và tự thay đổi chính mình. 

* Giá trị lớn nhất ông muốn để lại cho con mình là gì?

- Cho đến bây giờ tôi nghĩ sẽ không để lại tài sản gì nhiều. Tôi rất thích câu chuyện của một thượng nghị sĩ Mỹ trong buổi lễ tốt nghiệp của con, ông ta chúc con ra đời thật nhiều khổ đau, câu chuyện đó khá thâm thúy. Tôi nghĩ khi chúng ta cho con cái quá nhiều nhung lụa thì khi gặp khổ đau chúng sẽ dễ chết. Vì thế, mỗi ngày, tôi hơi khe khắt và luyện cho con thấu hiểu khổ đau để dần thích nghi thay đổi hành vi. Bởi quan điểm của tôi, nếu cho con sung sướng thì coi chừng chúng ta mất đứa con của mình. 

* Một trăn trở cuối năm mà cũng là mong muốn cho năm mới thay đổi của ông?

- Trăn trở lớn nhất của tôi lúc này là chúng ta cần có chính sách cởi mở, hoàn thiện để doanh nghiệp có thể kinh doanh tốt hơn, tạo ra lợi nhuận đóng góp cho xã hội. Bên cạnh đó là tạo sự công bằng cho doanh nghiệp để giúp người giỏi có cơ hội đi lên, nếu không họ sẽ không còn cơ hội nữa. 

Riêng lĩnh vực bất động sản, phải thừa nhận rằng các doanh nghiệp tư nhân đóng góp rất lớn. Họ có chiến lược rõ ràng, có sản phẩm rõ ràng và đóng góp rất lớn trong việc thay đổi bộ mặt thành phố nên cần phát huy. Về cơ chế đóng góp cho xã hội, theo tôi, những doanh nghiệp đạt lợi nhuận thế nào thì sẽ tăng mức thuế để đóng góp cho Nhà nước tốt hơn. 

* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ cởi mở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh: "Giúp nhiều người có nhà mới là hạnh phúc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO