“Hiệu quả kinh doanh phải gắn với lợi ích cộng đồng”

QUẾ DƯƠNG (thực hiện)| 31/12/2009 09:20

Gắn bó với Tổng công ty Bến Thành gần 20 năm ở vị trí “đầu tàu”, nhưng ông vẫn rất kiệm lời khi nói về bản thân và điều duy nhất mà ông thổ lộ là “Tôi đang cố làm thật tốt công việc được giao”.

“Hiệu quả kinh doanh phải gắn với lợi ích cộng đồng”

Sau gần bốn năm gặp lại, cảm nhận của tôi về ông Trần Hồng Tâm vẫn... như cũ. Gắn bó với Tổng công ty Bến Thành gần 20 năm ở vị trí “đầu tàu”, nhưng ông vẫn rất kiệm lời khi nói về bản thân và điều duy nhất mà ông thổ lộ là “Tôi đang cố làm thật tốt công việc được giao”. Đây cũng chính là thông điệp ông muốn chia sẻ với độc giả của Doanh Nhân Sài Gòn: Hiệu quả kinh doanh của mỗi doanh nghiệp chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó gắn với lợi ích của cộng đồng.

* Trước thềm năm mới, nếu làm một cuộc tổng kết nho nhỏ thì ông đánh giá thế nào về hiệu quả kinh doanh của Benthanh Group (BTG) trong năm 2009?

Hội đồng quản trị - Ban Giám đốc Benthanh Group

- Khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế trên toàn thế giới đã tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp thuộc hệ thống BTG. Trong bối cảnh đó, việc duy trì các chỉ tiêu kế hoạch so với cùng kỳ 2008 là rất khó khăn. Tuy nhiên, BTG đã tập trung mọi nguồn lực với nỗ lực cao nhất để giảm thiểu sự sút giảm trong sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống người lao động và phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm. Chỉ tiêu lợi nhuận hợp nhất 272 tỷ với vốn đầu tư 1.168 tỷ, đạt tỷ lệ 23% là thành quả đáng khích lệ đối với các doanh nghiệp trong toàn hệ thống BTG.

Mặt khác, việc BTG được UBND TP.HCM công nhận là doanh nghiệp đứng đầu cụm thi đua khối các tổng công ty và được nhận Cờ thi đua của Chính phủ cho năm 2008 cũng là niềm vui lớn của chúng tôi. Những kết quả này sẽ là tiền đề để BTG tự tin vượt qua mọi khó khăn phía trước, tiếp tục đạt được những kết quả tốt hơn trong năm 2010.

* Vậy, đâu là khó khăn lớn nhất của BTG trong năm qua? Và giải pháp mà Tổng công ty đã áp dụng là gì?

- Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là phải tìm ra giải pháp để ổn định tình hình tài chính, cân đối giữa các sản phẩm - dịch vụ và hoạt động sản xuất để có thể trụ vững trong sự biến động của nền kinh tế. Chính vì nhận thức rõ những khó khăn này mà từ đầu năm 2008, chúng tôi đã có sự chuẩn bị chu đáo. Anh em trong Đảng bộ, HĐQT, ban Tổng giám đốc đã chia nhau đi xuống các doanh nghiệp thành viên nắm bắt tình hình thực tế để cùng với từng doanh nghiệp tìm ra giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, hằng quý, chúng tôi đều tổ chức hội nghị nhằm đánh giá những khó khăn tiếp theo và cùng tìm cách ứng phó.

Những cột mốc đáng nhớ

- Tháng 12/2007: Thành lập Tổng công ty Bến Thành
- Năm 2003: Được UBND TP.HCM chọn làm thí điểm thực hiện mô hình Công ty mẹ - Công ty con
- Năm 2009: Đổi tên thành Benthanh Group, thay đổi logo và slogan. Quy mô Tổng công ty phát triển gấp 4 lần so với khi thành lập và bao gồm 43 doanh nghiệp thành viên.

Chính sự sâu sát này đã giúp ban lãnh đạo BTG nhìn ra bức tranh tổng thể để từ đó có chương trình hành động phù hợp. Và nhờ vậy mà trong hai năm 2008 - 2009, các chỉ tiêu kế hoạch đều đạt, không để xảy ra lỗ lã ở các doanh nghiệp thành viên; hàng tồn kho, nợ khó đòi đều được khống chế và không để xảy ra rủi ro.

* Ông từng nói, thách thức bao giờ cũng đi liền với cơ hội và ngược lại. Trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, BTG có tìm ra cơ hội cho riêng mình?

- Chính trong khủng hoảng, chúng tôi đã có điều kiện để đánh giá lại nội lực của Tổng công ty về mọi mặt: tài chính, cấu trúc vốn, nguồn nhân lực, đội ngũ quản trị... để từ đó có sự sắp xếp, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Đây là lúc để đội ngũ quản trị của Tổng công ty nói chung và các doanh nghiệp thành viên nói riêng thể hiện bản lĩnh của mình trong việc điều hành. Quá trình dám đương đầu với thách thức và tìm cách thoát khỏi khó khăn sẽ chứng tỏ sự tự chủ và sáng tạo của đội ngũ quản lý.

Trên thực tế, lúc đó đã có đơn vị gần như phá sản và ban lãnh đạo Tổng công ty đã cùng với họ tính toán lại rồi đi đến quyết định chuyển dịch cơ cấu cho phù hợp. Kết quả là cho đến nay, đơn vị này đã “sống được” và đang có cơ hội phát triển.

* Tại sao BTG lại chọn thời điểm này để thay đổi logo và slogan, thưa ông? Sự thay đổi hệ thống nhận dạng thương hiệu này có ý nghĩa như thế nào đối với chiến lược phát triển lâu dài của Tổng công ty?

- Thật ra, từ đầu năm 2008 chúng tôi đã có sự chuẩn bị cho việc thay đổi logo và slogan. Về điều kiện chủ quan, đến năm 2008, chúng tôi đã có 43 doanh nghiệp thành viên, kinh nghiệm quản trị - điều hành đã được tích lũy, nguồn nhân lực đủ sức cho mọi hoạt động. Còn về điều kiện khách quan thì Việt Nam đã gia nhập WTO, nền kinh tế quốc gia nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng phải hội nhập để tồn tại và phát triển.

Trước tình hình đó, BTG phải suy tính đến việc tăng cường nội lực và quảng bá thương hiệu một cách sâu rộng hơn. Để làm được điều này, chúng tôi quyết định thay đổi logo và slogan để thể hiện “Tầm nhìn mới, giá trị mới”. Theo chúng tôi, khi đi vào “thế giới phẳng” với cả thế và lực đã đủ tầm thì sự thay đổi logo và slogan là hợp lý và cần thiết.

* Trong định hướng phấn đấu trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành, đâu sẽ là lĩnh vực mũi nhọn của BTG?

- Mục tiêu chiến lược của BTG là xây dựng Tổng công ty trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành, đa sở hữu với phương thức trực tiếp kinh doanh và đầu tư tài chính vào hai lĩnh vực dịch vụ và sản xuất. Trong đó, dịch vụ là lĩnh vực mũi nhọn có ý nghĩa quyết định cả về quy mô lẫn nhịp độ và chất lượng tăng trưởng. Chúng tôi sẽ phát huy thế mạnh của BTG về mọi mặt (con người, vốn, cơ sở hạ tầng...) để vừa phát triển các hoạt động sản xuất - kinh doanh truyền thống, vừa mở thêm thị trường mới, đột phá vào một số ngành, lĩnh vực mới mà Tổng công ty có lợi thế cạnh tranh.

* Trong một cuộc gặp gỡ cách đây hơn ba năm, ông có nói rằng khó khăn lớn nhất mà ông đang phải đối diện là bài toán nhân lực. Vậy ông đã giải bài toán này như thế nào? Hiện tại, liệu ông đã tự tin về đội ngũ nhân lực của mình?

- Cách đây khoảng bốn năm, bài toán nhân lực là một khó khăn lớn không chỉ với BTG, mà còn với nhiều doanh nghiệp trên cả nước, khi Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập WTO. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của nguồn nhân lực, Đảng ủy, HĐQT, ban Tổng giám đốc BTG đã từng bước khắc phục, đề ra giải pháp củng cố, đào tạo lại, đồng thời tuyển dụng mới và tìm kiếm lực lượng trẻ tại các trường đại học. Với cách làm này, chúng tôi đã từng bước thay đổi cả về chất và lượng của nguồn nhân lực.

Hiện nay, để thực hiện chiến lược phát triển lâu dài của BTG, nguồn nhân lực vẫn là một trong những vấn đề mà chúng tôi quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, bài toán này không còn nan giải như cách đây ba năm.

* Một trong những nhiệm vụ quan trọng của người lãnh đạo là ra quyết định. Trong gần 20 năm ở vị trí lãnh đạo BTG, quyết định nào của ông là đáng giá nhất?

- Khi thành lập, Tổng công ty Bến Thành đã có một hệ thống doanh nghiệp, nhưng lại được quản trị theo kiểu hành chính. Khi chuyển đổi sang mô hình công ty mẹ - công ty con, tôi đã nghĩ đến việc phải thay đổi hình thái hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong toàn hệ thống và bắt đầu đề xuất xây dựng lại chiến lược của Tổng công ty.

Nghị quyết 03 về đổi mới cơ chế cho phép doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc công ty TNHH quả là một tin vui đối với chúng tôi. Cho đến nay, mô hình công ty mẹ - công ty con với hàng loạt doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa đã tạo ra sự tự chủ và sáng tạo rất đáng khích lệ, doanh thu và lợi nhuận hầu hết đều tăng từ 3 - 10 lần so với khi chưa chuyển đổi.

Trong một chương trình từ thiện

Mặt khác, sự chuyển đổi này cũng giúp chúng tôi thu hút thêm nhiều người giỏi từ bên ngoài, từ đó giúp cho đội ngũ quản trị có điều kiện cọ xát để thực hiện một cách tốt nhất nghĩa vụ với cổ đông. Cũng từ đây, chiến lược của Tổng công ty được định hình rõ nét về mọi mặt, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng nhanh.

Gần 20 năm gắn bó với BTG, quyết định đáng giá nhất của tôi là đã cùng với HĐQT xây dựng chiến lược cho sự phát triển của Tổng công ty giai đoạn 2006 - 2015. Theo đó, việc cấu trúc vốn, nguồn nhân lực... để đảm bảo cho việc chuyển dịch cơ cấu đầu tư và kinh doanh đã mang lại sự tăng trưởng khá nhanh trong 5 năm qua. Cho đến nay, đây vẫn là một chiến lược đúng đắn và khả thi.

* Quản trị công ty hiện đại đồng nghĩa với phân việc và phân quyền. Ông đã làm điều này như thế nào ở BTG?

- Như đã nói ở trên, BTG hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với hệ thống gồm 43 công ty thành viên, liên doanh, liên kết. Tại các công ty thành viên, chúng tôi quản lý vốn đầu tư thông qua việc cử đội ngũ cán bộ có năng lực làm người đại diện vốn tham gia HĐQT và ban điều hành doanh nghiệp.

Hoạt động của người đại diện vốn tại các doanh nghiệp thuộc hệ thống Tổng công ty được thực hiện theo Quy chế Quản lý phần vốn và người đại diện vốn của Tổng công ty Bến Thành tại doanh nghiệp khác do HĐQT Tổng công ty ban hành. Về mối quan hệ giữa Đảng ủy, HĐQT và Tổng giám đốc thì ngoài việc tuân thủ Điều lệ và quy chế đã luôn thể hiện được sự thống nhất cả về ý chí, nội dung lẫn phương pháp hành động với một tinh thần trách nhiệm cao.

* Nguyên tắc làm việc của ông là gì? Ông thường mong mỏi điều gì ở các cộng sự của mình?

- Với tư cách là Chủ tịch HĐQT, tôi luôn tuân thủ pháp luật và những quyết định của HĐQT đã được ban hành. Tôi luôn đánh giá cao và mong muốn cộng sự của mình phải có tâm huyết và hoài bão. Dĩ nhiên, để thực hiện được hoài bão thì họ phải có bản lĩnh và trình độ.

* Theo ông, đâu là tố chất quan trọng nhất của một doanh nhân trong thời kỳ mới (giai đoạn 2010 - 2020)?

- Tôi nghĩ, dù trong bối cảnh nào thì người lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần có kiến thức và tầm nhìn để có thể đánh giá xu hướng phát triển của thế giới cũng như sự tiếp cận của đất nước và doanh nghiệp mình dưới cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực. Nếu không có được những tố chất này thì khó mà có sự tính toán lâu dài được.

Nói gì thì nói, trong xu thế phát triển thì đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp không thể bằng lòng với những gì hiện có, đặc biệt là về mặt kiến thức. Không chỉ phải tự học liên tục mà họ còn phải chuẩn bị một lực lượng đồng hành, kế thừa, đủ sức nhập cuộc và khám phá cái mới. Theo tôi, điều đáng quan tâm nhất hiện nay là tính bền vững của doanh nghiệp (chứ không phải là sự ổn định). Mà muốn đạt đến sự bền vững thì doanh nghiệp phải có sản phẩm - dịch vụ tốt, có văn hóa nhân bản và trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Và hơn ai hết, những người lãnh đạo doanh nghiệp phải là người ý thức sâu sắc nhất về điều này và thể hiện tinh thần tiên phong trong tất cả các mối quan hệ.
* Tôi tin là hầu hết doanh nhân sẽ đồng tình với ông về quan điểm phải tự học liên tục. Vậy, ông thường học bằng cách nào?

- Có rất nhiều con đường để tiếp cận tri thức của nhân loại. Việc cắp sách đến lớp bây giờ là rất khó nên tôi chọn cách học qua sách, báo, internet, thực tiễn công việc, đối tác và đặc biệt là từ những cộng sự của mình. Con người ta không ai có thể biết hết mọi thứ, vậy nên việc học từ những người xung quanh là rất quan trọng, nhất là đội ngũ cộng sự. Họ được đào tạo bài bản và có kỹ năng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ kinh nghiệm của mình, tôi thấy học cách này rất nhanh mà lại mau giỏi (cười).

* Mục đích của người làm kinh doanh là tìm kiếm lợi nhuận. Vậy theo ông, làm thế nào để có thể dung hòa giữa mục tiêu lợi nhuận với trách nhiệm công dân của một doanh nhân? Trong kinh doanh, ông “kỵ” nhất điều gì?

- Doanh nhân trước hết cũng là một công dân. Muốn trở thành một doanh nhân tốt, trước hết phải là một công dân gương mẫu. Theo tôi, mục đích cuối cùng của người làm kinh doanh chân chính đều hướng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và cộng đồng. Và nhìn ở một góc độ nào đó, đây cũng chính là trách nhiệm công dân của một doanh nhân.

“Với tôi, cao hơn lợi ích, lợi nhuận của doanh nghiệp phải là giá trị mang lại cho xã hội. Sự khao khát thành đạt của doanh nhân là chính đáng, nhưng sự thành đạt ấy phải được xã hội thừa nhận thì mới có ý nghĩa”.

Chính vì vậy, việc dung hòa giữa mục tiêu lợi nhuận với trách nhiệm công dân của một doanh nhân là yêu cầu đòi hỏi thường xuyên, thể hiện phẩm cách và đạo đức của người làm kinh doanh. Với tôi, cao hơn lợi ích, lợi nhuận của doanh nghiệp phải là giá trị mang lại cho xã hội. Sự khao khát thành đạt của doanh nhân là chính đáng, nhưng sự thành đạt ấy phải được xã hội thừa nhận thì mới có ý nghĩa.

Trong kinh doanh, không chỉ riêng tôi mà đối với bất kỳ doanh nhân nào, việc giữ chữ tín với đối tác, khách hàng là điều quan trọng nhất. Đó là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nhân và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

* Ngày 29/12 sẽ là một cột mốc quan trọng của BTG với niềm vui “2 trong 1”: công bố tên giao dịch, logo cùng slogan mới và kỷ niệm 12 năm thành lập. Trong không khí trọng đại này, ông muốn nhắn nhủ gì tới cộng sự, khách hàng, đối tác... của mình?

- Những gì tôi muốn nói nhất đều gói gọn trong ý nghĩa của logo và slogan mới. Doanh nghiệp hay mỗi người muốn làm tốt điều gì thì đều phải có cái tâm trước đã. Cái tâm ấy cộng với tinh thần đoàn kết tập thể sẽ tạo thành niềm tin và khát vọng chung. Cái mà BTG có hôm nay chỉ là nền tảng; tầm nhìn mới, giá trị mới mà chúng tôi luôn hướng tới là khát vọng vươn lên, xứng đáng với lòng tin yêu của đối tác, khách hàng và cộng đồng.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Hiệu quả kinh doanh phải gắn với lợi ích cộng đồng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO