Ông Đinh Trí Dũng - Phó Tổng giám đốc Aprotrain: Thiết kế ứng dụng là linh hồn của thương hiệu

TUYẾT ÂN| 11/04/2018 07:00

Ra đời hơn 10 năm, Arena Multimedia giờ đây đã trở thành "cái nôi" trong việc đào tạo thiết kế đa phương tiện với nhiều thế hệ học viên tốt nghiệp xuất sắc, ghi dấu ấn trên thị trường thiết kế đòi hỏi sự sáng tạo cao.

Ông Đinh Trí Dũng - Phó Tổng giám đốc Aprotrain: Thiết kế ứng dụng là linh hồn của thương hiệu

"Những thế hệ học viên lần lượt ra trường và nhiều người đã ghi dấu ấn trên thị trường thiết kế sáng tạo và giải trí kỹ thuật số vốn còn mới mẻ tại Việt Nam đã góp phần làm nên thương hiệu đào tạo nghề mà Aprotrain nỗ lực gầy dựng" - ông Đinh Trí Dũng - Phó Tổng giám đốc Công ty Đào tạo ứng dụng Aprotrain, nhà quản lý Trường Đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia - đã chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn.

dinh-tri-dung-arena-multimedia-doanh-nha

Ông Đinh Trí Dũng - Phó Tổng giám đốc Công ty Đào tạo ứng dụng Aprotrain, nhà quản lý Trường Đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia.

* Aptech có mặt tại Việt Nam gắn thương hiệu với FPT Aptech hay FPT Arena. Bằng cách nào để Aprotrain khẳng định được vị thế như hiện nay, thưa ông?

- Aptech là tập đoàn của Ấn Độ ra đời năm 1986. Tại Việt Nam, thị trường sớm biết đến Aptech với chương trình đào tạo lập trình viên IT khi tập đoàn này xuất hiện vào năm 1999. Khi làn sóng gia công mở rộng từ lĩnh vực IT sang hoạt hình, để đáp ứng các yêu cầu về kỹ xảo điện ảnh từ Hollywood thì Arena Multimedia đã ra đời.

Chúng tôi chính thức tham gia đào tạo từ năm 2007 và chọn triển khai thương hiệu nguồn Arena Multimedia vào Việt Nam. Theo tôi, đó là cách duy nhất để tận dụng tối đa các giá trị thương hiệu. Việc giữ nguyên gốc Arena Multimedia theo tôi đến giờ vẫn là lựa chọn đúng vì đã giúp nhận diện một thương hiệu đào tạo về mỹ thuật đa phương tiện có tiếng trên thế giới tại Việt Nam.

* Arena ngày nay trở thành "cái nôi" đào tạo đa phương tiện, ông nghĩ gì về thành quả gầy dựng được sau hơn 10 năm tham gia vào lĩnh vực này?

- Chúng tôi tự hào vì đã góp phần đưa mỹ thuật đa phương tiện trở thành một chuyên ngành đào tạo mới, có uy tín, được thị trường đón nhận. Hơn 10 năm qua, những thế hệ đầu tiên ra trường đã khá thành công, nhiều người trong số họ ghi được dấu ấn trên thị trường giải trí kỹ thuật số, nhiều nhóm làm kỹ xảo điện ảnh và làm phim hoạt hình có tên tuổi. Sự khởi đầu của họ đã góp phần làm nên thành công của Arena Multimedia.

Kết quả đó cũng được khẳng định với lượng học viên mỗi năm tăng trung bình 20%. Năm 2017 - năm thứ 10 thành lập, chúng tôi đã tuyển được hơn 1.000 học viên trong hệ thống bốn trung tâm tại TP.HCM và Hà Nội. Chúng tôi còn tự hào hơn trong ngành thiết kế sáng tạo khi gần đây các trường đại học đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp mã ngành đào tạo "thiết kế mỹ thuật đa phương tiện". Những giá trị mang lại giúp chúng tôi tạo được lợi thế cạnh tranh.

* Ông có thể chia sẻ cách để thành công trong mảng đào tạo nghề, nhất là nghề thiết kế sáng tạo?

- Việc của Arena là tập trung vào những tiêu chí phù hợp nhất cho đào tạo nghề, nó khác với chương trình đào tạo mang tính hàn lâm ở các trường đại học. Arena đào tạo theo chương trình phổ cập trên thế giới chứ không riêng của Aptech. Chương trình được kiểm soát bản quyền nhưng bổ sung những môn học phù hợp hơn với thực tế Việt Nam.

Những học viên tiếp cận đào tạo nghề cũng rất riêng, có những người thi trượt vào trường kiến trúc, những người có năng khiếu nhưng không thể trở thành họa sĩ, những người đam mê thiết kế... Arena còn có khoảng 40 - 45% học viên là sinh viên các trường đại học đến học thêm các chuyên ngành. Điều này cũng khiến Arena Multimedia tự hào vì có được giá trị cụ thể.

Link bài viết

Nếu đào tạo nghề bình thường dễ thiên về kỹ thuật mà quên đi những lý thuyết căn bản hay kỹ năng nghề. Chương trình của Arena Multimedia hiện chia thời lượng lý thuyết 35% và thực hành 65% để học viên ra trường là làm được việc. Trong ngành thiết kế sáng tạo thì người chỉ thuần về kỹ thuật là chưa đủ mà còn phải có kiến thức nền, chẳng hạn màu sắc, bố cục, cảm nhận về không gian, cũng phải hiểu các quy trình trong thiết kế, sản xuất, những mảnh ghép của mỹ thuật ứng dụng.

* Theo ông thì đặc thù của đào tạo mỹ thuật đa phương tiện cần có sự khác biệt nào?

- Đào tạo nghề nói chung là trang bị kiến thức nền tảng, các kỹ năng để làm sao học viên ra trường là đáp ứng được yêu cầu công việc. Nó phải được xác định là khóa học đào tạo nghề, gắn liền với thị trường lao động. Nền tảng cơ bản của dạy nghề là giúp người sau đào tạo tiếp cận được công việc phù hợp, thích ứng nhanh với các thay đổi.

Đặc thù của đào tạo mỹ thuật đa phương tiện là ứng dụng các phần mềm để sáng tạo và thiết kế những sản phẩm truyền thông, dữ liệu, đồ họa cho đến âm thanh, hình ảnh, video, kỹ xảo điện ảnh, thiết kế nội thất... Tại Việt Nam, ngành công nghiệp này sinh sau đẻ muộn nên việc đào tạo làm sao để theo kịp xu thế phát triển của ngành công nghiệp thiết kế sáng tạo thế giới nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn nước nhà.

Nghề thiết kế thay đổi rất nhanh nên các chương trình ứng dụng phải thay đổi theo, người học nghề phải được trang bị nền tảng để có khả năng làm ra sản phẩm ngay. Việc đào tạo của Arena vì thế cũng phải được điều chỉnh linh hoạt, cập nhật liên tục.

* Gắn với đào tạo nghề, ông nhận thấy thực tế thị trường thiết kế sáng tạo ở Việt Nam hiện nay ra sao?

- Còn rất non trẻ. Tuy bắt đầu quan tâm đến kỹ xảo hình ảnh, phim hoạt hình hay sản phẩm chất lượng cao nhưng đa phần vẫn đang làm những cái rất cơ bản, như mẫu mã bao bì, in ấn quảng cáo... Nhưng nhiều mảng có sự thay đổi, ví dụ có nhiều người làm poster điện ảnh, công việc mà ngày trước chẳng mấy ai để ý đến, toàn mặt người in lên, còn hiện nhiều thiết kế rất hiện đại, được đầu tư kỹ càng để hấp dẫn khán giả.

Những gì tại Việt Nam bắt đầu làm thì ở những thị trường như Ấn Độ đã phát triển cách nay 5 - 7 năm. Arena vẫn đang ở phân khúc chính là phổ cập nghề thiết kế. Có thể hiểu Arena là môi trường để bước chân vào nghề truyền thông đa phương tiện. Chúng tôi xác định mình đang làm những công việc phục vụ cho sự đổi mới, để khi thị trường phát triển với cấp độ cao thì đã sẵn sàng, khi nhiều ngành để ý đến thiết kế sáng tạo, số người quan tâm đông hơn thì mình đủ năng lực đáp ứng.

* Nhưng khi thị trường thiết kế sáng tạo định hình được thì các trường đại học cũng đào tạo, nhiều trung tâm ra đời, ông có lo ngại cạnh tranh?

- Mỗi loại hình đào tạo có sự khác biệt để cung cấp nguồn nhân lực. Những gì thuộc về học thuật là vai trò của các trường đại học, còn đào tạo nghề là hướng đến cụ thể một công việc. Đầu vào là lợi thế của trường dạy nghề. Ai cũng thấy xã hội ngày nay mọi thứ đều cần đến thiết kế, nó tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm. Mỹ thuật ứng dụng là những thiết kế đòi hỏi tính ứng dụng cao.

Chẳng hạn thiết kế logo cho nhà trẻ thì đường nét, màu sắc phải tươi sáng, vui nhộn nhưng góc cạnh thì bo tròn để không gây nguy hiểm. Phải tính đến khách hàng, người dùng, phải có kiến thức xã hội, thị trường. Mỹ thuật ứng dụng yêu cầu thực tiễn cao hơn, khác với đào tạo học thuật hay mỹ thuật truyền thống cần tố chất đặc biệt của một nghệ sĩ, có năng khiếu để thực hiện.

Arena là hệ thống với khung giáo trình, chương trình sẵn có, đã được triển khai ở nhiều quốc gia và luôn cải tiến nhờ phản hồi của khách hàng. Còn mình làm sao hiểu và vận hành, bổ sung môn học phù hợp cho thị trường Việt Nam, giảng viên phải truyền nghề và truyền lửa.

Link bài viết

* Theo ông thì ngành công nghiệp này sẽ chuyển biến ra sao?

- Ngành thiết kế ứng dụng đang thay đổi và phát triển rất nhanh. Nhà sản xuất bây giờ đã hiểu về giá trị của thiết kế bao bì. Logo nhãn hiệu đều đẹp hơn, ấn tượng hơn. Bước tiến có thể nhìn thấy rõ là khi vào siêu thị, bao bì bánh nội và ngoại không còn cách biệt. Đa số doanh nghiệp đã biết dùng thiết kế để thay đổi quảng cáo, thương hiệu, mẫu mã sản phẩm.

Thiết kế ứng dụng len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Ngay cả cái menu trong quán ăn cũng được thay đổi từ thiết kế, chất liệu đến cách bài trí để thu hút khách hàng. Một nền kinh tế phát triển chắc chắn sẽ phải quan tâm tới thiết kế ứng dụng bởi đó là linh hồn của thương hiệu, nó luôn thay đổi diện mạo cho phù hợp với thời đại.

Thiết kế không chỉ nâng tầm giá trị của một sản phẩm, một căn nhà hay một đô thị mà còn làm cho cuộc sống đẹp hơn, văn minh hơn. Kinh tế càng phát triển càng tạo áp lực lên thiết kế sáng tạo để theo kịp thị trường. Ví dụ năm 2017, phim Việt Nam phát hành khá thành công, trở thành đất của thiết kế đa phương tiện. Càng có nhiều người làm phim thì thiết kế đa phương tiện càng phát triển. Theo tôi lãnh vực này sẽ rất rộng trong nhiều năm nữa và 5 năm tới sẽ dịch chuyển lên cấp độ cao hơn.

* Một ngành công nghiệp mới mẻ lại thay đổi rất nhanh, ông dự báo gì với người học nghề?

- Công nghệ phát triển nhanh khiến nghề nghiệp phải phát triển theo. Ví dụ ở Việt Nam vài năm trước thị trường còn chú trọng những công việc rất cơ bản như thiết kế đồ họa, vẽ, in ấn truyền thống thì bây giờ bắt đầu phổ biến các mô hình 3D, kỹ xảo hình ảnh...

Chưa kể công nghệ quản lý giáo dục cũng thay đổi, thay vì sách thì giờ có thêm sách điện tử. Mỗi năm chúng tôi phải rà soát lại chương trình và vài ba năm thay đổi chương trình tổng thể, cập nhật phần mềm mới nhất, các môn học cũng thay đổi.

Nhưng dù bất cứ xu thế nào diễn ra, bất cứ cái mới nào xuất hiện cũng phải bắt đầu từ những thứ cơ bản nhất. Bây giờ trường học lớn nhất thế giới là internet. Ai cũng có thể học qua internet, nhưng nếu không trang bị đủ kiến thức nền thì không thể hiểu được những thứ cao cấp hơn, không thể nâng cao kiến thức để sáng tạo, để tiến xa trong nghề nghiệp.

* Xuất phát từ ngành quản trị doanh nghiệp, cơ duyên nào khiến ông lập nghiệp trong lĩnh vực đào tạo nghề?

- Tôi học quản trị doanh nghiệp về lĩnh vực tài chính ở Cộng hòa Liên bang Đức rồi làm việc cho một ngân hàng nước ngoài. Chừng được 5 năm tự dưng cảm thấy chán, muốn thay đổi. Trong lúc đó bạn bè rủ hùn hạp lập công ty nên cũng muốn thử sức. Trước khi thành lập Arena, tôi phụ trách tiếp thị và quản lý thương hiệu Aptech. Làm việc nhiều với các agency nên sinh ra yêu thích nghề thiết kế tự lúc nào.

Giai đoạn ngành tài chính "sốt hầm hập" cũng có lúc khiến tôi muốn quay lại nhưng rồi tự thấy tính cách mình không phù hợp. Ngành tài chính khắt khe, không thể linh hoạt mượt mà nên dễ nhàm chán. Mất vài năm thì ngành đào tạo hấp dẫn mình nên theo luôn. Bây giờ đã 15 năm trong ngành này và quyết tâm cả đời gắn với việc đào tạo.

Nước Đức là cái nôi của đào tạo nghề nên đã giúp tôi hiểu rõ về giá trị của nó. Đức có chính sách mỗi công ty dành lợi nhuận tái đầu tư vào đào tạo, nhiều công ty có trường đào tạo nghề riêng. Việt Nam đang nói nhiều về kỹ năng nghề nhưng còn thiếu cơ sở đào tạo nghề thực sự đáp ứng được nhu cầu thị trường. Việt Nam mới dạy tốt một số nghề như may mặc, cơ khí nhưng nghề cao cấp hay mang tính dịch vụ vẫn còn lỗ hổng. Điều đó cho chúng tôi cơ hội và sự tự do nhất định mà không bị bó buộc.

* Nếu có một triết lý về kinh doanh đào tạo thì với ông đó là gì?

- Cân bằng chuẩn mực giữa đào tạo việc làm và kinh doanh. Trong quá trình phát triển đôi khi sẽ gặp những cám dỗ của thị trường nhưng chẳng có gì là đơn giản, nếu tôi đi xa cái lõi của mình thì Arena Multimedia không phát triển được như hiện giờ. Vì vậy tôi cứ đào tạo nghề và tạo ra cơ hội cho giới trẻ bước chân vào nghề một cách tốt nhất. Họ chọn mình cũng vì thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Đinh Trí Dũng - Phó Tổng giám đốc Aprotrain: Thiết kế ứng dụng là linh hồn của thương hiệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO