Nguyễn Lê Phước Thắng - CEO Công ty CP Thực phẩm Bình Tây: Không có điều gì là không thể

Nguyễn Loan| 01/11/2019 06:00

Từ bỏ vị trí quản lý cấp cao với mức lương khủng của một tập đoàn đa quốc gia tại Mỹ, chàng trai 8X trở về Việt Nam mang theo ước mơ tiếp nối sự nghiệp kinh doanh của gia đình, đưa thương hiệu Việt đến khắp nơi trên thế giới. Anh là Nguyễn Lê Phước Thắng - CEO Công ty CP Thực phẩm Bình Tây. Với anh, chỉ cần có quyết tâm, ý chí và sự nỗ lực thì không có điều gì là không thể làm được.

Nguyễn Lê Phước Thắng - CEO Công ty CP Thực phẩm Bình Tây: Không có điều gì là không thể

* Nói đến các nữ tướng có bề dày điều hành doanh nghiệp (DN) thành công trên thương trường, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản, có lẽ khó có ai vượt qua doanh nhân Lê Thị Giàu - người phụ nữ hơn 30 năm chèo lái con thuyền Tấn Hưng Group chở theo khát vọng làm giàu cho nông dân và đưa thương hiệu hàng Việt  ra thế giới. Anh có cảm thấy cái “bóng” quá lớn của mẹ trở thành áp lực đối với mình không?

- Tôi kính trọng và khâm phục mẹ - người phụ nữ năng động, có tầm nhìn chiến lược. Ngay từ những ngày đầu khởi sự DN, lúc ấy thực sự đầy khó khăn, thử thách trong bối cảnh các quy tắc xã hội; luật lệ, thể chế chính sách của Nhà nước đối với mô hình kinh tế tư nhân còn rất sơ khai. Với hai bàn tay trắng, mẹ một tay gánh vác gia đình và tạo dựng sự nghiệp như hôm nay. Đó là điều rất ít người phụ nữ làm được. Mẹ thẳng thắn, quyết đoán, tôi luôn tin tưởng vào quyết định cuối cùng của bà, mặc dù con đường đi và phương pháp giải quyết vấn đề có những điều khác biệt. Đây cũng là khó khăn gần như 100% các công ty gia đình Việt Nam phải đối mặt trong giai đoạn chuyển giao thế hệ. Áp lực lớn đối với tôi không ở chỗ điều hành DN, phát triển kinh doanh như thế nào, mà có lẽ bởi chính sự kỳ vọng quá lớn của thế hệ thứ nhất. Tuy nhiên, tôi có lòng tin ở chính bản thân mình. Vượt qua thách thức, đi đúng mục tiêu để rút ngắn khoảng cách là con đường mà tôi sẽ bước tiếp. Đồng hành với ước mơ của mẹ, tôi luôn khao khát đưa thương hiệu Việt nhiều hơn ra thế giới. Sở trường của tôi là phát triển thị trường. Bên cạnh các nước xuất khẩu truyền thống của công ty như Mỹ, Úc, Canada... tôi có kế hoạch phát triển những thị trường tiềm năng, xây dựng thêm các nhà máy sản xuất ở trong nước để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu. 

* Từng là giám đốc bộ phận của một tập đoàn lớn tại Mỹ, anh thấy sự khác biệt giữa các công ty đa quốc gia và DN Việt là gì?

- Làm trong Tập đoàn Essel Group, bên cạnh tôi luôn có ba bộ phận chuyên môn hỗ trợ là chuyên viên tài chính, luật sư và chuyên gia kỹ thuật. Tôi chỉ là người đưa ra quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm về quyết định ấy. Ở cấp cao hơn sẽ căn cứ vào quyết định của các giám đốc bộ phận để hoạch định chiến lược. Chính vì vậy, sự thành công gần như là tất yếu. Nói một cách khác, càng giữ vị trí cao trong các công ty đa quốc gia thì công việc của các CEO càng nhàn (về mặt cơ học). Ở Việt Nam thì khác, người điều hành DN phải tính toán và nắm bắt mọi vấn đề từ quản lý chất lượng, kỹ thuật đến pháp lý, tài chính, cơ sở vật chất... Họ là người vạch ra kế hoạch và thực thi kế hoạch ấy, các bộ phận khác chỉ đơn thuần chịu trách nhiệm chuyên môn. Tôi đánh giá rất cao khả năng sáng tạo và tầm nhìn của các chủ DN Việt. Sự thành công của họ, khó khăn hơn người chủ ở các công ty đa quốc gia rất nhiều.

Tôi đánh giá rất cao khả năng sáng tạo và tầm nhìn của các chủ DN Việt. Sự thành công của họ, khó khăn hơn người chủ ở các công ty đa quốc gia rất nhiều.

* Anh cho rằng, điều gì là quan trọng nhất trong chuyển giao thế hệ lãnh đạo của mô hình công ty gia đình ở môi trường kinh doanh trong nước?

- Quan trọng nhất là ước mơ và mục tiêu của mỗi người con có song hành cùng chí hướng của thế hệ sáng lập hay không. Bản thân tôi trở về tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình, không phải đơn thuần là quản lý một gia tài mà còn để thỏa mãn ước mơ của bản thân và xem hỗ trợ DN của mẹ mình là một hành động báo hiếu. 

Có một câu nói tôi rất tâm đắc đó là: “Người thông minh sẽ biết học ngay từ sai lầm của mình, và người thông thái sẽ biết học từ sai lầm của người khác”. Thế hệ đi trước phải trải qua muôn vàn khó khăn mới đi đến thành công và họ luôn muốn lấy những sai lầm, thất bại của mình để chỉ dạy cho người đi sau không lặp lại. Tôi biết ơn những người xung quanh mình, đặc biệt là mẹ tôi, luôn dạy và hướng dẫn những bài học quý giá để tôi hoàn thiện bản thân và thành công hơn trong sự nghiệp của mình.

Điểm mạnh lớn nhất của tôi chính là không sợ thất bại. Nếu sợ thất bại, mình sẽ không dám bước tiếp. Tuy nhiên, tôi biết cách làm thế nào để hạn chế rủi ro, biết cách kiềm chế bản thân trước những cảm xúc bốc đồng.

* Anh tự tin điều hành DN theo cách của riêng mình?

- Không hẳn như vậy. May mắn lớn nhất của tôi là được ở gần và học hỏi nhiều bài học quý giá từ mẹ, những người bạn của mẹ và các CEO của những tập đoàn nổi tiếng trên thế giới. Điểm mạnh lớn nhất của tôi chính là không sợ thất bại. Nếu sợ thất bại, mình sẽ không dám bước tiếp. Tuy nhiên, tôi biết cách làm thế nào để hạn chế rủi ro, biết cách kiềm chế bản thân trước những cảm xúc bốc đồng. Biết tính toán khoa học dựa trên quy luật vận động của thị trường.

* Cụ thể, khi gánh vác vai trò CEO tại Công ty CP Thực phẩm Bình Tây, anh định hướng phát triển DN như thế nào?

- Là một công ty trong Tấn Hưng Goup, ngay tên gọi đã định vị sản phẩm của chúng tôi đó là chuyên sâu về chế biến các mặt hàng nông sản, thực phẩm chất lượng mang đẳng cấp quốc tế (bằng chứng là những đơn hàng xuất khẩu đến nhiều thị trường cực kỳ khó tính như Mỹ và các nước châu Âu). Tôi cho rằng, sự minh bạch của nhà sản xuất là điều kiện tiên quyết, về chất lượng. Mình luôn luôn phải là khách hàng đầu tiên của các sản phẩm do mình làm ra. 

Trong công việc và điều hành công ty, tôi luôn khuyên mọi người phải gạt bỏ hai chữ “không thể”, bởi vì với tôi, việc gì cũng có thể làm và chỉ đạt được khi bản thân có niềm tin và lòng quyết tâm. Hơn nữa, trong kinh doanh và sản xuất phải thành thật vì điều đó sẽ mang lại thành công cho DN, hạnh phúc và an lạc cho một CEO.

* Phải chăng mẫu số chung trong vai trò tiếp quản điều hành DN giữa hai thế hệ tiếp nối không chỉ ở Việt Nam mà bất kỳ nơi nào cũng vậy: Lớp người kế cận thường năng động, sáng tạo, có kiến thức chuyên sâu, quản lý điều hành bài bản hơn, cấp tiến hơn và cũng nuôi nhiều tham vọng lớn hơn lớp người đi trước?

- Mỗi ngày làm việc là một ngày đi học mới. Khi làm công ty nước ngoài, tôi luôn đặt lợi ích của tập đoàn lên trên hết và làm việc hết mình, điều đó cho tôi những kinh nghiệm quý giá. Trở về tiếp quản vị trí CEO, tôi phải đặt lợi ích của người lao động và cộng sự của mình lên hàng đầu, bởi chính họ là những nhân tố làm nên sự lớn mạnh của DN. Nếu so đo hơn thua, được mất trong sự phát triển DN giữa người này với người khác, thời điểm này với bối cảnh kinh tế xã hội khác thì sẽ không công bằng hợp lý, không đánh giá đúng bản chất, vai trò cá nhân trong sự thành công hay suy yếu của một thương hiệu. Cho nên, không có một mẫu số chung hay một công thức nào làm thước đo năng lực, giá trị của một CEO ngoài trí tuệ, sự khôn ngoan, nhạy bén và một tinh thần cầu thị, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ví như bức tường, người ta xây lên không phải để ngăn những người đủ ý chí và muốn vượt qua nó, mà chỉ để ngăn những ai dừng bước trước nó mà thôi. Tham vọng lớn hay nhỏ không phụ thuộc thế hệ này hay thế hệ khác mà ở tư duy, tầm nhìn và khát vọng có đủ lớn để hiện thực hóa ước mơ chinh phục thị trường, làm nên giá trị, đẳng cấp của thương hiệu mà mình được kế thừa. 

* Nói đến sự kế thừa và phát triển phải nói đến nền tảng xã hội, tiềm năng khai thác thị trường, nguồn nguyên liệu, sức lao động, môi trường kinh doanh và nhiều yếu tố khác. Anh đánh giá các vấn đề này như thế nào?

- Việt Nam là một thị trường tiềm năng xét ở mọi khía cạnh: Là thị trường tiêu thụ hàng hóa khổng lồ với gần 100 triệu dân, là đất nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, có nguồn nhân lực trẻ, có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm hàng hóa ở nhiều lĩnh vực, có cơ chế quản lý nhà nước đổi mới năng động... Đây là môi trường vô cùng thuận lợi để các DN tận dụng cơ hội vàng, tạo đà bứt phá cho DN của mình. Tiêu chí của tôi là luôn đổi mới, nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm chất lượng nhất trong lĩnh vực thực phẩm và đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch, an toàn, tốt cho sức khỏe và niềm tự hào khi sử dụng sản phẩm do người Việt Nam làm ra. 

Có một câu nói tôi rất tâm đắc đó là: “Người thông minh sẽ biết học ngay từ sai lầm của mình, và người thông thái sẽ biết học từ sai lầm của người khác”.

* Hiện tại, Bình Tây tập trung cho những mặt nào, ưu tiên phát triển những thị trường nào, thưa anh?

- Công ty có trên 20 dòng sản phẩm gồm các loại mì, phở, bún, miến, bánh hỏi, nước tương, ống hút gạo... Đặc biệt, sản phẩm chủ đạo là mì chay Lá Bồ Đề đã trở thành nhãn hiệu huyền thoại của công ty hơn 50 năm qua. Hiện tại, chúng tôi đã có hệ thống phân phối hơn 100 đại lý và các siêu thị khắp cả nước và xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, Canada, New Zealand, các nước châu Âu như Pháp, Hà Lan... Mục tiêu của tôi là chăm sóc tốt khách hàng hiện tại và mời đón hách hàng tiềm năng ở các thị trường mới.

Với tiêu chí “Hàng Việt vì người Việt - chất lượng là thương hiệu và trách nhiệm”, chúng tôi luôn xem bản thân là sự thách thức để vượt qua, để làm tốt hơn, nhằm rạng danh thương hiệu Việt Nam trên toàn thế giới.

* Người trẻ có xu thế hướng ngoại, thích ứng nhanh với cuộc sống hiện đại. Sau khi du học thường tìm cách ở lại làm việc và mong được định cư tại các quốc gia phát triển. Anh lại chọn con đường trở về. Hỏi thật, nếu không vì kế tục DN anh có chọn cách khởi nghiệp ở Việt Nam không?

- Mỗi người có một chí hướng và hoàn cảnh riêng. Tôi yêu đất nước Việt Nam và cảm nhận được sự may mắn của bản thân là có thể quay về và góp sức mình vì sự phát triển của cộng đồng. Được trở về để tiếp nối một chặng đường kinh doanh với khát vọng đưa thương hiệu Việt đến với thế giới; tôi tự hào về thành quả, giá trị mang lại lợi ích cho những người nông dân từ sự nghiệp kinh doanh của mẹ. Tôi hy vọng những người thế hệ F2 như chúng tôi có thể chung tay xây dựng một tương lai tốt hơn cho đất nước; góp phần giúp cho dân giàu, nước mạnh.

* Cảm ơn anh. 

Doanh nhân Lê Thị Giàu: Tôi luôn tin tưởng và không can thiệp khi đã chuyển giao

Trong bất kỳ một công ty gia đình nào cũng vậy. Định hướng và chuyển giao thế hệ cho những người kế tục sự nghiệp là một áp lực rất lớn đối với cả hai phía. Con cái trong gia đình các doanh nhân thường có nền tảng học vấn vững chắc, có lối sống hiện đại, có các mối quan hệ xã hội tốt. Họ có thể không cần thừa kế gia sản cũng đủ năng lực để tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình. 

Ở một khía cạnh nào đó, kế tục sự nghiệp đối với họ vừa là trách nhiệm, vừa là sự hy sinh. Chính vì vậy, tôi không đặt ra hay kỳ vọng vào những điều lớn lao khi chuyển giao cho con, chỉ mong con hãy làm việc bằng sự nỗ lực, tình yêu, trách nhiệm và lòng đam mê. Với tôi, của cải vật chất, thương hiệu hay danh tiếng… mà cha mẹ để lại cho con không quan trọng bằng việc con sẽ làm được những gì cho mai sau. Khi đã chuyển giao thì không can thiệp vào điều hành của con và chỉ hỗ trợ khi con cần. 

Doanh nghiệp sẽ phát triển như thế nào không phụ thuộc vào ý chí của lớp người đi trước mà do phẩm chất, năng lực, sự sáng tạo của những người trẻ tuổi. Với CEO Nguyễn Lê Phước Thắng, tôi tin tưởng vào sự đam mê, trình độ và cái tâm của Thắng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nguyễn Lê Phước Thắng - CEO Công ty CP Thực phẩm Bình Tây: Không có điều gì là không thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO