Ông chủ Thép Việt: “Đối thủ lớn nhất là thép Trung Quốc”

01/09/2014 06:57

Tại Việt Nam, hiện ít có doanh nhân nào dám đầu tư lớn và có cái nhìn lâu dài với công nghiệp nặng như ông Đỗ Duy Thái - người đứng đầu Công ty Thép Việt (thương hiệu Pomina).

Ông chủ Thép Việt: “Đối thủ lớn nhất là thép Trung Quốc”

Tại Việt Nam, hiện ít có doanh nhân nào dám đầu tư lớn và có cái nhìn lâu dài với công nghiệp nặng như ông Đỗ Duy Thái - người đứng đầu Công ty Thép Việt (thương hiệu Pomina).

“Tôi thích câu nói của anh Alan Phan, mỗi ngày nghe tiếng chim hót, ngắm hoa và sống có ích bằng lòng yêu thương. Đơn giản vì, nếu mình không hạnh phúc thì không thể mang lại hạnh phúc cho ai hết”.

Tại Việt Nam, hiện ít có doanh nhân nào dám đầu tư lớn và có cái nhìn lâu dài với công nghiệp nặng như ông Đỗ Duy Thái. Ông chia sẻ với BizLIVE những day dứt khôn nguôi gắn chặt với vận mệnh nền công nghiệp Việt Nam.

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, thương hiệu Pomina.

“Indonesia là một tấm gương cho Việt Nam”

* Nhìn về tương lai của ngành thép, ông có lo ngại nhiều không trước sự cạnh tranh của thép Trung Quốc ngay trên sân nhà?

- Vũng Áng chỉ là một trong những nguy cơ mà báo chí đã đưa ra, để thấy tư tưởng cục bộ và không có cái nhìn chung vì sự phát triển đưa đến những ưu đãi cho những đơn vị nào đó, khiến cho sự bất bình đẳng trong cạnh tranh càng trầm trọng. Động lực phát triển của nền công nghiệp vẫn phải dựa trên nội lực của từng doanh nghiệp, nhưng thực tế ở Việt Nam hiện nay, có dấu hiệu những nhóm lợi ích chi phối chính sách để hưởng lợi.

Trong quá khứ, Philippine và Indonesia cũng đã từng bị các nhóm lợi ích điều hành chính sách, đưa đến thực trạng đất nước nghèo đói, người dân phải đi tha phương cầu thực khắp thế giới.

Qua những cuộc cách mạng về thể chế, chống tham nhũng, Indonesia đã phát triển rất tốt khi tạo lập lại một sân chơi bình đẳng trong tất cả các ngành, giúp Indonesia tăng trưởng bền vững 7%/năm. Tôi nghĩ Indonesia là một tấm gương cho Việt Nam.

* Theo ông, những ngành nào đang chịu sự ảnh hưởng lớn nhất của sự bất bình đẳng?

- Ngành nào cũng bị ảnh hưởng, nhưng lớn nhất là bất động sản. Ngành thép hiện nay cũng vậy, do chính sách quặng không hợp lý làm thất thu ngân sách rất lớn, khoảng 5.000 tỷ đồng/năm.

Không thể hình dung nổi một đất nước chỉ có những doanh nghiệp chạy theo nhóm lợi ích, làm ăn chộp giật, phát triển phi mã, còn các doanh nghiệp chân chính thì chết hàng loạt. Đó là bài học mà Indonesia đã phải trả giá trong thời đại của Suharto.

Bộ Công Thương phải có trách nhiệm với hàng nhập từ Trung Quốc, vì người tiêu dùng không thể tự bảo vệ được mình. Chính sách về nhập khẩu phải cứng rắn với hàng Trung Quốc kém chất lượng, đặc biệt là thép cuộn.

Và nên tạo điều kiện tốt để xuất khẩu. Thật vô lý khi thủ tục xuất khẩu còn khó hơn nhập khẩu. Ví dụ xuất khẩu thép qua Campuchia chẳng hạn, hải quan kiểm tra tất cả mọi bó hàng, gây ra những chi phí không cần thiết.

Còn nhập khẩu lậu thì ồ ạt qua “những chuyến xe vua” mà báo Tuổi Trẻ từng phê phán. Kiểm tra hàng hóa nên kiểm từ gốc, không phải kiểm tra tại ngọn, với quá nhiều thủ tục khó khăn ở biên giới, hải quan dựa vào đó làm khó doanh nghiệp.

* Tâm trạng của ông trong bối cảnh ảm đạm hiện nay của ngành thép nội địa?

- Trong khi hơn 30% doanh nghiệp thép trong nước phải đóng cửa hoặc tuyến bố phá sản, chúng tôi vẫn chọn phân khúc công trình cần sự ổn định về chất lượng là chiến lược mục tiêu, lựa chọn những chủ đầu tư, nhà tư vấn, các nhà thầu cần chất lượng.

Hiện Pomina chiếm khoảng 65% các công trình từ Đà Nẵng tới Cà Mau, những công trình thủy điện, cầu cảng, ngay cả những công trình phía Bắc cần chất lượng cao như sân bay Nội Bài, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn…

Để phát triển bền vững, tôi xác định đối thủ lớn nhất vẫn là thép Trung Quốc, cạnh tranh với Trung Quốc phải có thương hiệu riêng và thương hiệu phải xây dựng bằng chất lượng của sản phẩm, không thể nào chạy theo giá được. Đó là hướng để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hai năm vừa rồi, trong ngành thép có hiện tượng sụt giảm về chất lượng. Do bất bình đẳng trong chính sách, để cạnh tranh, rất nhiều doanh nghiệp, chủ yếu là phía Bắc chạy theo lò trung tần khiến chất lượng đi xuống, trong khi các doanh nghiệp phía Nam hầu hết sử dụng lò EAF.

Vừa rồi, trong cuộc họp với Hiệp hội Thép Việt Nam, tôi cũng lưu ý về nguy cơ này. Lò trung tần là công nghệ vô cùng lạc hậu mà thế giới đã bỏ đi từ lâu, vì không loại được xỉ ra khỏi thép, không điều chỉnh được sunphoric và photpho, cacbon… những yếu tố gây tổn hại đến độ bền của thép, cho ra cả phôi bánh mì, rất nguy hiểm cho độ tuổi và an toàn của công trình.

Phát triển công nghiệp luôn đi đôi với việc bảo vệ môi trường, đáp ứng hai tiêu chí: giảm tiêu thụ năng lượng và không gây ô nhiễm. Hiện nay Việt Nam chưa thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường trong ngành thép. Phá hủy môi trường không thể là cách để một quốc gia phát triển bền vững.

Đó cũng là cơ hội để các công ty Trung Quốc bán đồ thải ra cho Việt Nam.

“Tôi mang ơn vị giám đốc ngân hàng đó”

* Phẩm chất nào giúp một nhà công nghiệp như ông có thể giữ được sự bền chí và quyết tâm đi đúng, đi dài với con đường đã chọn?

- Đam mê. Đam mê mới giúp mình làm việc không mệt mỏi, giữ cho mình suy nghĩ về ngành sâu sắc hơn. Chính sự sâu sắc đó luôn giúp mình đặt câu hỏi phải làm gì để mang lại giá trị gia tăng, giúp cho xã hội, cho người tiêu dùng, cho khách hàng.

Đó là điều tôi trăn trở suốt 38 năm theo đuổi ngành công nghiệp, từ lúc đầu xanh tuổi trẻ đến giờ. Pomina đã có những khách hàng rất ổn định từ đầu sông và cuối sông như Phú Mỹ Hưng, Becamex, Coteccons, Hòa Bình… Đó là một thành quả đeo đuổi 38 năm về chất lượng.

Tôi bước chân vào làm công nghiệp cao su từ năm 79-80, những năm đầu chủ yếu chỉ là sinh kế, lo cho gia đình. Từ sản xuất những cái nắp chai, vỏ xe cao su, khi đã tích lũy được một số vốn, tôi nghĩ phải xây dựng được công ty thép tầm vóc của người Việt.

Thép Việt được hoài thai từ năm 1989. Vào thời điểm đó, quyết định đầu tư 68 triệu USD cho Pomina là quá sớm và quá lớn, vì nhiều chuyên gia cũng cho rằng sẽ thất bại vì không có con người để phục vụ cho công nghệ đó.

Nhưng tôi có một niềm lạc quan là đầu tư công nghệ tiên tiến nhất sẽ quyết định năng lực cạnh tranh. Kiến thức dù hiện đại cỡ nào cũng có thể mua được qua các chuyên gia, qua sự học hỏi của các kỹ sư Việt Nam ở nước ngoài, và các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.

Những ngày đầu, khi mình chưa có tên tuổi, khó nhất là thuyết phục ngân hàng. Tôi đã thuyết phục được ngân hàng vì không cần nhìn vào bản báo cáo mà thuộc từng con số. Tôi cũng mang ơn vị giám đốc ngân hàng đó, một người rất tử tế, vào thời điểm đó mà ông đã có cái nhìn rất mở với doanh nghiệp dân doanh, quả là khó kiếm.

* Làm thế nào để ông giữ được ý chí của toàn đội ngũ?

- Xúc cảm là từ trái tim, người dẫn đầu phải có xúc cảm lớn mới truyền được xúc cảm đến cho người khác. Trở thành nhà công nghiệp có năng lực cạnh tranh với nước ngoài chính là niềm vui lớn để mình có động lực làm việc.

Khi cả một đội ngũ có động lực ở mức độ cao sẽ đạt được kết quả tương ứng. Coi động lực là quan trọng nhất không chỉ với chính mình mà cả những người đi cùng nên chúng tôi có một ý chí lớn để phát triển.

Học hỏi không ngừng để hiểu sâu lĩnh vực mình làm, cố gắng tạo không khí hạnh phúc trong công ty để mọi người sáng tạo, đó là yếu tố văn hóa quan trọng nhất.

Muốn vậy, phải chấp nhận tư duy khác biệt, độc lập. Kế tiếp là tính đồng đội cao, đừng xem người làm của mình là nô lệ, mà coi họ là đồng đội, cùng mình thực hiện giấc mơ

* Trong việc xây dựng con người, ông chú trọng điều gì nhất?

- Sự trung thực. Phát triển một công ty thành công không thể trên lừa dối dưới, muốn trung thực phải minh bạch trong tất cả các thông tin. Sự trung thực là nền tảng của sức mạnh mỗi con người. Nhưng trong một xã hội xuống cấp như hiện nay, để giữ được sự trung thực phải rất kiên định và kiên trì.

“Không thể gia đình trị mãi”

* Nhìn vào con đường đi của những nhà tư bản thép Hàn Quốc và Nhật Bản, ông thấy được điều gì?

- Việt Nam cũng có những doanh nghiệp rất tự trọng, đi lên bằng nội lực như các doanh nghiệp lớn của thế giới. Nhưng họ may mắn hơn mình là yếu tố quản lý vĩ mô ổn định trong nhiều năm, tạo sự bình đẳng, nên chỉ tập trung vào phát triển nội lực bằng vốn của tư nhân, chỉ trong vòng 30-40 năm, họ đã có những thương hiệu rất lớn.

Hàn Quốc và Nhật Bản không chú trọng nhiều vào vốn FDI để phát triển, chỉ chấp nhận nguồn tiền rất lớn của các công ty nước ngoài qua các công ty tài chính để đầu tư cho doanh nghiệp nội địa, chứ không đầu tư trực tiếp vào sản xuất. Đó là một khác biệt rất lớn so với Việt Nam. Nếu chúng ta không có những thương hiệu mạnh do người Việt làm chủ, thì mãi mãi chỉ là kẻ làm thuê ngay trên đất nước mình.

Thử hình dung 30 - 50 năm nữa, ngành thép Việt Nam sẽ ở đâu trên bản đồ thế giới nếu chính phủ không có chính sách nội địa đúng đắn cho ngành thép? Chính phủ nên có cái nhìn dài hạn để bảo đảm an ninh cho ngành thép, nếu không, chúng ta chỉ còn là số không. Cách tốt nhất nên học Hàn Quốc là sự đồng lòng từ ý chí chính phủ, ý chí doanh nghiệp, đến ý chí người dân. Chỉ có sự quyết tâm cao nhất mới có được những thương hiệu như Samsung, Hyundai.

Nhiệm vụ của Chính phủ là phải tạo cầu trong bất động sản, thay đổi chính sách, làm sao cho giá bất động sản phù hợp với người dân có thu nhập thấp là cách ngắn nhất, nhanh nhất để phục hồi kinh tế.

Giải phóng khỏi cái nghèo là ý chí rất lớn của người Việt, đó là một trong những động lực quan trọng. Vấn đề còn lại là tạo môi trường công bằng để doanh nghiệp tự tin vào nội lực, tạo ra những giá trị gia tăng để phát triển.

* Đưa con gái duy nhất vào công việc làm ăn đầy áp lực có phải là cách để ông thể hiện tình yêu thương?

- Tôi đâu có đưa con vào, tự nó thích vậy. Cháu muốn làm một thời gian để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, sau này đi dạy học. Tôi tôn trọng hạnh phúc cá nhân của con. Cuộc đời mình, sự nghiệp mình chọn có thể không phải là hạnh phúc với con mình.

* Cho đến lúc này, chọn người kế nghiệp đối với ông vẫn là một đáp án mở?

- Đời sống con người là hữu hạn, nhưng doanh nghiệp thì không có điểm dừng. Những người kế nghiệp phải có thực tài để doanh nghiệp phát triển mới quan trọng, chứ không nhất thiết phải là người trong nhà hay người ngoài.

Nên trao cho người có năng lực cao hơn trong mọi vị trí, dù là vị trí cao nhất. Tư tưởng phải thoát Á, nhập Âu, không thể duy trì phong cách gia đình trị mãi được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông chủ Thép Việt: “Đối thủ lớn nhất là thép Trung Quốc”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO