Những cây nấm đã chọn tôi

LỮ Ý NHI thực hiện| 28/07/2011 08:40

Tôi tìm không phải để sản xuất kinh doanh, mà để biết nấm đó tên gì, mọc ở đâu và mình có bảo tồn được không?

Những cây nấm đã chọn tôi

Khi nghe nói bài phỏng vấn mình được đăng ở chuyên mục “Trò chuyện doanh nhân”, ông Cổ Đức Trọng xua tay: “Tôi không phải doanh nhân mà là một anh nông dân thích nghiên cứu, tìm tòi các loại nấm quý. Khi thị trường cần thì tôi bán, trước là để kiếm sống, sau là có chút tiền tiếp tục nghiên cứu.

Tôi chả biết gì về chiến lược kinh doanh, marketing, cũng không biết làm thương hiệu cho sản phẩm; tôi không bán cái xã hội cần mà bán cái mình có. Chính vì vậy mà nhiều lúc tôi đã chết lên chết xuống vì nấm. Cứ nhìn cái đầu muối nhiều hơn tiêu của tôi thì cũng đủ biết tôi đã lao tâm khổ tứ với nấm như thế nào”...

* Nhưng nấm cũng không phụ ông, nghe nói khách hàng tìm đến Linh Chi Vina rất đông và năm loại nấm thuốc của Công ty là Vân chi, Hầu thủ, Linh chi, Thái dương, Thượng hoàng hiện nay trồng không kịp bán?

- Đúng vậy. Và thành quả ấy đã thấm không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức của tôi, thậm chí tôi phải trải nghiệm thử thách gần cả đời mới có được. Vốn theo học ngành Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên, năm 1978 ra trường, tôi được phân về Phân cục Kiểm nghiệm hàng xuất khẩu.

Nhiều người rỉ tai: “Thế là ấm rồi”, nhưng tôi lại thấy không ổn vì mình học về cây cỏ, làm ngành này thấy tréo ngoe làm sao, song cái chính là không phù hợp với sở thích.

Vì vậy, khi nghe Phân viện Dược liệu TP.HCM đang tìm người đi rừng điều tra cây thuốc quý, đúng lúc vừa trả quyết định làm ở Phân cục Kiểm nghiệm hàng xuất khẩu, tôi nộp đơn xin làm liền.

Gần mười năm đi rừng, lặn lội hết các tỉnh miền Đông Nam bộ đến Gia Lai, Kontum, Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Tây Ninh, Kiên Giang..., thấm bao nắng, gió, mưa rừng, bị côn trùng và vắt cắn sưng người, nhưng tôi vẫn “bám rừng, bám nghề”. Cũng nhờ rừng mà tôi luyện được sự gan dạ, kiên trì, vững vàng, dẻo dai để trụ được với nghề trồng nấm đến giờ.

* Cũng phải nói thêm là nhờ rừng ông mới có cơ duyên đến với nghề nấm đúng không, thưa ông?

- Năm 1977, sang Trung Quốc thấy người ta trồng nấm Linh chi, một giống nấm quý và hiếm, anh Nguyễn Thanh, Phân viện phó, khi về đã gợi ý cho tôi đi tìm giống về nghiên cứu và trồng. Những năm đó còn khó khăn lắm, tôi cùng anh Thanh vào rừng Lâm Đồng ròng rã gần cả tuần mới tìm được một tai nấm.

Ba anh em mừng quá, hớn hở về khoe với mọi người, nhưng chưa kịp nghiên cứu thì tai nấm khô và tôi phải đi tìm tiếp. Năm 1987, tôi lại tìm được giống và nghiên cứu trồng thành công đến giờ.

Chúng tôi cung cấp nấm cho Công ty Dược Mekophar để sản xuất ra trà túi lọc, viên nang Linh chi. Năm 1992, tôi về Công ty Dược liệu Trung ương 2, thành lập ra Trung tâm nghiên cứu Linh chi và nấm dược liệu và làm giám đốc Trung tâm...

Năm 2006, Công ty có 5 trung tâm, do chiếc áo đã quá chật, cần có cơ chế hoạt động mới nên các trung tâm tách ra riêng và Công ty TNHH Linh Chi Vina ra đời.

* Ông bà xưa có câu: “Không thầy đố mày làm nên”, nhưng chia sẻ thành công, ông lại cho rằng, không phải cứ làm theo khuôn mẫu của thầy là đạt kết quả như mong muốn. Ông có thể giải thích cụ thể hơn?

- Để trồng được nấm Linh chi, theo tôi không khó vì trồng kiểu gì cũng ra nấm Linh chi. Tuy nhiên, trồng thế nào để tai nấm to, đủ chất lượng và độ dinh dưỡng thì rất khó.

Ví dụ, một tai nấm khoảng 4cm đường kính mà muốn phát triển thành 20cm thì phải mất trên hai mươi năm kinh nghiệm, phải thuộc tính nết của nó, phải biết chăm sóc nó như chăm sóc một đứa trẻ. Ví dụ như mấy tháng cho ăn dặm, một tuổi ăn gì, độ ẩm ra sao, ánh sáng thế nào, không khí và nhiệt độ bao nhiêu là đủ...

Tất cả những điều này không thể làm được nếu không có kinh nghiệm, bí quyết. Thực tế, có nhiều người trồng nấm thất bại vì tuy làm giống y theo bài học của thầy hoặc theo khuôn mẫu của chuyên gia, nhưng khi gặp tình huống bất ngờ thì không biết xử lý, ứng phó.

Vì vậy, ngoài những kiến thức chung trong sách vở, kinh nghiệm học hỏi từ các chuyên gia, tôi luôn chủ động tìm tòi, cứ mạnh dạn trồng, hỏng đến đâu khắc phục đến đó. Cứ vậy mà mày mò, học trong thất bại và cộng dồn kinh nghiệm khi thành công.

* Là người tiên phong trồng nấm Linh Chi nhưng ông lại bảo: “Người đi đầu không quan trọng”, nghe có vẻ không hợp lý chút nào.

- Như đã nói, trồng nấm Linh chi không dễ nên mới có chuyện năm 1992 rộ lên phong trào trồng nấm và rất nhiều người “chết”, trong đó có tôi, vì người dân lúc đó chưa hiểu về nấm Linh chi và cũng sợ, chưa dám dùng. Những người trồng phải cạnh tranh nhau dữ dội mà vẫn không bán được, dẫn đến sạt nghiệp. Mặc dù thời gian đó tôi vẫn cung cấp nấm cho Công ty Dược liệu nhưng họ không mua nhiều.

Cũng vào khoảng năm 1993, có một vài thương gia Hàn Quốc đến mua thử ban đầu là 100kg, rồi tăng lên 300kg và sau đó tới 1.000kg với giá khoảng 18 USD/kg để xuất bán qua Hàn Quốc. Họ còn “dụ” tôi vay tiền ngân hàng xây nhà thêm để trồng nấm.

Tưởng gặp may, nhưng khi biết tôi sản xuất nhiều, không tiêu thụ được trong nước, họ bắt đầu ép giá, giảm xuống 15USD, rồi 10USD. Dù đang bị chôn vốn và rất khó khăn, nhưng tôi dứt khoát không bán vì biết họ ép được sẽ ép nữa. Cũng do chưa có nhiều kinh nghiệm, không có máy sấy khô nên nấm bị mọt ăn và phải đổ bỏ.

Thương vụ làm ăn với Hàn Quốc tôi lỗ trắng và để lấy ngắn nuôi dài, tôi phải quay sang trồng thêm nấm mèo. Qua việc này, tôi rút ra kết luận: “Với nghề trồng nấm Linh chi, người đi đầu không quan trọng, người cuối cùng mới là người thành công”.

* Lúc nãy ông nói, sau mỗi thất bại là một bài học, vậy bài học của lần thất bại này là gì, thưa ông?

- Sau vụ này tôi thận trọng hơn, nhận ra trong kinh doanh “những lời có cánh” nhiều lắm, không nên “bập” vào những lời hứa hẹn, những viễn cảnh màu hồng, mà phải cẩn trọng tính toán. Cũng có lúc tôi cẩn thận đến mức nhiều người đến hợp tác phải dội ra. Đôi lần mất cơ hội cũng tiếc, nhưng rồi chỉ tặc lưỡi: “Tuổi mình càng lớn, cứ ăn chắc mặc bền, thà đi chậm mà chắc”.

* Từ năm 1998, 1999, nấm Linh chi bắt đầu phổ biến tại Việt Nam, nếu bán trong nước vòng vốn sẽ quay nhanh hơn, nhưng tại sao ông lại chọn bán cho Nhật, vì được biết, nếu gom đủ số lượng để xuất thì vốn liếng bị “chôn” rất lâu?

- Năm 1993, sau ba năm đi từ Bắc vào Nam tìm hiểu, một tập đoàn của Nhật đến công ty tôi xem trồng nấm, quan sát nhà xưởng. Sau đó họ đưa giống cho tôi trồng, bắt phải cam kết chỉ được bán cho họ và cứ ba tháng họ qua kiểm tra một lần. Đến năm 1995, nấm mới bắt đầu xuất qua Nhật, lúc đầu 500kg, sau tăng lên một công (3 tấn 6) mỗi năm.

Từ năm 1999, mức tiêu thụ của Nhật không cao nên họ cho tôi bán ra thị trường nội địa, đồng thời tặng luôn giống nấm họ đưa trồng. Sở dĩ tôi chọn xuất khẩu cho Nhật là để lấy tiếng, vì Nhật là thị trường khó tính, rất chặt chẽ về chất lượng và kiểm soát rất kỹ các chỉ tiêu kim loại nặng, dư lượng thuốc trừ sâu, độ ẩm...

Nhờ làm ăn với Nhật nên hệ thống làm việc của Linh Chi Vina cũng “khó tính” theo, họ giúp chúng tôi trang bị dụng cụ thí nghiệm, máy sấy (trị giá khoảng 10.000USD), nhờ vậy, độ ẩm của nấm chỉ còn 5%, trong khi nấm trên thị trường khoảng 12% nên dễ bị mốc, mọt. Ngoài ra, chúng tôi còn học được ở người Nhật đức tính làm ăn nghiêm túc, uy tín và rất có tình trong kinh doanh.

* Khi thị trường bắt đầu chuộng nấm Linh chi, có nơi bán với giá một triệu đồng/kg nhưng ông chỉ bán 300.000 đồng/kg. Dù ông giải thích là không “ăn lời” nhiều, nhưng tâm lý người tiêu dùng vẫn nghĩ hàng rẻ là hàng không tốt. Ông không ngại điều này?

- Khi nấm Linh chi “có thị trường”, giá bán lại tới 300 - 400 ngàn đồng/kg, trong khi nấm mèo chỉ khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg, thì từ Nam ra Bắc, càng lúc càng có nhiều người trồng nấm Linh chi.

Tuy nhiên, tôi không ngại vì điều quan trọng là năng suất của chúng tôi rất cao. chẳng hạn, một tai nấm của Linh Chi Vina nặng tới 40gr, trong khi hầu hết nấm Linh chi trên thị trường chỉ đạt 20gr, đó là chưa nói đến chất lượng.

Vì vậy, nhiều người nhảy vào trồng nấm lại thất bại. Song, để giải thích vì sao không bán giá cao, không “chặt” người mua, tôi luôn tự hỏi và trả lời: “Ai là người dùng nấm Linh chi? Đó là những người có bệnh, vậy mình bán cắt cổ là không được”.

* Nói vậy, ông vừa bán nấm vừa làm từ thiện?

- Không. Ai nói tôi trồng nấm để làm từ thiện là tôi không chịu. Cái “tâm” thì nằm ở trong “tâm”, còn giá bán như vậy là đủ để công ty tái sản xuất rồi. Cũng có nhiều người đến thuyết phục tôi hợp tác “làm ăn”, họ nói: “Mình trồng nấm Linh chi để giúp nhiều người có việc làm, giúp những người mắc bệnh”, nhưng tôi không tin. Bởi đã nói đến “làm ăn” thì phải tính đến lợi nhuận, thế nên không có chuyện lấy từ thiện làm hướng đi chính.

* Cạnh tranh với nấm Linh chi trong nước chắc ông không sợ, nhưng với nấm Linh chi Hàn Quốc và Trung Quốc đang bán khá nhiều tại Việt Nam liệu ông có ngại?

- Nấm Linh chi Trung Quốc giá rẻ hơn nấm Linh chi trong nước, nhưng nhiều người lại không dám dùng. Còn nấm của Hàn Quốc thì chất lượng tương đương nấm Việt Nam, nhưng giá cao hơn 3, 4 lần nên tôi không ngại.

Tuy nhiên, ngược lại với câu hỏi, tôi rất ngại cạnh tranh trong nước vì có nhiều đơn vị nhái thương hiệu công ty tôi, thậm chí nói xấu cả công ty. Thí dụ, tôi có địa chỉ email: linhchivina@gmail.com thì họ lấy địa chỉ là: linhchivina1@gmail.com. Nói vậy để thấy sự cạnh tranh giữa các nhà trồng nấm cũng rất gay gắt.

* Đang đi đúng quy trình khép kín, từ cung cấp nguyên liệu đến trực tiếp sản xuất ra sản phẩm, nhưng vì sao ông lại ngưng sản xuất mà trở lại làm nhà cung cấp nguyên liệu cho các công ty dược phẩm như ban đầu?

- Chúng tôi đã sản xuất Linh chi Vương tửu, trà túi lọc Linh chi. Hai mặt hàng này bán khá chạy nhưng sau đó tôi vẫn quyết định trở lại làm nhà cung cấp nguyên liệu, dù giá trị gia tăng không cao.

Lý do thứ nhất là chúng tôi đã chuyên nghiệp trong lĩnh vực này, thứ hai là nguyên liệu trên thị trường cung cấp không đủ, và thứ ba là đã cung cấp nguyên liệu cho những đơn vị khác làm ra sản phẩm mà mình cũng làm ra sản phẩm cạnh tranh với họ thì không hay lắm.

* Nhưng như vậy có thể hiểu Linh Chi Vina đang trở về tình trạng giậm chân tại chỗ?

- Tôi đang cung cấp sản phẩm cho cả nước thì làm sao nói là giậm chân tại chỗ được. Vì trong khi cung cấp chúng tôi cũng phải nghiên cứu, chính xác là làm sao cho năng suất cao hơn. Trên thế giới có những tập đoàn, công ty cung cấp nguyên liệu rất lớn và rất có uy tín. Chúng tôi cũng đang đi theo hướng này.

Hơn nữa, làm nhà cung cấp nguyên liệu mà được các công ty sản xuất tín nhiệm, hoặc nhà sản xuất nào cũng tìm đến mình là có tiếng rồi, điều đó có nghĩa là thương hiệu của Linh Chi Vina đã được khẳng định. Đó cũng là cơ sở để những loại nấm sau này chúng tôi nghiên cứu, sản xuất đều được họ yên tâm đón nhận.

* Hai mươi bốn năm theo nghề trồng nấm, theo ông, ông là người chọn nghề hay nghề chọn ông?

- Trước đây, tôi là người chọn nghề nhưng bây giờ nghĩ lại, có lẽ nghề chọn tôi. Bởi trồng được các loại nấm thuốc thì không chỉ cần có tiền, có kinh nghiệm, mà còn phải có cả niềm đam mê, lòng yêu nghề, khao khát tìm cái mới, vui với thành quả đạt được và trăn trở với những gì tìm chưa ra.

Thực sự là càng gắn bó với nấm, tôi càng say mê, đến giờ, nấm không còn là phương tiện kiếm sống nữa, mà là cái nghiệp. Bởi nếu làm để kiếm sống thì lúc bị nợ nần, khó khăn đến tận cùng, chắc tôi đã bỏ nấm đi tìm việc khác.

Hơn nữa, nếu chỉ dừng lại trồng nấm Linh chi thì về mặt kinh tế cũng hiệu quả rồi, nhưng tôi vẫn tiếp tục vào rừng tìm tòi nhiều loại nấm quý khác. Tôi tìm không phải để sản xuất, kinh doanh, mà để biết nấm đó tên gì, mọc ở đâu và mình có bảo tồn được không. Nếu không say mê làm sao tôi làm được, nhất là khi tuổi cũng đã cao.

Song, bù lại tôi cũng có nhiều phần thưởng quý, đó là ba loại nấm Linh chi, Hầu thủ, Thượng hoàng nhận được Giải thưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật TP.HCM năm 2000, 2007, 2009, và ngày 15/6/2011, tôi và cộng sự đồng đạt giải nhất Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật TP.HCM với đề tài nghiên cứu: “Sưu tầm, bảo tồn và phát triển một số loài nấm tại các tỉnh miền Nam Việt Nam”.

Giải thưởng này là công lao của tôi và các cộng sự đã sưu tầm được nấm từ trong rừng và nhân giống thành công. Nhưng niềm vui lớn nhất là chúng tôi đã tìm được khá nhiều loại nấm trong rừng, bởi với tốc độ phá rừng như hiện nay, sẽ có một số loài nấm chưa tìm được đã biến mất.

* Đó là niềm vui, còn điều hạnh phúc nhất của ông là gì?

- Một gia đình ấm êm, bình yên và luôn sát cánh từng bước với tôi trong sự nghiệp. Dù bà xã làm bên ngành chế biến thủy sản, không giúp nhau được về chuyên môn kỹ thuật. Hai là thành quả lao động của mình được thừa nhận có ích, nhiều người sử dụng nấm đạt được hiệu quả tốt.

* Sau những giờ nghiên cứu, ông còn thú đọc báo và “lục” tài liệu như ngày xưa không?

- Vẫn còn. Kiến thức là vô cùng mà! Riêng đọc báo với tôi có hai cái lợi: cập nhật tin tức và “hâm nóng” sở thích cũ. Hồi trước, cách đây 30 năm, suýt nữa là tôi đi làm phóng viên vì tôi đã học lớp đào tạo phóng viên của Báo Tuổi Trẻ, nhưng sau khi tốt nghiệp, tôi lại muốn làm chuyên môn. Tuy nhiên, thời gian rảnh tôi vẫn thường viết báo, viết sách, đặc biệt là những bài viết về nấm đăng trên Báo Thuốc và Sức khỏe.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những cây nấm đã chọn tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO