* Từ khởi nghiệp đến thành công là cả một chặng đường dài. Bằng trải nghiệm của chính mình, ông có thể đúc kết những ưu thế của người Việt khi khởi nghiệp?
- Tôi nói dưới góc nhìn của người trong cuộc ở giai đoạn hiện tại. Với doanh nghiệp Việt Nam, ngoài ưu thế nắm bắt nhanh xu thế, tâm lý người tiêu dùng và những đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, họ còn am hiểu thị trường, am hiểu đối thủ, cập nhật nhanh chóng chính sách pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh. Họ còn có nhiều đồng minh từ những mối quan hệ xã hội. Nói cách khác, người Việt khởi nghiệp trong tư thế chủ động. Cái khó, theo tôi chính là cuộc cạnh tranh không cân sức với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bởi doanh nghiệp FDI mạnh về vốn, công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, cách thức quảng cáo trong khi đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ những tiềm lực ấy.
Để tìm một chiếc MBH chất lượng cao là không dễ. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc xử lý doanh nghiệp sản xuất MBH kém chất lượng chỉ mang tính hình thức, tức xử phạt hành chính là chủ yếu, lại không công bố tên doanh nghiệp vi phạm.
* Là doanh nghiệp có thâm niên trong ngành sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH), ông có thể cho biết ưu thế của MBH Chita?
- Chúng tôi đã kiên trì xây dựng, phát triển dòng MBH Chita chất lượng - thời trang - hữu ích cho người tiêu dùng. Hai mươi năm trước, Chí Thành gặp vô vàn khó khăn do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu con người, nhưng chúng tôi luôn kiên định lấy chất lượng cao làm tiêu chí hàng đầu. Đây chính là ưu thế vượt trội mà Chí Thành có được để phát triển.
* Sau nhiều năm áp dụng bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông, đến nay vẫn có những ý kiến cho rằng đội MBH chỉ là hình thức đối phó. Ông nghĩ thế nào về nhận xét này?
- Lúc quy định mới ban hành, tôi thấy đa số người đội MBH mang tính đối phó. Nhưng dần dần, người dân tìm đến MBH chất lượng cao ngày càng đông. Việc đối phó giảm đi nhanh chóng. Tuy nhiên, để tìm một chiếc MBH chất lượng cao là không dễ. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc xử lý doanh nghiệp sản xuất MBH kém chất lượng chỉ mang tính hình thức, tức xử phạt hành chính là chủ yếu, lại không công bố tên doanh nghiệp vi phạm. Nếu được đối xử công bằng, lấy lợi ích của người tiêu dùng làm tiêu chí thì chất lượng MBH sẽ được giải quyết căn bản. Với tình trạng vàng thau lẫn lộn như hiện nay, chúng tôi chọn cách hướng dẫn khách hàng và cũng tự quảng cáo cho doanh nghiệp mình là “Hãy chọn mũ Chita”.
* Ông có hướng tới mục tiêu xuất khẩu MBH?
- Chúng tôi đã nâng cấp dây chuyền chống trầy cho kính chắn gió đi đôi với việc nâng cấp phòng thử nghiệm MBH để sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế ISO-17025. Đây là bước đi bắt buộc để sắp tới chúng tôi đưa một số mẫu MBH đến thị trường Indonesia và Thái Lan.
* Khi đã đứng vững trên thị trường về một lĩnh vực nào đó, nhiều DN thường chuyển hướng kinh doanh đa ngành nghề. Ông có đi theo xu thế này?
- Không phải bây giờ mà ngay khi mới thành lập Công ty, chúng tôi đã tập trung cho lĩnh vực kinh doanh thứ hai, đó là sản xuất dụng cụ phục vụ nuôi trồng thủy sản. Từ lâu, Chí Thành V.N đã xuất khẩu dụng cụ nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là dụng cụ nuôi tôm công nghiệp theo hướng thâm canh. Tại thị trường trong nước, Công ty đang chiếm thị phần khá tốt ở lĩnh vực này.
* Nhựa tái sinh, rác thải ngành nhựa vốn là chủ đề gây tranh cãi ở nhiều quốc gia. Các nước đều hạn chế hoặc cấm nhập khẩu mặt hàng này. Theo ông thì làm thế nào bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng và mục tiêu bảo vệ môi trường?
Tái sử dụng các loại nhựa từ lâu đã trở thành một ngành công nghiệp, nhất là tái sản xuất hạt nhựa. Dù chất lượng hạt nhựa loại này có kém hơn hạt nhựa nguyên sinh nhưng sử dụng đúng mục đích thì vẫn tốt. Cái sai chỉ phát sinh khi vì lợi nhuận mà hủy hoại môi trường.
- Tái sử dụng các loại nhựa từ lâu đã trở thành một ngành công nghiệp, nhất là tái sản xuất hạt nhựa. Dù chất lượng hạt nhựa loại này có kém hơn hạt nhựa nguyên sinh nhưng sử dụng đúng mục đích thì vẫn tốt. Cái sai chỉ phát sinh khi vì lợi nhuận mà hủy hoại môi trường. Con người đã chứng kiến môi trường sống của cả một khu vực bị hủy hoại bởi rác thải nhựa, cho dù bây giờ có khắc phục thì hậu quả vẫn ảnh hưởng nặng nề đến hằng trăm năm sau.
Trở lại MBH, tôi biết còn nhiều doanh nghiệp vì lợi ích trước mắt vẫn dùng nhựa tái sinh để sản xuất vỏ mũ. Nó rất giòn và dễ vỡ. Tôi cho đó là tội ác, cần phải chịu sự chế tài hoặc truy tố trước pháp luật. Chưa nói đến việc không có khả năng bảo vệ trước nguy cơ chấn thương sọ não thì ngay những mảnh vỡ từ vỏ mũ bằng nhựa tái sinh cũng có thể gây thương tích cho nạn nhân trong những trường hợp xảy ra va chạm trong giao thông.
* Vậy thì theo ông giải pháp nào để hạn chế rác thải nhựa?
- Khi con người còn sử dụng sản phẩm từ nhựa thì tất nhiên phải có rác thải nhựa. Vì vậy, tái sử dụng rác thải nhựa, cao su là việc bắt buộc phải làm. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải có kế hoạch cụ thể cho vấn đề này. Tôi thấy ở các trang web bán hàng trên mạng nước ngoài người ta quảng cáo một cách tự hào về những sản phẩm được làm từ phế liệu nhựa, cao su. Người tiêu dùng cũng ủng hộ loại sản phẩm này như là cách góp phần bảo vệ môi trường sống chứ không phải bằng những băng rôn hay khẩu hiệu như ở nước ta.
* Những quy định về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ rác thải nhựa để sản xuất đồ nhựa của Việt Nam hiện nay có làm khó cho doanh nghiệp ngành nhựa, thưa ông?
- Tái sử dụng nhựa không có gì là sai trái. Cần phải hiểu rõ đa số các loại nhựa đều rất khó tự hủy và việc tái sinh nhựa cũng gây nhiều hệ lụy cho con người và môi trường sống. Ở nước ta, hầu hết rác thải nhựa không được phân loại từ gốc nên thường đi kèm với vô số chất độc hại, ví dụ như bình điện hỏng thường kèm với thành phần chính là chì, rất nguy hiểm, dẫn đến việc xử lý rất tốn kém. Đây cũng là nguyên do mà các nước phát triển thường tìm cách đẩy công việc này cho người lao động tại các nước kém phát triển.
Trước đây, Trung Quốc là nước có lượng rác thải nhựa khổng lồ. Vài năm trở lại đây, do áp lực từ người dân, các tổ chức quốc tế, các nước nhập khẩu nên việc tái chế nhựa được họ khuyến khích và kiểm soát chặt chẽ. Cũng có không ít doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dần sản xuất đồ nhựa sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Khi Chính phủ ta có những quyết sách cứng rắn về việc cấm nhập rác thải nhựa, thị trường nhựa trong nước lập tức có biến động. Từ cuối năm 2018 đến nay xảy ra một nghịch lý là giá nhựa nguyên liệu tương đối ổn định thì giá nhựa tái sinh lại không ngừng tăng. Vì thế, doanh nghiệp sử dụng hạt nhựa tái sinh đang gặp khó, nhiều cơ sở nhỏ phải ngừng sản xuất. Từ thực tế này, nhìn rộng ra những lĩnh vực khác, theo tôi, để một chính sách kinh tế có giá trị thực tiễn cao, cần có lộ trình rõ ràng, phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả doanh nghiệp, cộng đồng chứ không thể đi theo lối mòn “không kiểm soát được thì cấm”. Không thể đẩy doanh nghiệp vào khó khăn rồi lại bàn chuyện tháo gỡ.
* Việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan bằng những hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương giữa Việt Nam và các nước chắc chắn sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt về thị phần nhựa giữa các thị trường. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực?
- Không chỉ chịu ảnh hưởng từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương như CPTPP, EVFTA mà doanh nghiệp Việt Nam còn chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này nhưng điều chắc chắn là dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam tiếp tục tăng, từ đó việc làm cho người lao động nhiều hơn, xuất khẩu hàng hóa tăng và góp phần làm tăng trưởng GDP. Đó chính là mặt ảnh hưởng tích cực nhất mà doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội. Ở khía cạnh còn lại, những tác động tiêu cực dễ thấy là nếu không chủ động ứng phó, tự nâng cấp, chắc chắn nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị “nuốt chửng” bởi các “ông lớn” nhảy vào thị trường khi không còn hàng rào thuế quan ngăn trở, doanh nghiệp trong nước buộc phải chọn gia công cho doanh nghiệp FDI. Ở phân khúc những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp, nhiều khả năng có doanh nghiệp phải “bán” công ty và trở thành người làm công cho chính doanh nghiệp mình từng sở hữu.
* Vậy thì theo ông, doanh nghiệp Việt nên ứng phó thế nào với tình trạng ấy?
- Hậu quả của sự tác động ấy như thế nào chưa ai lường hết, nhưng như tôi đã nói, doanh nghiệp Việt phải chủ động đối phó với những tình huống xấu nhất bằng chiến lược kinh doanh phù hợp. Kinh nghiệm từ Trung Quốc trong giai đoạn mở cửa trước đây là họ đã tận dụng triệt để vốn liếng và công nghệ tiên tiến của nước ngoài, đồng thời hỗ trợ mạnh cho doanh nghiệp trong nước hướng tới sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
* MBH Chita đã đồng hành với nhiều chương trình an toàn giao thông. Chí Thành sẽ còn tham gia chương trình nào khác?
- Trong hai năm 2018 và 2019, chúng tôi được Công ty Honda Việt Nam chọn làm đối tác trong việc sản xuất MBH để tặng cho học sinh lớp 1 nhân dịp khai giảng năm học mới. Bản thân tôi rất tự hào đã được Honda Việt Nam và phụ huynh học sinh tin tưởng về chất lượng MBH Chita. Mong rằng các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp Việt Nam cùng chia sẻ và đồng hành với chúng tôi trong các chương trình vì sự an toàn giao thông và sức khỏe cộng đồng.
* Ông quan niệm thế nào về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng của một doanh nhân?
- Không chỉ cá nhân tôi mà tuyệt đại đa số doanh nhân Việt Nam đều có lòng yêu nước và trách nhiệm với cộng đồng. Họ sẵn sàng mang đến cho đồng bào mình những giá trị tốt đẹp nhất mà bản thân có thể làm được. Cái họ cần đó là sự minh bạch và công bằng để thực hiện những ước mơ tốt đẹp. Phải minh bạch trong điều hành, quản lý, minh bạch trong cách đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, minh bạch trong cuộc chiến chống tham nhũng, đặc biệt là những chính sách kinh tế phải có sự ổn định lâu dài. Tham nhũng và bất cập trong một số chính sách hiện nay khiến cho nhiều doanh nhân mất phương hướng. Vì thế đã có doanh nhân tìm đến “hạ sách” là chuyển dần tài sản và kinh doanh ra nước ngoài.
Điều quan trọng tôi muốn gửi gắm là hãy trao cho doanh nhân lòng tin. Khi có lòng tin thật sự, tôi tin tưởng giới doanh nhân Việt Nam sẽ trở thành lực lượng nòng cốt phát triển đất nước để trong tương lai gần, Việt Nam sẽ sánh ngang tầm các quốc gia phát triển ở châu Á.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ!