"Mỗi bệnh nhân là một bài học thực tế"

LỮ Ý NHI (thực hiện) - Ảnh: CÔNG TOẠI| 26/06/2010 08:56

Lắm lúc thấy nghề thầy thuốc cũng khổ, vừa là tội đồ của lãnh đạo, vừa là tội đồ của bệnh nhân..."

Xem nhật ký làm việc của BS Nguyễn Hoài Nam mới thấy sức làm việc của ông thật đáng nể. Bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào lúc 21 giờ mỗi ngày, liên tục những ca mổ, khám bệnh; cơm ăn vội, nghỉ ngơi tranh thủ, vậy mà không bao giờ ông vắng mặt trong các buổi hội thảo, khám bệnh từ thiện.

Ngoài ra, ông còn viết bài đều đặn trên các báo. Hẹn gặp lúc 8 giờ sáng nhưng đến gần trưa ông mới dứt công việc. Nhìn đồng hồ, ông giật mình: “Chà, gần 12 giờ mà cứ ngỡ mới 9 giờ sáng. Với tôi, thời gian trôi qua nhanh hơn bóng ngựa câu qua cửa sổ”...

* Bận rộn vậy, thời gian nào để ông viết báo, viết sách và cả làm thơ nữa?

- Từ nhỏ tôi đã mê đọc sách. Khi làm bác sĩ, tôi chọn viết lách như một cách để giảm stress - một cách để sống trong mọi chiều của cuộc sống. Mà không hiểu sao, mỗi lần ngồi trước máy tính là chữ tuôn ra, khi thì viết nhật ký, lúc viết báo, viết sách, trả lời các câu hỏi của báo chí, viết ký sự, phóng sự ghi lại những điều đã trải qua và chiêm nghiệm...

Có thể nói, ngoài công việc chuyên môn, niềm vui lớn nhất của tôi là được cầm trên tay những tác phẩm, bài viết của mình. Tuy đã xuất bản nhiều cuốn sách như: Viết từ bệnh viện, Nửa đêm xuống phố, Câu chuyện y khoa, Cập nhật điều trị bệnh Basedow, Cập nhật điều trị ngoại khoa lồng ngực - tim mạch, Phẫu thuật nội soi lồng ngực..., nhưng mỗi lần sách chuẩn bị ra, tôi vẫn thấy hồi hộp, háo hức.

Tôi không có nhiều thời gian, nên thường viết trong lúc chờ giữa hai ca khám bệnh. Và đã thành thói quen, đêm nào tôi cũng phải đọc
sách khoảng 15 phút. Tôi đọc sách chuyên môn, tiểu thuyết, truyện ngắn. Thậm chí khi đi công tác cũng mang truyện theo đọc.

* Nếu ai đó muốn tìm hiểu tiểu sử trích ngang của mình, ông sẽ nói gì?

- Sinh năm 1961 tại Hà Nội, hiện là Tiến sĩ Y học - bác sĩ chuyên khoa cấp II Phẫu thuật lồng ngực và Tim mạch, Phó giáo sư – nguyên Chủ nhiệm Phân môn Phẫu thuật lồng ngực và Tim mạch Đại học Y Dược TP.HCM, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM, Trưởng phòng khám Lồng ngực Mạch máu BV Đại học Y Dược TP.HCM. Thích ngao du, tán gẫu với bạn bè. Thú vui nhất là ban đêm, khi công việc dừng, đứng dưới vòi sen xối nước ấm toàn thân, sau đó nghe nhạc nhẹ và uống một chai bia, để đầu óc hoàn toàn trống rỗng, không nghĩ gì cả, không cần biết ngày mai mình sẽ mổ bao nhiêu ca...

* Nhiều người cho ông là người lãng mạn, tính cách phóng khoáng, có vẻ không hợp lắm với nghề y. Mà nghe đâu ông cũng có “tay” làm kinh doanh?

- Tôi đến với nghề y rất tình cờ. Từ bé tôi đã sợ người chết, mỗi lần đi qua bệnh viện, nhà xác là nhắm mắt bước thật nhanh. Hồi nhỏ, nghe người lớn dọa ma, hình dung một con ma trắng toát nên tôi sợ vô cùng cái áo blouse trắng của bác sĩ. Vậy mà có lần bị đau bụng phải nằm viện, tôi còn nhớ được bác sĩ Ngự điều trị, cứ hễ bàn tay ông đặt trên bụng sờ sờ, nắn nắn, tự nhiên thấy hết đau, khi ông đi khỏi thì lại đau. Nên mỗi lần ông đứng bên cạnh, tôi thấy yên tâm, và bắt đầu “thiện cảm” với bác sĩ.

Mẹ mất sớm, một mình bố phải nuôi hai anh em tôi ăn học rất chật vật, vì vậy khi tôi học hết lớp 12, bố tôi đã khuyên thi ngành xây dựng (vì chỉ học 4 năm). Nhưng một bạn gái trong lớp lại bảo: “Cậu nên thi y khoa, vì tớ thấy cậu có khả năng”. Rồi cô tự đi mua hồ sơ nộp cho tôi. Năm đó, tôi đậu Trường Đại học Y khoa TP.HCM.

Tốt nghiệp với kết quả loại giỏi, tôi được trường giữ lại giảng dạy. Nói thật, nếu chỉ trông vào đồng lương dạy học và bác sĩ thì cuộc sống của vợ con tôi chỉ tàm tạm đủ ăn. Vì vậy, tôi vừa mở phòng khám tư, vừa kinh doanh bất động sản, và nhờ “mát tay” kinh doanh nên cuộc sống khấm khá hơn, yên tâm hơn để theo nghề y mà không bị “cơm áo gạo tiền” chi phối.

Năm 1992, tôi sang Pháp học nghiên cứu sinh 2 năm ngành phẫu thuật mạch máu. Nghề thầy thuốc là nghề làm học sinh suốt đời, vì phải nghiên cứu, cập nhật kiến thức liên tục, và mỗi bệnh nhân là một bài học thực tế.

* Được biết, cha ông từng là cán bộ có chức và quen biết nhiều. Điều đó có giúp gì cho sự nghiệp của ông?

- Bố tôi là người liêm khiết, chẳng bao giờ lấy quan hệ để làm bệ đỡ cho con cái. Bố tôi thường khuyên: “Sức các con đến đâu, học đến đó, nhưng tuyệt đối không được bỏ học. Điều đáng sợ nhất của con người là không tự đi trên đôi chân của mình”. Nói thật, hồi đó thấy nhiều người chẳng học hành gì vẫn có những cơ hội tốt, tôi cũng hơi giận bố. Nhưng bây giờ ngẫm lại mới cám ơn bố. Nhờ bố mà tôi đã tự đi trên đôi chân của mình. Nhờ bố mà tôi học được sự vị tha, sống có nghĩa có tình.

* Kỷ niệm nào với cha mà ông nhớ nhất?

- Tuy cuộc sống không mấy dư dả, nhưng mỗi khi lãnh lương, bố đều trích một khoản tiền cho tôi mua sách, rồi mua nửa ký thịt bò về xào khoai tây cho anh em tôi “chén” thỏa thích. Vì thế, vào ngày giỗ bố, trên mâm cơm gia đình tôi không bao giờ thiếu đĩa khoai tây xào thịt bò...

* Trong “Nhật ký một ngày làm việc”, ông có nhắc đến một ca bệnh cuối ngày. Dường như ông có “nỗi niềm” từ ca bệnh này?

- Đó là một ngày như mọi ngày, chỉ khác là năm mới sắp về. Tôi đang chuẩn bị đóng cửa phòng khám thì có điện thoại gọi đến: “Bác sĩ đã về chưa? Xin đợi tôi một chút, tôi đưa bố tôi đến khám, ông cụ bị bí tiểu”. 5 phút sau, ba người đưa một cụ ông khoảng 80 tuổi, gầy hom hem, mặt nhăn nhó đau khổ vào phòng mạch.

Ông cụ bị bí tiểu từ chiều, nhưng người nhà ai cũng bận lo công việc cuối năm đến hơn 9 giờ mới về nhà để đưa bố đi khám bệnh. Thông tiểu cho cụ xong, tôi dặn người nhà tối hôm sau đưa cụ lại để thay ống thông tiểu. Bệnh nhân bị u xơ tiền liệt tuyến gây bí đái, phải mổ cắt tuyến tiền liệt qua nội soi mới hết được.

Cả ba người nhà của bệnh nhân đều thở dài: “Thôi để sang năm mới bác sĩ ạ. Bây giờ chúng tôi bận quá không có ai để chăm nom cho cụ”. Tôi thấy có gì đó nằng nặng trong lòng sau câu trả lời ấy. Vòng quay mưu sinh khiến con người cứ phải đua chen, đến không còn thời gian để quan tâm, chăm sóc cho nhau, ngay cả với cha mẹ...

* Nghe nói hiện ông làm cố vấn cho cả phòng khám Minh Đức và Bệnh viện Minh Anh. Theo ông, quản lý một bệnh viện khó nhất là gì?

- Đó là con người. Với giới trí thức lại càng khó! Mình không thể to tiếng, cũng không thể quá thẳng thắn với họ, mà phải biết lựa lời, lựa lúc. Ngày trẻ tôi cũng nóng tính lắm, nhưng những khó khăn trong cuộc sống dạy cho tôi biết chịu đựng; sự va vấp dạy tôi biết bình tĩnh; làm quản lý dạy tôi biết mềm mỏng.

Tôi thường nói với mọi người: “Đây là nồi cơm chung. Tuy mọi người không góp vốn nhưng hãy cùng góp lửa, góp gạo, góp nước để nấu nồi cơm đó. Khi cơm chín, anh em sẽ được chia sẻ”. Để có đội ngũ nhân viên đoàn kết, tập thể mạnh thì phải xây dựng được cái nền văn hóa giao tiếp trong bệnh viện.

* Ông có tâm tư gì về nghề thầy thuốc muốn chia sẻ không?

- Điều tôi tâm tư nhất là làm sao xây dựng được văn hóa khám bệnh, văn hóa ứng xử giữa các bác sĩ và các bệnh viện. Tôi nói vậy vì hiện nay có không ít bác sĩ, bệnh viện khi nhận bệnh nhân từ bệnh viện khác đến thường có ý chê bai “đội bạn”, thậm chí có vị còn không cần xem toa điều trị của bác sĩ trước.

Về phía bệnh nhân, cũng đừng coi bác sĩ là “thiên thần”. Họ cũng là con người, cũng có lúc mệt, có lúc không vui, không thể lúc nào cũng niềm nở được. Nhiều bệnh nhân coi mình là “thượng đế” nên có đòi hỏi hơi quá. Lắm lúc thấy nghề thầy thuốc cũng khổ, vừa là tội đồ của lãnh đạo, vừa là tội đồ của bệnh nhân.

* Thế còn y đức - vấn đề đang được xã hội đề cập nhiều hiện nay, thưa ông?

- Đạo đức y khoa đi xuống, như chuyện phong bì cho bác sĩ chẳng hạn, là có, nhưng chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, so với nhiều lĩnh vực khác thì cũng chỉ như “muối bỏ bể”. Theo tôi, nếu không phải bác sĩ làm khó, vòi vĩnh hoặc đề nghị, mà tự gia đình bệnh nhân đưa quà tặng với tấm lòng trân trọng, sự gửi gắm, lòng biết ơn thì cũng không có gì đáng lên án, không có gì gọi là xuống cấp về đạo đức.

 Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Mỗi bệnh nhân là một bài học thực tế"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO