Khi vợ thất bại

AN TÂM| 04/09/2009 07:08

Khi người đàn ông trụ cột gia đình thất bại trong làm ăn, người vợ là nguồn động viên, sát cánh cùng chồng vượt qua khó khăn là chuyện bình thường. Nhưng nếu tình huống ngược lại thì sao?

Khi vợ thất bại

An tâm

Khi người đàn ông trụ cột gia đình thất bại trong làm ăn, người vợ là nguồn động viên, sát cánh cùng chồng vượt qua khó khăn là chuyện bình thường. Có nhiều người vợ đã cùng chồng không chỉ vượt qua bão tố, mà còn gầy dựng lại được cơ ngơi đã mất. Nhưng nếu tình huống ngược lại thì sao?

Phủi tay 

Chị Trâm là chủ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vật liệu xây dựng, có một cửa hàng và một chiếc xe tải chở hàng đến các công trình. Nghe lời rủ rê của chị bạn cũng là chủ doanh nghiệp, chị lấy về một lô hàng sơn nước trị giá khá cao. Chứng từ đứng tên chị Trâm mua trực tiếp từ nhà sản xuất và khoản huê hồng hậu hĩnh cùng lời hứa hẹn của chị bạn: “Cứ nhập về kho của em đi, không tiêu thụ hết chị sẽ lấy lại cho”. Một tháng, hai tháng, rồi một năm, hai năm... lô hàng sơn nước không bán được, tồn kho quá lớn, hạn sử dụng sắp hết. Chị Trâm chưa kịp gọi chị bạn để thương thảo như trong “hợp đồng miệng” ban đầu, thì nhận được giấy báo của nhà sản xuất đề nghị thanh toán tiền nợ quá lâu. Khi chị Trâm đề nghị chị bạn lấy lại lô hàng sơn nước thì chị ta phủi tay: “Chị cũng còn cả kho kia kìa. Thôi em ráng tự giải quyết đi, tìm nhà thầu nào đó bán rẻ hay tăng huê hồng nếu họ tìm được chỗ tiêu thụ giúp”. Lúc này chị Trâm mới biết mình bị lừa. Bàn với chồng, chị gặp ngay một gương mặt lạnh tanh: “Tui nói rồi, ai biểu cứ tin người. Bà tự làm, tự gánh”.

Không có tiền trả nợ, thêm tâm lý bị bạn lường gạt, lại không nhận được sự cảm thông của chồng, khi nhà sản xuất phát đơn kiện, chị Trâm gán tài sản để trả nợ. Chị nghĩ, với tài sản chung, chồng chị sẽ sốt ruột mà cùng chị giải quyết.

Thế nhưng, sự đời lại không đơn giản. Theo luật, chị là giám đốc, phần nợ chỉ mình chị trả, phần tài sản nào của doanh nghiệp là của chị, phần tài sản chung chia hai, nếu gán nợ phải có sự đồng ý của chồng. Thế là, phần tài sản của chị mang ra trả nợ, còn phần kia, sau khi định giá, chồng chị ôm hết đi theo người khác, chẳng cần biết chị và hai đứa con sẽ sống ra sao với tài sản sau khi trả nợ gần như chẳng còn gì.
Có một dạo, ở tỉnh H., dư luận râm ran về chuyện một cô giáo bị vỡ nợ hàng tỷ đồng do vay tiền để xây nhà và buôn bán hóa chất (chồng cô giáo có cửa hàng bán hóa chất). Chồng cô không chịu bán nhà trả nợ, để mình cô xoay xở, sau đó họ ly dị. Quá bế tắc, cô giáo uống thuốc tự vẫn.

Thuận vợ, thuận chồng

Chị Ánh là thầu đề, “làm ăn” thuận lợi một thời gian khá lâu. Từ chỗ là nhân viên bán hàng, sau đó công ty bị giải thể, hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, chị phất lên, cất nhà, sắm sửa không thiếu một thứ gì. Say với đồng tiền kiếm được quá dễ, chị Ánh “khuếch trương” ngày càng nhiều dây đề con. Anh Tâm, chồng chị, vốn là một công chức hiền lành, không đồng tình với việc làm ăn phi pháp của vợ, anh góp ý chị nên dừng lại. Bỏ ngoài tai lời khuyên của chồng, chị bĩu môi: “Lương tháng hai triệu của ông không đủ chi phí cho mình ông, không làm lấy gì nuôi con cái”. Và thế là chị trượt dài cho đến khi vỡ nợ. Tiền cờ bạc là của phù vân, chóng đến mà cũng chóng đi. Tuy đã cảnh báo vợ trước rồi mà chị không nghe, nhưng khi xảy ra chuyện, anh Tâm chẳng nặng nhẹ vợ tiếng nào. Sau cú vỡ nợ, chị Ánh biết an phận, nhận mành ốc về gia công. Mỗi tối, nhìn anh Tâm phụ chị xâu từng dây ốc mới thấy anh thương vợ đến chừng nào. Thỉnh thoảng anh lại dí dỏm động viên chị: “Có ít ăn ít, người ta có tiền uống ly rau má 3.000 đồng, mình ít tiền mua 2.000 đồng rau má về xay được bốn ly. Mẹ nó đừng lo nghĩ nhiều quá mà sinh bệnh”.

Anh Hùng là tài xế xe tải, chân chỉ hạt bột, chỉ lo làm ăn, kiếm được bao nhiêu đem hết về cho vợ, cuộc sống gia đình ở mức trung bình. Một hôm đi làm về, anh thấy hàng xóm xúm đông ở cổng, lúc đó anh mới biết là chị Oanh, vợ anh, mắc nợ gần ba trăm triệu đồng. Anh hỏi, chị nói bị giật hụi. Vốn là người đàng hoàng, anh vay mượn anh chị em ruột gom đủ số cho chị Oanh trả nợ. Trong khi hết mẹ chồng rồi đến em dâu chì chiết chị Oanh không tiếc lời thì anh chẳng trách cứ vợ một câu. Thấy chị buồn, anh lại động viên: “Của đi thay người, em đừng buồn, vui vẻ sống để lo cho con”. Giờ đây, mỗi khi nhắc lại chuyện xưa, chị Oanh luôn nói: “Mình biết ơn ảnh vô cùng, tấm lòng bao dung của ảnh đã giúp mình vượt qua bão tố”.

Những trường hợp đối nghịch ở trên cho thấy, lời người xưa bao giờ cũng đúng: đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn. Người vợ ham muốn, khát khao làm giàu là cũng chỉ muốn đem lại sự no đủ cho chồng con. Một khi vợ sa cơ, sự động viên, an ủi của chồng chính là liều thuốc quý vực họ dậy. Để vợ một mình chống chọi với bão tố, đùn đẩy trách nhiệm để được yên thân, liệu lương tâm người chồng có được bình yên?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi vợ thất bại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO