Nâng cao chất lượng dạy và học đại học bằng tình huống doanh nghiệp

Lê Hạnh| 29/06/2022 02:07

Dạy học theo tình huống (case study) là phương pháp dạy học thông qua nghiên cứu trường hợp điển hình, đặt vào vị trí của người ra quyết định để giải quyết vấn đề trong tình huống ấy. Phương pháp dạy học này sử dụng lý thuyết để nghiên cứu và phân tích tình huống có thật trong thực tế, áp dụng các kiến thức lý thuyết vào để phân tích, tìm hiểu, giải quyết vấn đề.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là một trong những trường ngoài công lập chú trọng đầu tư vào chương trình đào tạo (CTĐT) theo chuẩn khu vực và quốc tế, đặc biệt ở khối ngành kinh tế. Trường đã triển khai chương trình giảng viên doanh nhân và phương pháp dạy học theo tình huống để giúp sinh viên có kiến thức thực tiễn. Doanh Nhân Sài Gòn đã có cuộc trò chuyện với TS. Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành về phương pháp giảng dạy này.

* Trường hiện sử dụng giáo trình nào để đào tạo sinh viên khối ngành kinh tế, thưa bà?

- Trường ĐH Nguyễn Tất Thành luôn xác định lấy chất lượng đào tạo làm nền tảng cốt lõi để phát triển bền vững. Tính đến nay, Trường đã có 32,7% tổng số các CTĐT được công nhận đạt chuẩn chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn trong nước và khu vực. Trường luôn đáp ứng tốt những tiêu chí yêu cầu về nguồn học liệu trong giảng dạy và học tập của sinh viên.

Trong thời gian qua, công tác lựa chọn giáo trình/tài liệu tham khảo luôn được Trường chú trọng và giám sát chặt chẽ. Hiện tại, đối với khối ngành kinh tế, Trường sử dụng kết hợp giáo trình nội bộ do giảng viên của Trường biên soạn; giáo trình xuất bản trong nước và giáo trình từ các nhà xuất bản nước ngoài có uy tín. Tùy vào mục tiêu, định hướng đào tạo của CTĐT mà các ngành của khối ngành kinh tế có tỷ lệ giáo trình xuất bản trong nước và giáo trình xuất bản ở nước ngoài phù hợp.

* Được biết Trường đã thực hiện chương trình giảng viên doanh nhân, giúp sinh viên có kiến thức thực tiễn từ các DN. Theo , hình thức giảng dạy này đã hiệu quả như mong đợi chưa?

- Từ năm 2018, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã xác lập nhiệm vụ “liên minh chiến lược gắn kết với các DN và các viện nghiên cứu”, giúp kết nối công tác đào tạo - tuyển dụng với nhu cầu DN, thị trường lao động. Mô hình đào tạo gắn kết với DN đã từng bước được Trường triển khai thực hiện. Đến nay, Trường đã xây dựng được đội ngũ trên 300 doanh nhân, cán bộ quản lý, các chuyên gia, người giỏi nghề tại các tổ chức DN/cơ quan (được gọi là giảng viên doanh nhân - GVDN) trong tất cả các lĩnh vực, có tâm huyết với giáo dục tham gia đào tạo tại tất cả các khoa. Để vận hành mô hình này, thật sự khá kỳ công, trong đó có việc tổ chức các khóa nghiệp vụ sư phạm cho các GVDN định kỳ mỗi quý một lần.

Các GVDN tham gia xây dựng đề cương môn học và giảng dạy các học phần liên quan đến thực hành hoặc tiếp nhận sinh viên đến DN/tổ chức của mình để đào tạo thực hành/thực tập. Ngoài ra, các GVDN còn định kỳ tham gia chia sẻ các chuyên đề về nghề nghiệp và các bài học thực tiễn cho sinh viên, góp phần tích cực vào việc hình thành năng lực nghề nghiệp cho sinh viên trước khi ra trường. Bên cạnh đó, việc hợp tác giữa Trường và DN còn giúp sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận các mô hình học tập, sử dụng cơ sở vật chất được vận hành trong thực tế.

Theo TS. Trần Ái Cầm, cần dung hòa sử dụng tình huống của doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam để đưa vào giảng dạy.

Theo TS. Trần Ái Cầm, giảng dạy ĐH cần dung hòa sử dụng tình huống của doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam 

* Việc giảng dạy bằng tình huống là xu thế ở hầu hết các trường ĐH uy tín trên thế giới, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã áp dụng ra sao?

Dạy học theo tình huống (case study) là phương pháp dạy học thông qua nghiên cứu trường hợp điển hình, đặt vào vị trí của người ra quyết định để giải quyết vấn đề trong tình huống ấy. Phương pháp dạy học này sử dụng lý thuyết để nghiên cứu và phân tích tình huống có thật trong thực tế, áp dụng các kiến thức lý thuyết vào để phân tích, tìm hiểu, giải quyết vấn đề. Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, dạy học theo tình huống là một phương pháp hữu dụng, thường được các giảng viên khối ngành kinh tế áp dụng trong giảng dạy. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên của Trường còn sử dụng các tình huống khởi nghiệp thành công của sinh viên, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường. Cách thức này giúp sinh viên hiểu và ghi nhớ lý thuyết rất tốt.

Bên cạnh đó, tùy từng ngành/học phần, các giảng viên có thể chọn một hoặc kết hợp các phương pháp: diễn giảng, đàm thoại, suy nghĩ - từng cặp - chia sẻ, giải quyết vấn đề, dạy học theo nhóm, dạy học theo dự án, luyện tập và thực hành, đóng vai, tham quan thực tế… để sinh viên có thể tiếp thu kiến thức, tích luỹ kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm tốt nhất.

* Có ý kiến cho rằng các trường ĐH ở Việt Nam chủ yếu dùng giáo trình và tình huống của DN nước ngoài để giảng dạy, như vậy sẽ không sát với bối cảnh xã hội Việt Nam?

- Việc dùng giáo trình và tình huống của DN nước ngoài áp dụng trong giảng dạy thì còn tùy vào mục tiêu CTĐT của từng trường. Theo quy định hiện hành, đối với mỗi môn học tối thiểu phải có 2 giáo trình, 1 tài liệu nước ngoài với những CTĐT hướng đến chuẩn khu vực và quốc tế, đó là yêu cầu bắt buộc. Xét về tỷ trọng thì các chương trình liên kết, CTĐT theo chuẩn khu vực phải bảo đảm 60% nội dung quốc tế và 40% Việt Nam. Riêng CTĐT chuẩn quốc gia, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang sử dụng đa phần giáo trình có nội dung trong nước, chỉ khuyến khích 1 tài liệu nước ngoài. Điều này được thể hiện rõ trong Quy định xây dựng tài liệu tham khảo giáo trình cho môn học ban hành từ cuối năm 2019.

Tuy nhiên, tôi nghĩ cần dung hòa sử dụng tình huống của DN nước ngoài và Việt Nam để đưa vào giảng dạy. Khi chúng ta xây dựng được nguồn học liệu đủ lớn về tình huống doanh nhân, DN Việt Nam thì trong bài giảng, giảng viên có thể so sánh, phân tích sự khác biệt về văn hóa Việt Nam với nước ngoài trong từng tình huống cụ thể.

* Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn hiện đang phối hợp các trường ĐH ở TP.HCM nghiên cứu, xây dựng tình huống doanh nhân, DN Việt Nam để phục vụ việc giảng dạy và học tập, ý kiến của bà về việc này thế nào?

- Tại tọa đàm “Nghiên cứu tình huống của DN đưa vào giảng dạy trong các trường ĐH và cao đẳng tại Việt Nam” do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức ngày 20/4/2022, tôi nhận thấy các trường đều ủng hộ ý tưởng này. Theo đó, Tạp chí sẽ chủ trì, các trường phối hợp thực hiện. Các trường ĐH có thể sử dụng các tài liệu này để xây dựng giáo trình giảng dạy theo case study.

Phương pháp case study được sử dụng tại các trường ĐH thành công hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó việc xây dựng ngân hàng tình huống đóng vai trò rất quan trọng. Tôi cho rằng việc nhiều trường ĐH cùng chung tay với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn xây dựng các “tình huống doanh nhân, DN Việt Nam để phục vụ việc giảng dạy và học tập” sẽ tăng cường giao lưu chuyên môn, học thuật giữa giảng viên các trường, góp phần nâng chất lượng và tính hiệu quả cho các tình huống trong thực tế. 

Nguồn tài liệu này về lâu dài sẽ được phát triển thành một cơ sở dữ liệu lớn, đa dạng và phong phú về tình huống doanh nhân, DN tại Việt Nam, giúp sinh viên khối ngành kinh tế nói chung và các học phần có liên quan sử dụng phương pháp tình huống nói riêng có thể rèn luyện các kỹ năng và tiếp cận sát với thực tế DN.

* Theo , nên xây dựng những tình huống DN như thế nào để việc dạy và học có hiệu quả? 

Để việc xây dựng các tình huống doanh nhân, doanh nghiệp đem đến hiệu quả cho việc dạy và học, theo tôi mỗi ngành cần xác định rõ các môn học cần áp dụng phương pháp tình huống và xây dựng tình huống đa dạng từ báo chí, báo cáo thực tập, luận văn tốt nghiệp hay doanh nghiệp, sau đó cần có đánh giá phản hồi của sinh viên để đo lường hiệu quả và từ đó có bước hoàn thiện. 

TS. Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Tất Thành

- Case study đưa vào giảng dạy thì phải hấp dẫn, cập nhật, điển hình và phù hợp với hệ thống kiến thức cơ sở ngành đã được trang bị trước đó. Điều cần lưu ý: các case study phải là một tình huống cụ thể và đã xảy ra trong thực tế, nhưng tại Việt Nam, việc này sẽ gặp một số khó khăn vì một tình huống thường khó phù hợp với nhiều trường ĐH khác nhau; độ tin cậy thông tin của những tình huống có nhiều bên liên quan như thế nào, vì không biết thông tin đó có chính xác và có ảnh hưởng gì đến các bên liên quan hay không, chưa  kể thông tin tình huống đó có được phép sử dụng, khai thác... hay không?

Để việc xây dựng các tình huống doanh nhân/DN đem đến hiệu quả cho việc dạy và học, theo tôi mỗi ngành cần xác định rõ các môn học cần áp dụng phương pháp tình huống và xây dựng tình huống đa dạng từ báo chí, báo cáo thực tập, luận văn tốt nghiệp hay DN. Sau khi đưa các tình huống vào giảng dạy, cần có đánh giá phản hồi của sinh viên để đo lường hiệu quả và từ đó có bước hoàn thiện. Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn cần thu thập và phối hợp cùng các trường ĐH phân loại, biên tập... các tình huống doanh nhân/DN thành Tài liệu tham khảo dành cho giảng viên và chúng tôi rất ủng hộ sử dụng tài liệu này làm giáo trình giảng dạy.

Riêng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có thể tham gia xây dựng tình huống ở khối ngành kinh tế, lĩnh vực quản trị, ngân hàng hay kế toán, những ngành mà Trường có thế mạnh. Ngoài ra, Trường còn có thể tổng hợp các dự án khởi nghiệp đã thành công từ sinh viên, đội ngũ cán bộ, giảng viên đang công tác tại Trường.

Bên cạnh đó, khi nghiên cứu, xây dựng những tình huống này, các bên tham gia cần có thỏa thuận rõ ràng, cụ thể về mức độ đóng góp trước khi triển khai và nên bắt đầu từ cấp độ đơn giản trước. Về bản quyền tác giả, tôi nghĩ, các thầy cô tham gia dự án cần hiểu là mình đang đóng góp cho cộng đồng, xã hội chứ không phải là công trình của cá nhân nữa. Việc nào cũng có khó khăn, quan trọng là chúng ta có quyết tâm thực hiện hay không.

* Nhằm khuyến khích sinh viên tham khảo và học tập các tấm gương doanh nhân Việt Nam, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã trao tặng Tủ sách Doanh nhân Việt Nam cho nhiều trường ĐH trên địa bàn TP.HCM, trong đó có Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Tủ sách này được giảng viên, sinh viên của trường đón nhận ra sao? 

- Nhà trường rất trân quý Tủ sách Doanh nhân Việt Nam do Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn trao tặng. Những đầu sách do các doanh nhân viết đã cung cấp nhiều bài học và giá trị sống cho thế hệ trẻ nói chung và giảng viên, sinh viên của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nói riêng. Nội dung của Tủ sách đã tạo cảm hứng về tinh thần khởi nghiệp, giúp sinh viên trau dồi thêm kiến thức từ những trải nghiệm quý báu của các doanh nhân và kinh nghiệm thực tế của DN.

Tủ sách được trưng bày, giới thiệu tại thư viện Trường và được nhiều giảng viên, sinh viên của Trường đón nhận và mượn đọc. Dự kiến trong tháng 7/2022, thư viện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ triển khai chương trình “Tuần lễ đọc sách Doanh nhân Việt Nam” nhằm khuyến khích sinh viên toàn Trường cùng đọc sách, chia sẻ những kiến thức bổ ích thu nhận được từ sách.

* Cảm ơn những chia sẻ của bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nâng cao chất lượng dạy và học đại học bằng tình huống doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO